TS. J. Peter Phạm: từ cậu trẻ tị nạn cộng sản đến đại sứ Mỹ gốc Việt đầu tiên

Đặc sứ Hoa Kỳ J. Peter Phạm trả lời phỏng vấn VOA tháng 12/2018.

Tiến sĩ John Peter Phạm rất khiêm tốn khi nói về thành công của cá nhân mình nhưng ông bày tỏ niềm vinh dự khi được phục vụ đất nước Hoa Kỳ trên cương vị là đặc sứ đầu tiên phụ trách khu vực gồm 10 quốc gia Châu Phi. Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho VOA Tiếng Việt, Tiến sĩ J. Peter Phạm nói ông biết ơn những cơ hội mà đất nước Hoa Kỳ đã dành cho ông và rằng: “Giấc mơ Mỹ vẫn còn rất mầu nhiệm!”

Theo gia đình rời Việt Nam trong biến cố Sài gòn sụp đổ năm 1975 khi mới 5 tuổi, ông đến Hoa Kỳ và sinh sống ở bang Illinois. Ông không chỉ đam mê học tập, nghiên cứu, mà còn tích cực tham gia giảng dạy, làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, trở thành một học giả, một tác giả, một chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về Phi lục và hiện nay là Đặc sứ của Tổng thống Mỹ.

Đặc sứ Mỹ đầu tiên phụ trách vùng Sahel

Tiến sĩ J. Peter Pham được bổ nhiệm làm Đặc sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Khu vực Sahel của Châu Phi vào ngày 1/3/2020. Tổng thống Donald Trump phong hàm Đại sứ cho ông vào ngày 29/9/2020. Có lẽ, ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được phong hàm Đại sứ trong suốt 231 năm của ngành ngoại giao Hoa Kỳ.

“Tôi rất vinh dự được phục vụ đất nước Hoa Kỳ, đại diện cho các lợi ích và các giá trị của Hoa Kỳ tại khu vực này,” Đại sứ Phạm nói.

Ông cho biết bốn ưu tiên của ông cho vùng Sahel là tăng cường công tác điều phối trong Bộ Ngoại giao, Chính phủ Hoa Kỳ và giữa Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế đối với cuộc khủng hoảng an ninh, kinh tế và chính trị tại khu vực trọng yếu này; giải quyết mối đe dọa từ các Tổ chức cực đoan bạo lực (VEO) và ngăn chặn mối đe dọa VEO tác động đến các khu vực khác; đồng thời như hỗ trợ việc thực hiện Hiệp định Algiers và các nỗ lực trong khu vực nhằm ổn định khu vực ba biên giới gồm Mali, Burkina Faso và Niger.


Ngoài ra, Đặc sứ J. Peter Phạm còn kêu gọi các chính phủ trong khu vực tập trung vào việc bảo vệ dân sự, đảm bảo công lý, và có trách nhiệm giải trình đối với các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền cũng như vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Trước đó, vào tháng 11/2018, Tiến sĩ J. Peter Phạm đã được Ngoại trưởng Mike Pompeo bổ nhiệm làm Đặc sứ phụ trách sáu quốc gia Vùng Đại hồ của Châu Phi với nhiệm vụ phối hợp thực thi chính sách của Mỹ trong vấn đề an ninh, chính trị, và kinh tế, tại các quốc gia này, mà trong đó tập trung vào việc phát triển mạnh mẽ các cơ quan chính quyền và xã hội dân sự, cũng như chương trình tự nguyện hồi hương của người tị nạn và những người chạy loạn trong khu vực.  “Đất nước này đã mang đến cho tôi mọi thứ. Tôi đến Mỹ như bao người Việt Nam khác, như nhiều người từ các quốc gia khác với tư cách là một người nhập cư và người tị nạn. Giấc mơ Mỹ vẫn còn rất mầu nhiệm!” Đại sứ Phạm nói với VOA.

Minh chứng cho điều ông vừa nói, ông lấy ví dụ từ người đồng nghiệp của ông ở Bộ Ngoại giao: Đại sứ Hoa Kỳ Tibor Nagy, hiện là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Châu Phi.

“Ông ấy là một người bạn thâm niên của tôi. Cả hai chúng tôi có điểm giống nhau là đều là người tị nạn cộng sản. Gia đình của ông ấy cũng đã chạy trốn chủ nghĩa cộng sản ở Hungary một thế hệ trước khi gia đình tôi và tôi chạy trốn chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam,” Đại sứ Phạm chia sẻ.  “Tôi chỉ là một đứa trẻ khi cha mẹ tôi đưa tôi và chị tôi đến Hoa Kỳ vào thời điểm năm 1975, ngay trước khi Sài Gòn thất thủ. Và sau đó tôi lớn lên ở vùng Trung Tây và đó là câu chuyện Mỹ!” ông nói.

“Tôi rất biết ơn vì có cơ hội phục vụ đất nước này. Cơ hội chính là thế mạnh! Tôi cũng như Đại sứ Nagy đều là những người nhập cư và là những người tị nạn chủ nghĩa cộng sản. Dù cho ai có nói thế này thế kia, nhưng tôi nghĩ rằng các cơ hội vẫn còn hiện hữu!”

Được hỏi vì sao châu Phi đã gắn liền với ông từ thuở còn sinh viên mãi cho đến nay, Đại sứ Phạm nói: “Tôi nghĩ một phần cơ duyên là tôi có niềm đam mê châu Phi từ thời thơ ấu. Nó bắt đầu từ niềm đam mê với động vật hoang dã và điều này thôi thúc tôi tìm tòi nhiều điều khác và tôi cũng đã rất may mắn khi có thể làm công việc mà tôi yêu thích, cùng với những thách thức và những cơ hội lớn.” Nói về tầm quan trọng và cơ hội từ châu lục này, Đặc sứ nói: “Đây chính là lục địa nơi hình thành định mệnh của thế kỷ tới. Đến năm 2050, cứ hễ bốn người trong độ tuổi lao động trên thế giới sẽ có một người là người Châu Phi, đây là nguồn tài nguyên to lớn cần thiết cho nền kinh tế mới của chúng ta. Năng lượng tái tạo sạch, những thứ như khoáng chất, đất hiếm được tìm thấy rất nhiều ở Châu Phi.”

“Thành thật mà nói, những cơ hội để hỗ trợ người dân trong nhiều cuộc khủng hoảng, và các thách thức nhân đạo… là một trong nhiều yếu tố đã thôi thúc tôi theo đuổi điều này và tôi, tôi không thể chờ đợi được!

“Tôi rất may mắn được làm việc trên một lĩnh vực mà tôi đam mê, từ việc theo đuổi các mục tiêu của mình trong các học viện, tham gia cùng các tổ chức phi chính phủ và hiện bây giờ là phục vụ trong chính phủ.”

Tiến sĩ J. Peter Phạm theo học ngành kinh tế ở Đại học Chicago và có bằng tiến sĩ ở Đại học Gregorian, cùng các bằng sau đại học về lịch sử, luật, quan hệ quốc tế và thần học. Tiến sĩ Phạm là tác giả hơn 300 bài bình luận về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, về an ninh quốc phòng, về chính trị Phi Châu, về khủng bố, về chính trị tôn giáo, chính trị toàn cầu... cũng là tác giả, biên tập của hàng loạt cuốn sách về các đề tài Châu Phi.

Ông từng là Giám đốc Viện Nghiên cứu về Phi Châu trong Hội Đồng Đại Tây Dương (Africa Center at the Atlantic Council), từng là Phó Chủ tịch của Hiệp Hội Nghiên Cứu Trung Đông và Châu Phi (ASMEA), chủ bút tạp chí Journal of the Middle East and Africa, và giáo sư Châu Phi học tại đại học James Madison University, bang Virginia. Theo thông tin của Bộ Ngoại giao, vào năm 2015, các lãnh đạo của Viện Smithsonian đã bầu Tiến sĩ Phạm vào Hội đồng Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ về Châu Phi, và hiện nay ông vẫn đang là Phó Chủ tịch của Hội đồng này.

  An Hải

 

Previous
Previous

CĐNVTD NSW VÀ THỊ TRƯỞNG KHAL ASFOUR KIÊN QUYẾT BẢO VỆ CỜ VÀNG VÀ BIA TƯỞNG NIỆM