Tạp ghi: Tuổi già của bà Khúc Minh Thơ

Thái Hóa Lộc

Trong khi viết những dòng chữ này, vợ chồng tôi từ Dallas và vợ chồng Phạm Hợp từ Nam California phối hợp thực hiện một chuyến thăm bất ngờ bà Khúc Minh Thơ trước khi có một cuộc chia ly cuối đời bất đắc dĩ mà không ai tránh khỏi…

Bà Khúc Minh Thơ

Nhiều người đã quên nhưng vẫn có người còn nhớ bà Khúc Minh Thơ. Cảm ơn Anne Tuyến Nguyễn văn phòng luật sư Kenneth G. Wincorn, chị Mai Anh, chị Hoàng Thị Mừng và Minh Đỗ con cố Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai còn có món quà gửi chúng tôi chuyển đến bà Khúc Minh Thơ trong chuyến đi này. Chúng tôi vẫn thường nhận một câu thăm hỏi giống nhau khi tình cờ nhắc lại bà Khúc Minh Thơ: “Bây giờ bà Khúc Minh Thơ ra sao rồi, có khỏe không? khi nào anh có dịp gọi điện thoại cho tôi gửi lời thăm…”.Nhẹ nhàng và đơn giản chỉ có vậy nhưng tôi cảm thấy xót xa trong lòng khi tôi nhớ lại thỉnh thoảng tôi vẫn thường gọi điện thoại hỏi thăm bà. Bà đang sống một cuộc sống buồn tẻ trong căn phòng với chiếc TV làm bầu bạn. Bà đi đứng cũng thật khó khăn khi di chuyển trong nhà từ phòng ngủ xuống phòng ăn. Bà cũng đã bị té ngã hơn hai lần.

Chiếc xe Toyota cũ kỹ ngày nào rất ít khi lăn bánh mà tôi còn nhớ ngày nào đó có lần tôi và Phạm Hợp đã thay bình điện cho bà vì không còn hoạt động nhưng bà không biết. Chiếc xe ấy ngày nay bà cũng đã bán cho người khác. Bà nhiều lần chia sẻ với tôi ngoài Virginia, Dallas là nơi lưu lại trong ký ức của bà nhiều kỷ niệm buồn vui, nụ cười lẫn nước mắt. Đó lá lý do bà ngỏ ý muốn thăm Dallas lần cuối vào tháng 10 năm 2022 và vợ chồng Phạm Hợp cũng từ Cali về đưa bà đi thăm viếng gia đình mà bà muốn đến để chia tay từ biệt…Dallas vẫn còn là vết thương lòng mỗi khi nhắc đến Tù Nhân Chính Trị tháng 10 năm 2008. Tôi nhớ lại lá thơ trần tình của bà gửi cho ông Nguyễn Trung Châu, Chủ tịch Tổng Hội lúc bấy giờ để xin được tổ chức một lần gặp lại anh em cựu Tù nhân và gia đình, có đoạn trong thư bà viết: “ Với hơn 30 năm đấu tranh cho Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị VN, chưa bao giờ  Khúc Minh Thơ, năm nay hơn 70 tuổi lại nghĩ rằng sẽ bị lên án bởi chính Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị. Quý vị làm như vậy thật bẽ bàng cho cả hai tổ chức. Trong số quý vị có nhiều niên trưởng lớn tuổi hơn Khúc Minh Thơ. Xin nghĩ đến thân phận một phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Có chồng chết trận, có chồng ở tù, oan nghiệt cũng đủ một đời. Vì tranh đấu nên có dịp diện kiến Tổng thống Reagan, được quốc hội Hoa kỳ tuyên dương. Danh vọng và may mắn cũng đã có đủ. Ðứng ra tổ chức lần này chỉ vì thấy cần phải làm thì làm. Không hề đi tìm thêm danh tiếng. Không hề muốn tìm thêm những vất vả khó khăn.
Nay cả tập thể lên án, biết lỗi của mình là nỗ lực quá nhiều chứ không có tội tình gì cả. Quê đất Sa Giang, miền Nam . Ăn ngay nói thật, đã làm mất lòng các niên trưởng. Là thân phận nữ nhi lại không khéo cư xử với quý vị mong thương tình thứ lỗi. Xin quý vị lấy bụng dạ quân tử mà bỏ qua cho chúng tôi.
Quý vị là những người tù chính trị Việt Nam, đã trải qua bao trầm luân gian khổ trong ngục tù cộng sản. Quý vị là thân nhân chúng tôi. Quý vị là lẽ sống còn, là ý nghĩa của con đường đấu tranh của Hội Gia đình Tù nhân chính trị. Xin mở rộng tấm lòng bao dung đối một tổ chức phản ảnh chính gia đình của quý vị.  Trong những năm đi xin tự do cho chồng con.Vũ  khí của  người vợ Việt Nam chỉ là nước mắt. Nước mắt vợ tù đã chảy giữa nghị trình Quốc hội Hoa kỳ. Nếu có chút công trạng thì chỉ là tiếng khóc của vợ con.
Bây giờ cả chinh phu lẫn chinh phụ đã đến gần ngày lắng nghe chuông gọi hồn ai.
Xin được dành nước mắt đàn bà cho những giây phút cuối cùng. Xin đừng bắt tội nhau nữa. Thật may mắn là Tổng hội không trực tiếp đặt câu hỏi, nhưng có quý vị đã hỏi rằng Bà Khúc Minh Thơ lấy tiền đâu mà tổ chức lớn lao như vậy?. Nhiều vị cũng tán thành câu hỏi. Hỏi tức là có tính cách ám chỉ: Tiền Việt Cộng.
Ngày xưa ở Việt Nam , khi người tù binh trở về có ai hỏi là em lấy tiền đâu nuôi con, tiền đâu tiếp tế, tiền đâu cho con vượt biên. Qua đến Hoa kỳ, có ai hỏi Hội gia đình lấy tiền đâu mà tranh đấu. Không lẽ câu trả lời là: Tiền Việt Cộng?
Quý vị có biết rằng đặt vấn đề như thế là sát muối trong lòng. Lời cuối xin hỏi các niên trưởng và xin hỏi ông Trời.
Ngày xưa, các anh ra đi chiến đấu, tinh thần mạnh mẽ, tấm lòng hào sảng, thương vợ, thương con, không để tâm đến những chuyện nhỏ nhặt, không nghi ngờ sự thủy chung, chân thật của người ở lại. Các anh mong ước vợ con ở nhà phải mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì, vượt qua mọi thử thách khó khăn.
Ngày nay tuy tóc bạc, da mồi, nhưng người phụ nữ Việt Nam vẫn còn đây.  Những người chiến binh dũng cảm nhưng cũng hết sức hào hoa mã thượng của chúng tôi, bây giờ các anh ở đâu?
Xin hãy đến với chúng tôi với tấm lòng mở rộng. Bây giờ quý vị cũng là một người như mọi người. Ngồi bên gia đình và giữ cho tâm hồn bình yên ít nhất một lần.
Bằng tât cả  tâm thành, chúng tôi mong mỏi trong năm tới, Tổng Hội  với đầy đủ uy tín và chính danh sẽ đứng ra tổ chức một cuộc Hội Ngô quy mô, lớn lao với sự tham dự của 37 Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị ở Hoa kỳ cũng như hải ngoại, để anh chị em cựu tù nhân có cơ hội gặp gỡ nhau một lần nữa. Xin chúc mọi điều tốt lành và bình an..”

Lời lẽ trong thư đọc lại thật chua xót, Tổng Hội như người khách qua đò sang sông không còn muốn quay lại nhìn con đò. Có còn bao nhiêu gia gia đình cựu Tù nhân chính trị còn nhớ đến bà Khúc Minh Thơ trong tuổi già sức yếu ngày hôm nay! Nỗi xót xa bà vẫn chịu đựng mà người chia sẻ là tôi. Cũng từ thương anh em tù nhân, bà đã cưu mang, vận động tranh đấu nên vẫn còn mang nợ đến tháng 9 năm nay mới trả xong. Nhiều khi trong lúc nói chuyện qua điện thoại tôi vẫn thường nhắc lại chuyện cũ để rồi an ủi bà cũng như chính mình…”Chị ơi! Cố gắng vui mà sống những ngày còn lại, bỏ hết phiền muộn đi. Chị đừng gọi tên em là “Lèo” nữa nhé vì em chưa bao giờ “lèo” với chị!”.

Vợ chồng em và vợ chồng Hợp sẽ gặp chị ngày mai tại nhà chị 7813 Marthas ln, Falls Church, VA 22043! Mong gặp lại chi!!!

Previous
Previous

Sau nửa thế kỷ tỵ nạn, người Việt vẫn chọn nước Mỹ tự do

Next
Next

Tự do ngôn luận bị kiểm duyệt