Chuyện dông dài năm mới ở Mỹ: không có Trâu thì xin nói chuyện Bò.
Bò nuôi ở Texas gọi là cattle, dịch ra Hán tự là Ngưu (牛) nghĩa là Sửu, tức là Trâu. Vì ở cái “xứ cowboys” Texas USA này không có Trâu như ở Việt Nam, cho nên, trong những ngày Tết nhớ quê, xin được lấy con vật gần gũi ấy mà rằng “Lời quê chắp nhặt dông dài. Mua vui cũng được một vài trống canh” (Kiều)
Bò Texas nổi tiếng nhất là những con “Texas Longhorn” (bò sừng dài). Mặc dù nổi tiếng “như cồn” đến nỗi không ai ở Texas mà không biết đến, nhưng đã có mấy ai nhìn thấy chúng bằng da bằng thịt chưa nhỉ? hay là chỉ biết qua hình ảnh, tượng đài hoặc huyền thoại mà thôi!
Thực ra, đó là một loại bò được ông Christopher Columbus đem theo để gầy giống sau khi khám ra Tân Thế Giới Mỹ Châu.
Vì con bò Longhorn này là giống được gầy dựng ở Tân Thế Giới, cho nên phải cho nó một cái danh hiệu là ‘Tân Thế Giới Ngưu’, hay nói gọn ghẽ hơn là ‘Tân Sửu” thì mới hợp tình hợp lý!
Cái đặc điểm cuả con Tân Sửu Longhorn là nó có hai cái sừng dài lắm, đo từ dầu này qua đầu nọ dài hơn 100 inches (254cm, 2 thước rưỡi), cặp dài nhất đã đo được 127.4 inches (323cm, 3 thước 2)
Khoa Sinh vật học đã có công tìm ra giòng dõi cuả con Tân Sửu Longhorn này. Chúng thuộc một giống bò cổ xưa có gốc từ Ấn Độ, rồi lan qua các vùng Trung Đông và Âu châu cho đến tận Tây Ban Nha, gọi chung là giống aurochs. Loại bò này có sừng dài, được dân Ấn coi như thần, được thần thoại Hi Lạp kể rằng ông thần Jupiter hay đội lốt cải trang, được dân Do Thái lấy sừng làm tù và thổi kèn thúc quân và làm bình chứa dầu thánh phong vương. Cái hàm cuả nó cũng được ông Samson dùng làm khí giới đánh đuổi cả một đạo quân Philitin!
Con Longhorn cuả Texas có 15% gốc auroch từ Ấn Độ, 85% còn lại là lai giống với những chủng loại nội địa khác.
Qua nhiều thế kỷ, những con Longhorn xổng chuồng đã trở thành một loại bò hoang ở vùng đồng cỏ mênh mông cuả Texas. Chúng sinh nở nhanh chóng nhờ chịu được khí hậu khô cháy và có thể tự vệ chống lại các loài dã thú dữ tợn như lang sói.
Khi người da trắng đến Texas lập nghiệp, họ đã lai giống bò hoang với các loại bò thịt nổi tiếng khác. Việc chăn nuôi thời đó dựa theo thể thức như sau, là sau khi đã đóng dấu chủ quyền rồi, người ta thả bò ra miền đồng cỏ hoang vu để mặc cho chúng sinh sôi nẩy nở. Khi muà Xuân đến, trại chủ thuê cowboys đi luà bò về theo dấu ấn cuả mình, lúc đó các con bê đang đi theo bú mẹ cũng bị ông chủ nhận vơ lấy làm cuả mình và bị đóng dấu chủ quyền. Đàn bò sẽ được lựa lọc, con thì để bán làm thịt, con thì để làm giống và thả ra cho đến năm sau. Sau mỗi năm như vậy, đàn bò do “Trời sinh Trời dưỡng” được tăng lên cấp số nhân, làm giàu cho các ông chủ mà hằng ngày chẳng phải bỏ ra một chút công lao khó nhọc nào.
Sau cuộc Nội Chiến (1861-1865), nhu cầu thịt bò ở miền Bắc thì cao và giá bò ở Texas thì thấp (vì sau 4 năm số bò đã tăng trội mà không có thị trường) đã tạo ra một cơ hội kinh doanh lớn. Vào năm 1866, nếu có ai mua một con bò Longhorn từ Texas với giá là 4 đô mà đưa lên Kansas thì sẽ bán được 40 đô, 1 ăn 10. Do đó phong trào luà bò lên Kansas trở thành rầm rộ kéo dài gần 20 năm trời.
Nhưng không phải ai ai cũng thoải mái với việc những đàn bò đầy ve (ticks) đi ngang qua nhà cuả mình và gây lây nhiễm cho đàn gia xúc, cho nên các thành phố ở dọc đường đã tìm cách ngăn cản không cho đi qua. Ngay cả trước khi có Nội chiến, vào năm 1853, nông dân ở Missouri đã lập ra những đội dân quân tự vệ để đánh đuổi những người chăn bò và vào năm 1859 thì hầu hết các quận cuả Missouri đã đặt ra ngoài vòng pháp luật việc luà bò đi ngang. Cho nên sau khi hoà bình trở lại, việc luà bò từ Texas đi lên Kansas đã phải đổi hướng qua các miền hoang vu ở phiá Tây, tức là đi qua Oklahoma, lúc đó còn là đất cuả người Da Đỏ.
Việc luà bò thường xảy ra vào muà Xuân khi trời bắt đầu mưa và cỏ non bắt đầu mọc. Giống như mọi hoạt động viễn du liên hệ đến thú vật ngày xưa, kể cả các cuộc viễn chinh dùng ngựa thì phải đợi muà Xuân mới xuất phát được, công việc luà bò xuyên bang từ Texas cũng bắt đầu vào muà Xuân và đồng thời lợi dụng những ngày dài cuả tháng 6 để có thể dẫn bò đi xa hơn mỗi ngày.
Nhưng muà Xuân thì hay mưa, các con suối nhỏ có thể trở thành giòng sông lớn hoặc gây lũ lụt bất ngờ, thêm vào đó hoạt động săn bắn cuả những bộ lạc Da Đỏ sống ở Oklahoma cũng bị trở ngại, cho nên những người luà bò, ngoài việc chiến đấu với thiên nhiên, lại phải nộp tiền mãi lộ cho các bộ lạc Da Đỏ để được an toàn.
Con đường luà bò đầu tiên có tên là The Chisholm Trail (đường mòn Chisholm), do ông Jesse Chisholm, một người lai Da Đỏ, xử dụng để vận chuyển hàng hoá và xúc vật cho công việc kinh doanh cuả ông với các đồn bót khác nhau dọc theo biên giới miền Tây.
Vào năm 1866, một lái buôn tên là O. W. Wheeler đã mạo hiểm sử dụng con đường mòn cuả Jesse Chisholm để luà 2.400 con bò từ Texas tới Abilene, Kansas cho một hãng thịt mới mở là hãng McCoy. Cuộc hành trình kéo dài 2 tháng trời cực khổ nhưng thành công. Đây là nhóm bò đầu tiên cuả một tổng số 5 triệu con sẽ đi theo lộ trình này.
Ngày nay bên cạnh toà thị chính cuả Dallas, nơi từng là một trạm nghỉ cuả Chisholm Trail, người ta đúc hơn 100 con bò bằng đồng to như thật để kỷ niệm sự kiện lịch sử chăn bò ở đây. Mỗi khi có khách tới thăm Dallas, chúng tôi vẫn thường dẫn tới đây (địa chỉ là Chisholm Trail Cattle Drives) để mà có dịp “khoe khoang” về… sự tích con Bò!
Câu chuyện chăn bò không kết thúc với sự mai một cuả Chisholm Trail, từ năm 1876 một con đường mới tên là Texas Trail đã thay thế Chisholm Trail và tồn tại cho đến năm 1884, tới lúc đó thì các trang trại tư nhân đã được phép thành lập và người ta bắt đầu rào đất không cho xúc vật đi lang thang như ngày xưa nữa.
Cả hai con đường mòn nói trên đã là phong cảnh cho nhiều cuốn phim cowboys miền Tây đầy màu sắc cuả Hoa Kỳ, nổi tiếng nhất là những phim Red River và The Cowboys do tài tử John Wayne thủ vai chánh.
Khi vùng đồng cỏ cuả Texas được tư hữu hoá với những nông trại (farm) và trang trại (ranch), thì loại thịt dai cuả bò Longhorn cũng không cạnh tranh nổi với loại thịt mềm cuả bò nuôi được nữa cho nên con Tân Sửu này từ từ suy thoái. Ngày nay chúng sở dĩ còn tồn tại được nhờ vào sự bảo vệ cuả Sở Kiểm Lâm (United States Forest Service). Chúng được bảo tồn trong khu lâm viên Wichita Mountains Wildlife Refuge, gần thành phố Lawton, Oklahoma.
Người ta còn nhớ đến chúng vì trường đại học University of Texas ở Austin lấy cái sừng dài làm biểu hiệu cho đội banh nổi tiếng cuả họ.
Nhưng mới đây một phong trào nuôi bò Longhorn lại được khơi dậy và trở nên sôi nổi. Công đầu là cuả một trang chủ tên là Charlie Schreiner III. Năm 1957 ông mua 5 con bò cái và một con bò đực, mỗi con với giá rẻ mạt là 75 đô từ Wichita Mountains Wildlife Refuge, để gây giống trong trang trại cuả ông, mục đích là để tưởng nhớ đến công lao cuả người ông nội đã sáng lập ra trang trại có tên là Y O này.
Nhiều trang chủ khác cũng lần lượt nhập bọn và thi đua gây giống Longhorn, họ thành lập ra một hội gọi là the Texas Longhorn Breeders Association of America (Hội gây giống Longhorn cuả Mỹ Châu).
Để quảng bá cho hội, năm 1966 ông Charlie tổ chức một pha ‘luà bò’ (cattle drive) từ San Antonio, Texas đi tới Dodge City, Kansas để kỷ niệm 100 năm Chisholm Trail. Khi đi qua con sông Red River, là biên giới giữa Texas và Oklahoma, ông đã thuê người Da Đỏ đóng kịch tấn công đàn bò cho có vẻ thật…Cuộc tấn công ‘có vẻ như thật’ ấy đã giống thật quá sức, đến nỗi đàn bò bị hoảng loạn chạy tứ tung ra khắp phố phường làng xóm. Tội nghiệp cho đám cowboys ‘giả’ phải mất công săn đuổi trên 4 giờ dài mới thu quân xong.
Cái cảnh tượng dân chúng lũ lượt kéo nhau đi xem cuộc “bắt bò lạc” và tung hô Bò vang dội mỗi khi có một “em bò” thơ ngây thoát khỏi cảnh bao vây cuả đám cowboys vừa vất vả, vừa mồ hôi nhuễ nhoại, lại vừa có những bộ mặt cực kỳ âm mưu…đã trở thành nguồn hứng khởi cho một phong trào dân giả coi cuộc sống chăn bò là thi vị!
Có lẽ vì vậy mà trường đại học Texas Tech ở Lubbock, vào năm 1976, xin ông Charlie lập lại cuộc ‘luà bò’ một lần nữa để khai mạc cho cơ sở National Ranching Heritage Center cuả họ (trung tâm Di sản quốc gia về Trang Trại).
Và hơn thế nữa, vào năm 1995, quốc hội cuả Texas tạo ra một danh dự mới toanh, tuyên bố con bò Longhorn là “quí vật loài có vú” của Tiểu Bang (State mammal).
Cũng nhờ thế mà giá bò Longhorn trở thành “đắt như tôm tươi”. Vào đầu thế kỷ 21 một con Longhorn chính gốc đã có giá là 40 ngàn đô. Vào tháng 3 năm 2017, một con bò nái tên là 3S Danica và con bê đầu lòng cuả nó đã được bán đấu giá với một số tiền kỷ lục là 380 ngàn đô! Đúng là “tiền vào như nước!”
Không biết qua năm Tân Sửu mới này, là năm ‘cầm tinh’ cuả con Longhorn, thì giá trị cuả loại bò này sẽ phải như thế nào nhỉ?
Chắc sẽ phải là “tiền vào như nước lũ” đấy! Âu đó cũng là lời chúc năm mới cho tất cả quí vị độc giả vậy!
Trần Mạnh Trác
(Nguồn VietCatholic News)