Tạp ghi cuối năm

Hơn bốn mươi năm sống tại Hoa Kỳ từ Rochester New York đến Dallas Texas chưa bao giờ có một năm đầy dẫy những nỗi buồn kéo đến… Ngay ngày đầu tiên của năm Canh Tý, một người anh họ đã từng chia sẻ sự hồn nhiên của tuổi thơ miền quê làng Phụ Ngọc, xã Nhơn Phúc, An Nhơn – Bình Định. Một tuần kế tiếp sau đó lại nghe tin thân phụ qua đời vào ngày 13 tháng Giêng năm Canh Tý. Những ngày tháng cuối cùng cuộc đời, sự ao ước của ba tôi là mong tôi về thăm nhà một chuyến sau hơn bốn mươi năm lưu lạc xứ người. Tôi không sống gần gũi ba tôi nhiều và liên tục. Không biết có phải sự khắc-hợp của tử vi tướng số mà người đời thường truyền tụng “Dần – Thân – Tỵ- Hợi- Tứ hành xung?”. Ba tôi là trưởng tộc của giòng họ, má tôi lại là con út của ông bà ngoại. Ba má tôi không quen nhau từ trước mà theo luật lệ gia phong lúc bấy giờ là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó cùng với môn đang hộ đối. Ông nội tôi được gọi là ông Nghè Tú Thái và ông ngoại tôi thường quen gọi là ông Thất Tân Đức. Ba tôi được ông nội cho đi học xa tận kinh thành Huế lúc bấy giờ. Những tấm hình còn lại của thuở xa xưa ấy, ba tôi rất nho nhã thường đi học bằng xe đạp với bộ áo dài trắng và cả nón cối cũng màu trắng. Dĩ nhiên ba tôi học chương trình Pháp và cả chương trình tiếng Hoa…

Tôi sinh ra trong sự thương yêu của mọi người, từ ông bà nội đến ông bà ngoại. Chính vì vậy tôi được bà ngoại cưng chiều đúng mực đem tôi về nuôi, bà cho rằng má tôi không có kinh nghiệm và tôi là kế tự của ba tôi, cháu đích tôn của giòng họ Thái. Tôi không có một hình ảnh gì bà ngoại, ngay cả tên họ và mới đây ở tuổi 77 qua người anh con người cậu tôi mới biết bà ngoại tôi là Nguyễn Thị Lữ. Khi bà ngoại mất, người nuôi dưỡng tôi không phải là má tôi lại là bà nội. Hai đứa em tôi ra đời ở với má tôi còn tôi vẫn ở bên bà nội. Nhưng hai nhà chỉ cách nhau một nhà từ đường ngăn giữa nên thình thoảng tôi vẫn chạy qua chạy lại…

Đến năm chiến tranh Việt Minh – Pháp bùng phát dữ dội, tỉnh Bình Định thuộc vào Liên Khu 5 của Việt Minh chiếm đóng. Ông bà nội tôi bị đấu tố, biết bao nhiêu ruộng đất trước nhà bị tịch thu, bà nội tôi lâm trọng bệnh qua đời. Tôi còn nhớ thật rõ khi quan tài của bà đưa đến nơi để hạ huyệt thì một người tá điền từng giúp ông bà nội trước đây nhảy xuống cản ngăn nói rằng không được chôn vì là đất của nhân dân…trong khi máy bay oanh tạc Pháp chực chờ bay đến!

Tôi trở về sống với ba má tôi sau biến cố bà nội tôi mất hình như đầu năm 1954 gần ngày ký hiệp định Genève. May mắn lúc bấy giờ còn được đi dạy nhưng tận một nơi xa, một tuần hay hai tuần mới về một lần. Lương được tính bằng gạo, tôi không nhớ rõ và má tôi phải đệt vải bằng khung cử để phụ thêm để nuôi bố anh em chúng tôi. Nhưng sự may mắn và đùm bọc tình thương của ba má và anh em không được bao lâu. Hai năm sau đó và ngày 26 tháng Chạp năm 1956 má tôi lại bỏ anh em tôi ra đi! Mỗi năm cứ mỗi lần giỗ má tôi không cầm được nước mắt. Cuộc đời của má tôi thật gian khổ ngay từ thời gian đầu làm dâu. Theo bà cô tôi kể lại sợ mẹ chồng từ miếng ăn đến giấc ngủ. Bà đau lòng phải xa tôi khi ở bà ngoại hay bà nội. Tôi là con đầu lòng làm sao bà không đau xót được. Tôi nhớ lại cái Tết năm 1956 má tôi mất, bà đã làm đủ mọi thứ chuẩn bị cho ngày Tết lại cho cha con tôi. Với tuổi còn nhỏ nhưng tất cả hình ảnh ngày ấy ghi đậm trong tâm trí tôi. Hình ảnh người đàn ông vừa trên 30 tuổi là ba tôi với ba đứa con nhỏ vào mỗi buổi chiều ra mộ má tôi un trấu, thắp nhan. Cũng trong thời gian này ba tôi làm cả trăm bài thơ về sự xấu số của má, tủi thân của ba và các con còn lại…

Không còn lâu nữa lại đúng một năm ngày ba tôi ra đi. Ba tôi còn là thầy dạy năm cuối cùng tiểu học trước khi bước vào trung học. Ba tôi đã để lại nhiều thứ nhất là hình dạng của tôi. Những người quen tôi đã tham dự ngày cầu siêu của ba tôi ở Chùa Đạo Quang đều ghi nhận là tôi rất giống ba. Tôi rất hãnh diện về ba tôi như bài thơ của ông để lại và tôi đã nhờ Thư họa Vũ Hối viết trên giấy lụa treo đối diện trước bàn thờ mỗi khi nhớ đến tôi đọc lại:

Cảm ơn cuộc đời

Cám đội đất trời dưới chút ân

Thân tàn còn lẩn thẩn  trên sân

Trò đời muôn mặt nhiều gian trá

Cuộc sống một lòng vẹn nghĩa nhân

Xử thế vốn nhường người đức hạnh

Phụng tiên luôn tạc chữ “tôn thân”

Bao nhiêu bận bịu nghề thầy giáo

Danh chằng được nhiều phận cũng an

Thái giáo Hiếu

Thái hóa Lộc

Previous
Previous

Cuối năm nói chuyện fake news

Next
Next

Sổ Tay Ký Thiệt -  “Đoàn kết”