Chuyện gì sẽ xảy ra sau cuộc tranh luận 27-6?
Thái Hóa Lộc
Ngày 27 tháng 6 đã đến. Cuộc tranh luận lần đầu tiên của Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu mặc dù cả hai đều chưa chính thức được Đại hội đảng bầu chọn là người đại diện đảng tham gia cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới.
Theo trang Vanity Fair, Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa sẽ diễn ra tại trung tâm TP Milwaukee (tiểu bang Wisconsin) từ ngày 15 đến 18-7, quy tụ hơn 50.000 người, bao gồm 2.429 đại biểu đảng Cộng hòa. Tính đến hiện nay, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giành được 2.242 đại biểu, điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ là đại diện đảng Cộng hòa của ông đấu với đại diện đảng Dân chủ. Các ứng viên khác như bà Nikki Haley, ông Ron DeSantis, và ông Vivek Ramaswamy đều đã bỏ cuộc.
Về công tác chuẩn bị cho đại hội toàn quốc sắp tới, các thành viên và lãnh đạo đảng Cộng hòa vẫn đang phải đối mặt những rắc rối về hậu cần, bao gồm những lo ngại về an ninh cũng như phương diện tài trợ. Vì là sự kiện lớn và quy tụ nhiều thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa, nên vấn đề về an ninh đại hội và an toàn cho người tham dự được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là khả năng cao các cuộc biểu tình sẽ xảy ra tại khu vực xung quanh đại hội. Vẫn theo Vanity Fair, cho đến nay, hơn 70 nhóm đã đăng ký biểu tình phản đối hội nghị thông qua tin chính thức của Thành phố Milwaukee. Tháng 3 này, Hội đồng chung Thành phố Milwaukee đã thông qua các quy tắc yêu cầu người biểu tình chỉ được diễu hành dọc theo một tuyến đường cụ thể mà hội đồng đã chỉ định. Tuy nhiên, nhiều tổ chức khu vực đã chỉ trích gay gắt quyết định của Hội đồng chung TP Milwaukee vì cho rằng các quy định này vi phạm quyền tự do ngôn luận của người biểu tình. Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ Kimberly Cheatle cho biết rằng các kế hoạch an ninh đến nay vẫn chưa được hoàn thiện.
Về phía Dân chủ cũng đang chuẩn bị tổ chức Đại hội toàn quốc đảng tại tiểu bang Chicago từ ngày 19 đến 22-8. Sự kiện cũng sẽ thu hút khoảng 50.000 người tham dự, gồm các đại biểu, giới truyền thông, nhà tài trợ,...
Theo đài CNN, tại đại hội sắp tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chính thức được bầu chọn để trở thành đại diện đảng Dân chủ tham gia tranh cử tổng thống Mỹ 2024. Ông hiện nhận được sự ủng hộ của 3.894 đại biểu từ các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng. Thật ra ứng cử viên chỉ cần giành được sự ủng hộ ít nhất 1.968 đại biểu của đảng Dân chủ thì đã chắc vé đại diện đảng này tranh cử. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang toan tính làm cách nào để bảo đảm an ninh cho đại hội đảng toàn quốc sắp tới trong bối cảnh người dân Mỹ có kế hoạch biểu tình. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang tích cực chuẩn bị nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an ninh tại các kỳ đại hội đảng toàn quốc sắp tới. Vấn đề về an ninh cũng là mối quan tâm hàng đầu của đảng Dân chủ trong bối cảnh hiện nay. Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ lo ngại người dân sẽ biểu tình diện rộng tại thời gian diễn ra đại hội để phản đối chính sách của chính quyền ông Biden đối với cuộc chiến ở Dải Gaza.
Trước tình hình này, các quan chức Sở Mật vụ và cảnh sát Chicago đang tăng cường bố trí an ninh cho đại hội. Giới lập pháp đảng Dân chủ cũng đang tính đến chuyện tổ chức đại hội theo hình thức trực tuyến, tương tự như sự kiện được tổ chức vào năm 2020 trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, lựa chọn này hiện vẫn đang bỏ ngỏ do nhiều nhà lập pháp nội bộ đảng hoài nghi về tính hiệu quả của đại hội…
Nhiều người thắc mắc và tự chia sẻ là mục đích của Đại hội Đảng Dân Chủ cũng như Đảng Cộng Hoà bầu người đại diện đàng ra tranh cử trong khi đó theo tiến trình bầu cử sơ bộ mà ai cũng biết là Tổng thống Joe Biden sẽ chính thức đại diện Đảng Dân Chủ và cựu Tổng thống Donald Trump đại diện Đảng Cộng Hoà. Sự kiện tranh luận trước ngày Đại hội đàng có điều gì khó hiểu không? Hay sau cuộc tranh luận sẽ có sự thay đổi trước khi tổ chức Đại Hội Đảng? Vì cả hai ông Joe Biden và Donald Trump đều chưa được Đại hội đảng thông qua! Do đó, cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên của Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump nay vào ngày 27/6 rất quan trọng. Sự kiện do CNN tổ chức tại trường quay ở thành phố Atlanta, bang Georgia.
Điều này được CNN mô tả mang tính lịch sử, bởi đây là cuộc tranh luận đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm với người tiền nhiệm. Đây còn là cuộc tranh luận đầu tiên có sự tham gia của ông Biden hoặc ông Trump kể từ năm 2020.
"Cuộc tranh luận có thể là thời khắc mang tính quyết định trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc", CNN bình luận. Mùa bầu cử tổng thống Mỹ năm nay được định hình sớm hơn thường lệ, với hai ứng viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa đều được rất nổi tiếng và không có đối thủ nào đáng gờm trong nội bộ. Hai ứng viên đều đang chuẩn bị theo cách riêng cho cuộc đối đầu. Ông Biden dự kiến làm việc tại Trại David, tiểu bang Maryland trong vài ngày, có thể là cả tuần để vạch chiến lược tranh luận, các nguồn thạo tin nói với NBC News. Ông Trump cũng đang âm thầm chuẩn bị, củng cố lập trường chính sách và tránh có phát ngôn khoa trương quá mức.
Tổng thống Biden được cho là đến Trại David tối 20/6 và sẽ ở lại đây ít nhất đến ngày 24/6. Hầu hết thời gian sẽ được dành để chuẩn bị cho đêm tranh luận, theo các quan chức Tòa Bạch Ốc và chiến dịch tranh cử của ông Biden. CNN cho biết ông Biden đã tập hợp các trợ lý thân tín về Trại David. Đây là nơi ông chuẩn bị cho những sự kiện quan trọng, như soạn Thông điệp Liên bang hồi tháng 3. Cựu chánh văn phòng của ông Biden, Ro Klain, đang nỗ lực hỗ trợ ông Biden. Ngoài quen biết và làm việc cho ông Biden nhiều năm, Klain còn là "huấn luyện viên tranh luận" dày dạn kinh nghiệm nhất của phe Dân chủ, từng làm việc với các ứng viên đảng này trong gần như mọi cuộc bầu cử tổng thống suốt 30 năm qua.
Trong khi đó, ông Trump được cho là tìm đến sự hỗ trợ từ các ứng viên phó tổng thống tiềm năng, thượng nghị sĩ, chuyên gia chính trị và các đồng minh khác. Vài tuần gần đây, ông Trump tham gia hơn 10 cuộc gặp riêng, được chiến dịch tranh cử của ông mô tả là "thảo luận chính trị". Chủ đề trong các cuộc gặp đa dạng, từ "mài dũa" thông điệp của ông Trump về kinh tế, vấn đề biên giới, tội phạm đến quan điểm về phá thai, chiến sự ở Trung Đông và Ukraine cũng như cách ứng phó với phán quyết "có tội" ở New York. Ông Trump cũng dự định công kích ông Biden về cách ứng phó người nhập cư và kinh tế, các vấn đề được đánh giá là điểm yếu của ông Joe Biden.
"Với những thiệt hại đã gây ra qua lạm phát, chính sách mở cửa biên giới và đối ngoại yếu kém, Tổng thống Biden cần phải mô phỏng tranh luận để tìm cách lý giải mớ hỗn loạn mà Mỹ đang phải đối mặt", Brian Hughes, cố vấn của ông Trump, nói. "Ông Trump tham gia hàng loạt cuộc phỏng vấn mỗi tuần, đứng phát biểu thời gian dài tại các sự kiện vận động, thể hiện sự bền bỉ tuyệt vời", một cố vấn khác là Jason Miller cho biết. "Ông ấy không cần trợ lý phải 'lập trình' hay sử dụng chất kích thích như ông Biden".
Cuộc tranh luận còn là cơ hội để ông Trump và ông Biden thu hút sự ủng hộ từ cử tri còn do dự, trấn an những lo ngại về tuổi tác của hai ứng viên. Ông Biden, 81 tuổi, là tổng thống Mỹ đương nhiệm cao tuổi nhất lịch sử. Trong khi đó, ông Trump bước sang tuổi 78 hôm 14/6.
Kết quả thăm dò do Reuters/Ipsos công bố tuần trước cho thấy khoảng 20% cử tri vẫn chưa lựa chọn ứng viên để bỏ phiếu. Họ đang nghiêng về phương án ứng viên độc lập hay đảng phái khác, hoặc không tham gia bỏ phiếu ngày 5/11.
Hai ứng viên tổng thống đã đồng thuận các quy tắc cho cuộc tranh luận. CNN ngày 20/6 tổ chức tung đồng xu để xác định vị trí bục phát biểu và ứng viên phát biểu cuối. Chiến dịch tranh cử của ông Biden thắng và chọn bục phát biểu bên phải, đồng nghĩa ông Trump sẽ là người kết thúc buổi tranh luận. Chúng ta hãy chờ xem những gì sẽ xảy ra sau cuộc tranh luận 27 tháng 6!