Sự thật về GB Hồ Hữu Hòa

1- Hồ Hữu Hòa nhập tịch vào Giáo phận Maasin có hữu hiệu không?
Khi chịu chức phó tế, một người buộc phải nhập tịch vào một Giáo hội địa phương hay một hội dòng hay một Tu đoàn ĐSTĐ (đ. 256). Như vậy, khi chịu chức phó tế ngày 7-9-2022, thầy Hồ Hữu Hòa nhập tịch vào Giáo phận Vinh. Sau đó, khi được phong chức linh mục, vào ngày 7-12-2022, Hồ Hữu Hòa vẫn thuộc Giáo phận Vinh.
Theo như thư của Giám mục Giáo phận Maasin viết, ngày 17-2-2023, Hoà được ngài nhận cho nhập tịch vào Giáo phận Maasin vào ngày 15-1-2023, sau khi Hòa chịu chức linh mục.
Giáo luật điều 267 có quy định những điều kiện để việc nhập tịch được hữu hiệu, nghĩa là, nếu không đủ điều kiện thì việc nhập tịch bị vô hiệu.

Điều 267
§1. Để được nhập tịch hữu hiệu vào một Giáo Hội địa phương khác, một giáo sĩ đã nhập tịch rồi cần phải có văn thư xuất tịch của Giám Mục Giáo Phận do chính ngài ký tên; và cũng phải được Giám Mục Giáo Phận của Giáo Hội địa phương tại nơi giáo sĩ ước muốn nhập tịch ban văn thư nhập tịch do chính ngài ký tên.
§2. Như vậy, việc xuất tịch được cấp chỉ có hiệu lực sau khi đã được nhập tịch vào một Giáo Hội địa phương khác.

Dựa theo điều 267 nói trên, sự nhập tịch của linh mục Hòa vào Giáo phận Maasin là vô hiệu, vì thiếu văn thư xuất tịch của Giám Mục Giáo Phận Vinh do chính ngài ký tên.
Giả sử là linh mục Hòa có trình văn thư xuất tịch của Giám Mục Giáo Phận Vinh ký, thì có thể kết luận rằng văn thư ấy là giả tạo, được suy đoán cách hữu lý do những sự kiện đã diễn ra.
Như vậy, linh mục Hồ Hữu Hòa vẫn thuộc Giáo phận Vinh.

Trái lại, nếu như các văn thư ủy nhiệm truyền chức phó tế, linh mục và  văn thư cho phép xuất tịch đều do Đức Cha Gp Vinh ký một cách thực sự, thì Hồ Hữu Hòa và cha Chưởng ấn đã đem các văn thư này ra để biện minh cho mình và chống lại Đức Cha. Cho nên văn thư minh định của Đức Cha Gp Vinh là đúng sự thật.

2- Hồ Hữu Hòa không nhập tịch vào giáo phận Vinh, do Giám mục giáo phận Vinh không ủy nhiệm, cũng không biết việc truyền chức?

Giáo luật, hoàn toàn không thừa nhận giáo sĩ lang thang hoặc không có cấp trên (clerici acephali seu vagi minime admittantur) (đ. 265). Do đó, Giáo luật quy định việc nhập tịch của giáo sĩ vào một giáo hội địa phương (đ. 368)  hoặc một hạt giám chức tòng nhân (đ. 294), hoặc một dòng tu là một điều bắt buộc, phát sinh tự động do luật, bởi sự việc lãnh nhận chức phó tế.

Điều 266§1Do việc lãnh chức phó tế, một người trở thành giáo sĩ và được nhập tịch vào một Giáo Hội địa phương hoặc một hạt giám chức tòng nhân mà họ được tiến chức để phục vụ.

Điều luật nói trên xác định hai hệ quả phát sinh cách tự động do luật bởi việc lãnh nhận chức phó tế:

- Trở thành giáo sĩ;
- Nhập tịch vào một Giáo hội địa phương.

Vậy, giáo sĩ Hòa đã nhập vào Giáo hội địa phương nào?
Đó là Giáo hội đã được định để tiến chức phục vụ trước khi lãnh nhận chức phó tế. Việc định trước này tuy Giám mục giáo phận Vinh không biết nhưng sự việc được suy đoán theo những yếu tố bên ngoài (đ. 124§2). Đó là Giám mục của Maasin xác nhận là đã truyền chức thánh cho Hòa với thư ủy nhiệm của Giám mục Vinh và cho giáo phận Vinh.

Sự kiện  tiếp theo sau là Hòa chịu chức linh mục rồi  thì Hòa mới xin được nhập tịch vào giáo phận Maasin và được chấp nhận.

Thư ủy nhiệm là giả và sự không biết của Giám Mục giáo phận, là yếu tố bên trong, không ngăn cản hay vô hiệu hóa sự nhập tịch tự động do luật của Hòa vào giáo phận Vinh.
Theo nguyên tắc của luật bãi hiệu (đ. 10), chỉ có thể khẳng định sự nhập tịch do chịu chức phó tế bị vô hiệu do sự không biết của Giám mục có quyền phong chức khi có một điều luật nào đó xác định nó là vô hiệu. Trong Bộ Giáo luật không có một điều luật nào khẳng định sự bãi hiệu này.

Trái lại, nếu ta xác nhận Hòa không nhập tịch vào giáo phận Vinh thì ta đã xác nhận Hòa là giáo sĩ lang thang. Điều này lại trái với quy định của điều 265. Như đã nói ở trên, Giáo luật, hoàn toàn không thừa nhận giáo sĩ lang thang hoặc không có cấp trên (clerici acephali seu vagi minime admittantur), (đ. 265).
Mặt khác, nếu xác nhận linh mục Hồ Hữu Hòa không nhập tịch vào nơi nào cả, nghĩa là không dưới quyền một cấp trên nào và tự do thi hành thánh chức linh mục thì quả là điều nguy hại cho Giáo hội. Những hành vi thuộc quyền thánh chức như cử hành Thánh Lễ, Giải tội... đều là những hành vi công thuộc phụng vụ của Giáo hội, không được phép tự do thực hiện trái luật, gây nhiễu loại trật tự trong Giáo hội, như những nhóm lạc giáo.

3- Tại sao Tòa Giám Mục Vinh cấm Hòa thực hành chức thánh trong phạm vi giáo phận Vinh?  
Thực ra, Tòa Giám mục Vinh đang chờ Bộ Truyền Giáo điều tra, ra những chỉ dẫn và giải quyết. Việc cấm Hòa thực hành chức thánh trong phạm vi giáo phận Vinh, chỉ là một hình phạt tạm thời, vì còn hồ nghi là Hòa có thể đã được nhập vào giáo phận Maasin và đã không cần dùng ủy nhiệm thư của Giám mục Vinh để được chịu chức thánh.
Tuy nhiên, một khi đã xác định được giáo sĩ Hòa thuộc Vinh và đã dùng uỷ nhiệm thư giả mạo thì giáo quyền cần thiết phải tuyên bố vạ huyền chức của Hòa.

4- Luận bàn về hình phạt
Như trên đã nói, Hòa thuộc giáo phận Vinh dưới quyền của Giám mục giáo phận vinh. Ngài hầu như có toàn quyền để phạt Hòa nặng hay nhẹ theo quy định Giáo luật, trừ hình phạt có tính cách chung thân như là loại trừ ra khỏi hàng giáo sĩ.
Nhờ qua thư của Giám mục của Maasin, và sự thú nhận của cha chưởng ấn Việt, chúng ta xác định cách chắc chắn là Hòa đã dùng ủy nhiệm thư giả mạo để được truyền chức cho giáo phận Vinh.  Chiếu theo điều 1383 Hòa bị phạt huyền chức do chính sự kiện (ipso facto) chịu chức thánh mà không có thư ủy nhiệm hợp pháp.
Sự kiện đã trải qua cho thấy Hòa cần phải bị phạt nặng nhất, tức là bị loại ra khỏi hàng giáo sĩ. Vì vậy, việc đưa vụ việc lên Tòa Thánh xét xử là điều hợp lý.

5- Nên "tuyên bố" hình phạt huyền chức
Hiện nay, sau khi xác định được cách chắc chắn là Hòa đã dùng ủy nhiệm thư giả mạo và Hòa đã không nhập tịch hữu hiệu vào giáo phận Maasin, nhưng nhập tịch vào giáo phận Vinh, Giám mục giáo phận Vinh cần phải "tuyên bố" (declare)  hình phạt huyền chức theo quy định của điều 1383 và nên xác định thêm lệnh cấm: Không được thi hành tất cả những  hành vi thuộc quyền thánh chức (đ. 1333§1,10).
Cần phải tuyên bố vạ huyền chức để Hòa không thể thực hiện được những hành vi thuộc quyền thánh chức, ngay cả khi đi ra nước ngoài.
Tại sao lại "tuyên bố" và xác định phạm vi vạ huyền chức?
Theo Giáo luật, hình phạt có hai loại: tiền kết và hậu kết.  Hình phạt là hậu kết (ferendae sententiae) khi hình phạt do giáo quyền giáng phạt sau khi phạm nhân đã phạm tội; còn hình phạt là tiền kết (latae sententiae), nếu được luật và mệnh lệnh minh nhiên ấn định phạm nhận bị phạt cách tự động do chính sự kiện phạm tội, ví dụ như người phạm tội cố ý phá thai có hiệu quả bị vạ tuyệt thông tiền kết.
Thông thường hành vi phạm tội được thực hiện trong kín ẩn, hình phạt hay vạ tiền kết cũng nằm trong kín ẩn. Đôi khi một số hình phạt tiền kết cần được giáo quyền tuyên bố ra vì công ích.
Mặt khác, khi công bố ra, hình phạt có thể bị thay đổi. Ví dụ, trong vạ tuyệt thông tiền kết, phạm nhân bị "cấm" thực hiện hành vi lãnh đạo (ví dụ bị cấm bổ nhiệm cha sở, nhưng nếu có bổ nhiệm thì vẫn hữu hiệu), nhưng sau khi vạ này được tuyên bố phạm nhân không những bị cấm mà còn thực hiện "vô hiệu" hành vi lãnh đạo (ví dụ bị cấm bổ nhiệm cha sở, nếu bổ nhiệm thì cũng bị vô hiệu).
Mức độ cấm của vạ huyền chức thì khác nhau, ví dụ như cấm "tất cả hoặc một vài hành vi thuộc quyền thánh chức" (đ. 1333)Vì vậy, đối với vạ huyền chức tiền kết, cùng với việc tuyên bố vạ, giáo quyền cũng phải xác định phạm vi hay mức độ cấm.


Vạ huyền chức cấm gì?

Giáo luật không định nghĩa vạ huyền chức, chỉ nêu ra những điều cấm của vạ.

Điều 1333
§1. Vạ huyền chức cấm:

10 Tất cả hoặc một vài hành vi thuộc quyền thánh chức;
20 Tất cả hoặc một vài hành vi thuộc quyền lãnh đạo;
30 Thi hành tất cả hoặc một số quyền lợi hay nghĩa vụ gắn liền với giáo vụ.

§2. Trong luật hay trong mệnh lệnh có thể ấn định rằng, sau khi án lệnh hay sắc lệnh đã được áp đặt hay đã được tuyên bố, người bị vạ huyền chức không thể thực hiện cách thành sự những hành vi lãnh đạo.
§3. Lệnh cấm không bao giờ chi phối:

10 Những giáo vụ hay quyền lãnh đạo nào không thuộc quyền bính của vị Bề trên thiết lập hình phạt;
20 Quyền cư trú, nếu phạm nhân có quyền ấy do bởi giáo vụ;
30 Quyền quản trị những tài sản nào thuộc giáo vụ của chính người bị vạ huyền chức, nếu hình phạt là tiền kết.

§4. Vạ huyền chức cấm nhận lợi lộc, lương bổng, trợ cấp hay những thứ khác tương tự, bao gồm bó buộc phải trả lại bất cứ những gì đã nhận cách bất hợp pháp, cả khi vì ngay tình.


5- Hình phạt của tội làm ra hoặc sử dụng tài liệu công giả mạo
Điều 1391 quy định những người làm ra hay sử dụng tài liệu công giả mạo bị phạt với những hình phạt dự liệu ở điều 1336 §§2-4, tuỳ theo mức nghiêm trọng của tội phạm.

Điều 1336
§1. Thục hình có thể chi phối một phạm nhân hoặc suốt đời hoặc trong một thời gian được ấn định trước, hoặc trong một thời gian vô hạn, ngoài những hình phạt mà luật có thể đặt ra; thục hình gồm những loại liệt kê trong những §2-5.
§2. Buộc:

10 Phải cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định;
20 Phải nộp phạt hay nộp một số tiền cho các mục đích của Giáo hội, theo như những quy định được Hội đồng Giám mục ấn định.

§3. Cấm:

10 Không được cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định;
20 Không được thi hành, ở khắp mọi nơi, hay trong một nơi hay một địa hạt nhất định hay bên ngoài địa hạt, tất cả các hay một số giáo vụ, công việc, thừa tác vụ hay nhiệm vụ hay chỉ một bổn phận gắn liền với giáo vụ hay một số công việc.
30 Không được thi hành tất cả hay một số hành vi thuộc thánh chức;
40 Không được thi hành tất cả hay một số hành vi thuộc quyền lãnh đạo;
50 Không được áp dụng một số quyền lợi hay đặc ân hay sử dụng phù hiệu hay tước vị;
60 Không được hưởng quyền ứng cử hoặc bầu cử theo giáo luật và tham dự với quyền bỏ phiếu trong các ban cố vấn hay trong các hiệp đoàn thuộc Giáo hội;
70 Không được mang áo giáo sĩ hay tu sĩ.

§4. Tước bỏ:

10 Tất cả hay một số giáo vụ, công việc, thừa tác vụ hoặc nhiệm vụ hay chỉ một vài bổn phận gắn liền với giáo vụ hoặc công việc;
20 Năng quyền giải tội hay năng quyền thuyết giảng;
30 Quyền lãnh đạo thụ uỷ;
40 Một số quyền lợi hay đặc ân hay phù hiệu hay tước vị;
50 Toàn bộ lương bổng hay một phần, tuỳ theo quy luật do Hội đồng Giám mục ấn định, trừ những gì quy định ở điều 1350, §1.

§5. Sa thải khỏi hàng giáo sĩ.


Trường hợp phạt nặng hơn

Giáo luật điều 1326 cũng có quy định là "phải" (debet) phạt nặng hơn hình phạt mà luật đã quy định:

Điều 1326
§1. Thẩm phán phải (debet) trừng phạt bằng một hình phạt nặng hơn hình phạt mà luật hay mệnh lệnh đã thiết lập:

10 Người sau khi bị kết án hay sau khi hình phạt đã được tuyên bố mà vẫn tiếp tục phạm tội, đến nỗi hoàn cảnh cho phép suy đoán cách khôn ngoan rằng người ấy ngoan cố trong ý xấu;
20 Người có phẩm chức, hay người đã lạm dụng quyền hành hoặc chức vụ của mình để phạm tội;
30 Người, mà sau khi hình phạt đã được thiết lập cho tội tắc trách (delictum culposum), dù tiên liệu được sự việc, đã bỏ qua các biện pháp phòng ngừa để tránh nó như bất cứ một người cẩn thận nào cũng phải làm.
4º Người đã phạm tội trong tình trạng say rượu hay một rối loạn tâm trí nào khác, nhưng cố ý làm như vậy để  phạm tội hay để bào chữa, hoặc cố ý để cho đam mê được kích thích hay được nuôi dưỡng.

§2. Trong những trường hợp được nói đến ở §1 nếu hình phạt được ấn định là tiền kết, thì có thể thêm vào hình phạt ấy một hình phạt khác hay một việc sám hối.
§3. Trong những trường hợp như vậy, nếu hình phạt được ấn định là tùy nghi, thì trở thành bắt buộc.

6. Có quyền không thừa thận việc truyền chức thánh thành sự?
Bản Việt ngữ Giáo luật điều 1708 hiện hành có ghi:

Điều 1708
Chính giáo sĩ, hoặc Đấng Bản Quyền mà giáo sĩ lệ thuộc, hoặc Đấng Bản Quyền của Giáo Phận nơi giáo sĩ đã được truyền chức, có quyền không thừa nhận việc truyền chức thánh thành sự.

Điều 1708 thuộc tiết mục "Các vụ án tuyên bố việc truyền chức thánh bất thành", nói đến quyền tố cáo lên tòa án Giáo hội việc truyền chức thánh bất thành.
Bản dịch này rõ ràng bị sai. Chỉ một chút suy xét cũng thấy nó sai, vì đâu có dễ dàng mà "không thừa nhận" việc truyền chức thánh thành sự.
Ví dụ, một linh mục A, đâu có dễ dàng không thừa nhận mình chịu chức thánh thành sự, rồi hồi tục, kết hôn!
Cần xem lại bản gốc La tinh để chuyển dịch cho đúng như sau:
Điều 1708

Những người có quyền khiếu tố về sự hữu hiệu của việc truyền chức thánh là chính giáo sĩ, hoặc Đấng Bản quyền mà giáo sĩ tùy thuộc, hoặc Đấng Bản quyền của Giáo phận nơi giáo sĩ đã được truyền chức.

Nguyên bản La tinh:

Can. 1708 - Validitatem sacrae ordinationis ius habent accusandi sive ipse clericus sive Ordinarius, cui clericus subest vel in cuius dioecesi ordinatus est.

Điều 1709 tiếp theo sau đó xác định thẩm quyền xử vụ án này thuộc về Tòa Thánh. Một khi đã gởi đơn, giáo sĩ bị cấm thi hành chức vụ thánh do chính luật.
Khi tòa án có thẩm quyền xét xử, tòa cũng phải dựa trên một luật bãi hiệu hay bãi năng mới có thể tuyên bố sự phong chức là bất thành. Các nghi vấn về sự bất thành của chức thánh có thể được nêu ra cách tóm tắt như sau:
- Vị truyền chức A có thật sự là Giám mục hay không (đ. 1012)?
- Thể thức giáo luật (forma canonica) của việc truyền chức có bị khiếm khuyết một yếu tố cấu thành nào hay  không (đ.124§1)?
- Người chịu chức có thật sự không là người nam hay không (đ. 1024)?
- Người chịu chức đã được Rửa tội thành sự hay không (đ. 1024)?
Hoặc trong trường hợp chịu chức chui, bị hồ nghi mạo khai:
- Có thật là ông A này đã được Giám mục B (đã qua đời) truyền chức thành sự hay không?
Vụ xử về chức thánh là rất quan trọng. Giáo luật quy định phải xử bởi một tòa án hiệp đoàn gồm ba thẩm phán (đ. 1425).
Điều 1709 Việt ngữ hiện hành là một trong những trường hợp dịch sai điển hình khiến hiểu luật cách trái ngược. Vì vậy, cần phải thận trọng để tránh hiểu và áp dụng sai lầm.
7. Chịu chức thánh do mại thánh có vô hiệu không?
Theo nguyên tắc của luật bãi hiệu bãi năng (đ.10), việc mại thánh để được chịu chức thánh vẫn hữu hiệu.
Tuy nhiên, nếu bổ nhiệm một chức vụ như bổ nhiệm cha sở vào một giáo xứ do mại thánh thì bị vô hiệu:

Điều 149. §3. Việc bổ nhiệm vào một giáo vụ do mại thánh, đương nhiên là vô hiệu.

 Khi chức vụ cha sở bị vô hiệu, thì những năng quyền gắn liền với chức vụ cha sở cũng bị vô hiệu. Ví dụ, nếu cha sở đó chứng hôn với năng quyền cha sở thì chứng hôn vô hiệu (đ. 1109).

Tác giả: JB Dũng Lm

………………………………………………………………………

CÀNG GIẢI THÍCH CÀNG PHỨC TẠP?

Kim Ngữ

Ảnh: alicia-quan-unsplash

Sau Phật giáo, nay đến Công giáo, những cái tát làm rát mặt tín hữu lẫn tu sĩ cả hai tôn giáo lớn này. Nếu sư tham làm Phật tử mất mặt thì linh mục được tấn phong trái phép đang làm cả cộng đồng công giáo Việt Nam đi từ ngạc nhiên này đến ngạc khiên khác; và có lẽ cái kết phẫn nộ không phải là điều khó xảy ra khi câu chuyện ngày một rối rắm, phức tạp và chen vào hàng chục cách nghĩ, cách phán xét đầy cảm tính của giáo dân, tu sĩ trong và ngoài nước.

Đối với Công giáo, việc tổ chức trong một nhà dòng có lịch sử hàng trăm năm với hàng ngàn trói buộc phải đi theo đúng con đường mà giáo hội toàn cầu quy định thì một linh mục muốn vượt phép tắc để được truyền chức là không thể. Muốn đi tu thành linh mục, giáo luật buộc phải qua rất nhiều giai đoạn tuyển chọn, thử thách và nếu không chịu nổi người ta bị buộc phải rời nhà dòng để trở lại đời sống bình thường trở thành người tu suất. Cách đào tạo một linh mục, nữ tu đã được thực hiện không tì vết hàng trăm năm nên giáo hội Công giáo luôn được nhìn với ánh mắt tin tưởng và thiện cảm của xã hội.

Lề luật và sự tuân giữ đã khiến đạo Công giáo khắp thế giới phát triển mạnh mẽ và tín đồ vững tin rằng họ được hướng dẫn bởi những tâm hồn thánh thiện, đạo đức. Đây chính là chiếc chìa khóa của niềm tin trước khi nói tới ý niệm thật sự ảnh hưởng tới tâm tình của họ đối với Thiên Chúa. Một linh mục hiền lành sẽ tạo nên lòng bác ái trong cộng đồng, một linh mục sống động trong đời sống đức tin sẽ lôi cuốn người trẻ vào con đường mục vụ, thế nhưng một linh mục vụ lợi luôn là tấm gương xấu cho đời sống tâm linh của người Ki tô hữu.

Những nhà thờ có một linh mục như thế thật ra không nhiều, nhờ cách thức điều hành chặt chẽ của giáo hội. Nhà thờ nào cũng thuộc về một giáo phận, đứng đầu là một Giám mục và mọi sự đều được quản lý rất khoa học, và trên hết của quy định về quản lý ấy là “Đức vâng lời” có nghĩa rằng khi bề trên nói hay làm tất cả các linh mục tu sĩ đang sinh hoạt trong giáo phận ấy không được phép bất tuân, không được phép cãi lại hay bày tỏ ý kiến của mình.

Đức vâng lời đối với tu sĩ không có ngoại lệ và không ai có thể giải tỏa nó.

Câu chuyện của JB Hồ Hữu Hòa đang làm giáo hội Công giáo Việt Nam rung chuyển. Phải dùng từ rung chuyển mới nói hết tầm mức nghiêm trọng của nó vì đây là lần đầu tiên câu chuyện tấn phong cho một người có tiền án và tham gia nhà dòng trong tư thế bất minh. Nếu cách đây vài mươi năm thì sẽ không ai tin vào nội dung có vẻ “hư cấu” này, nhưng dưới chế độ hiện tại người ta không những tin mà còn nghiền ngẫm nguyên nhân nào tạo ra câu chuyện hoang đường này.

Từ việc tìm kiếm cho ra chân tướng tới việc đánh giá những “đấng”, “bậc” trong câu chuyện dẫn đến tranh luận giữa người Công giáo với nhau về vai trò của con chiên và người chăn chiên. Không ít lời khuyên, thậm chí là cáo buộc: “Con chiên không nên phân tích phán xét vụ việc mà chỉ nên cầu nguyện để Thiên Chúa mang ra ánh sáng. Nếu tự ý cáo buộc hay tìm hiểu là phạm thánh và mọi ân sủng về thông minh của loài người sẽ bị thử thách”.

Có không ít linh mục sống ờ nước ngoài công khai lên YouTube giải thích, chia sẻ về câu chuyện này và được tín hữu theo dõi nhiệt thành. Cũng không ít linh mục, tu sĩ trong nước khuyên lời khuyên ngược lại. Hai làn sóng đối kháng nhau nảy sinh tính cách thứ ba: Nên hay không nên chờ Chúa quyết định cho đời sống tâm linh của chúng ta, những Ki tô hữu đúng nghĩa.

Ông GB Hồ Hữu Hoà (trái) trong một Thánh lễ ở giáo phận Vinh (ảnh: Facebook Hai Le)

Con người, theo đúng nguyên ủy của nó là yếu đuối. Vì yếu đuối mới phải nhờ cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Linh mục hay Giám mục là người đại diện Chúa hướng dẫn tín hữu đến gần Chúa hơn qua Phúc âm, tin mừng và qua cả tư cách lãnh đạo để tín hữu sống tốt hơn trong đời sống phục vụ lời Chúa. Cũng vậy, Giám mục hay Linh mục cũng là con người nên họ vẫn mang trên lưng tính yếu đuối của xác thịt. Tính yếu đuối ấy được Giáo hội nâng đỡ và an ủi nhưng hấp thu được hay không là chuyện khác.

Trong vụ Hồ Hữu Hòa, giáo dân trông cậy vào Hội đồng Giám mục Việt Nam nơi nhiều người cho rằng có thể lên tiếng giải quyết thỏa đáng việc hai Giám mục có liên quan đến câu chuyện nhưng sự thật lại khác hẳn, vì:

Một Giám mục lãnh đạo chính trong một giáo phận sẽ có toàn quyền trên địa hạt của mình về lập pháp, hành pháp và tư pháp (giáo luật số 391, triệt 1). Hơn nữa Hội đồng Giám mục chỉ có thể ban hành những sách luật trong những vấn đề mà luật phổ quát đã quy định, hay khi một quyết định riêng của Tông Toà đã ấn định điều đó bằng Tự sắc, hoặc do lời thỉnh cầu của chính Hội đồng (giáo luật số 455, triệt 1). Vì vậy cho nên, Giám mục Tổng giáo phận và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam không thể trọn vẹn can thiệp vào việc nội bộ của các giáo phận.

Nếu nhận ra được điều này giáo dân có thể an tâm rằng ít nhất Hội đồng Giám mục Việt Nam không làm ngơ mà bởi giáo luật đã quy định như vậy nên không ai nghe thấy một văn bản nào phát ra từ Hội Đồng là điều có thể hiểu được. Nhưng giáo luật cũng không có điều khoản nào cấm giáo dân lên tiếng trình bày những việc làm sai trái của tu sĩ và những việc lên tiếng tố cáo này đã từng xảy ra trên diện rộng, khắp thế giới.

Người Công giáo không mấy ai không biết vụ ấu dâm trong các nhà thờ do linh mục phạm phải với các em giúp lễ đã khiến Vatican sống trong một thời gian dài đau xót và khó khăn, nhưng 50 năm sau cuối cùng do dư luận cũng như luật pháp các nước không thể bỏ qua loại tội phạm này kể cả xảy ra trong nhà thờ là nơi khó xét xử nhất.

Từ thập niên 1980 đối tượng của các vụ án xâm hại tình dục này là các trẻ em nam và nữ, và phần lớn là nằm trong độ tuổi từ 11 cho đến 14 tuổi. Cuộc khủng hoảng này gây ảnh hưởng to lớn tới uy tín của giới lãnh đạo Giáo hội Công giáo Rôma. Trong vòng 10 năm từ 2001 tới 2010, Vatican đã xem xét các cáo buộc liên quan tới 3,000 linh mục xảy ra trong vòng 50 năm, với tình trạng lạm dụng kéo dài và lề thói của hàng giáo phẩm thường che đậy các báo cáo về lạm dụng.

Giới chức giáo phận và giới hàn lâm chuyên về Công giáo nói rằng các lạm dụng tình dục do giáo sĩ nhìn chung không được thảo luận và do vậy nên khó đo lường. Một số người trong hàng giáo phẩm của Giáo hội cho rằng truyền thông đưa tin quá mức và không cân đối, rằng các lạm dụng cũng xảy ra tại các tôn giáo và tổ chức khác; quan điểm này làm quan ngại những người chỉ trích coi việc này là một cách lảng tránh giải quyết vấn đề lạm dụng trong Giáo hội.

Mãi tới ngày nay những vụ ấu dâm trong nhà thờ vẫn còn được đem ra xét xử kể cả tòa án đời lẫn giáo quyền của Vatican, điều này cho thấy nếu cha mẹ nạn nhân cũng như truyền thông im lặng chờ Chúa trừng phạt thì không biết các nhà thờ Công giáo ngày nay sẽ ra sao, các em bé vị thành niên tiếp tục bị xâm hại tình dục, nếu cha mẹ chúng vẫn âm thầm cầu nguyện xin Thiên Chúa soi sáng và làm phép biến phạm nhân lộ ra gương mặt ma quỷ?

Cầu nguyện là đúng nhưng Chúa không bao giờ ra tay trừng phạt kẻ xấu xa cho chúng ta, những con người yếu đuối. Chúa chỉ giúp chúng ta tự vượt qua chính nỗi sợ hãi của mình để mang công lý lại cho cộng đồng dân Chúa.

Trong vụ JB Hồ Hữu Hòa, thay vì nhân vật chính bị mổ xẻ thì người ta chú trọng tới hai vị Giám mục trực tiếp can hệ tới vụ này đó là Giám mục Anphongso Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh và Giám mục Phao Lô Nguyễn Thái Hợp, OP, Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh. Giám mục Nguyễn Hữu Long bị phát giác là người ký tên trên giấy giới thiệu JB Hồ Hữu Hòa được nhận phép tấn phong tại Philippines, còn Giám mục Nguyễn Thái Hợp là người giới thiệu cho Hồ Hữu Hòa được tham gia nhà dòng bắt đầu công cuộc tu luyện.

Dư luận chú ý tới Giám Mục Nguyễn Hữu Long nhiều hơn, khi trước đây ít lâu vị Giám mục này đã treo chén linh mục Đặng Hữu Nam mà không đưa ra nguyên do nào thuyết phục giáo dân. Dĩ nhiên là một linh mục, cha Nam phải theo phép “vâng lời” khi nhận quyết định, nhưng với giáo dân thì không.

Giáo dân thương yêu người mục tử của mình bởi linh mục Đặng Hữu Nam là người dám bỏ công ra trong vụ Formosa tranh đấu với nhà cầm quyền đòi hỏi quyền lợi của giáo dân trong giáo phận. Ngài bị Giám mục Long thuyên chuyển ra khỏi núm ruột của mình rồi bị kéo về Tòa Giám mục để GM Long theo dõi trực tiếp. Sau đó cha Nam bị cấm dâng thánh lễ kể cả trong ngày mất của bà cụ thân sinh đã khiến người biết chuyện không thể không căm phẫn.

Giáo dân không bị “Đức vâng lời” khống chế nhưng những thứ “vâng phục” khác làm cho tư tưởng lên tiếng của họ biến mất. Mặc dù giáo dân biết linh mục Nam không hề phạm tội nhưng họ không biết làm sao bảo vệ cho ngài. Thay vì lên tiếng công khai trên những phương tiện xã hội hầu hết đều im lặng cầu nguyện cha Nam sớm vượt qua trầm luân để quay lại bàn thánh.

Qua câu chuyện tấn phong, một tín hữu có lòng với Giáo hội sẽ tìm hiểu và lên tiếng theo khả năng của mình. Chỉ cần nhớ rằng sự lên tiếng của mình không hề phạm giáo luật mà ngược lại đang góp phần thánh thiện hóa Giáo hội mà mình yêu thương là đủ.

Previous
Previous

Người dân muốn biết

Next
Next

Giỗ đầu của ân nhân đồng hương