Cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc sau khi TT Biden rút lui

Thái Hóa Lộc

Đảng Dân chủ đang rơi vào tình huống hiếm thấy trong lịch sử bầu cử Mỹ vì Tổng thống Biden rút khỏi cuộc đua vào giờ phút chót khi vòng sơ bộ đã kết thúc. Trưa 21 tháng 7 ông tuyên bố chấm dứt nỗ lực tranh cử tổng thống "vì lợi ích cao nhất" cho đảng Dân chủ và đất nước. Lần gần nhất một tổng thống Mỹ đương nhiệm ngừng tái tranh cử là vào năm 1968, Tổng thống Lyndon Johnson cũng thuộc đảng Dân chủ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, "ứng viên đề cử" của một chính đảng bỏ cuộc vào phút chót, sau khi đã nắm chắc số lượng đại biểu cần thiết để nhận đề cử chính thức và chỉ còn chờ tổ chức đại hội toàn quốc. Quyết định dừng tranh cử của Tổng thống Biden sẽ buộc đảng Dân chủ khởi động một quy trình từ đầu, khi Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) sẽ diễn ra ở thành phố Chicago thuộc tiều bang Illinois từ ngày 19 đến 22 tháng 8 sắp tới đây. Lãnh đạo DNC Jaime Harrison ngày 21/7 nói các bước tổ chức đại hội và bầu chọn ứng viên sẽ được công bố trong vài ngày tới qua trực tuyến trước Đại hội: "Dù đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ, nhiệm vụ trước mắt của chúng ta vẫn rất rõ ràng. Trong vài ngày tới, đảng sẽ khởi động quá trình minh bạch và trật tự để hướng đến ứng viên có thể đánh bại ông Donald Trump vào tháng 11. Quá trình này sẽ được thực hiện theo các quy định sẵn có của đảng. Mọi đại biểu đều sẵn sàng thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ để nhanh chóng chọn ra ứng viên cho nhân dân Mỹ", Harrison nói. Ông Biden đã chiến thắng 56 cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở 50 bang và 6 vùng lãnh thổ đặc biệt, với sự ủng hộ 99%, hơn 3.900 đại biểu "cam kết trung thành" đáng lẽ sẽ dành lá phiếu cho ông tại DNC 2024.

Khi tuyên bố rút lui ngày 21/7, ông Biden trên lý thuyết đã "trả tự do" cho các đại biểu Dân chủ không còn "cam kết trung thành" và họ có toàn quyền bỏ phiếu cho những ứng viên khác. Điều lệ của đảng Dân chủ không buộc đại biểu bỏ phiếu rập khuôn theo kết quả bầu cử sơ bộ từng tiểu bang. Mỗi đại biểu còn có quyền "bỏ phiếu theo lương tâm", đồng nghĩa có thể ủng hộ người khác nếu xuất hiện ứng viên mới tại đại hội toàn quốc. DNC có thể được tổ chức theo mô hình "hiệp thương", trong đó đại biểu được tự do bỏ phiếu và đàm phán với lãnh đạo đảng. Đại hội sẽ gọi tên từng đại biểu và mỗi người sẽ gọi tên ứng viên mà mình ủng hộ. Quy trình này có thể kéo dài với nhiều vòng bỏ phiếu, cho đến khi có một người giành được ủng hộ đa số và trở thành ứng viên đại diện đảng…Ông Joe Biden đã làm đảo lộn tình hình cuộc bầu cử Mỹ. Sau nhiều tuần kiên quyết khẳng định mình sẽ tiếp tục là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, ông Biden cuối cùng đã chịu thua trước áp lực và quyết định rút lui khỏi cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. Khả năng bà Kamala Harris trở thành ứng cử viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân thành sự thật sau khi bà nhận được sự ủng hộ từ ông Joe Biden và phe Dân Chủ đang xếp thành đội ngũ đứng sau Kamala Harris.

Hôm thứ Hai, 24 giờ sau khi nhập cuộc, bà đã có được sự ủng hộ mang tính quyết định. Đó là sự ủng hộ của cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, một trong những người đóng vai trò then chốt trong việc thuyết phục Joe Biden rút lui. Bà Pelosi hậu thuẫn phó tổng thống với ''một niềm lạc quan vô hạn'', theo bản thông cáo của bà.

Bà Nancy Pelosi không phải là người duy nhất. Nhiều chính khách Dân chủ khác, đặc biệt là những đối thủ tiềm tàng, cũng ủng hộ Kamala Harris. Trong số này có thống đốc bang Kentucky Andy Beshear, thống đốc bang Maryland Wes Moore và nữ thống đốc tiều bang Michigan Gretchen Whitmer. Từng là đồng chủ tịch ban vận động tranh cử của Joe Biden, sau 24 giờ suy nghĩ, bà Whitmer đã quyết định vận động cho Kamala Harris.

Bà Whitmer phát biểu trên một đài truyền hình địa phương của tiểu bang: “Tôi nghĩ mọi người đã ngạc nhiên trước tin này. Đã có nhiều cuộc trao đổi về chủ đề này và kể cả với các đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử. Tôi muốn tham khảo các đồng nghiệp, để mọi chuyện lắng xuống và nay tôi rất tự hào ủng hộ phó tổng thống trở thành tổng thống. Tôi sẽ không rời Michigan. Tôi hãnh diện là thống đốc tiểu bang Michigan. Tôi luôn kiên định. Tôi hiểu mọi người vẫn nghi ngờ điều này. Tôi sẽ không đi đâu hết.”. Bà Whitmer sẽ không đứng liên danh phó tổng thống với bà Kamala Harris...

Thăm dò toàn quốc của The Hill tháng 7, ông Trump đang dẫn trước bà Harris khoảng 2 điểm phần trăm, trong khi tỷ lệ tín nhiệm dành cho nữ Phó tổng thống Mỹ ở mức 37,7%. Ông Scott Tranter, Giám đốc khoa học dữ liệu của trang theo dõi bầu cử Mỹ Decision Desk HQ, nói rằng những con số của bà Harris tương tự của ông Joe Biden. Một điểm cộng là cử tri sẽ có cái nhìn mới mẻ về bà, khi phó tổng thống không phải chịu những đánh giá về màn thể hiện trước công chúng như ông Biden gần đây. Bối cảnh chính trị trong đảng Dân chủ từ đây đến lúc xác định được ứng cử viên tổng thống dự kiến có nhiều biến động.

Quyết định của ông Biden là bước ngoặt đáng kể trong cuộc đua tổng thống Mỹ năm nay, sau hàng loạt những diễn biến kịch tính như màn tranh luận gây thất vọng lớn của ông Biden với ông Trump ngày 27 tháng 6 và vụ ám sát hụt ứng viên của đảng Cộng hoà ngày 13 tháng 7 cũng như quyết định ông Trump chọn Thượng nghị sĩ theo đường lối cứng rắn J.D. Vance, 39 tuổi, cùng liên danh tranh cử, cũng gây ra nhiều bất ngờ. Trong các cuộc thăm dò ý kiến, nhiều người Mỹ bày tỏ không hài lòng về cuộc tái đấu Biden-Trump. Trong chương trình của CNN ngày 21/7, ông Trump nói rằng ông tin bà Harris sẽ dễ bị đánh bại hơn.

Nếu bà  Harris trở thành ứng cử viên, đây có thể là canh bạc chưa từng có đối với đảng Dân chủ: Người phụ nữ Mỹ gốc Á và da màu đầu tiên tranh cử vào Tòa Bạch Ốc. Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ Jaime Harrison cho biết, người dân Mỹ sẽ sớm nhận được thông tin từ đảng về các bước tiếp theo và lộ trình phía trước cho quá trình đề cử. Bà cũng là người đại diện cho chính quyền trong vấn đề quyền phá thai - một chủ đề mà bà đã xử lý hiệu quả hơn nhiều. Dẫu vậy, bà bị mắc kẹt trong những ấn tượng ban đầu của người ta về người ứng cử viên Dân chủ này. Bà Harris từng chạy đua để giành đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ vào năm 2020 và đã thảm bại. Mặc dù khởi đầu thuận lợi, sự kết hợp của những màn trả lời phỏng vấn lúng túng, việc thiếu hụt tầm nhìn rõ ràng và chiến dịch tranh cử được quản lý yếu kém đã khiến bà Harris phải rút lui trước cả khi những cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên diễn ra. Chọn bà Harris vẫn sẽ là một bước đi đầy rủi ro cho Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, hiện tại chẳng có lựa chọn nào là an toàn, đặc biệt là khi khả năng ông Donald Trump chiến thắng đang rất lớn.

Trong vòng nửa thế kỷ qua, các đại hội chính trị đã biến thành những sự kiện tương đối tẻ nhạt. Với từng phút được lên kịch bản kỹ lưỡng cho truyền hình, những sự kiện kiểu này đã biến thành chương trình quảng cáo dài ngày cho các ứng cử viên tổng thống. Đại hội Đảng Cộng hòa tuần trước là một sự kiện như vậy - ngay cả với bài phát biểu chấp nhận đề cử của cựu TT Donald Trump. Tuy nhiên, Đại hội Đảng Dân chủ tháng tới tại Chicago có thể sẽ rất khác. Kịch bản mà đảng và ban tranh cử của ông Biden đã chuẩn bị vừa mới tan thành mây khói. Ngay cả khi Đảng Dân chủ đồng lòng ủng hộ bà Harris, sẽ rất khó để lên kế hoạch và kiểm soát diễn biến của đại hội. Còn nếu bà Harris không thống nhất được đảng, đại hội có thể biến thành một cuộc tranh giành chính trị, với nhiều ứng cử viên khác nhau chiến đấu trước và sau ống kính máy quay. Điều này có thể tạo nên một vở kịch chính trị hấp dẫn, trực tiếp và không thể đoán trước, theo cách mà người dân Mỹ chưa bao giờ thấy…

Sự rút lui không tranh cử vào giờ phút cuối cùng trước ngày Đại hội Đàng dân Chủ của Tổng thống Joe Biden đang làm lung túng Đàng Dân Chủ nhưng lại “thở phào nhẹ nhỏm”. Nhưng điều này gây lo ngại không ít cho đảng Cộng hòa. "Chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa và ông Donald Trump ngay từ đầu không được chuẩn bị để đối phó một ứng viên Dân chủ chung chung, mà nhắm vào đối thủ rất cụ thể là ông Joe Biden", Tim Alberta, cây viết của Atlantic, bình luận. "Và khi đã chuẩn bị xong, thứ duy nhất có thể phá hoại kế hoạch hoàn hảo của bạn chính là người bạn muốn đối phó không còn trên lá phiếu nữa". Đàng Cộng Hoà đã nhắm sai người…

Previous
Previous

Luận Về TT/VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Siêu Điệp Viên Trần Ngọc Châu

Next
Next

Mưu Sát Hay Ám Sát Và Cuộc Diện Bầu Cử 2024?