Nước Mỹ khó hiểu

Thái Hóa Lộc

Những sự kiện xảy ra trên nước Mỹ trong những ngày gần đây từ chính trị qua sự phát hiện tài liệu mật của các đời Tổng thống và Phó Tổng thống đến một xã hội với nhiều biến động kinh hoàng gây hoang mang trong cộng đồng sắc tộc thiểu số từ vụ xả súng tại tiểu bang California và cảnh sát giết người tại thành phố Memphis, tiểu bang Tenessee. Không một ai trong chúng ta nhất là người Việt tỵ nạn khi đã chọn nơi này làm quê hương thì không khỏi băn khoăn tự hỏi, nước Mỹ đang về đâu?

Chúng ta, những người Việt tha hương từ thế hệ thứ nhật sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã trải qua 48 mùa xuân nơi xứ người vẫn còn mơ hồ về nước Mỹ và càng khó hiểu những gì đang xảy xa tại đất nước mà chúng ta đã chọn là quê hương thứ hai của mình.    

Hình ảnh ông Trần Hữu Cần, ông 72 tuổi, một người gốc Việt-Hoa vào tối thứ Bảy 21 tháng Giêng, đúng vào 30 Tết, đã nổ súng bên trong một phòng dạy khiêu vũ ở thành phố Monterey Park gần Los Angeles, miền Nam California, giết chết 11 người và làm bị thương 9 người khác. Địa điểm này thu hút những người mê nhảy đầm, hầu hết là dân nhập cư thuộc tầng lớp trung lưu gốc Á. Thành phố hiền hòa Monterey Park có 61.000 dân, 65% gốc Á, 27% người Latinh và 6% da trắng. Tối hôm đó, người Mỹ gốc Á liên hoan chờ đón Giao thừa năm Quý Mão. Hung thủ tự sát vào sáng hôm sau, trong lúc bi cảnh sát bao vây.

Qua chiều thứ Hai 23 tháng Giêng, Mồng Hai Tết, ông Triệu Xuân Lý, 67 tuổi,  một người gốc Hoa nổ súng tại 2 địa điểm gần nhau ở thành phố Half Moon Bay gần San Francisco, miền Bắc California, giết chết 7 người và làm bị thương 1 người khác. Các nạn nhân là các công nhân nông nghiệp gốc Trung Hoa, làm trong một trang trại trồng nấm và một công ty vận tải đường bộ gần nhau. Hung thủ bị bắt ngay lập tức.

Một sự kiện khác giết người đã xảy ra vào tối thứ Sáu 27 tháng Giêng, Mồng Sáu Tết, chính quyền thành phố Memphis, tiểu bang Tennessee công bố cho cả nước Mỹ video 5 cảnh sát đánh chết thanh niên da đen 29 tuổi, nhân viên công ty FedEx. Video cho thấy anh Tire Nichols bị 5 cảnh sát dùng bạo lực khống chế, xịt hơi cay, đánh, đấm, đạp, sử dụng giày bốt và dùi cui suốt ba phút. Nạn nhân la hét, gọi mẹ, van xin, cố gắng bật dậy và chạy về phía trước nhưng không thoát. Anh Nichols đã chết sau đó. Cả 5 cảnh sát này cũng là người da đen. Họ đã bị sa thải và bị truy tố về tội giết người. Họ khai rằng họ đã chặn bắt Nichols vì lái ẩu. Tổng thống Biden đã gọi chia buồn với bà mẹ. Chính Giám đốc FBI Christopher Wray cũng nói: “Bản thân tôi đã xem đoạn video và tôi rất kinh hoàng.” Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra khắp các tiểu bang nước Mỹ đòi công lý cho Nichols và đòi ra luật chống lại chuyện sử dụng vũ lực của cảnh sát.

Các vụ giết người nói trên gây sốc cho những ai vẫn nghĩ rằng lý do giết người ở Mỹ kiểu này là khác biệt hoặc thù ghét chủng tộc, cụ thể là da trắng giết da đen.

Trong cả ba vụ, thủ phạm và nạn nhân đều có cùng màu da. Chưa kể vụ thứ tư, tháng 11 năm ngoái tại trường đại học Iowa, một sinh viên da trắng giết 4 sinh viên da trắng khác cùng trường. Hung phạm Bryan Kohberger, 28 tuổi, đang học ban tiến sĩ, ngành tội phạm học. Chúng ta đã nghe thấy nhiều chính trị gia khi ra ứng cử mà hứa tranh đấu cho dân da đen da vàng khỏi bị da trắng chèn ép, đối xử bất công sẽ không hẳn chính xác mà hoàn toàn là những sáo ngữ lợi dụng màu da. Không khác gì các vị tiến sĩ tâm lý học, xã hội học, phân tâm học, hình sự học… cũng có lẽ quay sang một hướng nghiên cứu khác mới mẻ và thực tế hơn. Nhiều chuyên gia đã từng tìm hiểu xem động lực thực sự của những vụ người cùng màu da giết nhau là gì. Giải thích như thế nào về yếu tố phân biệt chủng tộc trong các vụ này? Phải chăng bản chất man rợ đã có sẵn trong con người, sẽ bùng phát khi được châm ngòi đúng chỗ đúng giờ, chứ không phải phân biệt chủng tộc? Phải chăng phân biệt chủng tộc là yếu tố phụ, làm đậm đà thêm bản chất man rợ của con người?

Về chính trị và đảng phái nước Mỹ lại càng khó hiểu hơn khi những hồ sơ mật của Tổng thống Biden lại chính luật sư của ông trình báo cho mọi người cùng biết. Chính trị vốn dĩ không hề có sự trùng hợp. Ngoài thời điểm gây chú ý của vụ rò rỉ cho giới truyền thông về các tài liệu của TT Biden, và hành động của Bộ Tư pháp, chúng ta có thể tin rằng sau khi ông Joe Biden mãn nhiệm chức vụ phó tổng thống được sáu năm, các luật sư của ông chỉ là tình cờ tìm thấy những tài liệu mật mà ông mang theo, khiến ông Biden vi phạm một hành vi tương tự được sử dụng để truy đuổi người tiền nhiệm và đối thủ của ông ấy cho chức tổng thống năm 2024 chăng? Nhìn xa hơn vào thời điểm đó, các tác nhân liên quan, và cách họ có thể hưởng lợi từ các tài liệu Biden dẫn chúng ta đến một số lời giải thích hợp lý cho những gì đang diễn ra. Có thể ông Joe Biden không còn giá trị đối với Đảng Dân Chủ và tổ chức ngầm bên trong, và vụ tài liệu của ông Biden có thể được sử dụng để thanh trừng hoặc chí ít là để kiểm soát được TT Biden. Đối với các thành viên Đảng Dân Chủ, lý do loại bỏ ông Biden rất đơn giản: Tổng thống này đã thúc đẩy nghị trình cấp tiến thiên tả mà ông ấy yêu cầu, nhưng nghị trình đó có thể không tiến xa hơn nữa khi mất đi Hạ viện, ông Biden đã “không còn hữu ích” và đảng này muốn thiết lập lại bằng một kẻ bù nhìn mới.

Theo giả thuyết này, thời điểm phát hiện ra các Tài liệu Biden đáng ngờ hồi tháng 11/2022 quả là hoàn hảo — đúng vào thời điểm mà Bộ Tư pháp tuyên bố rằng họ bị cấm tiết lộ các cuộc điều tra nhạy cảm về chính trị. Bằng cách giữ kín câu chuyện này cho đến tháng 01/2023, những tiết lộ gây tổn hại về mặt chính trị không thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ, cũng như không làm hỏng nghị trình của Đảng Dân Chủ trong khi Đảng này vẫn còn kiểm soát Quốc hội.

Thời điểm sau cuộc bầu cử giữa kỳ cũng có thể chứng minh là hợp lý vì một lý do khác. Mặc dù một tổng thống chỉ có thể được bầu cho hai nhiệm kỳ, nhưng theo Tu chính án thứ 22 của Hiến Pháp, một người có thể giữ chức vụ tổng thống trong tối đa mười năm bằng cách thay thế một tổng thống trong hai năm cuối cùng của nhiệm kỳ của vị tổng thống đó, và sau đó giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử tổng thống. Khi đồng hồ bắt đầu điểm vào năm thứ ba của ông Biden chỉ trong vài ngày ngắn ngủi nữa thôi, nếu ông từ chức hoặc bị bãi nhiệm, Phó Tổng thống Kamala Harris có thể đảm nhận chức vụ này và điều hành trong một thập niên.

Tuy nhiên, viễn cảnh Phó Tổng thống Harris đắc cử hai lần là không chắc có thể xảy ra, điều đó cũng không phải là không khả thi. Hãy nhớ rằng, những kẻ môi giới quyền lực của Đảng Dân Chủ, có lẽ do cựu TT Barack Obama lãnh đạo, đã cân nhắc về bà Harris ở mức độ hợp lý để bổ nhiệm bà ấy làm Phó Tổng thống của ông Biden khi biết rằng bà ấy có thể thay thế vị lão niên bát tuần với sức khỏe đang sa sút này. Và điều đáng chú ý là trong những tuần mới đây, một số người trong giới truyền thông dường như đang cố gắng tái lập tên tuổi cho bà Harris, trong khi sự hiện diện rõ rệt nhất của tổng thống là ở biên giới phía Nam, nơi biểu tượng cho những thất bại của chính phủ ông — và vốn dĩ bà Harris được cho là chịu trách nhiệm về vấn đề này. Ai sẽ là phó tổng thống mà Tổng thống tiềm năng Harris có thể đề cử, và chỉ xét riêng quá trình đó có thể diễn ra như thế nào thôi cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội chính trị hơn nữa cho Đảng Dân Chủ khai thác.

Ở mức tối thiểu, với vụ tài liệu mật của TT Biden treo lơ lửng trên đầu ông, Đảng Dân Chủ có thể sử dụng cuộc điều tra này để gây áp lực buộc ông ấy không ra tranh cử vào năm 2024, đặc biệt là với nhiều cuộc sát phạt về chính trị hơn có lẽ sẽ xảy ra thông qua sự giám sát của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện. Cuối cùng, Đảng Dân Chủ có thể lập luận rằng người nào đang phải đối mặt với cuộc điều tra liên bang vì việc quản lý các tài liệu mật của họ thì không nên tranh cử tổng thống, sử dụng điều đó để hạ bệ TT Biden và cố gắng tuyên bố một “nền tảng đạo đức cao” cũng để làm suy yếu ông Trump, khi biết rằng ông ấy sẽ không bao giờ chịu khuất phục…

Những sự việc đã và đang xảy ra trên đất Mỹ từ xã hội đến chính trị là một bài toán không có giải đáp. Nếu cứ chỉ tập trung cho rằng nước Mỹ là hoàn hảo, là đất hứa chỉ là ảo tưởng trong khi chúng ta chưa hiểu gì về đất nước này. Chính trị, đảng phái, màu da, chủng tộc giới tính, đồng tính… thì chỉ gây thêm rạn nứt, chia rẽ, phẫn nộ và thù hận; những lý do tranh cãi nầy là cha đẻ cũa những xáo trộn trong gia đình, cộng đồng, xã hội  mà chúng ta đã thường thấy xảy ra mỗi ngày.

Nước Mỹ đối với người tỵ nạn chúng ta vẫn luôn khó hiểu!

Previous
Previous

Một góc nhìn về Bình Định của người Bình Định

Next
Next

Cả thế giới hy vọng gì tron gnawm mới con Mèo?