Theo Đạo

Phạm Mạnh Tuấn

Gần đây có nhiều bài viết về triết lý Phật giáo rất hay được đăng trên các diễn đàn, đặc biệt những bài viết của đàn anh ĐVB, tuy không phải là một Phật tử nhưng chúng tôi hết sức kính trọng Đức Phật. Đối với chúng tôi Đức Phật là một triết gia vĩ đại, một tư tưởng gia tuyệt vời, cùng với Lão Tử và Khổng Tử - vị “vạn sư thế biểu” – đã tạo nên văn hóa Đông Phương đặc thù. Nhưng ở đây chúng tôi không dám lạm bàn về triết lý và tư tưởng cao siêu của các ngài, chúng tôi chỉ muốn đưa ra một thực tế:

Phần lớn một người theo một tôn giáo nào đó không phải vì đã lãnh hội hay thấu triệt triết lý cao siêu của tôn giáo đó, mà thường vì hai lý do chính: Ảnh hưởng của gia đình hay trải qua những cảm nghiệm trong cuộc sống.

Theo Đạo Vì Truyền Thống Gia Đình:

Trường hợp này rất phổ thông. Thí dụ một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình Công giáo, mới mấy tuần đã được đưa đến nhà thờ nhận lãnh “bí tích thánh tẩy” (rửa tội), lớn lên một chút sẽ dự những lớp giáo lý để được “rước lễ lần đầu”, … đứa trẻ đó lớn lên tự nhiên sẽ là người theo Thiên Chúa giáo. Tương tự một bé sinh trong gia đình Phật giáo, Khổng giáo hay Hồi giáo, … cũng mang những ảnh hưởng tương tự.

Theo Đạo Vì Những Trải Nghiệm Trong Cuộc Sống:

Trường hợp những người đã trưởng thành - nhiều trường hợp đã thành danh - theo một tôn giáo nào đó vì họ đã trải qua những kinh nghiệm trong cuộc sống, khiến họ mến và tin.

Sau đây xin đưa ra mấy trường hợp điển hình:   

Cựu Hoàng Bảo Đại

Sau một cuộc đời đầy sóng gió, cựu hoàng Bảo Đại đã đến với đạo Công giáo vì ông tìm thấy trong đạo một bến nghỉ an bình.

Đặc biệt qua sự chăm sóc giúp đỡ của người vợ cuối người Pháp tên Monique Baudot.

Năm 1971, lúc đó cự hoàng Bảo Đại đã 58 tuổi, quyết định theo đạo Công giáo lấy tên thánh là Jean-Robert.

Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn

Cuộc đời của ông Nguyễn Bá Cẩn cũng đúng là lên voi (từng là cựu Chủ tịch Hạ Viện và cựu Thủ Tướng của VNCH) xuống chó (năm 45 tuổi lưu vong qua Mỹ với hai bàn tay trắng). Nhưng quả thật cựu Thủ tướng Cẩn rất có chí, ông vừa làm vừa học lại lấy bằng programmer.  

Trước ngày ông mất (2009) chúng tôi có nhiều dịp tiếp xúc với ông tại giáo xứ SMG (San Jose). Ông tâm sự rằng tuy vợ ông “có đạo” nhưng ông theo gia đình vốn có đạo ông bà, thờ cúng tổ tiên nên ông không nhập đạo. Mãi tới thời gian khi ông đang làm việc vất vả tại hãng Chevron Texaco Corp, trong giờ nghỉ ông ra ngoài luôn nhìn thấy cây Thánh giá trên một giáo đường gần đấy. Khi chăm chú nhìn cây Thánh giá, ông như nghe thấy một tiếng nói thầm: “Hãy đến với tôi để được ủi an và vơi đi gánh nặng cuộc đời.”

Ngày nào ông cũng ngắm cây Thánh giá và càng ngắm ông càng thấy nhẹ lòng hơn, nhờ vậy ông có can đảm viết tiếp quyển “Đất Nước Tôi” (dầy gần 600 trang.) Ông theo đạo Công giáo ngày 7 tháng 12, 1996 - lấy tên thánh là Phêrô.

GS Vũ Quốc Thúc

Giáo sư Vũ Quốc Thúc là một chuyên gia kinh tế lỗi lạc của miền Nam Việt Nam và là vị Thầy khả kính của nhiều thế hệ sinh viên môn Kinh tế học tại Đại học Luật khoa, viện ĐH Sài Gòn và vài viện ĐH khác.

Ông từng là Bộ trưởng Giáo dục, Thống Đốc Ngân hàng Quốc gia, Cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, Khoa Trưởng Đại học Luật Khoa Sài Gòn, Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Tái Thiết.

Ngày 12 tháng 4, 2012 Giáo sư Thúc quyết định gia nhập đạo Công giáo vì theo ông có hai lý do xa và gần.

Lý do xa vì ông cảm mến đạo Công giáo đã từ rất lâu vì - thấy đạo CG quan tâm nhiều đến vấn đề bác ái, nhân đạo - qua những hoạt động bác ái của giáo hội tại VN – có những người hoạt động xã hội không ngừng nghỉ như Mẹ Têrêxa Calcutta, Abbé Pierre, Đức Gioan Phaolô II (ông lấy tên thánh là Gioan Phaolo).

Lý do gần vì ba điều ông đã thấy và đã tin. Như những điều khấn hứa với Chúa và Đức Mẹ (tại Bình Triệu) trước khi được rời Việt Nam, ơn xin khỏi bệnh và thoát tai nạn hiểm nghèo, …

Đại Tướng Trần Thiện Khiêm

Ít có cuộc đời nào nhiều sóng gió như của Đại tướng Trần Thiện Khiêm. Từ Sư đoàn trưởng chống đảo chánh đến Tham mưu trưởng Liên quân làm đảo chánh, từ “thắng” làm Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân lực đến thua làm đại sứ (tại Mỹ). Từ Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng QP đến tướng lưu vong.

Bề ngoài tướng Khiêm rất ít nói nhưng trong ngày gia nhập đạo Công giáo (ngày 25 tháng 3, 2018) ông tâm tình rằng từ khi đến với Chúa ông có được sự bình an, trước đó (theo ông): “Bề ngoài thôi chứ trong lòng bác lúc nào cũng có cơn bão số năm, Chỉ từ khi nhận Chúa rồi trong lòng bác mới yên bình như mặt biển tháng ba.” (Chắc ông Tướng muốn nói “tháng 3 bà già đi biển”).   

 Trương Gia Vy

Bà Trương Gia Vy, nguyên chủ nhiệm báo Viet Tribune, sau một thời gian dài bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ, nhiều lúc bà cảm thấy quá cô đơn và tuyệt vọng. Trước đó mấy năm chồng bà (nhà văn và nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng) cũng đã ra đi, người con gái yêu quý cũng bị một căn bệnh nan y. Cũng may trong khi bà nằm trong bệnh viện cũng như khi ở nơi hồi sinh có một vài người bạn đến thăm để an ủi, săn sóc, mang đồ ăn cho bà (vì bà không ăn được cơm trong bệnh viện).

Một lần bà đột nhiên nói với người bạn thuộc gia đình Luật Khoa Bắc Cali đang thăm nuôi bà: “Chị ơi em muốn theo đạo Công giáo, xin chị giúp em.” Người bạn ngạc nhiên hỏi: “Tại sao chị có quyết định đó?” Bà Vy trả lời: “Vì em cảm kích tấm lòng bác ái vô vị lợi của chị.” Bà nói thêm: “Và chị nhớ không, bữa em ngủ dậy thấy chị đang cầm xâu chuỗi đọc kinh. Em đã xin chị xâu chuỗi, sau đó mỗi lần em đau đớn hay tuyệt vọng, em cầm chặt sâu chuỗi có cây Thánh giá, cơn đau của gần như biến mất.”

Bà chủ nhiệm báo Viet Tribune chịu phép Thánh tẩy và gia nhập Thiên Chúa giáo ngày 29/5/2022.

Trên đây là mấy trường hợp tôi nêu ra để muốn nói rằng: Một người theo một tôn giáo nào đó không hẳn vì người đó đã thông hiểu những triết lý sâu xa của tôn giáo mình theo, nhưng thường nếu không vì ảnh hưởng từ gia đình cũng từ những trải nghiệm trong đời sống thực tế. Rất nhiều trường hợp người ta tin và theo đạo rồi mới từ từ thấm nhuần giáo lý của đạo.

Previous
Previous

Đóng cửa chính phủ và bầu cử

Next
Next

Cuộc bầu cử định mệnh