Hoa Kỳ trước sự xung đột Israel-Hamas
Thái Hóa Lộc
Trong bối cảnh xung đột Israel – Hamas leo thang, nhiều Dân biểu đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang thảo luận khả năng khôi phục chức vụ Chủ tịch Hạ viện cho ông Kevin McCarthy, người vừa bị bãi nhiệm chưa có trong lịch sử Hoa Kỳ hôm 3 tháng 10.
Sau khi tin tức về Dải Gaza lan đến Điện Capitol, những lời kêu gọi và các tin nhắn được trao đổi tới tấp giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ. Trong đó, một nội dung nổi bật là: "Chúng ta cần đưa ông Kevin quay về ngay tức khắc".
Các Dân biểu Mỹ đang lo ngại một cuộc chạy đua kế tiếp vào vị trí trên có thể trì hoãn hành động hỗ trợ Israel sau khi lực lượng Hamas giáng đòn tấn công bất ngờ vào đồng minh Mỹ hôm 7.10.
"Chúng tôi chỉ cần một khung thời gian ngắn để khôi phục vị trí của ông “Kevin McCarthy ", trang POLITICO dẫn lời dân biểu John Duarte.
Ông Duarte cũng cho rằng quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden và "sự lộn xộn ở Hạ viện Mỹ" đều là những yếu tố góp phần vào việc lực lượng Hamas chọn thời điểm tấn công vào lúc này.
"Những vụ tấn công Israel cho thấy một người thực sự có thể đoàn kết chúng ta: ông Kevin McCarthy", một dân biểu khác cho biết.
Về phần mình, ông McCarthy cho hay "đã biết về nỗ lực trên và cảm ơn" việc các đồng nghiệp tìm cách khôi phục vị trí cũ cho ông. Tuy nhiên, ông nói hiện không tham gia vào nỗ lực này.
Trong lúc đó, các thành viên Hạ viện Mỹ cũng tìm cách xác định liệu quyền Chủ tịch Hạ viện Patrick McHenry có thể tham gia cuộc họp cung cấp thông tin tình báo về cuộc xung đột Israel-Hamas cho các lãnh đạo Quốc hội Mỹ hay không.
Đài CNN dẫn nguồn thạo tin cho hay hoàn toàn phụ thuộc vào Tòa Bạch Ốc để "bật đèn xanh" cho phép ông McHenry tham gia cuộc họp của "Nhóm 8 người". Đây là tổ hợp bao gồm các lãnh đạo cấp cao và những người đứng đầu các ủy ban tình báo của lưỡng đảng cũng như lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
Giới quan sát cho rằng căng thẳng bùng phát trở lại ở Trung Đông do xung đột Hamas - Israel có thể ảnh hưởng tới quyết định của Mỹ trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine để đương đầu với Nga.
Theo Business Insider, nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến lớn ở Trung Đông có thể buộc Mỹ phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc đồng minh nào sẽ nhận được nguồn cung cấp đạn dược vốn đã hạn chế của Washington.
Ngày 7/10, nhóm vũ trang Hamas của người Palestine đã phóng hàng nghìn rocket từ Gaza vào Israel, sau đó xâm nhập vào hàng loạt khu vực mà Nhà nước Do Thái đang kiểm soát. Israel đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và khẳng định sẽ có những đòn đáp trả cứng rắn.
Căng thẳng leo thang nhanh chóng, cộng với việc Hamas lần này đã mở một cuộc tấn công quy mô lớn khác biệt so với những vụ tập kích trước đó khiến giới quan sát dấy lên lo ngại một cuộc chiến lớn sẽ làm rung chuyển Trung Đông trong thời gian tới.
Sau vụ việc, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ có sự hỗ trợ nhanh chóng cho Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết: "Trong những ngày tới, Bộ Quốc phòng sẽ làm việc để đảm bảo rằng Israel có những gì cần thiết để tự vệ và bảo vệ dân thường khỏi tình trạng bạo lực bừa bãi".
Không quốc gia nào nhận được nhiều hỗ trợ quân sự từ Washington như Israel trong hàng chục năm qua. Chỉ riêng trong năm nay, đất nước này dự kiến sẽ nhận được tổng cộng 3,8 tỷ USD hỗ trợ an ninh của Mỹ.
Tuy nhiên, chiến sự Nga - Ukraine bùng phát hơn 19 tháng trước đã chuyển dịch sự chú ý và cả vũ khí của Mỹ từ Trung Đông sang Đông Âu.
Hồi đầu năm, New York Times dẫn nguồn thạo tin nói rằng, Mỹ có thể đang lấy đạn pháo từ một "kho dự trữ khổng lồ nhưng ít được biết đến" nằm trong lãnh thổ Israel và cung cấp chúng cho Ukraine.
Theo nguồn tin từ các quan chức Mỹ và Israel, Washington dự kiến cung cấp cho Ukraine khoảng 300.000 viên đạn theo tiêu chuẩn NATO từ nhà kho nói trên.
Vào thời điểm đó, một phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel đã từ chối trả lời về việc này, nhấn mạnh đây là việc riêng của Mỹ.
Tới nay, Washington đã chuyển đến Kiev hơn 2 triệu viên đạn pháo 155mm để giúp đẩy lùi đà tiến của quân đội Nga. Mỹ phải lấy cả vũ khí từ các kho dự trữ trong nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đạn dược từ Ukraine khi Kiev mở cuộc phản công diện rộng từ tháng 6 tới nay.
Tháng trước, Ngũ Giác Đài cho biết, vào năm 2025, họ dự định sản xuất với năng suất 100.000 viên đạn 155mm trong 30 ngày. Con số này tăng so với mức chỉ 14.000 viên/tháng vào đầu năm 2023.
Mặc dù vậy, con số này dường như là không đủ để cung cấp cho lực lượng phòng thủ của Ukraine, vì Kiev ước tính sử dụng trung bình 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày.
Giờ đây, khi căng thẳng bùng phát giữa Palestine và Israel, Tel Aviv không thể chỉ dựa vào không quân để tập kích Gaza. Trong cuộc xung đột quân sự lớn gần đây nhất với Hamas 9 năm trước, quân đội Israel đã phải huy động một lượng lớn pháo binh.
Trong cuộc chiến năm 2014, Israel đã bắn ít nhất 32.000 quả đạn pháo vào Gaza, Haaretz đưa tin.
Vì vậy, nếu chiến sự ở Trung Đông kéo dài, Mỹ có thể sẽ rơi vào tình thế phải chọn lựa đồng minh để giúp đỡ và kho đạn pháo đang dần cạn của Washington có thể sẽ phải san sẻ để hỗ trợ cho các bên, cũng như phải duy trì số lượng cần thiết để đảm bảo an ninh cho chính Mỹ.