Sổ Tay Ký Thiệt - “Đoàn kết”
Ông Joe Biden ra ứng cử tranh chức tổng thống Hoa Kỳ với chủ đề đoàn kết quốc gia và hàn gắn sự chia rẽ trong dân Mỹ “dưới thời Tổng thống Donald Trump”.
Có lẽ vì vậy mà để đáp lại sự tin tưởng của dân Mỹ đã dồn phiếu giúp ông thắng cử - chứ không phải nhờ gian lận như tố cáo của ông Trump, nên chỉ trong một tuần lễ sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã ký 33 sắc lệnh hành chánh, tức là “luật mà không phải luật” vì không do Quốc Hội làm ra. Trong đó có những sắc lệnh đáng chú ý dưới đây:
- Sắc lệnh tái gia nhập Thoả ước Paris về khí hậu, mà ông Trump đã rút ra năm 2017 với lý do bất lợi cho Mỹ.
- Sắc lệnh về việc thăng tiến bình đẳng chủng tộc cho mọi người, gồm cả những người da màu và những người khác do tàn tích lịch sử đã bị bỏ quên và do ảnh hưởng của sự nghèo khổ và bất bình đẳng.
- Sắc lệnh về việc tái xét những chính sách đối với di dân. Sắc lệnh này đã hủy bỏ Sắc lệnh 13768 của TT Trump, trong đó nói rằng Bộ trưởng Nội An nên “dùng tất cả hành động thich đáng để thuê thêm 10 ngàn sĩ quan di trú.”
- Sắc lệnh về việc hủy bỏ sự giới hạn quyền lực của các cơ quan liên bang.
- Sắc lệnh về việc cho phép di dân bất hợp pháp được tính vào trong cuộc kiểm tra dân số mỗi thập niên.
- Sắc lệnh về việc hủy bỏ giấy phép khai thác dầu khí Keystone XL.
- Sắc lệnh về việc ngăn cấm sự kỳ thị dựa trên giới tính hay dục tính.
- Sắc lệnh về việc đình chỉ thu tiền sinh viên nợ quỹ liên bang.
Sau một tuần lễ ngồi vào Văn phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden đã ký tới 33 sắc lệnh hành chánh thì có vẻ...hơi nhiều, chỉ thêm hai cái nữa là mỗi ngày ông Biden cho ra 5 cái sắc lệnh, nhưng giới truyền thông dòng chính, mà có người gọi là “dòng tà”, không ai hé răng nói nửa lời. Vậy mà, bốn năm trước, cũng trong thời gian một tuần lễ sau ngày nhậm chức, TT Trump chỉ ký có bốn cái sắc lệnh hành chánh, tức thì cũng giới truyền thông ấy, và cả ông Biden hô hoán ầm lên, buộc tội ông Trump độc tài, cai trị bằng sắc lệnh hành chánh.
Cũng nên biết trong cùng thời gian một tuần sau ngày nhậm chức, TT Obama đã ký 5 cái sắc lệnh hành chánh, TT Clinton chỉ ký có một cái sắc lệnh, còn TT Bush (43) đã không ký sắc lệnh nào. Ai bảo ông Biden già lẫn, chậm lụt? Hay là nhờ Bà Phó trợ lực để bác bỏ tiếng đồn ác ý của “kẻ xấu”nói rằng cuộc bầu cử vừa qua thực ra là bầu cho Kamala Harris chứ ông già Biden thì “trụ” được bao lâu.
Công bằng mà nói, phần lớn những sắc lệnh ông Biden đã ký trong tuần lễ đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống chỉ nhằm hủy bỏ hay đảo ngược những chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump, mà rõ ràng nhất là chính sách đối với di dân mà ai cũng nhìn thấy là một đoàn xe với hơn 11 ngàn di dân từ các nước Trung Mỹ đang rầm rộ tiến về biên giới phía nam Hoa Kỳ với hy vọng sẽ được nhập cư dễ dàng do chính sách mới của TT Biden.
Chính sách mới ấy, ngoài việc mở cửa biên giới, TT Biden còn ra lệnh đình chỉ trục xuất di dân bất hợp pháp trong 100 ngày kể từ ngày ký lệnh, mà theo ước tính sẽ khiến cho 9 trong mỗi 10 di dân bất hợp pháp được ở lại nước Mỹ.
Nhưng, do khiếu kiện của Tổng Chưởng lý Tiểu bang Texas Ken Paxton, một thẩm phán liên bang khu vực Texas đã ra lệnh vô hiệu hóa lệnh của TT Biden trong 14 ngày để tòa nghe luận cứ về lý do tại sao lại đình chỉ trục xuất trong 100 ngày và thời lượng thích hợp để dình chỉ trục xuất.
Chính sách mới về di dân của TT Biden đã bị nhiều chỉ trích, trong đó có việc bỏ dở bức tường biên giới phía nam nước Mỹ và chấm dứt dùng danh từ “illegal alien” (ngoại kiều bất hợp pháp).
Việc ông Biden ra lệnh đình chỉ công tác xây dựng bức tường đã bị nhiều chuyên gia cho là “có thể” bất hợp pháp. Lệnh ấy cũng đã đặt 5 ngàn công nhân vào tình trạng thất nghiệp, và có lẽ sẽ phải tiêu phí nhiều tỉ đô-la để trả cho các nhà thầu về những công việc bị bỏ dở dang, không được hoàn tất.
Khoảng 460 dặm của bức tường biên giới phía Nam nước Mỹ đã được xây dựng dưới thời TT Trump, Bộ Nội An đã lập kế hoạch và có tiền, để dựng thêm 300 dặm nữa.
Tất cả đều đã đã bị ngưng lại không bao lâu sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức, ngoại trừ tại vài địa điểm nơi mà công nhân cần phải sửa chữa cho an toàn, như lấp các miệng hố, hay buộc chặt vật liệu lại với nhau, trước khi họ buông xẻng và trở về nhà.
Brandon Judd, Chủ tịch Hội đồng Biên phòng Quốc gia, nghiệp đoàn đại diện cho nhân viên biên phòng, cho biết vài con số về vùng Arizona liên quan tới bức tường.
Tại Khu vực Tucson, bao phủ hầu hết phân nửa phía nam của tiểu bang, phần phía đông đã là địa điểm căng thẳng nhất của việc xây dựng bức tường trong bốn năm vừa qua. Phần xa hơn về phía tây tình hình nhẹ hơn.
Judd nói rằng trong khoảng thời gian năm ngày của tuần lễ vừa qua, biên phòng đã phát hiện 2 ngàn và 6 vụ xâm nhập bất hợp pháp vào phía tây và đã bắt giữ 881 vụ - một tỉ lệ thành công khoảng 46%.
Tại phần phía đông, nơi bức tường đã được dựng lên, biên phòng chỉ phát hiện có 1,180 vụ xâm nhập và đã bắt giữ 881 vụ - một tỉ lệ thành công khoảng 75%.
Chủ tịch Judd nhận xét: “Vì thế tại sao chúng tôi nói bức tường có hiệu quả. Nó cho chúng tôi biết chỗ nào diễn ra sự xâm nhập, và nếu chúng tôi biết những chỗ sự xâm nhập diễn ra thì chúng tôi làm nhiệm vụ hiệu quả hơn rất nhiều.”
Đình chỉ xây dựng bức tường có những hậu quả bên lề tai hại khác.
Khoảng 5 ngàn người đang làm việc với các nhà thầu để xây dựng bức tường. Họ đã bị mất việc giữa lúc nền kinh tế chao đảo vì cơn dịch ác hại COVID-19.
Hủy bỏ việc xây dựng bức tường tạo thêm khó khăn cho dân lao động. Hiện có từ 27 tới 30 nhà thầu làm việc cho những dự án xây dựng bức tường, mà trong mỗi vụ chính quyền sẽ phải thương lượng để dàn xếp, thanh toán cho họ về những công việc đã hoàn tất và những vật liệu đã mua và thu dọn công trường.
Tóm lại, quyết định bỏ dở chương trính xây bức tường biên giới phía nam sẽ tốn bạc tỉ và nhiều công sức.
Còn lệnh chấm dứt dùng danh từ “illegal alien”, tuy không tốn tiền không tốn công mà cũng bị chỉ trích vì chỉ là chuyện “vẽ rắn thêm chân”. Từ nay, Sở Di Trú và Quan thuế, dưới quyền kiểm soát của TT Biden, sẽ đóng vai trò cảnh sát để buộc nhân viên của mình không được dùng từ “alien” và “illegal alien” trong bất cứ hồ sơ nào.
Thay vào hai từ ấy là “undocumented” – như trong “undocumented noncitizen”, hay “undocumemted individual”.
Các viên chức liên quan tới Sở Di Trú và Quan Thuế Hoa Kỳ đang tranh cãi ầm ĩ về lệnh cấm kỵ hai từ “illegal alien”. Bà Rosemary Jenks, phó chủ tịch hội NumbersUSA chủ trương giới hạn chặt chẽ việc di trú, cho rằng chuyện này không phải là việc ưu tiên để làm. Bà Jenks nói: “Tôi nghĩ Sở Điều tra Nội An có nhiều việc quan trọng để làm hơn là nỗ lực ngu xuẩn này để xóa bỏ ngôn ngữ luật pháp ra khỏi ngữ vựng của họ.”
Như đã nói ở đầu bài, phần lớn những sắc lệnh ông Biden đã ký trong tuần lễ đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống chỉ nhằm xóa bỏ hay đảo ngược những gì TT Trump đã làm trong bốn năm, và càng làm như vậy thì càng gây chia rẽ, thay vì tạo sự đoàn kết như ông ta nói.
Nhật báo The Washington Times ra ngày 26.1.2021, trong phần “Commentary”có đăng một bài của Newt Gringrich, cựu chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, tựa đề “Biden: Words vs. Actions”, phụ đề “Biden promises unity but tears down everything Trump did, erasing evrything the former president achieved”, nội dung gồm những phân tích và nhận định xác đáng xin tạm dịch như sau:
“Khi tôi quan sát tinh hoa của giới truyền thông cánh tả tràn ngập lễ tấn phong của Tổng thống Joe Biden, tôi đã chờ đợi ít nhất cũng có ai đó để phân tích sự khác biệt đặc thù giữa diễn văn nhậm chức của Tổng thống Biden và hành động trong ngày nhậm chức của ông ta.
Trước hết, tôi nghĩ bài diễn văn hay không chê vào đâu được. Bài diễn văn đã hứa sự đoàn kết, tập họp lại với nhau và tìm kiếm nền tảng chung – đó là bài diễn văn của hệ thống lưỡng đảng Mỹ cổ điển và thiện chí dân chính. Ông ấy hứa đưa tay tới mọi người, làm việc với mọi người và là một tổng thống Mỹ, hơn là một tổng thống Dân Chủ, phe đảng.
Nó nhắc tôi nhớ lại một cách mạnh mẽ bài diễn văn nhậm chức lần đầu tiên của Tổng thống Barack Obama. Và, thực ra, tôi đã gần có cùng cảm nghĩ về bài diễn văn của ông Biden như tôi đã cảm nghĩ về bài diễn văn của ông Obama: Nếu ông ta lãnh đạo cùng một cách như ông ta nói – và làm như ông ta nói ông ta sẽ - ông ta sẽ chia rẽ đảng Cộng Hòa và có một đa số rộng lớn dân Mỹ quyết định cho toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống của ông ta.
Dĩ nhiên, Tổng thống Obama đã không làm điều này. Ông ta đã mau chóng quay sang cánh tả, và đã mất khối đa số tại Hạ viện và Thượng viện. Căn cứ vào những ngày đầu tiên của Tổng thống Biden, dường như ông ta đang theo cùng một sách lược của Obama.
Vài giờ sau khi đọc bài diễn văn nhậm chức xuất sắc, Tổng thống Biden đã tới Tòa Bạch Ốc và ký 17 sắc lệnh hành chánh – trong đó có hơn một tá những lệnh hoàn toàn trái ngược với lời hứa của ông ta về sự đồng thuận lưỡng đảng, đoàn kết và tìm kiếm nền tảng chung.
Thay vào đó, ông ta đã khởi sự hủy bỏ tất cả những gì Tổng thống Donald Trump đã làm – xóa đi mọi thành quả ông Trump đã đạt – bất kể việc ấy đem lại lợi ích tới đâu cho dân Mỹ hay dân Mỹ đã ủng hộ việc ấy ra sao.
Ta có thể bắt đầu với vấn đề di dân mà đất nước này đã từ lâu chia rẽ sâu xa. Tổng thống Biden đã tức thì rút lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Trump mà nhờ đó có ngân quỹ xây bức tường và tăng cường an ninh tại biên giới phía nam. Ông Biden đã làm điều ấy vào lúc – ngay bây giờ - có từ 6 ngàn tới 8 ngàn người trong một đoàn xe từ Honduras trực chỉ Hoa Kỳ với ý định vượt qua biên giới.
Bây giờ, phe Dân Chủ và tinh hoa của truyền thông cánh tả ghét ý kiến về bức tường biên giới. Nhưng 77% bên phía Công Hòa ủng hộ bức tường, theo một “poll” của Rasmussen thực hiện vào năm 2918. Đâu là sự đồng thuận lưỡng đảng?” (ngưng trích)
Ông Gringrich tiếp tục nêu ra những thành tích của TT Trump, đối nội cũng như đối ngoại, trong bốn năm tại chức đã bị ông Biden xóa bỏ qua những sắc lệnh được ký chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau khi trở thành tổng thống!
Và, tác giả kết thúc bài viết của mình như sau:
“Phe tả tin rằng mọi người Mỹ nên quy tội cho Dự án 1619 của tờ The New York Times, theo đó đóng khung lại tất cả lịch sử nước Mỹ chung quanh nạn nô lệ và loại bỏ công lao thực sự của những người đã góp một tay trong việc viết ra bản Hiếp Pháp Hoa Kỳ, bản Tuyên Ngôn Độc Lập, hay sự chiến thắng của Cuộc Cách mạng Mỹ.
Bây giờ, không điều nào trong chuyện này nên được diễn giải như sự mong muốn cho Tổng thống Biden thất bại trong vai trò đứng đầu quyền hành pháp của chúng ta. Ngoại trừ những kẻ xuẩn ngốc, tất cả mọi người Mỹ đều muốn tổng thống Mỹ thành công. Nếu tổng thống không thành công, nước Mỹ lâm nguy.
Điều này nên được dùng như một thách thức cho Tổng thống Biden để chắc chắn những hành động của ông phù hợp với lời nói của mình. Cho tới bây giờ, tôi nhìn ông ta nói về đoàn kết và kêu gọi mọi người trong chúng ta hãy chung sức làm việc với nhau, nhưng tôi thắc mắc tự hỏi ai là người ông thực sự nghĩ là ‘chúng ta’.”
Có phần chắc là ông Gringrich không chờ đợi một câu trả lời cho “thắc mắc” của mình, từ mọi người, kể cả từ TT Biden. Ngày nay, không ai không biết nước Mỹ đang ở trong tình trạng chia rẽ trầm trọng chưa từng thấy kể từ sau cuộc nội chiến. Người ở địa vị càng cao càng thấy rõ điều đó hơn ai.
Ông Biden trở thành tổng thống trong một cuộc bầu cử nhiều tai tiếng. Người thua ông, Donald Trump, cũng nhận được phiếu bầu của hơn 70 triệu dân Mỹ, đã không nhìn nhận kết quả cuộc bầu cử và không có mặt trong lễ tấn phong người kế nhiệm.
Nếu thực sự chủ trương “đoàn kết”, TT Biden đã không ký ngay hàng loạt sắc lệnh chỉ vài giờ sau khi đọc bài diễn văn xuất sắc, hủy bỏ tất cả những gì Tổng thống Donald Trump đã làm, xóa đi mọi thành quả ông Trump đã đạt.
Vì vậy, lời kêu gọi “đoàn kết” và “chúng ta” hợp tác làm việc với nhau của TT Biden đã trở thành vô nghĩa, cuốn trôi theo chiều gió ngày 20.1.2021. Và, kể từ ngày ấy, sự chia rẽ trong dân Mỹ ngày càng thêm gay gắt, không phải chỉ giữa Cộng Hòa và Dân Chủ, hay giữa da trắng và da đen...
Trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ta, cuộc chiến cũng đang tiếp tục diễn ra trên mạng khá sôi nổi giữa những người cùng nhân danh Cờ Vàng, và đã từng “chúng ta” với nhau để đi tị nạn cộng sản.
Ký Thiệt