Trần nợ hay nợ trần

Thái Hóa Lộc

Không ai trong chúng ta đặc biệt người Phật tử Việt Nam đều thâm thúy hai chữ NỢ TRẦN – Có nghĩa là con người đã sinh ra cõi trần như đi vào bể khổ hay còn vướng NỢ TRẦN…Nhưng khi chữ này đảo ngược là TRẦN NỢ lại là một vấn đề khác; đó là một vấn đề lớn của chính phủ Hoa Kỳ cũng đang là mối quan tâm của người con dân Mỹ trong đó có người Việt tỵ nạn chúng ta.

Kể từ năm 1960 tới nay, Quốc hội Mỹ đã có 78 lần nâng trần nợ, trong đó, phần lớn diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, đặc biệt là những năm gần đây, cuộc đàm phán nâng trần nợ đã trở thành một chu kỳ nguy hiểm, gây tranh cãi tại Washington, khi các thành viên của cả hai đảng đều muốn "vũ khí hóa" vấn đề này. Do đó, nước Mỹ đang chứng kiến một cuộc đối đầu quyết liệt nhất trong nhiều năm trở lại đây về vấn đề trần nợ công. Nhiều ảnh hưởng tiêu cực có thể sẽ xảy đến nếu Hoa Thịnh Đốn vỡ nợ…Theo luật của Mỹ, trần nợ công hay giới hạn nợ là mức trần pháp lý về số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay. Mỗi khi khối nợ của chính phủ Mỹ đạt đến mức trần, việc tăng trần nợ công sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội, và cần phải đạt được sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện.

Theo đó, Đảng không nắm giữ quyền lực tại Tòa Bạch Ốc hoặc chiếm thiểu số trong Quốc hội Mỹ thường tận dụng vấn đề nâng trần nợ để làm đòn bẩy đàm phán nhằm tìm kiếm các nhượng bộ chính sách hoặc phát đi những thông điệp chính trị. Các cuộc đàm phán về nâng trần nợ do vậy thường kéo dài và căng thẳng, và bất kỳ tính toán sai lầm nào của các nhà lập pháp đều có thể khiến chính phủ Mỹ đối mặt với rủi ro vỡ nợ.

Lịch sử cho thấy, đảng Cộng hòa thường có nhiều khả năng dùng vấn đề tăng trần nợ để gây sức ép lên chính quyền của đảng Dân chủ. Dĩ nhiên, đảng Dân chủ cũng làm điều tương tự trong các thời kỳ nắm quyền của đảng Cộng hòa, dù ở mức độ thấp hơn. Bản thân các Tổng thống phe Dân chủ là Joe Biden và Barack Obama cũng đã từng trong số các thượng nghị sĩ phản đối việc nâng trần nợ vào năm 2006 khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội.

Bước ngoặt đáng chú ý hơn cả là cuộc chiến nâng trần nợ năm 2011 - khi một số nhà lập pháp dường như đã thực sự sẵn sàng cho khả năng chính phủ vỡ nợ. Năm đó, các đảng viên Cộng hòa đã từ chối tăng trần nợ cho đến khi Tổng thống Obama đồng ý cắt giảm chi tiêu chỉ 72 giờ trước khi chính phủ liên bang thực sự vỡ nợ.

Điều này thậm chí đã buộc Standard & Poor's đã phải hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ, tác động đến thị trường và chứng khoán lao dốc. Điều này cũng khiến chi phí đi vay của chính phủ Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, tăng thêm 1,3 tỷ USD vào năm 2012 và tiếp tục leo thang trong những năm sau đó, về cơ bản xóa hết thành quả cắt giảm chi tiêu đạt được thông qua đàm phán trần nợ.

Ông Josh Bivens, giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế nhận định, "Tôi chắc chắn rằng năm 2011 là một bước tiến trong việc trần nợ được vũ khí hóa mạnh mẽ như thế nào để bảo đảm các mục tiêu chính sách đảng phái".

Vấn đề đàm phán nâng trần nợ lần này không có nhiều khác biệt với năm 2011, khi đảng Cộng hòa cũng yêu cầu chính phủ phải cắt giảm đáng kể các khoản chi tiêu, coi đây là điều kiện để nâng mức trần nợ. Hồi tháng trước, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm thế đa số đã thông qua đề xuất tăng trần nợ, nhưng đi kèm với đề xuất cắt giảm chi tiêu 4.800 tỷ USD.

Điều kiện "thắt lưng, buộc bụng" này của phe Cộng hòa bị Tổng thống Biden và phe Dân chủ phản đối kịch liệt. Các đảng viên Dân chủ, do Tổng thống Joe Biden lãnh đạo, nhấn mạnh rằng Quốc hội Mỹ phải thông qua việc tăng trần nợ một cách vô điều kiện, không đi kèm bất cứ sự đánh đổi nào, như đã từng làm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh việc để xảy ra tình trạng vỡ nợ là một hành động "vô trách nhiệm". Ông nói: "Điều cuối cùng mà đất nước này cần sau tất cả những gì chúng ta đã trải qua là một cuộc khủng hoảng giả tạo và đây chính là một cuộc khủng hoảng giả tạo như vậy".

Bế tắc trong đàm phán trần nợ đã gia tăng khi 43 Thượng nghị sỹ Cộng hòa bao gồm lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell hôm thứ Bảy tuần trước đã gửi thư lên lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer nhấn mạnh sự thống nhất của các nghị sĩ Cộng hòa tại cả hai viện quốc hội trong việc ủng hộ cắt giảm chi tiêu và cải cách cấu trúc ngân sách làm điều kiện đàm phán trần nợ. Họ tuyên bố sẽ không thảo luận bất cứ dự luật nào liên quan tới trần nợ mà không tính đến điều kiện trên…

Về mặt kỹ thuật, nước Mỹ đã chạm trần nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng 1 năm nay, và Bộ Tài chính Mỹ đã buộc phải sử dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ. Về cơ bản, đây là các biện pháp kế toán giúp chính phủ Mỹ có thể "câu giờ" trước khi thực sự cạn kiệt nguồn tài chính.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, các biện pháp như vậy sắp sửa không còn tác dụng, và thời điểm chính phủ liên bang có thể cạn tiền và không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ sớm nhất sẽ là ngày 1/6 tới, mặc dù thời hạn thực tế có thể kéo dài lâu hơn. Trong một tuyên bố, bà Yellen cảnh báo: "Quốc hội cần phải giải quyết vấn đề cang ớm càng tốt. Nếu họ không làm điều đó, chúng ta sẽ gặp phải một thảm họa kinh tế và tài chính do chính chúng ta gây ra. Tổng thống và Bộ Tài chính Mỹ không thể thực hiện hành động nào để ngăn chặn thảm họa đó".

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cũng nhận định, nếu các bên không đạt được giải pháp cho lần khủng hoảng trần nợ này, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chao đảo, người hưởng các khoản chi trả từ ngân sách liên bang sẽ không còn được nhận tiền, nhiều bộ phận của Chính phủ sẽ phải ngừng hoạt động, và nền kinh tế Mỹ sẽ phải hứng chịu những tổn thất lâu dài. Về lý thuyết, việc nước Mỹ vỡ nợ, dù là vỡ nợ kỹ thuật hay vỡ nợ thực sự sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ, mà còn tác động tới cả kinh tế toàn cầu.

Tình hình hiện tại, các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Tòa Bạch Ốc đang thảo luận chi tiết về một thỏa thuận có thể đi tới được liên quan đến số tiền cắt giảm chi tiêu và quy mô hoặc thời hạn của việc tăng hoặc đình chỉ trần nợ, việc cấp phép các dự án dầu tư lớn, cũng như các yêu cầu công việc mới đối với các chương trình an sinh xã hội. Ông McCarthy cho biết, ông vẫn đang tiếp tục thúc đẩy các yêu cầu công việc mới liên quan đến các chương trình chống đói nghèo của chính phủ. Đây là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán. Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ cũng ráo riết kêu gọi Tổng thống Biden viện dẫn tu chính án thứ 14 của hiến pháp và bỏ qua vấn đề trần nợ để tiếp tục phát hành trái phiếu, thay vì nhượng bộ chi tiêu và viện trợ cho người nghèo, vì điều đó có thể gây hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự bế tắc giữa hai bên kể từ khi khoản nợ của Mỹ chạm trần vào tháng 1 đã khiến nhiều nhà kinh tế cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nếu tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” tiếp tục kéo dài. Nếu Bộ Tài chính buộc phải cắt giảm chi tiêu để trả nợ, GDP Mỹ có nguy cơ giảm xuống 8%, theo bà Anna Wong, chuyên gia kinh tế của Bloomberg. Giáo sư Juan Carluccio tại Đại học Surrey (Anh) nhận định, "việc vỡ nợ sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, nên nhiều khả năng phe Cộng hòa cuối cùng sẽ chấp nhận việc nâng trần nợ.". Tuy nhiên chuyên gia này cũng cảnh báo, "cuộc khủng hoảng sẽ làm suy yếu đáng kể vị thế của Tổng thống Biden, người nhiều khả năng sẽ phải chấp nhận một số nhượng bộ đối với Đảng Cộng hòa. Điều này sẽ làm gia tăng thêm sự không chắc chắn cho tình hình kinh tế toàn cầu vốn đã nhiều bất ổn."

Trận chiến TRẦN NỢ của chính phủ hiện tại chính là NỢ TRẦN của người dân Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu trong khi đã trở thành “Vũ Khí Hóa” giữa hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. 

Previous
Previous

Trung Cộng chiếm Đài Loan

Next
Next

Tạp ghi - Làm kiếp người vợ “tù cải tạo”