Giao Chỉ nhận định về tác phẩm Tuốt kiếm phương xa của George J. Veith
Nguyên tác Drawn Swords on Distant. Dịch giả Phan Lê Dũng,
Với 800 trang sách tác giả đã bỏ ra nhiều năm để hoàn tất một tác phẩm đầy đủ về lịch sử Quốc Cộng tại Việt Nam. Chúng tôi đọc qua bản dịch Việt Ngữ rất công phu. Tác phẩm Việt Ngữ này sẽ được ra mắt tại San Jose vào 12 giờ trưa ngày thứ bẩy 12 tháng 12 tại hội trường Santa Clara County.
Câu chuyện mở đầu của tác phẩm là đoạn ông Thiệu đến viếng xác tổng thống Diệm. Đại tá Nguyễn Văn Thiệu là người chỉ huy sư đoàn 5 bộ binh tấn công dinh Gia Long. Được tin phe cách mạng hạ sát tổng thống, ông vội chạy đến thăm di hài ông Diệm và ông Nhu. Nhân vật chính đánh dinh Gia Long đã vô cùng xúc động chào tay tổng thống Diệm của đệ nhất Cộng Hòa. Sau 4 năm xáo trộn ông đại tá trở thành trung tướng và sau cùng là tổng thống của đệ nhị cộng hòa. Cuốn sách với rất nhiều chi tiết rất công phu và tâm huyết của tác giả. Rất đáng trân trọng và lưu giữ.
Tôi vô cùng xúc động đọc tác phẩm này. Nên viết bài điểm sách tạm đầy đủ khi đọc xong trong một tuần. Cảm ơn tác giả và dịch giả. Ông George J. Veith nguyên là sĩ quan thiết giáp Hoa Kỳ về hưu. Không biết ông đã bỏ ra bao nhiêu ngày giờ để viết 2 tác phẩm về chiến tranh Việt Nam.
THÁNG TƯ ĐEN, BLACK APRIL 670 trang là tác phẩm đầy đủ nhất về các trận đánh. Tôi đã đọc mê man suốt ba tháng vừa qua. Bản dịch của một sỹ quan Không quân Việt Nam Nguyễn Ngọc Anh. Tháng tư đen của Veith đem lại cho tôi những giây phút cay đắng đau thương cùng với những lần thoát hiểm hay chiến thắng oai hùng của chiến hữu. Đặc biệt sách cho phép độc giả thêm một lần nhận diện những anh hùng. Đó là lời cảm ơn về chuyện chiến tranh. Bây giờ nói về cuốn sách 800 trang viết về chính trị từ lúc khai sinh đệ nhất cộng hòa cho đến khi chấm dứt để nhị cộng hòa.
Đoạn đầu ghi chuyện ông Thiệu và đoạn sau cùng vẫn là chuyện ông Thiệu. Nếu sách Tháng Tư trình bày và tựa sách rõ ràng là chiến tranh thì lần này sách của ông Veith dễ hiểu lầm là tác tiểu thuyết võ thuật trong tình trường. Tựa sách là TUỐT KIẾM PHƯƠNG XA, NHỮNG GIẤC MƠ TAN VỠ. Dù tựa sách lạ lùng nhưng nội dung vô cùng lý thú. Tôi không nghĩ đây là sách về lịch sử. Đây là tác giả sưu tầm, phỏng vấn và kể chuyện. May mắn cho tôi là tác giả nhắc lại các nhân vật đi làm lịch sử trong suốt 21 năm mà độc giả chúng tôi đã từng liên hệ gián tiếp hoặc trực tiếp. Đã gặp, đã là thuộc cấp nên có biết qua các vị tướng lãnh nhưng không đầy đủ chi tiết như sách này ghi lại. Thú vị nhất là người đọc theo dõi câu chuyện được kể lại rất thông minh và hấp dẫn. Đầy đủ chuyện xấu và chuyen tốt nhưng tuyệt nhiên không hề phê phán. Độc giả sẽ ghi nhận trong suốt 21 năm Việt Nam Cộng Hòa từ 1954 đến 1975 tuy có giai đoạn mở đầu của tổng thống Diệm là chính phủ dân sự nhưng thực tế hầu hết là hoạt động gần xa của các tướng lãnh. Nhà binh lãnh đạo các Vùng kiêm cả đại biểu chính phủ. Các tỉnh đều là tiểu khu do quân đội kiêm tỉnh trưởng. Các cuộc thay đổi qua bầu cử chỉ là hình thức. Thay đổi là do đảo chính. Tác phẩm cho ta thấy quay tới quay lui cũng là quý vị niên trường tướng lãnh của chúng tôi thay phiên lãnh đạo. Tình cờ các sinh viên theo học tại Huế vào năm 1949 do người Pháp đào tạo lớp sĩ quan trung đội trưởng đầu tiên cho quân đội quốc gia. Bạn đồng khóa của ông Thiệu là Nguyễn Hữu Có và Đặng văn Quang. Ngay sau đó ông Thiệu được cử đi học lớp bộ binh cao cấp tại Pháp cùng với Đặng văn Quang và Trần Thiên Khiêm. Thời gian sau, trước 1954, những sĩ quan trẻ có mặt trên chiến trường miền Bắc tại Secter Hưng Yên cũng vẫn là trung úy Nguyễn Văn Thiệu, trung úy Cao Văn Viên và đại úy Trần Thiện Khiêm.
Điều quan trọng hơn hết là các nhà lãnh đạo tương lai của đất nước không có cơ hội được huấn luyện về chính trị và quản trị từ tổ chức đến nhân sự. Những sĩ quan cấp úy đầu tiên tình cờ lạc vào guồng máy lãnh đạo đã đưa nhau lên vì quen biết nhưng suốt hai thập niên vẫn không thành một khối liên kết để xây dựng một lý tưởng thực sự chung cho đất nước. Đảng Cần Lao chia rẽ quân đội. Đảng Dân chủ chia rẽ quốc hội. Đó là tất các các chi tiết được ghi rõ từng nhân vật trong tác phẩm. Đọc sách ông Veith tuốt kiếm phương xa chúng ta sẽ ghi nhận được các tướng lãnh cầm quyền mỗi người là một ốc đảo. Tưởng như quý niên trưởng rất thân hữu và đoàn kết. Không phải. Hoàn toàn chỉ dựa vào nhau khi cần. Những bộ óc trí thức dân sự nằm trong các đảng phái hoàn toàn bị loại bỏ bởi cả hai nền cộng hòa. Sự dĩ miền Nam tồn tại được là nhờ viện trợ Mỹ đồng thời quần chúng và quân đội vừa học vừa xây dựng. Trong 4 năm có 5 lần đảo chính mà miền Nam tồn tại được là nhờ cả đơn vị và các địa phương vẫn bình tĩnh tiếp tục làm nhiệm vụ.
Hồi ký của Tổng Thống.
Cả 2 vị Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu đều không có hồi ký. Sách Tuốt Kiếm có ghi lại một phần gọi là cuộc đời của cụ Diệm dưới cái nhìn của người Mỹ. Tác giả viết ra các lỗi lầm của ông Diệm, ông Nhu và cả bà Nhu đã đưa đến những hậu quả đau thương của cả dòng họ. Viết ra hết, nhưng không một lời chê bai oán trách. Hết sức khách quan. Đồng thời nhân danh người Mỹ tác giả cũng nói thẳng là nước Mỹ có đồng ý giúp các tướng lãnh đảo chính nhưng không hề chính thức chủ trương. Đặc biệt người Mỹ rất mong tiếp tay đưa hai anh em họ Ngô ra ngoại quốc nhưng toan tính sai lầm nên không kịp. Tác giả cũng ghi lại các tin tức về cái chết của cụ Diệm để độc giả có thể nhận định rõ rằng hơn. Phần lớn các quyết định bổ nhiệm, thăng cấp cho các tướng lãnh và các chức vụ quan trọng không do tổng tham mưu trưởng, bộ trưởng quốc phòng mà do ông Nhu quyết định rồi đưa lên ông Diệm. Ông Nhu sai lầm tin tưởng tướng Tôn Thất Đính là lý do giúp cuộc đảo chính thành công
Hồi ký của tổng thống Thiệu. Tác phẩm này theo tôi cũng là một phần hồi ký của trung tướng Ng. Văn Thiệu. Những điều thú vị về ngày sinh cho đến nay cũng vẫn chưa rõ ràng. Kể cả giả thuyết đã thay đổi để có ngày tháng tốt do sự tin tưởng riêng. Có cả chuyện ông Thiệu lấy được vợ vì hứa hẹn sẽ theo đạo. Cưới rồi đại úy Thiệu cũng không rửa tội. Mãi đến sau này muốn được lòng tổng thống ông đã theo Đạo và ghi danh vào đảng Cần Lao. Vào những năm tháng sau cùng uy tín của ông Thiệu rất cao trong quân đội nhưng ông lại vất vả vì công luận . Là người công giáo được bên Đạo ủng hộ nhưng Linh Muc Thanh và quần chúng được vận động công khai lên án cả chế độ tham nhũng và đòi ông từ chức. Ông đã phải cho giải ngũ hàng trăm sĩ quan, thay đổi các tư lệnh Vùng, cải tổ nội các của thủ tướng Khiêm và thay cả người thân tín là ông Hoàng Đức NHã nhưng vẫn chưa vừa lòng dư luận. Chỉ có cộng sản giải tỏa được cho ông Thiệu khi mở trận tấn công làm Sai Gon hoảng hốt. Thực sự nếu ông Thiệu từ chức đầu năm 1975 thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Bài điểm sách này không thể kể hết mọi chi tiết lý thú. Tôi chỉ tiếc rằng rất nhiều thân hữu cao niên của chúng ta không còn có mặt để đọc lại chuyện của chính mình, của đất nước mình. Tại vùng San Jose vào lúc Ra Mắt Sách TUỐT KIẾM trong tác phẩm có nhắc đến bác thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, ông Hoàng đức Nhã, ông Nguyễn Đức Cường và đại tá Trần Thanh Điền. Đã nửa thế kỷ vừa qua, dĩ vãng thực xa vời mà lạ lùng thay có một cựu chiến binh Hoa Kỳ chưa từng đến Việt Nam. Ông chỉ tham khảo hàng ngàn trang tài liệu. Hỏi chuyện hàng trăm người để viết lại cho chúng ta câu chuyện đời của 20 người đã làm cho điên đảo cả triệu người phải chia ly, hy sinh, tù đầy và những giấc mơ tan vỡ của miền Nam Việt Nam.