Chuyến đi “trong thùng thuốc súng” của TT Joe Biden
Thái Hóa Lộc
Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel vào thời điểm xung đột Israel – Hamas như một thùng thuốc súng. Thành công hay thất bại đã đặt ra ngay sau vụ nổ bệnh viện ở Dãi Gaza, khiến hàng trăm người thiệt mạng…
Jordan đã huỷ bỏ hội nghị dự kiến diễn ra vào ngày 18 tháng 10 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo Trung Đông. Bộ trưởng Ngoại giao nước này tuyên bố. Và cũng theo hãng tin Reuters, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Biden ở Jordan, sau đó Quốc vương Abdullah của Jordan sẽ không xảy ra. Tác động này đưa đến quyết định hủy bỏ toàn bộ hội nghị được cho là cơ hội để ông Biden gặp gỡ các lãnh đạo Ai Cập và Palestine. Ngoại trưởng Jordan - Ayman Safadi nói trên kênh Al Jazeera Arabic vào sáng sớm 18 tháng 10: “Không có ích gì để làm bất cứ điều gì vào lúc này ngoài việc dừng cuộc xung đột. Không có lợi ích gì cho bất kỳ ai khi tổ chức hội nghị vào thời điểm này.”
Ông Dina Kawar - Đại sứ Jordan tại Mỹ cũng nói với CNN rằng hội nghị thượng đỉnh bị hủy bỏ. Kawar cho biết chính quyền Mỹ đã được thông báo rằng đây không phải là thời điểm thích hợp. Việc không gặp ông Abbas hoặc bất kỳ quan chức Palestine nào trong khi tiếp tục gặp các quan chức Israel ở Tel Aviv có thể làm suy yếu thông điệp ngoại giao của Tổng thống Biden, làm dấy lên những lời chỉ trích trong và ngoài nước. Các quan chức Palestine và phong trào Hamas đã đổ lỗi cho Israel về vụ nổ bệnh viện, trong khi giới chức Israel cho rằng nguyên nhân vụ nổ là do một vụ phóng rocket thất bại của nhóm Thánh chiến Hồi giáo - nhóm vũ trang mạnh thứ hai ở Dải Gaza…Chuyến đi của Tổng thống Joe Biden Israel lần này đã mất đi mục đích và ý nghĩa trong khi nguy hiểm vây quanh.
Tòa Bạch Ốc đã xác nhận chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Mỹ vào tối ngày 16 tháng 10, sau khi ông Biden gặp các quan chức tình báo hàng đầu và các cố vấn thân cận nhất tại Phòng Bầu dục, để thảo luận về việc có nên chấp nhận lời mời của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hay không. Trong cuộc họp ngắn với các phóng viên, ông John Kirby - phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia cho biết ông Biden sẽ tập trung vào "nhu cầu cấp thiết đưa hỗ trợ nhân đạo vào Gaza, cũng như những người vô tội có thể chạy ra khỏi vùng xung đột". Theo kế hoạch, tổng thống sẽ có các cuộc gặp ở Tel Aviv và Amman (Jordan), với các nhà lãnh đạo Jordan, Ai Cập và chính quyền Palestine. Dù ủng hộ việc lật đổ Hamas, ông Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken cũng cảnh báo chính quyền ông Netanyahu rằng một khi thế giới chứng kiến Israel cho nổ tung các tòa nhà và gây thương vong cho người Palestine, thì sự đồng cảm có thể thay đổi đáng kể. Thế giới sẽ ít tập trung hơn vào vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10, mà tập trung nhiều hơn vào phản ứng tàn bạo của Tel Aviv. "Chúng tôi không muốn thấy thêm bất kỳ sự đau khổ nào của dân thường", ông Kirby nói.
Chuyến thăm của ông Biden là sự thể hiện việc ủng hộ rất lớn đối với Israel giữa chiến tranh, giống như chuyến đi thăm Ukraine bất ngờ của ông vào tháng 2-2023, khi Kiev đang chuẩn bị chiến dịch quân sự lớn. Lần này, ông Biden có mặt tại Jerusalem khi hàng trăm ngàn binh sĩ Israel sẵn sàng tràn qua Gaza để tiêu diệt Hamas. Rủi ro an ninh là điều chắc chắn khi mà ông Blinken mới đây trong cuộc gặp với ông Netanyahu và nội các Israel tại một căn cứ quân sự đã phải xuống hầm trú ẩn vì tiếng còi báo động hỏa tiển của Hamas. Tuy nhiên, ông Kirby cho rằng những rủi ro ở Tel Aviv được coi là "đủ thấp" để có thể thông báo trước. Ông Biden cũng từng nói rằng ông cảm thấy rất thoải mái ở Israel. Trong khi đó, những rủi ro chính trị đối với ông Biden rất khó đo lường. Trong thông điệp kêu gọi Israel thận trọng trên Đài CBS cuối tuần qua, ông Biden đã cảnh báo Tel Aviv sẽ phạm "sai lầm lớn" nếu Israel chiếm đóng Gaza một lần nữa. Tel Aviv phủ nhận nhưng cũng không nói rõ ai sẽ kiểm soát Dải Gaza khi không có Hamas, hoặc làm thế nào để ngăn một nhóm tương tự trỗi dậy từ đống tro tàn của thành phố Gaza.
Ông Biden khi đó đã kêu gọi "cần phải có chính quyền Palestine; cần phải có một con đường dẫn đến một nhà nước Palestine". Theo báo New York Times, các chuyến thăm của ông Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và bây giờ là Tổng thống Biden, một phần nhằm mục đích buộc các quan chức Israel phải suy nghĩ về việc làm sao để không bị kẹt ở Gaza và không bị coi là thờ ơ với dân thường Palestine.
"Biden tin rằng ông ấy có thẩm quyền đạo đức ở đây. Ông ấy đã đứng lên vì nhà nước Israel. Ông tin rằng việc giải tán Hamas là đúng. Nhưng ông muốn chứng tỏ rằng mình cũng đại diện cho nhân loại", ông Thomas R. Nides, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, nhận định. Chính quyền ông Biden đang cố gắng câu giờ, chẳng hạn việc giữ các quan chức Mỹ ở Jerusalem buộc phía Israel phải tiếp tục cân nhắc kế hoạch tấn công Dải Gaza. Và giả sử Mỹ đặt điều kiện hoãn tấn công để ông Biden đến thăm, chuyến thăm lần này sẽ cho người dân Gaza có thêm thời gian di tản. Dù vậy, Washington đến nay không lên tiếng chỉ trích việc Israel cắt nguồn điện và thực phẩm cho Gaza. Khi ông Blinken gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi để thuyết phục nước này mở cửa cho người Palestine, ông Sisi chỉ trích Mỹ và các đồng minh bị sốc vì vụ tấn công Israel còn hơn việc người Palestine bị giam cầm gần 17 năm ở Gaza.
"Chúng ta cần hiểu rằng đây là kết quả của sự giận dữ và hận thù tích tụ trong suốt 4 thập kỷ, nơi người Palestine không còn hy vọng tìm ra giải pháp", ông Sisi nói.
Không giống như các tổng thống trước từng thúc giục Israel kiềm chế trong các cuộc xung đột trước đây, ông Biden nhấn mạnh rằng Israel có mọi quyền để tự vệ. Ông Richard Fontaine - lãnh đạo Trung tâm An ninh Mỹ mới - cho rằng chuyến thăm của ông Biden "sẽ là sự tái khẳng định rằng thay đổi chế độ ở Gaza là lựa chọn đúng đắn". Ông Biden đã thể hiện sự ủng hộ cho Tel Aviv bằng việc điều động các tàu chiến và máy bay Mỹ tới khu vực để ngăn chặn Iran và Hezbollah mở rộng chiến tranh. Hai nhóm tác chiến tàu sân bay, USS Gerald R. Ford và USS Dwight D. Eisenhower, đã được bố trí để có thể tấn công các địa điểm hỏa tiễn của Hezbollah ở Lebanon hoặc nơi khác. Đối với chính trị trong nước, chuyến thăm của ông Biden sẽ thể hiện quan điểm đối lập rõ ràng với người tiền nhiệm và cũng là đối thủ trong cuộc bầu cử 2024, cựu tổng thống Donald Trump. Ông Trump tự nhận mình là người ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất khi còn đương chức, nhưng đã chỉ trích ông Netanyahu trong những ngày đầu khi Tel Aviv phản công, có thể do ông Netanyahu thừa nhận việc ông Biden đắc cử tổng thống.
Chuyến đi của tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh đầy thách thức… Sứ mạng của tổng thống Mỹ càng trở nên khó khả thi hơn khi diễn ra đúng vào lúc một cuộc oanh kích đẫm máu nhắm vào một bệnh viện ở Gaza. Mục đích của chuyến đi mang tính cách ‘‘Nghĩa vụ’’ hơn ngoại giao là nhấn mạnh đến mâu thuẫn cao độ giữa hai mục tiêu của ông Biden trong chuyến đi này. Thứ nhất là củng cố lập trường cương quyết loại trừ Hamas của đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông. Và mục tiêu thứ hai là ‘‘xác định các giới hạn cho giai đoạn mới của cuộc chiến tại dải Gaza’’. Hai mục tiêu không thể dung hòa. Theo Libération kết luận: ‘‘Ông Biden có nghĩa vụ về đạo lý và chính trị giải thích với đồng minh là sự đồng cảm của Mỹ không đồng nghĩa với việc Washington chấp nhận mọi hành động giết người hàng loạt để trả thù’’. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng với việc đến Israel với thời điểm này, ông Biden rõ ràng đã tự buộc chặt mình vào bất kỳ cuộc tấn công nào sắp tới của Israel.
Chuyến thăm kéo dài 8 giờ đồng hồ của ông Biden diễn ra chỉ 1 ngày sau vụ đánh bom một bệnh viện ở Dải Gaza, khiến hơn 500 người Palestine thiệt mạng và nhanh chóng gây ra làn sóng phẫn nộ khắp thế giới Ả-rập.
“Từ góc độ rủi ro, ông Biden đang bị ràng buộc vào bất cứ điều gì Israel quyết định làm ở Dải Gaza”, Jon B. Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, đánh giá.
Theo nhà nghiên cứu này, Tổng thống Biden có thể đang đánh cược rằng việc an ủi, đàm phán và hỗ trợ Israel sẽ giúp ông có ảnh hưởng lớn nhất trong việc định hình hành động của Tel Aviv. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Biden nhằm thúc đẩy việc thông qua gói viện trợ hàng tỷ đô la tại Quốc hội Mỹ có thể sẽ gây ra tranh cãi về cách sử dụng tiền thuế của người dân.
Trong khi đó, việc Mỹ phủ quyết một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về kêu gọi ngừng bắn khiến một số đồng minh tức giận.
Tổng thống Biden cho biết, Mỹ sẽ cung cấp 100 triệu USD để viện trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng. Mỹ kêu gọi Israel cho phép chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến người Palestine.
Tòa Bạch Ốc thừa nhận cần phải giải thích rõ hơn về chính sách của Tổng thống Biden với Israel trước dư luận trong nước.
Sau khi rời Tel Aviv, ông Biden họp báo ngay trên chuyên cơ để thông báo với đoàn phóng viên rằng ông đã làm việc với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi để mở cửa khẩu Rafah, cho phép các chuyến hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
Ezra Cohen, một thành viên tại Viện Hudson và là cựu thứ trưởng bộ quốc phòng phụ trách tình báo Mỹ, cho rằng việc giữ uy tín có thể trở nên khó khăn hơn đối với ông Biden nếu Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ và gây thương vong nghiêm trọng cho dân thường. Ông Cohen cho rằng Tổng thống Mỹ "sẽ phải rất quan tâm đến việc giải thích cho người dân Mỹ rằng Israel tuân theo luật chiến tranh".
Tình hình này chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều năm nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm vận động các đối tác trong thế giới Ả-rập và Hồi giáo, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ả-rập Xê-út, từ Ai Cập đến Qatar. Mỹ vốn hy vọng việc cải thiện các mối quan hệ đó sẽ giúp Israel an toàn hơn, đối trọng với các đối thủ của Washington, từ Tehran đến Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, đồng thời giữ khí giá dầu khí trong khả năng kiểm soát.
Nỗ lực ngoại giao nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Ả-rập Xê-út với Israel đang bị đóng băng, còn Tổng thống Biden cố gắng ngăn cuộc chiến lan rộng có thể nhấn chìm Trung Đông và dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp với Iran. Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Tác động trực tiếp sau vụ nổ bệnh viện Dãi Gaza dù thủ phạm là ai thì chuyến đi nhiều bất trắc vừa qua của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không còn mang nhiều ý nghĩa ngoại giao trong khi còn hao tốn thêm công quỹ nhà nước.