Sổ Tay Ký Thiệt- Cuộc chiến đấu có đáng hay không?

Tổng thống Donald Trump đang dấn thân vào cuộc chiến đấu của đời ông.

Trong lúc đảng Dân Chủ và truyền thông dòng tà, kể cả vài nhân vật thuộc đảng Cộng Hòa, kêu gọi ông nên chấp nhận kết quả cuộc bầu cử ngày 3.11.2020 và ban giao quyền hành một cách êm ả trơn tru, ông Trump đã thẳng thừng tuyên bố ‘không bao giờ chịu thua” (never concede).

Nếu là một người làm chính trị chuyên nghiệp bình thường, mà mục đích chỉ là tranh danh đoạt lợi thì chắc ông Trump sẽ vui vẻ ra đi. Ông là một tỉ phú rất thành công trên thương trường, có rất nhiều tiền nên có thể nói trước khi được bầu làm tổng thống thứ 45 của siêu cường Hoa Kỳ, ông đã có mọi thứ trên đời mà ông muốn có.

 Năm 2016, ông Trump ra ứng cử tổng thống và đã đắc cử vẻ vang, ít ai ngờ. Ông đã có thêm cái duy nhất trên thế gian này mà ông chưa có. Và trong khi các tổng thống tiền nhiệm như Clinton, Obama đều trở thành những đa triệu phú khi rời Tòa Bạch ốc, ông Trump làm tổng thống không lãnh lương, hay chỉ nhận tượng trưng 1 đô-la mỗi tháng và theo tin chính thức thì sau bốn năm ở Tòa Bạch ốc, tài sản của ông đã sụt giảm so với trước khi làm tổng thống.

 Và, với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, kiêm tổng tư lệnh quân đội Mỹ, ông Trump là con người nắm trong tay nhiều quyền lực nhất trên thế giới, cộng với “tiền rừng bạc bể” có sẵn, ông có một địa vị vô song mà ai không mơ ước?

 Thế mà, từ khi làm tổng thống, ông Trump đã trở thành con người “khốn khổ”, có thể nói là nhất trần gian này. Ông là con người đã bị thù ghét nhất nước Mỹ, bị bộ máy truyền thông dòng tà chĩa mũi dùi độc hại tấn công liên tục không ngừng nghỉ, bị “quyền lực ngầm” cấu kết với những kẻ thù chính trị tay sai ngoại bang âm mưu ám hại liên tục, hết gán tội ngụy tạo “thông đồng với Nga” lại tới đàn hặc truất quyền hụt về tội “lạm quyền” và “cản trở thi hành công lý”.

 Vậy mà chỉ với bốn năm tại chức, TT Donald Trump đã làm được nhiều việc tốt đẹp cho nước Mỹ và dân Mỹ hơn các tổng thống tiền nhiệm đã làm trong tám năm, nếu không muốn nói là chỉ “ăn hại đái nát”. Về đối ngoại, ông cũng đã nâng cao uy tín của nước Mỹ trước mắt thế giới, được đồng minh kính nể tin cậy, thù không còn lấn lướt và coi thường. Nhất là đối với Tàu cộng, ông Trump đã chặn đứng “cuộc xâm lăng không tiếng súng” của “Hoàng đế đỏ” Tập Cận Bình nhắm vào nước Mỹ và toàn thế giới. Những thành tích ấy  không ai là không nhìn thấy, trừ những kẻ mắt bị mù lòa bởi lòng đố kỵ nhỏ nhen và tinh thần phe đảng thối nát.

 Với những thành tích ấy của TT Trump, nhiều người nghĩ là ông sẽ tái đắc cử không khó, dù là vào cuối nhiệm kỳ ông đã phải đương đầu với hai đại họa xảy trên nước Mỹ: nạn dịch phổi Tàu ác hiểm và cuộc nổi loạn nhân danh chủng tộc do cái chết rủi ro của một người da đen trong khi bị cảnh sát bắt giữ vì phạm pháp.

 Nhưng, kết quả sơ khởi của cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11 được đưa ra, như mọi người đã biết, cùng với nhiều tin tức về những sự gian lận rộng lớn dưới nhiều hình thức, nhiều mưu mô.

 Trước sự việc này, ông Trump có hai lựa chọn. Nếu chỉ vì danh và lợi cá nhân, ông nên rút lui. Chức tổng thống không đem lại cho ông lợi lộc gì mà còn làm cho ông “nghèo” hơn, như đã nói ở phần trên. Còn danh thì ông cũng đã làm tổng thống. Làm vua một ngày thì cũng đã là vua, ông đã làm “vua” trong bốn năm, cũng đã hưởng mọi vinh hoa trên đời, có tên trong sử sách. Tranh chấp làm chi cho nhọc thân khổ trí mà nếu có thắng thì cũng chỉ đày ải cái thân già thêm bốn năm nữa. Không đáng!

 Nhưng, nếu TT Trump tự tin mình có đủ tài trí để làm tròn sứ mạng cứu nguy nước Mỹ, đồng thời giải trừ một đại họa cho thế giới thì ông phải dấn thân vào một cuộc chiến đấu cực kỳ nguy cấp, khó khăn và cao cả, như  phân tích sâu sắc của Steve Hecht, nhà văn kiêm sản xuất phim ảnh, trong một bài viết đọc thấy trên Nhật báo Washington Times ra ngày 26.11.2020.

 Dưới tựa đề “Fight against electoral fraud is a fight against totalitarianism – Trump’s efforts to expose it are noble” (Chiến đấu chống gian lận bầu cử là một cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa chuyên chế - Những nỗ lực của Trump để chứng tỏ đó là điều cao cả), tác giả đã mở đầu bài viết, xin tạm dịch như sau:

 “Tổng thống Trump và nhóm luật gia của ông đang phơi bày một cuộc gian lận bầu cử rộng lớn tại những thành phố do đảng Dân Chủ kiểm soát trong những tiểu bang đong đưa (swing states). Việc này trông giống như đã xảy ra vào năm 1960 tái diễn, khi Thị trưởng Chicago Richard Daley gian lận đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống cho John Kennedy. Cái khác trong năm 2020 là sự gian lận đã diễn ra tại hơn một thành phố, khiến cho những sự sai trái lộ liễu hơn.

 “Phe Dân Chủ đã âm mưu gian lận tại những thành phố lớn trong nhiều năm, và chúng ta sẽ bị mất quyền tự do nếu chúng ta không đứng lên chống lại. Chúng ta may mắn có ông Trump đang làm điều đó vì sự tinh khiết của cuộc bầu cử này và những cuộc bầu cử trong tương lai, khởi sự với cuộc bầu lại hai nghị sĩ đại diện Georgia tại Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 5.1.2021.”

 Cuộc bầu lại tại Georgia ngày 5.1.2021 cực kỳ quan trọng, chẳng những cho đảng Cộng Hòa tại Thượng viện mà còn cho tương lai nước Mỹ.

 Sở dĩ có cuộc bầu lại (runoffs) này là do việc ông Trump tố cáo cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng11 là gian lận và đòi hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử tại Georgia và một số tiểu bang khác.

 Nếu hai ứng cử viên của đảng Cộng Hòa (Nghị sĩ Kelly Loeffler và Nghị sĩ David Perdue) thất cử thì đảng Cộng Hòa sẽ mất quyền kiểm soát Thượng viện. Hiện giờ, đảng Cộng Hòa đang giữ 50 trong 100 ghế tại Thượng viện. Nếu hai ứng cử viên  Raphael Warnock và Jon Ossoff của đảng Dân Chủ thắng cả hai cuộc bầu lại sắp tới thì đảng con lừa sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện  cân bằng 50-50 với lá phiếu quyết định  của “Phó tổng thống” (giả định) Kamala Harris, kiêm chủ tịch Thượng viện.

Khi ấy đảng Dân Chủ sẽ khởi đầu tiến trình đưa nước Mỹ vào con đường xã hội chủ nghĩa chuyên chế với việc chấm dứt lệ “filibuster” (thủ tục đặc biệt của Thượng viện giúp phe thiểu số ngăn chặn một dự luật) và tăng số thẩm phán phe tả vào thành phần Tối Cao Pháp Viện hiện nay, trừ khi TT Trump tiếp tục ngồi lại Tòa Bạch Ốc thêm bốn năm nữa.

 Trở lại với bài viết của Steve Hecht, ông ta nói rằng truyền thông phe Dân Chủ đang gia tăng áp lực lên những đảng viên Cộng Hòa tại Quốc Hội để họ hùa theo cùng lên tiếng bảo rằng không có gian lận, và cuộc bầu cử đã xong rồi. Ông ta khuyên các nghị sĩ Cộng Hòa không nên bắt chước vài đồng viện như Mitt Romney, kẻ có tư thù với ông Trump và đang giúp truyền thông dòng tà quét chuyện gian lận bầu cử xuống bên dưới tấm thảm phủ nền nhà. Ông Hecht kêu gọi những người Cộng Hòa hãy đứng lên và hoan hô những nỗ lực của ông Trump để khám phá và phát hiện sự thật.

 Trước đây Richard Nixon đã nghĩ rằng vạch ra sự gian lận ở Chicago sẽ có thể gây nguy hại cho những cơ hội về chính trị của ông ta trong tương lai. Nixon đã đặt tham vọng cá nhân trên lợi ích quốc gia nên đã không tố cáo và phơi bày tất cả sự gian lận của cuộc bầu cử năm 1960. Điều này đã giúp sự thối nát trong những cuộc bầu cử tại các thành phố trở nên đễ dàng trong 60 năm.

 Những sự gian lận này gồm có phiếu bầu của những người đã chết, những người không phải cư dân tại địa phương và di dân bất hợp pháp. Thêm vào đó là chuyện đếm những phiếu không được kiểm chứng, những vi phạm sự bình đẳng của cử tri, trục xuất trái luật những người quan sát bầu cử của đảng Cộng Hòa và những vấn đề chung quanh phần mềm kiểm đếm phiếu được sử dụng để gian lận bầu cử của Công ty Dominion và các công ty khác đang được nói tới rất nhiều.

Trong cuộc bầu cử năm 1960, không bên nào đe dọa tự do của dân Mỹ, những giá trị căn bản và cấu trúc chính trị của quốc gia không bị thay đổi. Điều đó đã không còn nữa. Phe Dân Chủ đã phô diễn những giá trị chuyên chế của chủ nghĩa xã hội một khi họ nắm quyền. Việc cô Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, New York- Dân Chủ, vừa mới đây đã công khai kêu gọi lập danh sách đen những người ủng hộ Trump để “thanh trừng” là một bằng chứng.

Và, sau khi khước từ nhìn nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2016, vu cáo ông Trump đắc cử là nhờ “thông đồng với Nga” để nước này nhúng tay vào, bây giờ những chính trị gia đảng Dân Chủ coi là kẻ thù tất cả những ai nói là bầu cử gian lận. Họ đe dọa, quấy nhiễu và phỉ báng những viên chức phụ trách bầu cử và những người khác không hợp tác trong những vụ gian lận với quy mô rộng lớn và lộ liễu.

 Giáo sư Alan Dershowitz, giảng dạy luật tại Đại Học Harvard, cho rằng thách thức cuộc bầu cử là quyền hiến định của nhóm luật gia đại diện cho Trump.

 Còn chính ông Trump thì tuyên bố ông chiến đấu để bảo vệ Hiến Pháp và nền dân chủ của nước Mỹ.

 Theo tin tức trên các trang mạng thì cuộc chiến đấu này không chỉ diễn ra trong các phòng đếm phiếu, trước các tòa án, trên báo chí truyền thông... mà đang trở thành muôn hình vạn trạng và mở rộng từng ngày, không phải chỉ trên nước Mỹ nhưng liên hệ tới nhiều nước khác, bạn cũng như thù.

 Các nguồn tin này cho biết cuộc chiến đấu một mất một còn đang diễn ra để chống lại những kẻ thù của Hoa Kỳ ở cả trong và ngoài nước, bao gồm cả CIA, FBI và Bộ Tư pháp, qua âm mưu gian lận bầu cử, loại trừ TT Trump, đưa Biden và thành phần tay sai Tàu cộng lên nắm quyền, lật đổ chế độ dân chủ tư bản Mỹ.

Cuộc chiến đấu này đang diễn ra quyết liệt ở giai đoạn cuối cùng và những kẻ thù của nước Mỹ sẽ bị đánh bại, ông Trump sẽ ở lại  giữ chức vụ tổng thống nhiệm kỳ hai để tiếp tục vét cạn cái “đầm lầy” ở Washington mà ông đã hứa khi ra tranh cử bốn năm trước.

 Tuy nhiên, trả lời một cuộc phỏng vấn trong chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News hôm chủ nhật 29.11 vừa rồi, TT Trump cho biết những vụ tranh tụng về pháp lý của nhóm luật sư khiếu tố tại các tòa án địa phương có thể không bao giờ lên tới Tối Cao Pháp Viện, và ông sẽ không bao giờ nhìn nhận sự hợp pháp của cuộc bầu cử mà kết quả đã cho Joseph R. Biden là tổng thống đắc cử, tuy điều này sẽ không ngăn cản ông ta tiếp nhận chức vụ tổng thống.

 Ông Trump nói rằng nhóm luật sư đã cố gắng xuất trình những bằng chứng của sự gian lận nhưng các thẩm phán tòa dưới đã không chấp nhận. Vì vậy, cuộc tranh đấu cho nhiệm kỳ hai chỉ thành công khi có một thẩm phán, hay thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, can đảm đứng lên chiến đấu chống lại sự gian lận bầu cử.

 Những phát biểu nói trên của TT Trump trái ngược với những tin tức lạc quan đọc được trên các mạng trong những ngày gần đây, nhất là những tuyên bố đầy phấn khởi của Luật sư Sidney Powell, tuy bà không nằm trong nhóm luật sư đại diện cho ông Trump.

 Phải chăng đây là đây là sự phân công để thực thi một chiến thuật đã soạn trước?

 Trong khi đó, lòng căm giận trước sự lừa đảo và sự đồng tình của quần chúng đối với cuộc chiến của TT Trump tiếp tục lên cao, tại Mỹ cũng nhiều nơi trên thế giới, thể hiện qua những cuộc biểu tình tự phát tại một số thành phố.

 Riêng tại Mỹ,  cuộc biểu dương “Million MAGA March” dự trù tổ chức vào ngày thứ bảy, 12.12.2020, tại Thủ đô Washington, sẽ có sự tham dự của những phái đoàn từ khắp nơi tới, sẽ là một cuộc tập họp lớn nhất, lớn hơn cuộc biểu dương ngày 14 tháng 11 vừa qua, lớn chưa từng có tổng thống Mỹ nào được người dân tự ý “suy tôn” như vậy.

 Và, ngày 14 tháng 12 cử tri đoàn từ các tiểu bang sẽ tập họp tai đây để cứu xét và bỏ phiếu bầu tổng thống cho nhiệm kỳ 2021-2025.

 Cuộc “bỏ phiếu bằng chân” khổng lồ trước đó hai ngày liệu có làm lương tâm ai nhức nhối, nếu có điều chi khuất tất?Ký Thiệt

 

Previous
Previous

Liệu Nước Mỹ Có Bị Chia Cắt Không?

Next
Next

Những điều khuất tất trong bầu cử TT Mỹ 2020