2024 là năm bước ngoặt của Hoa Kỳ
Thái Hóa Lộc
Thế giới có thể sẽ trở nên khác biệt vào năm 2025, tùy thuộc vào kết quả của một loạt các xung đột, các cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2024; đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc sẽ một lần nữa đặt Mỹ trở thành tâm điểm. Và cựu Tổng thống Donald Trump không phải là người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu duy nhất đang trỗi dậy; phong trào này cũng đang diễn ra ở châu Âu.
Cú sốc toàn cầu dễ thấy nhất vào năm 2024 sẽ là cuộc bầu cử của nước Mỹ khi ông Trump đang nỗ lực trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo. Trước mắt, ông Trump cho biết nếu tái đắc cử Tổng thống Mỹ, ông sẽ xem xét lại vấn đề viện trợ cho Ukraine, và thái độ của ông đối với các liên minh thậm chí có thể gây nguy hiểm cho NATO. Trừ khi có bất ổn xảy ra trong vài tuần tới ở Iowa và New Hampshire, cựu Tổng thống Trump sẽ nắm quyền kiểm soát Đảng Cộng hòa nhiều hơn so với khi ông rời Washington vào tháng 1 năm 2021. Nếu cựu Tổng thống Trump thắng thế, đây sẽ là một trong những sự trở lại đáng kinh ngạc và đáng lo ngại nhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn bị hoài nghi rằng liệu ông có đủ sức và sự nhạy bén để phục vụ trọn nhiệm kỳ thứ hai hay không. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, nếu các sự kiện chính trị, kinh tế và toàn cầu trong năm 2024 diễn ra có lợi cho ông Biden, điều này có thể giúp ông điều hướng cuộc đua để tái tranh cử. Những gì xảy ra vào tháng 11/2024 có thể thay đổi nước Mỹ mãi mãi và gây ra những làn sóng chấn động lớn trên khắp thế giới…
Ông Trump đang phải đối mặt với những nỗ lực loại ông khỏi cuộc bỏ phiếu ở một số tiểu bang. Các vụ kiện này đặt ra câu hỏi về tội nổi dậy, Tu chính án thứ 14, và liệu điều này có áp dụng trong trường hợp của ông. Hàng loạt vụ kiện đang tìm cách loại cựu Tổng thống (TT) Donald Trump khỏi cuộc tranh cử vào năm 2024, tạo ra một mùa bầu cử tổng thống ngày càng bất ổn. Tất cả những nỗ lực này đều dựa trên lập luận rằng điều khoản “nổi dậy” của Tu chính án thứ 14 cấm cựu tổng thống xuất hiện trên lá phiếu. Những nỗ lực nhằm loại cựu TT Trump một phần xoay quanh việc liệu các hành động của ông xung quanh cuộc bạo loạn ngày 06/01/2021 có đủ điều kiện để tạo thành loại hình nổi dậy được đề cập trong Mục 3 hay không. Để trả lời câu hỏi đó, các nhà quan sát đã dựa vào các ghi chép lịch sử, luật pháp liên bang, và bằng chứng xung quanh ngày 06/01.
Theo lý luận của Thẩm phán Địa hạt Colorado Sarah Wallace, cựu TT Trump đã sử dụng ngôn ngữ mà ông biết sẽ kích động bạo lực vào ngày 06/01/2021, nhưng quá mơ hồ có khả năng phủ nhận. Đối với bà, điều đó thỏa mãn yêu cầu của Mục 3 rằng một cá nhân “đã tham gia nổi dậy hoặc phiến loạn.”Tuy nhiên, một số người đã đặt câu hỏi về cách lập luận đó vì không ai trong số các bị cáo của sự kiện ngày 06/01, cũng như bản thân cựu TT Trump, từng bị buộc tội vi phạm luật liên bang liên quan đến một cuộc nổi dậy. Giáo sư luật Josh Blackman tại Cao đẳng Luật South Texas, cho biết “rất hiếm khi có vụ truy tố liên bang đối với tội nổi dậy” và nói với Click2Houston rằng những tội như “nổi dậy, phản quốc, hoặc xúi giục nổi loạn là rất, rất khó để chứng minh.”
Trong khi đó cố vấn cao cấp của cựu TT Barrack Obama là David Axelrod nói trên hệ thống CNN cho rằng việc ông Trump bị loại khỏi bầu cử sẽ chia rẽ nước và xé nát nước Mỹ. “Tôi rất nghi ngờ về tất cả những điều này. Tôi nghĩ đất nước sẽ tan nát nếu ông ấy thực sự không được phép tranh cử vì hàng chục triệu người muốn bỏ phiếu cho ông ấy”, Axelrod cảnh báo.
Ông nói, nếu đảng Dân Chủ định đánh bại Trump, họ "có thể" sẽ phải "làm điều đó tại các cuộc bầu cử". Theo cựu cố vấn đã lưu ý, những nỗ lực loại bỏ cựu tổng thống dẫn đến hiệu quả ngược: sau nhiều cáo buộc chống lại ông, cựu TT Trump chỉ trở nên nổi tiếng hơn. Axelrod thừa nhận: “Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm này và kể từ khi bắt đầu các cáo buộc chống lại ông ta, ông ấy sẽ thắng”.
Tình hình chia rẽ và có thể “xé nát” nước Mỹ theo bà Tina DeMederios, 53 tuổi ở Dartmouth, Massachusetts, là một cử tri điển hình theo kiểu “Trump — hoặc là không ai cả.”. Một “khối cử tri tiềm ẩn” sẽ đóng vai trò quyết định trong trận tái đấu giữa hai ông Trump-Biden. Bà Tina DeMedeiros, 53 tuổi, Sau khi bỏ lá phiếu đầu tiên bầu chọn tổng thống cho ứng cử viên Đảng Dân Chủ Bill Clinton vào đầu tuổi đôi mươi, bà DeMedeiros đã không còn quan tâm với bất kỳ điều gì liên quan đến chính trị. Ông Donald Trump đã trở thành một ngoại lệ đáng chú ý.
Bà DeMedeiros đã bỏ phiếu cho ông vào năm 2016 và một lần nữa vào năm 2020. Nhưng bà đã không bỏ phiếu vào năm 2018 cũng như năm 2022; bà nói rằng hầu hết những người mà bà biết cũng không bỏ phiếu thường xuyên.
“Nhà thăm dò ý kiến Rich Baris gọi những người này là cử tri kiểu “Trump — hoặc là không ai cả” — những cử tri có thể ít bỏ phiếu hơn với xu hướng chỉ bỏ phiếu khi họ biết cái tên “Donald J. Trump” sẽ xuất hiện. Giờ đây họ tạo thành một nhóm cử tri quan trọng mà các nhà phân tích khác đang bắt đầu nhận ra.
Ông Baris cho biết, cử tri ủng hộ ông Trump bao gồm nhiều người mà từ trước tới nay chưa từng bỏ phiếu hoặc hiếm khi bỏ phiếu. Nhiều nhà thăm dò ý kiến có thể gán cho những người này là những cử tri “không thể” hoặc “ít khi có thể” và có thể bỏ qua câu trả lời của họ hoặc loại họ ra, dựa trên giả định rằng họ sẽ không bỏ phiếu…
Hiện tại, phần lớn sự chú ý của cả nước Hoa Kỳ đang hướng tới Iowa. Ngày 15 tháng 1 sắp tới tại tiểu bang này; đảng Cộng Hòa và Dân Chủ sẽ tổ chức những cuộc họp mặt các đảng viên cấp sơ bộ (caucus) tại các địa điểm như các vận động trường trung học, các trụ sở sinh hoạt cộng đồng và các nhà thờ để cử tri tham dự xác định sự lựa chọn của họ vào ứng cử viên mà họ tin cậy (Presidential poll) cho cuộc bầu cử Tổng Thống sắp tới. Iowa là tiểu bang đầu tiên trên toàn quốc và tiếp tục duy trì truyền thống tổ chức sắc thái sinh hoạt chính trị này. Một tuần sau đó sẽ có cuộc bầu cử sơ bộ chung cho cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại New Hampshire vào ngày 23/1/2024. Hiến pháp của tiểu bang New Hampshire vào năm 1920 đã ghi rõ New Hampshire là tiểu bang đầu tiên tổ chức bầu cử sơ bộ cho cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Truyền thống này đã có từ hơn 100 năm, vẫn được tiểu bang New Hampshire duy trì. Tuy nhiên năm nay, TT Joe Biden đã muốn phá bỏ truyền thống này, ông ta muốn cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên được tổ chức tại South Carolina, nơi mà Joe Biden đã thắng bầu cử sơ bộ năm 2020 trước đây. Cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân Chủ tại tiểu bang South Carolina sẽ được tổ chức vào ngày 3/2/2024. Tuy nhiên tiểu bang New Hampshire vẫn quyết tâm duy trì truyền thống của mình, tiếp tục giữ vị thế là tiểu bang đầu tiên tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày 23/1/2023 . TT Joe Biden đã không ghi danh ứng cử nên phiếu bầu của tiểu bang này sẽ không có tên của Joe Biden. Cử tri Dân Chủ muốn bầu cho Joe Biden, phải viết tay tên ông ta vào phiếu…
Cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2024 đã chính thức bắt đầu. Những trò “bới móc” đã trở nên tầm thường. Thậm chí còn đưa luật pháp vào cuộc. Dẫu vậy, nó chỉ một lần nữa cho thấy sân khấu chính trị Mỹ cũng phức tạp không kém bất cứ cuộc tranh đua nào khi các đối thủ không từ các thủ đoạn để hạ gục nhau. “Chúng tôi có lịch sử nổi tiếng với những trò chính trị bẩn”, David Woodard, giáo sư chính trị ở Trường Đại học Clemson đã nói.
Cuộc bầu cử năm 2024 sắp tới dù ông Biden hay ông Trump thắng cũng sẽ là bước ngoặt lớn không những làm thay đổi chính nước Mỹ và cà thế giới tiếp theo!