Khía Cạnh Pháp Lý Của Phỉ Báng và Vu Khống
LS Ngô Tằng Giao
Trong tiếng Anh phỉ báng là “defamation”. Trong tiếng Pháp là “diffamation” và trong Tự Điển Pháp Luật Pháp Việt giáo sư Vũ Văn Mẫu dịch là “phỉ báng, hủy báng”.
Về phương diện pháp luật thời “phỉ báng” muốn cấu thành một tội phạm thì phải được hội đủ những yếu tố sau:
1- Phỉ báng là hành động phổ biến những tin tức, nói ra những điều không đúng sự thật và giả dối về một người khác (the act of making untrue, false statements about another).
2- Lời nói xuyên tạc sự thật đó làm tổn hại thanh danh, uy tín người khác (which damages his/her reputation).
3- Đặc biệt là những hành động và lời nói bịa đặt đó được loan truyền, được phổ biến ra công chúng một cách công khai khiến người thứ ba nghe được (particularly when the false statement is published).
Hành động phổ biến có hai hình thức, hoặc là bằng lời nói (slander) hay là bằng chữ viết (libel):
1- Sự phỉ báng, mạ lỵ (slander): Phỉ báng, mạ lỵ là việc thể hiện hành vi thường là bằng lời nói với những người khác về một nhân vật nào đó nhưng không đúng sự thật (making false statements in a non-print format, usually statements that are spoken to others).
2- Sự vu khống, vu cáo (libel): Vu khống, vu cáo là lời phát biểu sai quấy được viết ra trên giấy, chẳng hạn viết trên những nhật báo và tạp chí, viết trên trang báo mạng (Internet online), media, hoặc bản in, hoặc tranh ảnh, hình vẽ hoặc bằng hình thức nào đó mà người ta có thể nhìn thấy được, đọc được (the issuance of false statements in print, like newspapers and magazines, even in their online formats).
Nói chung các hành vi phỉ báng, mạ lỵ và vu khống, vu cáo là bày tỏ công khai bằng lời nói, hay bằng cách viết, hoặc bản in, tranh vẽ nhằm ý đồ triệt hạ người khác một cách bất chính, nhằm làm tổn hại thanh danh, danh dự (reputation), uy tín (credibility) của người khác hoặc tổn hại cho công việc, công tác của người ta dưới bất cứ khía cạnh nào đó.
Nhưng xét kỹ ra thì vào thời buổi này cái khái niệm pháp lý về sự khác biệt giữa phỉ báng và vu cáo, giữa “slander và libel” hầu như đã không còn tồn tại nữa vì sự phát triển lớn lao của các hệ thống truyền thông thời buổi điện tử. Thí dụ như các mạng lưới truyền hình Hoa Kỳ đôi khi bị kiện cáo về tội “libel” mặc dù chẳng có lời lẽ nào được viết ra trên giấy trắng mực đen. Trái lại những phóng viên, nhà báo, bình luận gia, chủ bút, cơ sở truyền thông… đã chỉ “nói”, chỉ “phát ngôn” những lời lẽ của họ cho các khán thính giả ngồi nhà vừa “nghe” vừa “nhìn” chứ không ngồi “đọc” chi cả.
5. Một số vụ án về phỉ báng và vu khống trong cộng đồng người Việt
Xin liệt kê một số vụ đã bị toà án xử phạt về tội phỉ báng, mạ lỵ và vu khống, vu cáo trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ:
1- Năm 2003, bồi thẩm đoàn thuộc tòa án quận Denver, tiểu bang Colorado kết tội nhà sư Lê Kim Cương và ban quản trị chùa Như Lai tại Colorado là đã mạ lỵ, phỉ báng và vu khống hai chị em cô Hồ Thị Thu và Hồ Thị Thi là cộng sản sau khi họ tố cáo một nhà sư của chùa này có hành vi tình dục bất chánh. Hai cô này thắng kiện và tòa xử cho được bồi thường $4.8 triệu.
2- Năm 2006, tại Saint Paul, Minnesota, ông Tuấn Phạm, một cựu quân nhân QLVNCH và là chủ nhân ngôi chợ Capital Market, thắng kiện và được bồi thường $693,000 thiệt hại vì một số người Việt ở đây đã chụp mũ ông là cộng sản, là tay sai cộng sản và vi phạm 18 tội mà họ liệt kê ra. Nhưng các người này không chứng minh được tội nào cả. Sự vu cáo này gây nhiều tổn thất về cả tinh thần và kinh tế cho ông và gia đình.
3- Năm 2009, ông Tân Thục Ðức, 65 tuổi, cựu trung úy QLVNCH bị chụp mũ là cộng sản. Tòa Thượng Thẩm của tiểu bang Washington phán quyết năm cá nhân trong Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng phải liên đới bồi thường $225,000 cho ông.
4- Năm 2011, ông Hoài Thanh dựa trên chứng cớ cho rằng bà Ngô Thị Hiền (thuộc Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam) và người em là Ngô Ngọc Hùng (đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại Vietnamese Public Radio) ở Maryland, đã dùng hệ thống truyền thông của mình để chụp mũ ông là cộng sản. Tòa án của quận Montgomery, tiểu bang Maryland đã ra lệnh cho bà Ngô Thị Hiền và ông Ngô Ngọc Hùng phải bồi thường $1 triệu đô la cho ông Hoài Thanh (cựu chủ nhiệm tuần báo Ðại Chúng tại Maryland).
5- Năm 2011, ông Michael Do, tức Đỗ Văn Phúc (một doanh nhân ở vùng Austin) đã phổ biến những bài viết có tính cách “phỉ báng, mạ lỵ, vu khống, gây tổn hại tinh thần và vật chất” cho Bà Nancy Bui (hội trưởng của Vietnamese American Heritage Foundation). Bà Nancy Bui (tức ký giả Triều Giang) bị vu là cộng sản hay thân cộng, tay sai cộng sản và làm ăn với Việt cộng. Tòa án của quận Travis thuộc tiểu bang Texas đã phán quyết ông Phúc phải bồi thường cho bà Nancy $1.9 triệu. Trong đó $800,000 là tiền bồi thường thiệt hại, và $1,100,000 là tiền phạt để làm gương, gọi là “exemplary damages”.
6- Năm 2013 thì chấm dứt một vụ kiện khởi sự từ năm 2003. Trong vụ này ba ông Norman Lê, Phiệt Nguyễn, Đạt Hồ và hai bà Nhàn Trần và Nga Phạm đã bị ông Tân Thục Đức, hiệu trưởng Trường Việt Ngữ ở Thurston County, kiện về tội họ đã chụp mũ cho ông là cộng sản. Họ công khai tố cáo ông Đức là một nhân viên bí mật của Việt cộng (undercover Viet Cong agent). Vụ kiện kéo dài đến tháng 4 năm 2009 thì Tòa Superior Court ở Thurston County, Washington State, mới xử và tuyên phạt những người này phải bồi thường cho ông Đức một số tiền là $310.000. Các bên tranh tụng đã kháng cáo bản án lên Tòa Phúc Thẩm rồi sau đó thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện Washington State. Kết quả là vào ngày 9.5.2013 Tối Cao Pháp Viện đã y án Tòa Thurston County.
7- Năm 2014 trong một bài báo bà Hoàng Dược Thảo, bút hiệu Ðào Nương, viết rằng cộng sản Việt Nam đã mua nhật báo Người Việt và để cho ông Phan Huy Ðạt đứng tên làm chủ nhân (The Vietnamese communistes bought the Nguoi Viet Daily News and asked Dat Huy Phan act as owner for them) và ông Phan Huy Đạt đã dối trá khi nộp đơn xin giấy phép hành nghề. Cũng trong bài viết ấy, bà loan tin đồn về đời tư của bà Vĩnh Hoàng (phụ tá tổng giám đốc, phụ trách thương vụ), rằng bà này không có khả năng trí tuệ, đã có chồng mà có nhiều tai tiếng xấu về tình ái, một phụ nữ thiếu trong trắng (an unchaste woman who is unqualified for her profession and known to have many scandalous affairs).
Tại Tòa Thượng Thẩm tiểu bang California, Quận Cam, ba nguyên đơn gồm công ty Người Việt Daily News Inc., ông Phan Huy Ðạt, và bà Vĩnh Hoàng, thắng vụ kiện hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ và bà Hoàng Dược Thảo, chủ nhân hệ thống này về các tội phỉ báng và vu khống. Bồi thẩm đoàn 12 người cùng bỏ phiếu thuận, xác định mức bồi thường cho các nguyên đơn $3,000,000, để đền bù các tổn hại về danh dự, uy tín, và tinh thần. Thêm vào đó, 10 bồi thẩm viên cũng bỏ phiếu xác định mức phạt thêm bị cáo $1,500,000 để làm gương (punitive damage), vì hành xử bị cho là có ác ý. Tổng số tiền bồi thường và phạt là $4.5 triệu. Ngoài ra bồi thẩm đoàn cũng yêu cầu tuần báo Saigon Nhỏ đính chính về những câu viết có tính phỉ báng và vu khống, đồng thời xin lỗi ba nguyên đơn.
Trong các vụ điển hình vừa thuật lại ở trên, chúng ta thấy chỉ có vụ thứ 6 (vụ ba ông và hai bà bị ông Tân Thục Đức kiện về tội chụp nón cối) là vừa kháng cáo sau đó lại thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện tiểu bang. Nhưng trong phán quyết ngày 9.5.2013. Tối Cao Pháp Viện đã quyết định với tỉ số 6-1, y án tòa nguyên thẩm và minh định: “Không có sự bảo vệ của Tu Chính Án Thứ Nhất đối với những hình thức tuyên bố sai sự thật và gây thiệt hại; quả thật, mục đích của luật về phỉ báng chính là để trừng phạt những lời phát biểu như thế” (There is no First Amendment protection for the type of false, damaging statements; indeed, the purpose of the law of defamation is to punish such statements).
6. Bồi thường thiệt hại
Sau khi đã chứng minh được là bị đơn phỉ báng và vu khống cho mình, nguyên đơn thắng kiện có thể được bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại đó gồm có các loại sau:
1- Loại thứ nhất là “thiệt hại đặc biệt” (special damage), còn gọi là thiệt hại kinh tế, nghĩa là thiệt hại bằng tiền cụ thể mà nguyên đơn đã phải chi ra, thí dụ như tiền chi trả cho luật sư của mình, tiền khám bệnh trả cho bác sĩ, tiền mua thuốc men, tiền lương bị khấu trừ trong thời gian phải tạm nghỉ làm việc v.v…
2- Loại thứ nhì là “thiệt hại hiện thực” (actual damage) nhưng có tính cách “tổng quát” (general damage), chẳng hạn nỗi đau tinh thần, tổn hại tới uy tín, tới cương vị của nguyên đơn trong cộng đồng… Tuy không nhất thiết phải đưa ra một con số thiệt hại cụ thể nhưng các nguyên đơn vẫn phải chứng minh là mình đã chịu những thiệt hại này.
3- Loại thiệt hại thứ ba là “thiệt hại phỏng đoán” (presumed damage). Theo luật hiện hành, mọi lời phỉ báng được phỏng đoán là đương nhiên gây ra thiệt hại cho nguyên đơn dù rằng nguyên đơn có thể không có chứng cớ gì cụ thể hoặc không biết là đã phải gánh chịu những thiệt hại đó. Bồi thẩm đoàn có toàn quyền ấn định số thiệt hại này.
4- Loại thiệt hại thứ tư là “thiệt hại trừng phạt” (punitive damage) hay “thiệt hại làm gương” (exemplary damage) trong trường hợp nguyên đơn có thể chứng minh được ác ý của bị đơn. Chứng minh rằng bị đơn, dù biết hành động của mình là sai trái, là sai sự thật mà vẫn nhất định cố tình làm để gây tổn hại cho nguyên đơn. Theo luật pháp Hoa Kỳ, khoản tiền phạt này đồng thời nhắm mục đích làm gương, ngăn ngừa người khác phạm những vi phạm tương tự. Tiền phạt làm gương có khi cao hơn tiền bồi thường thiệt hại. Mặc dù mục đích của tiền phạt làm gương không phải là bồi thường cho nguyên đơn, nhưng trên thực tế, nguyên đơn sẽ nhận được toàn phần hay một phần của tiền phạt này.
7. Ý kiến hay sự kiện
Trong những vụ kiện về phỉ báng, mạ lỵ, và vu khống, tòa án phân biệt lời phát biểu của bị đơn khi nói về người khác thuộc dạng lời nói “bày tỏ ý kiến” (statements of opinion) hay “phát biểu về sự kiện” (statements of fact). Quyền tự do ngôn luận cho phép người ta tự do bày tỏ ý kiến mà không phạm tội phỉ báng. Ý kiến là một câu nói không thể chứng minh đúng hay sai. Chẳng hạn, viết rằng một người “thiếu thông minh” thì đó là một “ý kiến” (opinion). Ngược lại, “sự kiện” (fact) là điều có thể chứng minh đúng hay sai. Chẳng hạn, viết rằng một người là “cộng sản” tức là đang nói về “sự kiện.” Tuy thế sự phân biệt giữa “ý kiến” và “sự kiện” không luôn luôn rõ ràng. Thông thường một từ ngữ miêu tả (descriptive word) ám chỉ dữ kiện và một từ ngữ thẩm định (evaluative word) ám chỉ quan điểm.
1- Opinion: Khi bạn đưa ra cái nhận xét, cái đánh giá của bạn về một sự vật, về một con người, hay một hành động thì đó được gọi là “opinion”. Thí dụ một nhân vật trong cộng đồng được nhiều người biết đến. Có người ca tụng ông ta là một nhân vật giỏi giang và khiêm tốn. Nhưng lại có người nói rằng ông ta là người tầm thường và hám danh. Rõ ràng, cảm nhận hay lời bày tỏ ý kiến của hai người trên hoàn toàn khác nhau. Hay nói cách khác opinion đối lập tùy từng người. Tự do ngôn luận cho phép người ta phát biểu “ý kiến” mà không bị kết tội phỉ báng. Ý kiến là một điều không dễ chứng minh được là đúng hoặc sai.
Hoặc khi một người nói “Cô ấy là ca sĩ có giọng ca hay nhất” thì câu này thuộc dạng bày tỏ ý kiến (statement of opinion). Câu nói thuộc loại này thường gây tranh luận, người thì thấy cô ta hát hay thật, người khác thì lại thấy cô ta hát không hay, chỉ chuyên ăn mặc hở hang uốn éo khêu gợi mà thôi. Khó phán đoán ai đúng ai sai.
Ý kiến dù không đúng hay quá đáng cũng có thể được miễn trách, nếu không nêu lên các sự kiện thất thiệt khác. Như thí dụ ở trên, nói cô ca sĩ ăn mặc hở hang có vẻ “khiêu dâm” thì tạm được miễn trách nếu không có ác ý. Nhưng nếu nói thêm là đương sự đã từng bị bắt về tội “bán dâm” thì câu này mang tính chất bôi nhọ (defamation) và dâm tục (obscenity) tất nhiên người phát biểu câu đó có thể bị coi là đã phạm tội phỉ báng, vu cáo nếu không có bằng chứng cụ thể.
2- Fact: là khái niệm về một sự thật, một điều có thật và có thể chứng mình được. Thí dụ một người đi kiếm việc làm tự giới thiệu là có bằng tốt nghiệp ở một trường Đại Học và đã có 5 năm kinh nghiệm làm việc cho một công ty nào trước đó. Đây là một câu nói thuộc dạng “statement of fact”, một lời phát biểu về sự kiện. Cả hai thông tin này đều có thể kiểm chứng được nhờ vào việc xuất trình bằng cấp và hợp đồng lao động với công ty cũ đó. Tuy câu nói thuộc dạng này có thể đúng và cũng có thể không đúng, nhưng đó là loại câu nói mà tòa án có thể tìm hiểu một cách dễ dàng để xác định đúng hay sai, căn cứ vào những dữ kiện (fact) là bằng cấp (của trường Đại Học) và hợp đồng (với công ty cũ).