Một góc nhìn về Bình Định của người Bình Định

LTS.- Trong một buổi họp nội bộ “Rút ưu khuyết điểm về tổ chức Kỷ Niệm Anh Hùng Nguyễn Huệ Chiến Thắng Đống Đa lần thứ 234”. Từ món đặc sản “Bún Song Thằn và Bột đậu xanh tráng miệng.” của hiền nội làm quà trong buổi họp mặt. Nhiều anh chị em trong ban chấp hành cũng không biết nguồn gốc món đặc sản quê mình. Từ nhận thức này, chúng tôi muốn tạo một góc nhỏ trên tờ báo Người Việt Dallas mỗi tuần vào thứ sáu với chủ đề “MỘT GÓC NHÌN VỀ BÌNH ĐỊNH CỦA NGƯỜI BÌNH ĐỊNH” để người Bình Định hiểu biết thêm những gì về quê hương Bình Định. Có như vậy, những người Bình Định mới gắn bó hơn với nơi chôn nhau cắt rún của mình. Theo như lời Tiến sĩ Cai Văn Khiêm, cố vấn Hội Tây Sơn Bình Định Nam California trong ngày Đại lễ Kỷ Niệm Chiến Thắng Đống Đa lần thứ 234 nói rằng: “Chúng ta cần biết và hiểu lịch sử mới định hướng tương lai !”.

Để trả lời sự ưu tư của Hội trưởng Hồ Văn Toại mà anh thường nhắc trong các buổi họp là làm sao kết hợp được với tuổi trẻ Bình Định trong sinh hoạt của Hội; theo thiển ý chúng tôi không có cách gì khác hơn là tạo điều kiện các em biết về lịch sử; thật vậy con người chúng ta không từ trên trời bước xuống hay dưới đất chui lên mà từ ông bà, cha mẹ có nghĩa là phải có nguồn gốc. Những người Bình Định hiểu được điều này sẽ không bao giờ quên quê hương Bình Định và đánh mất tinh thần của con người Bình Định…

Thái Hóa Lộc/Chù nhiệm Người Việt Dallas

....................................................................................................................................

Với mục đích giúp cho người Bình Định và nhất là những người đã thưởng thức hương vị Bún Song Thằn và Bột Đậu Xanh An Thái và chưa biết về đặc sản này, chúng tôi xin gửi đến quý vị một vài chi tiết mà chúng tôi tham khảo được.

Bún Song thằn là tên gọi có nhiều lời lý giải. Theo cách dịch chữ của các bậc lão làng, song là đôi, thằn là dây, mô tả từng gói bún được cuộn lại như một cặp dây. Còn theo cách lý giải khác, bún giàu dinh dưỡng và vị ngon lạ được các vua thời Nguyễn ưa chuộng, nên những người thợ được triệu về kinh đô Huế làm tại chỗ. Tuy nhiên, bún làm trong kinh thành không ra vị gốc, bởi thiếu gió nước sông Côn. Từ đó, người dân gọi bún là "sông thần", sau đọc trại đi thành "thằn". Dân gian còn gọi là bún tiến vua.

Bún song thằn khô đóng hộp được bán tại các cửa hàng đặc sản, siêu thị ở Bình Định. Ảnh: Tâm Linh

Làng An Thái, thị xã An Nhơn là quê hương của bún song thằn từ khoảng 200 năm trước. Lịch sử nghề làm bún được cho là do người Hoa (gồm nhiều họ như Tạ, Thái, Hứa, Diệp, Văn, Trần…) đến lập nghiệp mang theo nghề làm bột đậu xanh và nghề làm bún. Sự kết hợp giữa hai nghề cho ra công thức làm bún song thằn được lưu truyền lâu đời trong các gia đình tới nay.

Điểm khác biệt của song thằn so với các loại bún khác ở Việt Nam là thành phần từ đậu xanh. Sợi bún khô trắng đục như miến nhưng sáng màu hơn, khi nấu chín có độ trong.

Loại bún này có quá trình chế biến công phu từ bước làm bột, tạo sợi đến phơi bún. Đậu xanh nguyên hạt được loại bỏ hạt hỏng, đem phơi nắng thật khô rồi ngâm vào nước lạnh một ngày đêm, sau đó xay nát. Công thức phổ biến là cứ 4 - 5kg đậu xanh thì làm ra 1kg bún. Người thợ phải thức khuya để xay bột, vì nếu xay ban ngày, trời nắng nóng sẽ làm hỏng bột. Bột đã xay xong đến khâu gạn lọc để phân loại bột tinh chất và bột thô, hay người địa phương gọi là bột nhất, bột nhì. Bột nhất lắng ở dưới là phần tốt để làm bún song thằn, còn bột thô nổi ở trên để làm bún loại hai. Chỉ bún làm từ bột loại một mới được dán nhãn tên song thằn.

Để sợi bún dai giòn khó đứt vỡ khi khô, người dân pha vào bột đậu xanh một ít bột huỳnh tinh (còn gọi là bình tinh, loại củ có họ với dong). Tiếp đó người thợ cho hỗn hợp bột sệt bọc vào bao vải thô, đợi ráo bớt nước thì hấp vừa chín, cuối cùng đưa vào khăn lụa mỏng để vắt tạo sợi. Sợi bún đẹp và dai hay không là do tay thợ vắt. Lực vắt, cách di chuyển bọc bột phải thuần thục để con bún thẳng tưng chảy xuống nồi nước nóng. Bún sau khi vớt từ nồi được xả lại bằng nước lạnh, theo đúng bí quyết gia truyền phải xả bằng nước sông Côn. Sợi bún chín có màu trong đục, được mang đi phơi. Sợi bún mềm được trải lên các tấm phên, xếp hàng phơi ngoài trời.

Người làng An Thái cho rằng bún phải thấm nắng và gió của sông Côn (vùng Xóm Bột)  mới có màu trắng sáng, dai ngon. Bún vừa khô được phân thành bó, vỉ, dùng lá chuối hoặc nilon bọc lại. Thời gian lý tưởng để làm bún là mùa nắng Bình Định từ tháng 3 đến tháng 6.

Do quy trình làm bún cầu kỳ, sản phẩm bún bán ra thị trường có giá trên cao hơn các loại bún khác. Bún song thằn thường được mua về để chế biến thành nhiều món bún tùy khẩu vị mỗi người, như xào với thịt bò, gà, heo hay tôm… trước đây bà thiếm, cô tôi và bây giờ vợ tôi thực hiện mỗi khi có giỗ; lúc đầu thì không ngon mềm như thiếm và cô nhưng bây giờ thì tiến bộ khá nhiều…và mỗi lần thưởng thức món ăn này, tôi lại nhớ đến An Thái của Bình Định quê tôi…

MỘT GÓC NHÌN VỀ BÌNH ĐỊNH

Ngày đó ta về thấy núi sông
Mẹ, thời con gái, đẹp vô cùng
Bình Định, quê hương ngời nét sử
Một thời khôi vĩ rạng uy phong.

(MN)

Miên man đâu đó lời thơ về một quận nhỏ của tỉnh Bình Định được ra đời trong những ngày đất nước vẫn còn chia cắt hai miền, ngày Miền Nam sống dưới chế độ VNCH, nhẩm tới nhẩm lui và ngẫm thấy ý tứ của các câu thơ tuy đơn giản nhưng thấm sâu trong tâm khảm của những người con xa xứ.

“ Quê em ở Tam Quan
Giữa miền nam ruột thịt
Quê em dù xa tít
Em vẫn nhớ vẫn thương
Hàng dừa ngủ dưới nắng
Thân cây dừa mọc thẳng
Hắt bóng xuống nền nhà
Em nhớ gian nhà nhỏ
Sáng ngọn đèn dầu dừa
Em nhớ cả sớm trưa
Mẹ ngồi se từng sợi
Em ngồi bên em đợi
Từng bát nước dừa ngon
Em nhớ trái dừa tròn
Của quê em Bình Định
Lấy ngón tay em tính
Ngày trở lại vườn dừa ”…

Dẫu không thuộc hết bài và cũng không thể nhớ tên tác giả nhưng cái tình mộc mạc trong từng câu, từng chữ cũng đủ để ai đó yêu quê thêm và trân trọng hơn những gì thuộc về quá khứ.

Mẹ tôi sinh tôi ra trên mảnh đất đầy nắng gió này. Dù sau đó không sinh sống nơi đây, nhưng theo lời mẹ kể năm nao, thì hình như bây giờ khác xưa nhiều. Là một tỉnh nho nhỏ của miền Trung, Bình Định đã vẽ rõ những đường nét riêng để du khách thập phương khó lẫn lộn với các tỉnh lân cận. Thuộc tỉnh Bình Định, thị xã Quy Nhơn là thành phố có bờ biển bao bọc hơn ba phần tư, với hệ thống các đảo lớn nhỏ quây quần tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp khi nhìn từ trên cao xuống. Sinh động hơn nữa là nếp sống của người dân thành phố nhỏ này, họ ra bờ biển để tập thể dục khi bình minh ló dạng và xuống biển tắm khi mặt trời chếch bóng. Thói quen đó dần dần đã tạo một không khí yên bình, một sức khoẻ dồi dào và một tinh thần phấn chấn cho thành phố biển này.

Tuy ở tại xứ dừa của vùng xanh ngút ngàn này nhưng những người dân nơi đây vẫn nói rằng họ uống nước dừa thường xuyên nhưng uống nhiều vẫn thường hay mỏi gối .

An Nhơn là một quận thuộc tỉnh Bình Định. Khu này nổi tiếng với nhiều địa danh và món ăn khác nhau được lưu truyền bằng miệng với những vần thơ dí dỏm:

“ Tôm hùm Bình Ba
Nai khô Nhơn Khánh
Cá tràu Võ Cạnh
Sò huyết Thủy Triều
Đời anh cay đắng đã nhiều
Từ nay ngọt sớm chia chiều cùng anh ”

(Ghi theo trí nhớ, không biết có chính xác không)

Rồi lại có câu:

Trai An Thái, gái An Vinh
Văn ôn võ luyện thư tình trao tay…

An Thái là địa danh nổi tiếng của một thị trấn nhỏ nằm giữa quốc lộ 1A và quốc lộ 19, cũng là một nơi có địa hình hiểm trở nhưng thơ mộng. Ở đó cũng có cái chợ cùng tên An Thái, với nhiều loại thức ăn rất rẻ, nhất là các loại dùng để ăn vặt như bánh xèo, bánh bèo, bánh căn, bánh hỏi, bánh ướt, bánh quai vạt, bánh bò, bánh canh và hàng chục loại bánh khác... Còn hàng trăm loại thức ăn mặn ngọt khác nữa, đặc biệt hơn là có cây cầu tre cũng cùng tên bắt qua sông Côn. Tác giả Nguyễn Mộng Giác đã viết quyển tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ như một bản giao hưởng nói về định mệnh dành cho những con người nơi đây, về những truyền thống quý báu nơi mảnh đất thiêng từng ghi dấu một thời oanh liệt trong chiến tranh chống giặc phương Bắc..

Những gì thú vị thuộc một nơi rất nhỏ bé luôn là một dấu chấm rất đậm trong trang giấy trắng. Dẫu đã có nhiều nét vẽ với phong phú sắc màu, dấu chấm ấy vẫn nổi bật với sự khiêm tốn, giản dị, chân thành, đôn hậu, rắn rỏi và mặn mòi. Tất cả nằm trọn trong thung lũng với bốn bề là núi, tuy những ngọn núi không cao vút nhưng cũng đủ hung dữ khi bao vây người dân bằng những trận lũ kéo dài hàng tuần, mỗi tháng có thể lập lại từ vài lần. Thế là bà con ôm hết một tháng chạy lụt. Có năm ông trời giận dữ làm mưa triền miên từ 2 đến 3 tháng và lũ lụt kéo về lúc dữ dội và ngắn ngủi, lúc lại êm ả nhưng kéo dài và nhấn chìm mọi thứ trong màu nước đục xám. Hầu như tất cả các ngôi nhà ở đây đều không tránh được lũ lụt vì địa hình ngập trũng nên nước dâng mạnh mẽ vào mùa mưa. Còn mùa khô thì hạn hán kéo dài khiến cho nông dân phải phơi mặt ngoài đồng cả ngày lẫn đêm để chờ nước của thủy lợi cứu hạn. Tuy hai mùa rõ rệt với những khắc nghiệt kéo dài và lập đi lập lại nhiều lần nhưng người dân nơi đây vẫn không hề than trách, bởi có lẽ sự chịu đựng lâu ngày đã biến họ thành những người vô cùng hiên ngang bất khuất.

Dù biết mảnh đất bụi trần đó luôn oằn mình đón những trận thiên tai dữ dội nhưng vẻ đẹp nền nã vẫn không bị bào mòn, đôi khi còn ánh lên nét lãng mạn khi đón nắng xuân về, hay tô đậm vẻ rắn rỏi kiên cường trong những trận nắng cháy da cháy thịt. Con người ở miền quê gió cát và bão lũ này không rụt rè e thẹn nhưng vừa đủ nhiệt thành để đượm thắm lòng những ai đã từng đến đây và khắc sâu hình ảnh ấy trong tâm trí khi rời đi. Dù không sống đủ lâu ở đây nhưng tôi luôn coi đó là quê hương của mình, nơi có những người cùng máu huyết đang phấn đấu cùng thiên nhiên cho cuộc sinh tồn. Để rồi tuy xa bao nhiêu năm tôi vẫn khôn nguôi nhớ thương, vẫn đợi tin mỗi ngày.

Bình Định được nhắc đến như một đoạn ruột của dãi đất hình chữ S uyển chuyển nhất trái đất này, ở đó có núi xen kẻ, có sông uốn lượn, có đồng bằng rải rác, có đồi trọc liền kề, có biển ôm ấp đất liền, có những thắng cảnh và sự tích ly kỳ. Không ai là không biết về câu chuyện của Hàn Mặc Tử, có cả bài hát viết về ông như một sự tri ân và ghi dấu tình yêu của người thanh niên tài hoa có số phận nghiệt ngã. Bài hát luôn gây xúc động cho những ai nghe qua, bởi tình yêu đó rất đẹp lại chịu nhiều trắc trở.

“ Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ giấu thân nơi nhà xưa
Mộng Cầm hỡi xin đừng thương tiếc tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa kiếp sau ta trọn đôi
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi…”

Đất Quy Nhơn gầy đã đón chân Hàn Mặc Tử với những nỗi muộn phiền, còn bãi tắm Hoàng Hậu thì lại mang kỳ tích tuyệt mỹ với những viên đá tròn xếp liền nhau. Có người kể rằng ngày xa xưa có vợ vua tắm ở đây, có người bảo rằng vì nơi đây đẹp nên chim nhạn hay lui tới từng bầy để thưởng ngoạn. Ngoài ra còn có suối nước nóng ở Phù Cát, nước ở đó trong ngần và bốc khói nghi ngút, nhiệt độ trên 60 độ C và có thể luộc trứng đến chín. Con suối chảy xuống khu đất và lan toả thành diện rộng, khách du lịch đến đó bất kỳ ngày nào trong năm cũng đều thấy nguồn nước nóng nhả khói trắng lên không trung. Hầm Hô ở  Bình Khê là khu có quang cảnh đẹp, suối chảy ven rừng và xen kẻ những hầm nước to được lớp đá to nhỏ bao bọc xung quanh. Bình Khê còn nổi danh với môn võ cổ truyền. Hầu hết mọi người dân địa phương đều biết võ. Đảo Cù Lao Xanh và hơn 30 đảo lớn nhỏ khác đều đẹp. Chiếc cầu mang tên Nhơn Hội bắc qua eo biển, có những luồng mát rượi thổi xuyên từ eo biển với sức gió mạnh mẽ luôn lan tỏa không khí thuần khiết.

Vẳng nghe câu hát bên tai
Là tuồng Đào Tấn bên ngoài xa xa

Bài chòi, tuồng là hai loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, tuy không được quảng bá mạnh mẽ nhưng chúng vẫn tồn tại và lưu truyền tới bây giờ. Khi nghe hát bài chòi, vừa là lạ, vừa chân chất lại vừa hài hài.

Thân trách thân
Thân sao lận đận
Mình trách mình
Thân phận sao hẩm hiu
Bởi thân tôi
Tôi cực khổ
Tôi eo nghèo
Nên vợ tôi
Nó không ở nữa
Mà nó theo cái nẫu rầu …

Chắc khó có ai mới nghe lần đầu mà hiểu được, ví dụ câu cuối cùng: “ Mà nó theo cái nẫu rầu ”, có nghĩa là : “ Nó (vợ) đã theo người đàn ông khác rồi”. Còn tuồng thì nổi tiếng hơn vì ở đâu cũng có, nhưng nguồn gốc là từ Bình Định và họ vẫn coi đó cái nôi của những tuồng hát hay nhất.

Mỗi vùng miền đều có những đặc điểm riêng, Bình Định cũng không ngoại lệ. Từ ngôn từ, cách biểu đạt cho đến hành động, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, món ăn, văn hoá. Tất cả đều gói ghém trong cái nhìn tế nhị, yêu thương, tri kỷ, và đọng lại nỗi nhớ thiết tha.

MN

……………………………………………………………………………………….

CẢM TẠ

Hội Đồng Hương Bình Định Dallas-Fort Worth và Ban Tổ Chức Tưởng Niệm Đại Đế Quang Trung lần thứ 234 xin chân thành cảm tạ Ông Bà NGUYỄN TUỆ đã ủng hộ $200.00 cho chương trình Đại Lễ & Mừng Xuân Quý Mão.

TM Ban Chấp Hành Hội Đồng Hương Bình Định DFW

Hội Trưởng

HỒ VĂN TOẠI

Bún song thằn khô đóng hộp được bán tại các cửa hàng đặc sản, siêu thị ở Bình Định. Ảnh: Tâm Linh

Previous
Previous

Góc nhìn Bình Định

Next
Next

Nước Mỹ khó hiểu