Nước Mỹ thay đổi sau 247 năm
Thái Hóa Lộc
Ngày 4 tháng 7 hàng năm là ngày lễ trọng đại nhất của Hoa Kỳ. Đó là ngày Mỹ quốc Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 và bắt đầu chiến tranh cách mạng chống lại Anh quốc trong 6 năm. Đến 1782 Anh và Mỹ ký thỏa ước ở Paris và công nhận Hoa Kỳ độc lập. Người Mỹ đã chiến thắng trận chiến tranh đầu tiên của lịch sử Hiệp Chủng Quốc. Năm nay, kỷ niệm năm thứ 247 nước Mỹ lập quốc!
Người Việt tỵ nạn trong đợt di dân cuối cùng của thế kỷ 20, chúng ta cũng nên tìm hiểu về đất nước đã cưu mang cho chúng ta lập nghiệp... Dân tị nạn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ đã được dự ngày kỷ niệm 200 năm lập quốc vào năm 1976. Đến bây giờ nước Mỹ đã già thêm 47 năm nhưng lịch sử trẻ trung của Hiệp Chủng Quốc vẫn phong phú và cũng rất độc đáo. Hoa Kỳ là quốc gia bao gồm tất cả các sắc dân, các ngôn ngữ, các tập tục văn hóa. Nước Mỹ đã có các kỷ niệm vừa hung bạo vừa nhân từ. Tiêu diệt da đỏ, bắt da đen làm nô lệ, kỳ thị da vàng, đem quân đi làm cảnh sát trên thế giới, đi đến đâu là gây sóng gió ở đó. Hoa Kỳ cũng là quốc gia phát huy tự do dân chủ toàn cầu, viện trợ kinh tế, quân sự, giáo dục, xã hội, văn hóa cho toàn thể các quốc gia chậm tiến trên thế giới. Dù vai trò lâu dài của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam đã trở thành một vết thương cay đắng trong thế kỷ 20, qua thế kỷ 21 Mỹ quốc vẫn là niềm hy vọng cho thế giới giữa các cơn sóng gió...
Biên cương của Hoa Kỳ trên địa cầu là một vùng đất bao la tiếp giáp với hai đại dương Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ là ải địa cầu trấn giữ Bắc Băng Dương. Biên giới không gian của Hoa Kỳ lên đến mặt trăng và Mỹ quốc cũng đã đặt cọc trên đất của Hỏa tinh. Hàng ngàn vệ tinh kinh tế thương mại và quân sự của Hoa Kỳ canh gác toàn vùng khí quyển của quả đất. Đế quốc nhân văn của Hiệp Chủng Quốc thống trị thế giới bằng các tòa đại sứ và lãnh sự luôn luôn tấp nập các khách hàng xin visa. Cơ sở ngoại vi của các đại sứ quán Hoa Kỳ là những chỗ bán thức ăn Fast Food McDonald, Coke, nhạc Rock và quần Jeans... Mỹ phát thực phẩm cho dân nghèo toàn thế giới nhưng đi đến đâu cũng bị đuổi về nhà: Yankee go home...
Đó là hình ảnh của Hoa Kỳ ngày nay, sau 247 năm lập quốc, đất nước mà người Việt tỵ nạn chúng ta đang là công dân, và đã từng đứng lên tuyên thệ bảo vệ tuyệt đối trung thành…Chính vì vậy, đã là công dân Hoa Kỳ sau 47 năm, chúng ta quan tâm đến sự thay đổi của Hoa Kỳ, một sự thay máu cần thiết để không bị tụt hậu qua âm mưu toàn cầu hóa để trờ thành một nước xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã phải trốn chạy từ biến cố 30 tháng 4 năm 1975.
Mỹ quốc cần được thay máu. Một phần ba dân số của quốc gia đã mất đi điều mà cố Ngoại trưởng Alexis de Tocqueville của nước Pháp thế kỷ 18 ngưỡng mộ nhất về Mỹ quốc — tinh thần tự chịu trách nhiệm — nên được thay thế loại máu mới.
Chúng ta cần những người có đầu óc kinh doanh, có học thức, và có tay nghề — những phẩm chất đã làm nên quốc gia vĩ đại này. Theo tờ The Mercury News của San Jose, 71% toàn bộ nhân công ở Silicon Valley được sinh ra ở ngoại quốc. Các trường đại học Hoa Kỳ tràn ngập sinh viên ngoại quốc nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai và giỏi hơn các sinh viên Hoa Kỳ trong kỳ thi SAT.
Các trường công lập của Mỹ quốc, vốn được đánh giá cao trong những năm 1950 và 1960, giờ đây lại nằm trong số những trường chót bảng trên thế giới. Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Hãy khám phá cuốn “A People’s History of the United States” (Lịch Sử Dân Tộc Mỹ) của nhà sử học Howard Zinn để biết được rằng các nhóm bị gạt ra bên lề (do họ tự nhận) của Hoa Kỳ đã gây áp lực buộc các trường học Mỹ phải chú trọng các nền văn hóa của họ. Có lẽ điều này không làm giảm giá trị các tiêu chuẩn, nhưng bản thân nó đã góp phần khiến việc giảng dạy lịch sử và văn hóa của các nền dân chủ Anh – Mỹ bị bỏ bê.
Trên toàn cầu không có quốc gia nào làm như thế. Ví dụ, ở Pháp, theo luật, các trường học và người thuê mướn nhân công bị cấm hỏi về chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc, hoặc giới tính. Các trường học Pháp giảng dạy về lịch sử và văn hóa Pháp — những điều mà quốc gia này tin rằng sẽ gắn kết các công dân của mình và giúp tình yêu đất nước này thấm nhuần trong tâm khảm họ.
Trường học Mỹ làm điều ngược lại. Qua việc hạ thấp tầm quan trọng của các Tổ phụ Lập quốc và truyền thụ thuyết chủng tộc trọng yếu cho học sinh, các trường học Mỹ gửi các em về nhà cùng sự bối rối và thậm chí là tình cảm yêu ghét lẫn lộn về quốc gia của mình.
Trung Hoa đang chế nhạo Hoa Kỳ khi họ tiến hành thay thế vị trí lãnh đạo kinh tế và quân sự thế giới của Hoa Kỳ. Còn Mỹ Quốc ta đang giúp Trung Cộng làm việc đó khi tự hủy hoại đất nước của mình.
Chúng ta không thể nào cạnh tranh với một quần thể dân số đông gấp bốn lần dân số của chúng ta, có lực lượng công dân và học sinh – sinh viên thường xuyên phải làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần, và xem nền văn minh phương Tây (sự tự do về xã hội, chính trị, và kinh tế) là bất lợi cho ý thức cộng đồng của họ. Trung Cộng sở hữu lợi thế chiến lược đó.
Một sự thay máu mới dù nhỏ nhưng cũng làm dân Mỹ hy vọng là ngay trước khi kết thúc mùa làm việc nửa đầu năm, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (TCPV) đã đưa ra hai phán quyết có ảnh hưởng sâu sắc tới chuyện học hành của người dân Mỹ và gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến. Hôm 29 tháng Sáu, TCPV quyết định bãi bỏ chính sách affirmative action, sang ngày hôm sau 30 tháng Sáu, TCPV lại quyết định ngăn chặn kế hoạch của Tổng thống Joe Biden, xóa nợ mà sinh viên đã vay để đi học đại học. Chính sách gọi là affirmative action (AA) trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hiểu nôm na xem xét yếu tố sắc tộc/chủng tộc khi tuyển sinh, ưu tiên cho các sắc tộc thiểu số như người da đen, người da đỏ bản địa, người gốc Mỹ Latin (Hispanic); nó hao hao giống chính sách ưu tiên cho “gia đình có công cách mạng” (!) ở nước Việt Nam cộng sản. Chính sách AA được ban hành đầu thập niên 1960, dưới thời Tổng thống John F. Kennedy, với mục đích nâng đỡ những tộc người thiểu số thường bị phân biệt đối xử, giúp họ có thêm cơ hội được hưởng nền giáo dục bậc cao và phát triển sự nghiệp. Các trường đại học, nhất là các trường danh tiếng, khó vào như Đại học Harvard, coi chính sách AA là yếu tố quan trọng để xây dựng tính đa dạng của môi trường đại học, phản ánh tính đa dạng về sắc tộc của xã hội Mỹ nói chung. Theo tài liệu trình tòa của Đại học Harvard, hiện có 40% số trường đại học, và 60% số trường khó vào (selective) xem xét yếu tố sắc tộc trong việc tuyển sinh. Nhiều trường hợp sinh viên da trắng, sinh viên gốc Á giỏi mà không trúng tuyển vì phải nhường chỗ cho các sinh viên thuộc diện ưu tiên, nhất là ở các trường hàng đầu, khó xin vào như Harvard, nơi chỉ có 3.2% số hồ sơ dự tuyển được chấp nhận. Thế là kiện tụng liên miên suốt hàng chục năm qua, đỉnh điểm là vụ kiện của một tổ chức có tên nhóm Sinh viên Tuyển sinh Công bằng (Students for Fair Admissions) kiện chính sách tuyển sinh có xem xét yếu tố sắc tộc của Đại học Harvard và Đại học North Carolina, dẫn tới kết quả là phán quyết nói trên của TCPV. Khi công bố phán quyết, Chánh án TCPV John Roberts nói,“Nhiều trường đại học đã kết luận sai lầm rằng nền tảng của bản sắc cá nhân không phải là những thách thức [người đó] đã vượt qua, những kỹ năng đã xây dựng được hoặc những bài học đã học được mà là màu da của họ. Lịch sử hợp hiến của chúng ta không dung nạp một lựa chọn như vậy.” Ông cũng nói thẳng ra rằng việc các trường đại học trao cho người da đen, người Hispanic quyền ưu đãi hơn, nhân danh tính đa dạng, là vi phạm quyền được bảo vệ công bằng tại Tu Chính Án số 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Nói tóm lại, ngày Độc lập Hoa Kỳ 4 tháng 7 vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa, thì người dân Hoa Kỳ phài có ý thức trách nhiệm; đó là biết nhận định chính trị bằng cách quyết định một cuộc thay máu chính mình và nước Mỹ qua lá phiếu trong cuốc bầu cử năm 2024để chọn lựa toàn bộ Hạ Viện, 1/3 Thượng viện và Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 47.