Cuộc chiến có cân sức

Thái Hóa Lộc

Ngày 5.8 Phó Tổng thống Kamala Harris đã chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, sau khi kết thúc vòng bỏ phiếu trực tuyến trong 5 ngày của đảng và ngày 6.8 đã chọn Thống đốc bang Minnesota Tim Walz là người sẽ đồng hành trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm nay…

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang bước vào giai đoạn sôi nổi đầy kịch tịch từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Với những cuộc bầu cử tổng thống đã qua, nền chính trị trong nước của Mỹ ngày càng thay đổi và khác biệt so với truyền thống. Đằng sau điều này là những biến đổi phức tạp mà Mỹ, là một quốc gia tư bản đứng đầu thế giới tự do, đang trải qua biến đổi về cơ cấu xã hội. Khi hiểu rõ những thay đổi trong cơ cấu xã hội, lập trường chính trị căn bản của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ hiện nay ở Mỹ, chúng ta mới có thể có được hiểu biết sâu sắc hơn về nội tình của nền chính trị Mỹ, cũng như hiểu được sự lên bổng xuống trầm và chiến lược công thủ của hai đảng này.

Đối với những người Việt tỵ nạn đặc biệt là những người thế hệ đi trước với phong tục và truyền thống ngày xưa không thể chấp nhận một vị nguyên thủ như Phó Tổng thống Kamala Harris:

Đàn bà chưa nói đã cười

Lương duyên vất vả, cuộc đời truân chuyên

Tuy nhiên trong xã hội hậu hiện đại, cơ cấu xã hội, các nhóm xã hội và bản sắc chính trị của con người ở các nước phát triển như Hoa Kỳ đã nảy sinh những biến đổi mang tính lịch sử và tư cách con người đã đổi khác. Trong đó, lập trường chính trị của cử tri Mỹ ngay cả người Mỹ gốc Việt  đã không còn đơn thuần dựa trên đạo đức, kinh tế, mà đã chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như sắc tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác… Sắc tộc là yếu tố có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong số này. Điều này phản ánh tính đa nguyên và phức tạp được cấu thành bởi bản sắc chính trị và các nhóm chính trị trong xã hội hiện đại. Sự thay đổi này đòi hỏi chúng ta phải có hiểu biết sâu sắc hơn về nội tại của nền chính trị Mỹ, nhằm đáp ứng những xu thế mới trong bầu cử…

Dựa vào những yếu tố trên, Bà Harris không phải là một người đàn bà tầm thường để ông Trump khinh địch. Bà đã kịp thời thay đổi dưới vỏ bọc khác khi Tổng thống Biden dừng cuộc đua và tấn phong cho bà tiếp tục so tài với cựu Tổng thống Donald Trump. Bà đã khai triển chiến dịch thu hút sự ủng hộ từ những cử tri Cộng hòa không ưa ông Trump, nhằm giành thêm lợi thế trong cuộc đua. - "Tôi đã nhận ra nỗi thèm khát quyền lực, mong muốn trả thù và trừng phạt của Donald Trump là động lực thực sự để ông ấy tranh cử. Đó là lý do tôi không thể khoanh tay đứng nhìn khi Trump đang cố hủy hoại đất nước chúng ta", cựu Dân biểu Denver Riggleman cho biết trong tuyên bố được chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris công bố ngày 4/8. Điều đặc biệt là những lời công kích ông Trump quyết liệt như vậy không phải đến từ một người thuộc phe Dân chủ. Riggleman là thành viên đảng Cộng hòa, từng hai lần được ông Trump ủng hộ trong các cuộc tranh cử vào Hạ viện.

Thông điệp chỉ trích Trump của Riggleman là một phần trong sáng kiến "Người Cộng hòa ủng hộ Harris", nhằm vào các thành viên Cộng hòa bất mãn với cựu tổng thống. Sáng kiến được chiến dịch tranh cử của bà Harris triển khai từ ngày 4/8, nhằm thu hút sự ủng hộ từ những "người ghét Trump" bên trong đảng Cộng hòa.

Đây là "chiến dịch nằm trong chiến dịch", theo đội ngũ của bà Harris. Sáng kiến đã thu hút được hơn 25 thành viên, gồm nhiều cựu dân biểu và một số cái tên nổi bật trong đảng Cộng hòa, như cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, cựu bộ trưởng giao thông vận tải Ray LaHood. Những người này sẽ xuất hiện trong các cuộc vận động của Phó tổng thống Harris trong tuần này tại các bang chiến trường Arizona, Bắc Carolina và Pennsylvania.

Bà Harris muốn dựa vào những người có tiếng nói trong đảng Cộng hòa để chĩa mũi dùi vào ông Trump, đặc biệt là nhóm cử tri từng ủng hộ bà Nikki Haley trong vòng bầu cử sơ bộ. Bà Haley dừng tranh cử hồi tháng 3, nhưng vẫn có hàng trăm nghìn cử tri Cộng hòa bỏ phiếu cho bà tại những cuộc bầu cử sơ bộ sau đó.

Hãng tin AP nhận định chiến dịch Harris đang tìm cách thiết lập "một cơ chế thông suốt" dành cho những cử tri Cộng hòa muốn bỏ phiếu cho bà Harris, nhưng e ngại bị quy kết là "phản bội đảng". Yếu tố cốt lõi của nỗ lực này là tạo cơ hội để các cử tri Cộng hòa có chung quan điểm được tương tác với nhau.

"Chúng tôi muốn người Cộng hòa nói chuyện với người Cộng hòa", theo Austin Weatherford, giám đốc phụ trách nỗ lực tiếp cận đảng Cộng hòa của bà Harris. "Cách tốt nhất để một cử tri Cộng hòa bỏ phiếu cho bà Harris là nghe lời khuyên từ một cử tri Cộng hòa có cùng lựa chọn".

Weatherford từng là chánh văn phòng của cựu Dân biểu Cộng hòa bang Illinois Adam Kinzinger. Kinzinger ủng hộ cặp Biden - Harris từ trước khi Tổng thống Joe Biden rời cuộc đua, sau đó chuyển sang ủng hộ bà Harris…

Những sự kiện diễn biến này chắc chắn cựu Tổng thống Trump và ban vận động tranh cử của ông đang nghiên cứu. Từ đối thủ chính là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden chuyển sang một đối tượng khác là bà Phó tổng thống Kamala Harris đã không ít nhiều bỡ ngở vì thiếu chuẩn bị. Đó cũng là lý do có thể sẽ không có một cuộc tranh luận chính thức giữa hai ứng cử viên Tổng thống cho cuộc bầu cử năm 2024.

Sự thỏa thuận tranh luận trước đây giữa Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump coi như hủy bỏ sau khi Tổng thống Joe Biden bỏ cuộc. Để có một cuộc tranh luận giữa ứng cử viên thay thế ông Biden là bà Harris hoàn toàn khác. Và khuya 2-8, ông Trump bất ngờ tuyên bố không dự phiên tranh luận tổng thống sẽ được tổ chức ngày 10-9 do ABC News tổ chức. Thông báo này nhanh chóng khơi mào cuộc khẩu chiến về việc tổ chức phiên tranh luận giữa ông và bà Harris.

Thực tế từ tháng 5, ông Trump từng chốt kế hoạch tranh luận trên ABC News với Tổng thống Joe Biden, trước khi ông Biden rút lui khỏi chiến dịch năm nay để nhường đại diện cho Phó tổng thống Harris.

Trong bài đăng trên mạng ông Trump khẳng định sẽ chỉ tranh luận với bà Harris nếu ứng viên Đảng Dân chủ chấp thuận điều kiện ông đưa ra: gặp nhau ngày 4-9, do đài Fox News tổ chức, tại "một khán phòng đông đủ khán giả". Cựu tổng thống Mỹ khẳng định đây là sự lựa chọn duy nhất trong bài đăng rạng sáng 3-8: "Tôi sẽ gặp bà ta vào ngày 4-9, hoặc tôi sẽ không bao giờ gặp bà ấy".

Phản hồi tuyên bố của ông Trump, bà Harris lập tức công kích việc ông Trump từng nói sẵn sàng tranh luận "mọi lúc, mọi nơi", nay lại biến thành "một thời điểm cụ thể, một địa điểm an toàn cụ thể". Bà Harris cũng nói cứng rằng sẽ có mặt tại trường quay ABC News đúng ngày 10-9 như giao kèo cũ giữa ông Trump và ông Biden.

Trong thông báo ngày 2-8, ông Trump giải thích quyết định đổi kế hoạch do thỏa thuận tranh luận trước đây được lập ra giữa ông và ông Biden. Ông Trump ám chỉ vì ông Biden đã rút lui, thỏa thuận ấy cũng không còn hiệu lực.

Bên cạnh đó đài ABC News đang có mâu thuẫn pháp lý với ông Trump. Hồi tháng 3, ông đâm đơn kiện đài này và nhà báo George Slopadopoulos với cáo buộc phỉ báng. Theo ông Trump, vì vụ kiện đang chờ xử, việc ông tham gia buổi tranh luận do ABC News tổ chức sẽ dẫn tới tình huống "xung đột lợi ích".

Nếu có  tranh luận chắc chắn phải là kinh tế vì niềm khao khát thực tế của người dân Hoa Kỳ. Cựu tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ đẩy mạnh những chính sách kinh tế tương tự nhiệm kỳ trước, trong khi đối thủ Kamala Harris được cho sẽ tiếp nối chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Ông Trump đã để lại nhiều dấu ấn về kinh tê trong nhiệm kỳ đầu tiên như các khoản cắt giảm thuế khổng lồ, bãi bỏ quy định đối với ngành công nghiệp và chiến tranh thương mại với các đối thủ kinh tế, đặc biệt là Trung Cộng. Nếu tái đắc cử tổng thống vào tháng 11 tới, đây sẽ là những chính sách ưu tiên của ông. Ở chiều ngược lại, trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, lạm phát vẫn là vấn đề kinh tế nổi cộm nhất. Nhưng lạm phát dai dẳng và tác động tích lũy của việc giá cả tăng cao đã khiến sự ủng hộ dành cho ông Biden yếu đi và ảnh hưởng đến bà Harris.

Và cuộc bầu cử 2024 lần này chắc chắn cả hai bên ông Trump và bà Harris sẽ đều phải tập trung vào các tiểu bang được gọi là tranh chấp, để có thể giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết. Dù cuộc đua mới chỉ bắt đầu nhưng rõ ràng đã bước ngay vào giai đoạn rất quyết liệt giữa hai bên. Vì vậy, thời gian tới, với không đầy 90 ngày còn lại, chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều kịch tính và những điều đáng theo dõi. Với tình hình tranh cử sát sao như hiện nay và trong bối cảnh nước Mỹ ngày càng phân hóa chính trị, thì cuộc đua sắp tới sẽ càng quyết liệt và vẫn tập trung ở một số bang chiến trường.

Hiện các cánh cửa dẫn tới Tòa Bạch Ốc vẫn đang để ngỏ đối với cả hai phía ông Trump và bà Harris. Điều có ý quyết định là ai sẽ giành được phần ưu thế hơn ở các bang chiến trường để được lòng tin cử tri do dự và trung lập ở các khu vực này…

Previous
Previous

Cuối cùng cuộc tranh luận ông Trump bà Harris đã xảy ra

Next
Next

Lòng  Tin Của Cử Tri