Phong trào kỳ thị người á châu

Thảm kịch ngày 16-3 đã khơi dậy phong trào ủng hộ người gốc Á trên khắp nước Mỹ. Tổ chức có tên gọi Asian American Leaders Table đã lập danh sách các sự kiện liên quan trên toàn nước Mỹ với một số dự tính diễn ra cuối tuần này hoặc tháng sau. Phong trào ủng hộ cộng đồng người gốc Á đang sôi sục tại Mỹ sau vụ xả súng khiến 8 người thiệt mạng hôm 16-3năm 2021.

Hàng trăm người tụ tập tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia Thứ Bảy, ngày 20-3 biểu tình phản đối bạo lực chống lại người gốc Á sau vụ xả súng tại 3 tiệm spa ở tiểu bang này và sau một ngày (19-3) TT Joe Biden và Phó TT Kamala Harris đã đến thăm thành phố này lên án tội ác thù ghét người Á Châu. Ông khẳng định: “Sự im lặng là đồng lõa, chúng ta không thể đồng lõa. Chúng ta phải lên tiếng và chúng ta phải hành động…’ TT Joe Biden đã phát biểu tại Đại học Emory thành phố Atlanta. Cũng trong tinh thần đó, hai Dân biểu tiểu bang người Mỹ gốc Việt là Hubert Võ thuộc đơn vị 149 Houston và tiểu bang Massachusetts Bà Trâm Nguyễn đã ra thông cáo chính thức về việc gia tăng tội ác chống người châu Á sau vụ xả súng ở Georgia, trong đó có đoạn: “Sau khi cựu tổng thống (Trump) đổ lỗi cho Trung Cộng, ông ta đã làm cho người gốc Á châu ở Mỹ biến thành mục tiêu tấn công. Sự gia tăng tội ác chống người Á châu tăng lên đến 150% ở Mỹ trong năm 2020 là minh chứng cho điều này”. Bà Dân biểu người Mỹ gốc Việt lại vô tình đưa vấn nạn gây tội ác chống người Á Châu sang lãnh vực khác mang màu sắc đảng phái khi chỉ trích lời phát biểu của Dân biểu Chip Roy thuộc Đảng Cộng Hòa, tiểu bang Texas trong phiên điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ là cùng phe của cựu TT Trump phản bác cho lời đổ lỗi này!

Trong khi đó, hai bản lên tiếng khác trong cộng đồng cũng đáng chú ý của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ ngày 22 tháng 3 và Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa ngày 19 tháng 3 năm 2021. Bản lên tiếng của Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa đơn giản hơn chỉ đưa sự kiện diễn tiến đã xảy ra đối với cựu Thiếu Tá Cảnh Sát Phạm Tấn Ngọc, một thành viên của đại gia đình Cảnh Sát và cực lực lên án tư tưởng kỳ thị chủng tộc đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào đã, đang nhắm vào các thành phần sắc dân gốc Á Châu, cùng kêu gọi đồng hương cảnh giác. Tuy nhiên, trong bản lên tiếng của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ đã đưa những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp đưa đến sự bạo hành đối với người Á Châu. Thủ phạm đã gây ra các tội ác gồm đầy đủ thành phần màu da, trắng có, đen có, nâu có và thậm chí có cả thủ phạm người Việt Nam nữa! Theo nội dung bản lên tiếng này cho biết nhiều người muốn chính trị hóa, khai thác để dành lợi thế chính trị trong hoàn cảnh có sự tranh chấp nghiêm trọng giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Và cuối cùng theo bản thông báo của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ kêu gọi các Cộng Đồng thành viên và Đồng hương bình tĩnh, sáng suốt nhận định để tự mình tìm ra biện pháp phòng thân và không để bị lợi dụng bởi các chính trị gia hoạt đầu.

Ngược dòng lịch sử Hoa Kỳ, không ai có thể  phủ nhận sự kỳ thị  đối với người Tàu khi họ mới qua tìm đất sống, đa số chỉ được làm việc trong các đường rầy xe lửa, và không được quyền có vợ con, bởi hình dáng, tiếng nói, văn hóa, thức ăn của họ bị xem là xa lạ, thấp kém, hôi hám…Chúng ta cũng không thể chối cãi sự kiện tất cả những người Nhật dù có người rất thành công vẻ vang trong nhiều phương diện, đóng góp tích cực cho xã hội Hoa Kỳ  đã bị tước quyền công dân, mất hết tài sản, và bị nhốt hết vào trại tập trung sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Sự kỳ thị người da màu luôn quanh quẩn, ẩn hiện đó đây và khi có dịp là bộc phát lên không kềm chế được. Sự kỳ thị có thể nói là một phần đời sống nơi đây, chỉ chực trỗi dậy khi có dịp, có điều kiện và được sự tán thành, công nhận của những người trong vai trò đại diện một quốc gia. Nhờ vào bao hy sinh xương máu, bao cay đắng ngập tràn, những tranh đấu đòi bình đẳng, nhân quyền của nhiều người dân da màu, nhất là người da đen,  như Mục sư Martin Luther King Jr.,  từ bao thập niên trước đây,  sự kỳ thị đó đến nay, trên nguyên tắc, không còn có thể được bộc lộ rõ ràng, và không được pháp lý công nhận. Nhưng trên thực tế thì lại rất khác còn tiềm ẩn dưới nhiều dạng thức khác nhau.

Chuyện gì đang xảy ra ở nước Mỹ? Phải chăng giờ đây ngay cả các sắc dân da màu cũng căm ghét người gốc Á chúng ta? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta cần lùi lại một bước, hãy thử “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Từ Vũ Hán, Trung Cộng, dịch bệnh COVID-19 lan đến Hoa Kỳ trong một bối cảnh chuyển giao chính trị gay gắt và đưa đến chia rẽ . Mỹ đã từng được xem là chốn thiên đường cho những kẻ tha hương tìm đến bến bờ tự do, nhưng COVID-19 đã vạch trần những góc khuất tăm tối nhất, khoét sâu khác biệt tư tưởng tả – hữu, tích tụ dần thành một quả bom nổ chậm, chỉ chờ chực nổ. Ngày 19 tháng 3/2020, TT Donald Trump công khai gọi virus corona là “virus cúm Tàu” (Chinese virus). Đó là một cách gọi có lẽ không sai về lý, nhưng nó lại như một chiếc mũi dùi vô tình đâm thủng lớp vỏ mỏng manh của quả bóng hận thù, từ đó làm bùng phát hàng loạt các cuộc tấn công đối với người gốc Á. Đến cuối năm 2020, khi chứng kiến một người phụ nữ da nâu đứng cạnh Joe Biden trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên giữ chức phó tổng thống Hoa Kỳ, người ta dễ tưởng rằng những cuộc tấn công người gốc Á sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ngớt đi ở một số tiểu bang, cuộc sống dần quay trở lại nhịp độ cũ, các vụ việc tấn công người gốc Á thay vì giảm lại ngày càng gia tăng. Có lẽ những người bất ngờ hơn ai hết là cộng đồng châu Á, vốn trước giờ sống như những thành viên ngoan ngoãn của xã hội Hoa Kỳ. Họ chọn cách sống khép kín thu mình, không muốn gây phiền phức với ai, nhưng giờ lại trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. Định kiến “model minority” (thiểu số kiểu mẫu) ban đầu như một chiếc huy hiệu được sắc dân châu Á đeo lên mình một cách tự hào, như một lời minh chứng rằng: “Chúng tôi cũng là dân nhập cư, nhưng chúng tôi thành công, chúng tôi hòa nhập rất tốt với xã hội Hoa Kỳ là đằng khác”. Nhưng cũng chính những chiếc huy hiệu ấy lại trở thành gông cùm của áp lực phải thành công, đồng thời che lấp những góc khuất, những nỗi ê chề của sắc tộc gốc Á – vốn thường rất trọng sĩ diện. Những đứa trẻ gốc Á không có kết quả học tập hay sự nghiệp thành công đúng như kỳ vọng của gia đình và định kiến của xã hội thì gần như bị xem là thất bại. Điều này có thể thấy rõ nhất qua trường hợp những người Việt từng bị tù tội khi còn là thanh thiếu niên. Dù được mãn hạn tù, được chính quyền và xã hội Mỹ nói chung chào đón tái hòa nhập, họ vẫn bị chính cộng đồng của mình coi như một vết nhơ. Khi nhiều người gốc Á như Việt Nam, Campuchia bị chính quyền Trump trục xuất về nước vào thời điểm 2018-2019, cộng đồng người gốc Á gần như chẳng đoái hoài đến họ. Và mới đây, tuần trước 33 người Việt Nam bị trục xuất về nước từ phi trường Dallas-Fort Worth dưới thời TT Joe Biden! Chúng ta chưa có một câu trả lời nào thích đáng. Vì người châu Á quá thành công, quá nghe lời, quá cam chịu, và quá lười tham gia chính trị, gần như họ trở nên vô hình trong xã hội Hoa Kỳ. Thói quen sống quây quần trong cộng đồng khiến người Việt càng thiếu tương tác với các nhóm sắc tộc khác. Đặc biệt với cộng đồng gốc Việt, có thể thấy, thế hệ lớn tuổi thì từ chối hòa nhập, sống như người tha hương nơi đất khách, đến cả lá phiếu cử tri trong tay cũng không tin nó là của mình. Trong khi đó, thế hệ trẻ thì khao khát và có khả năng hòa mình vào dòng chảy sắc tộc hơn, nhưng vô tình bị tách rời.

Đã đến lúc người Mỹ gốc Á nói chung, và người gốc Việt nói riêng cần xác định danh tính của mình. Chúng ta là người Mỹ gốc Việt hay người Việt? Đã là người Mỹ, chúng ta phải biết cách hòa nhập và sống chan hòa với các sắc tộc khác. Là người Mỹ, hãy đi bầu, hãy tham gia tranh cử. Là người Mỹ, phải biết lên tiếng trước những bất công trong xã hội, dù nó có liên quan mật thiết đến chúng ta hay không!

Thái Hóa Lộc

 

Previous
Previous

Gì Cũng Cười

Next
Next

Sổ Tay Ký Thiệt kỳ - Tiếng vọng từ đáy lòng?