Buổi họp mặt thân tình: “Nhớ Ơn Chiến Sĩ Vnch”

Thái Hóa Lộc

Arlington, Texas.- Chiều Chủ nhật, ngày 21 tháng 04 năm 2024; một tập hợp nhiều anh chị em gồm thành phần khác nhau đã tổ chức một buổi họp mặt “thân tình” tại nhà hàng Hải Âu thành phố Arlington. Ban tổ chức rất đông đảo và hùng hậu đa số là các cựu Sinh viên Trường Đại Học UTA gồm có các anh chị: Lê Kim Oanh, Trần Đoan Hạnh, Thu Hoàng, Bích Phụng, Trần Thái Hoà, Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, Vũ Đức Duy, Nguyễn Trọng Hiếu, Nguyễn Đức Thắng, Trần Thu Miên và Phạm Dương.

Trong lời mở đầu, anh Phạm Dương đại diện ban tổ chức giới thiệu nội dung chương trình gồm có: Chào cờ và mặc niệm là nghi thức đầu tiên của những chương trình như chúng ta thường tham dự. Tiếp theo không biết có đúng nội dung chính theo ý nguyện của ban tổ chức của chương trình là “Nhớ ơn Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà” hay không - Đó là “Hát về Linh và cho Lính”. Phần thứ ba không có chủ đề rõ ràng là “Hát cho nhau nghe” với buổi tiệc “Tình thân”. Anh Phạm Dương nhấn mạnh rằng “Để cho chương trình chiều hôm nay mang về kỷ niệm về quá khứ, các ca sĩ sẽ cố gắng trình bày những ca tình khúc và cùng nhau chia sẻ những tâm tình các cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) hiện diện tại đây hoặc không có mặt hôm nay. Chúng tôi nghe đến đây ý nghĩa chủ đề “Nhớ ơn Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà” trong tôi tự nhiên bay bổng! 

Chúng tôi được anh Trần Thái Hoà là người đầu tiên hỏi thăm chúng tôi về buổi tổ chức như thế nào? Chúng tôi không ngại ngùng trả lời ngay là sự cố gắng vượt bực của ban tổ chức để có một buổi tổ chức đầy ý nghĩa mang chủ đề: “Nhớ ơn Người Chiến Sĩ VNCH”. Chúng tôi cũng quen nhiều anh chị trong ban tổ chức hôm ấy. Tôi đã nhận lời tham dự ngay từ đầu từ sự thân tình với anh Trần Thái Hoà và Trần Thu Miên, ngoài với tình thân và tin tưởng khả năng sẽ tổ chức buổi “Nhớ ơn Người Chiến Sĩ VNCH” của hai anh sẽ có nội dung đúng nghĩa để đời mặc dù sau đó, chúng tôi đã được nghe có người bàn ra là “không nên tổ chức ca hát vào tháng tư!”. Bởi vì nỗi buồn “Quốc hận” chắc chắn  không thể hiện qua lời ca tiếng hát được! Với suy nghĩ riêng của chúng tôi ban tổ chức có thể thay đổi cách nhìn chủ quan này. Tôi hình dung lúc còn ở quân trường Thủ Đức đêm truy điệu ở Vũ Đình Trường:

“Huynh trưởng, hồn ơi. Xin hãy cùng đàn em nguyện một lời “Cùng nhau khấn non nước thiêng liêng” Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm là trên hết.

Siết chặt tay nhau chào buồn huynh trưởng ra đi.
Ngày mai, đàn em ra trường…”

Không khí trong nhà hàng Hải Âu làm cho tôi có cảm giác thật lạ! Hình như mọi người không biểu lộ một điều gì buồn thảm suy tư mà vây quanh ồn ào, mỗi bàn là một thế giới riêng.

Chuẩn bị khai mạc

Chúng tôi được ban tổ chức được ngồi dãy bàn đầu gồm có vợ chồng người bạn mà vợ chồng tôi mời, vợ chồng Vũ Đình Hiếu, Nguyễn Ngọc Sơn cựu Hội trưởng cựu SVSQ/TB Thủ Đức, Niên trưởng Trịnh Thiên Khoa, Cựu SVSQ/TB Thủ Đức Trương Quốc Tuấn. Tuy nhiên chưa hết nửa chương trình trong khi tôi ra ngoài có điện thoại từ xa nhưng khi vào đến nơi thì Niên trưởng Trịnh Thiên Khoa, cựu Hội trưởng Nguyễn Ngọc Sơn và cựu SVSQ Trương Quốc Tuấn ra về không biết lý do! Cùng lúc đó, tôi nhìn bàn hàng đầu bên phải sân khấu dành cho Liên Hội Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà có ghi thêm tên Hội trưởng Nha Kỹ Thuật Nguyễn Đức Lâm hoàn toàn trống vắng không một ai tham dự!Cảm nhận đầu tiên như có một khoảng trống, lạc lỏng khi được tiếp xúc và chia sẻ với anh Võ Tấn Y Liên Hội Trưởng Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH/DFW. Sự phân hóa và chia rẻ lực lượng cựu quân nhân tại địa phương đã làm mất đi một phần ý nghĩa của buổi họp mặt thân tình “Nhớ ơn Chiến Sĩ VNCH”. Và đặc biệt chiều hôm đó cũng không thấy xuất hiện một bóng dáng người lính thuộc binh chủng Nhảy Dù!

Giương cao Cờ Vàng

Quang cảnh nhà hàng Hải Âu lúc khai mạc chào cờ.

Theo thiển ý của chúng tôi khi thực hiện chương trình liên quan đến ca nhạc lồng trong buổi tiệc “Tình thân” trong tháng 4 cần tế nhị và lưu ý để phản tác dụng. Chủ đề “Nhớ ơn Chiến sĩ VNCH” rất có ý nghĩa trong tháng 4 nếu đi vào chủ đề Nhạc Lính đã được nhà văn Trần Doãn Nho soạn thảo công phu. Theo cá nhân chúng tôi bài thuyết trình về Nhạc Lính, bài cảm tưởng của Nha sĩ Hồng Kim Thanh và hậu duệ cựu quân nhân Hoa Kỳ Võ Đức Tường Lân mới là nội dung chính cho chương trình “Nhớ ơn Chiến Sĩ VNCH”. Mọi người tham dự cần phải được lắng nghe trong tâm trạng của những người mất quê hương, với người lính thì nên lắng lòng nhớ về chiến hữu và đồng đội của mình đã ra đi…

Chính buổi tiệc “Tình thân” cùng với rượu vào lời ra đã làm mất hết ý nghĩa và công lao của ban tổ chức! Không khí của buổi hôm đó, chúng tôi không ngờ nhà văn Trần Doãn Nho phải gào lên và chính anh Trần Thu Miên xin hai phút im lặng để được nói!

Chúng tôi không dám trách ai từ ban tổ chức đến người tham dự vì mỗi người đều biết mình là ai và đến tham dự ngày “Nhớ ơn Chiến Sĩ VNCH” để làm gì? Không có khuyết điểm nào giống khuyết điểm nào và không có lỗi lầm nào giống lỗi lầm nào. Quyết định cuối cùng của ban tổ chức số tiền $1,595.00 của buổi tổ chức “Nhớ ơn Chiến Sĩ VNCH” yểm trợ 1st DFW team, tổ chức cứu trợ Người Việt Tỵ Nạn tại Thái Lan thay vì giúp cho Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà thì không đúng tinh thần của ban tổ chức “Nhớ ơn Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà”. Trong lúc chúng tôi được chị Phạm Thị Tùng thuộc Giáo xứ Thánh Phêrô và bà quả phụ Hoàng Lộ chuyển cho chị Hạnh giúp cho Thương Phế Binh VNCH đang bị nhà nước cộng sản nghiêm cấm.

Chúng tôi nhận thấy ba bài thuyết trình trong ngày tổ chức “Nhớ ơn Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà” là kỷ niệm khó quên… mà tôi đã tham dự!

Bài phát biểu của nhà văn Trần Doãn Nho:

Xin quý vị dành cho tôi ít phút phát biểu về nhạc lính. Trước hết tôi xin giới thiệu tuần báo Người Việt Dallas phát hành tuần này nơi section B có đăng bài viết của tôi rất dài nghiên cứu về nhạc lính Việt Nam Cộng Hoà (VNCH).

Tất cả tâm tình của nhạc lính từ năm 1954 đến năm 1975. Trong lịch sử chúng ta có rất nhiều triều đại, có triều đại kéo dài 1-2 trăm năm cũng có một triều đại rất ngắn là triều đại Hồ Quý Ly. Triều đại Việt Nam Cộng Hoà được 21 năm dài hơn triều đại Hồ Quý Ly và Đinh Bộ Lĩnh nhưng thua triều đại của Tây Sơn vài năm. Triều đại của Tây Sơn là 24 năm. 21 năm của triều đại Việt Nam Cộng hòa. Chữ “triều đại” xin được đóng ngoặc kép của Việt Nam Cộng hòa tuy trong 21 năm nhưng giá trị VNCH vẫn kéo dài đến bây giờ. Ở hải ngoại tôi tin rằng “triều đại” Việt nam Cộng hòa tôi tin rằng sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi nó trở về đất nước. Chế độ VNCH sụp đổ nhưng giá trị VNCH không bao giờ sụp đổ! Một trong những kỳ công của chế độ VNCH là nền văn hóa. Nền văn hóa đó; nhạc lính đóng một vai trò có thể nói như là hàng đầu.

Trần Doãn Nho

Thưa quý vị,

So với nhạc miền Bắc CS chúng ta gọi là “nhạc đỏ”. Trong nhạc đỏ chúng ta chỉ thấy căm thù, chúng ta chỉ thấy súng đạn. Những cô gái đi vót chông, những cô gái Saigon đi tải đạn. Trong nhạc đỏ không có tình người. Riêng nhạc lính VNCH của chúng ta có tính nhân văn cho đến giờ này. Nếu quý vị đã về trong nước, quý vị sẽ được nghe các em trẻ hát những bài hát về lính VNCH ngọt ngào, hát từ trái tim hát ra. Họ hát không cảm thấy ca ngợi VNCH, họ hát chỉ ca ngợi con người. Tất cả những bài nhạc lính đều ca ngợi con người.

Tôi xin nêu ra 3 đặc điểm của nhạc lính VNCH:

-Lời ca trong nhạc lính nếu quý vị nghe kỹ là tâm tình của người lính nói về sự, tâm tình, về gian khổ, về nhớ mong, về mơ ước hòa bình. Chúng ta kêu gọi hòa hợp, kêu gọi mọi người sống chung với nhau.

-Nhạc lính có tính cách động viên không gây căm thù. Nếu nhạc đỏ CS hát lên giương súng quân thù thì trái lại nhạc lính VNCH hát lên là lắng lòng mong ước để người lính chiến đấu ngoài mặt trận sớm trở về sum vầy với vợ con, cha mẹ…không giết tất cả mọi người cho nên ngay trong nhạc lính đã có tinh thần hòa hợp, hòa giải.

-Nhạc lính luôn nhắc về quê hương và mơ ước ngày trở về với đồng ruộng cấy cày sum vầy với vợ con.

Một điều chúng ta còn tìm thấy được trong nhạc lính ngoài vai trò của người lính còn có vai trò và hình bóng của người phụ nữ, hình bóng của người mẹ. Hình bóng của người vợ lính gắn liền với người lính… Chúng ta không thể quên bài hát: “Ngày mai đi nhận xác chồng…” mà không hình dung người vợ lính đợi chồng về sum họp!

Không phải ai cũng có thể nghe được nhạc lính chỉ có những người ngày đêm chiến đấu quân thù, chỉ có những người vợ lính đợi chồng, người mẹ đợi con trở về là những người nghe nhạc lính nhiều nhất. Bởi vì, nhạc lính không phải là nhạc để nghe trong phòng trà. Nhạc lính phải nghe từ trái tim của những người chờ đợi…của con người ngày nay có thể sống nhưng ngày mai không còn nữa…Chết và sống của người lính VNCH nhiều khi chỉ phút chốc đã ra đi. Và chỉ có người lính mới hiểu được sự vô thường này:

Bạn bè anh theo lớp tuổi ra đi 

Dăm đứa thân nghe tin chẳng trở về                

(Bài hát Sương Miền Quê Ngoại)

Hoặc tại sao chỉ có người lính mới quý 24 giờ phép cho nên người lính mới mở lời:

Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi

Ta đưa nhau đến đỉnh tuyệt vời

… Nhạc lính đồng thời cũng là nhạc tình. Cũng là nhạc quê hương.  Nói về lính cũng chỉ để nói về tình. Mặt khác, trong một số bản tình ca thuần túy, hình ảnh người lính cũng hiện diện. Có lẽ vì đời lính, tự bản chất, chứa đựng sự xa cách, nhớ mong, niềm tuyệt vọng và bi kịch tình yêu….

……………………………………………………………………………………

Bài phát biểu của Nha sĩ Hồng Kim Thanh

Kính Chào quý Cô Chú Bác,Thân chào quý anh chị em,

Để thêm phần thân thiện, cháu xin quý Cô Chú Bác cho cháu được phép xưng tên trong những dòng chia sẻ của cháu sau đây.

Thanh xin cám ơn ban tổ chức đã cho Thanh cơ hội đứng đây để bày tỏ một vài cảm nghĩ trong buổi nhạc Ghi Ơn Người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa đầy ý nghĩa này.  Trước tiên, Thanh xin được giới thiệu chút về mình. Thanh tên là Hồng Kim Thanh, sinh ra vào hè năm ‘76 và lớn lên ở một vùng quê nhỏ ở Miền Tây, Việt Nam. Gia đình Thanh trước đây sinh sống bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi.  Tuy rời VN lúc nhỏ, Thanh vẫn còn nhớ những ngày gặt lúa, mùa gieo mạ, và Thanh thường được sách giỏ đi theo mấy anh chị thẩy chày, kéo lưới để bắt cá, bắt tép về ăn.

Năm Thanh 10 tuổi, vừa học xong lớp 4, Mấy anh chị dắt Thanh đi vượt biên bằng đường bộ qua Campuchia và đến Thái Lan.   Sau 3 năm ở trại tỵ nạn để chờ phỏng vấn, Thanh cùng anh chị được qua Mỹ vào hè năm 89.   Ở Mỹ, Thanh được vào học lớp 8, rồi học hết lớp 12, và tiếp tục vào trường đại học UT Arlington.

Sau đó Thanh qua Boston theo học ngành Nha.  Ở Boston Thanh gặp và quen đưọc gia đình Anh Long Nguyễn.  Lúc đó Thanh mới biết thêm Đà Lạt ngoài Hồ Than Thở, Thung Lũng tình yêu, thì còn có Trường Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt, nơi đã đào tạo nhiều những chiến sĩ, những người hùng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.  Ngoài ra, Thanh được mở mang thêm tầm hiểu biết về chiến tranh VN, những điều đã không được ghi lại trong sử sách Mỹ mà Thanh đã học.

Tháng 3 vừa rồi, gia đình Thanh có dịp đi Washington DC và đến thăm khu nghĩa trang Arlington National Cemetary.  Bước vào khu nghĩa trang rộng lớn này với hàng trăm ngàn mộ bia, có rất nhiều bia mộ không tên.  Tự dưng lúc đó không gian giường như thu nhỏ lại, thời gian giường như chậm lại và Thanh thật sự cảm nhận được giá trị của hai chữ tự do.  Thanh quay qua nói với 2 đứa con của mình là mỗi một tấm bia trắng kia là một người đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ tự do để cho mình có được cuộc sống ngày hôm nay.

Giờ đây, Thanh mới nhận ra được rằng, thuở nhỏ, Thanh không hề biết sợ khi cùng anh chị băng rừng, leo núi, nằm ngủ giữa trời sương đen tối, đó là vì Thanh được sống vô tư trong sự đùm bọc và che chở của gia đình. Thanh không có ký ức gì về sự tàn phá và mất mát của chiến tranh ngoài những hình ảnh trên trang sử sách.  Thanh được tiếp tục sống vô tư là do sự đánh đổi của những người đã hy sinh than xác, tuổi trẻ và gia đình để bảo vệ người dân và đất nước.

Tác giả, Việt Thanh Nguyễn, đã viết "All wars are fought twice, the first time on the battlefield, the second time in memory".  Thanh xin tạm dịch là "mỗi cuộc chiến tranh thường xảy ra hai lần - lần đầu trên chiến trường và lần thứ 2 trong ký ức."

Nha sĩ Thanh - Hậu duệ VNCH

Ngày xưa những người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh trên chiến trường. Ngay nay, dù trong hoàn cảnh khó khăn và áp lực của đời sống, sự kiên định theo đuổi lý tưởng và đóng góp cho sự phát triển và tự do của đất  nước vẫn tồn tại. Sự kiên nhẫn, tinh thần quyết tâm, và lòng dũng cảm của các Cô chú Bác là một động lực lớn cho thế hệ trẻ ngày nay.

Thanh không nghĩ có từ ngữ nào có thể diễn tả được lòng biết ơn sâu sắc dành cho sự hy sinh của các chiến sĩ.  Hôm nay trong buổi nhạc "Ghi Ơn Người ChiếnSĩ Việt Nam Cộng Hòa", có sự hiện diện của các Cô Chú Bác đã một thời dũng cảm hy sinh thân mình để đổi lấy tự do cho đất nước và dân tộc Việt Nam, Thanh không dám đại diện cho toàn thể những anh chị em cùng thế hệ, nhưng Thanh xin được phép đại diện cho những người có cùng tư tưởng ở thế hệ của Thanh để tưởng nhớ và ghi ơn những tấm lòng vị tha của các cô chú bác.

Thanh xin mượn 4 câu trong bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thị Thơ để kết thúc lời cảm nghĩ của mình. 

"Anh, lớp trai ngày nay
đắp xây ngày mai.
Đem tự do cho người
mang niềm vui cho đời."

Thanh xin chân thành cám ơn.

………………………………………………………………………………………..

Bài phát biểu cảm nghĩ của Võ Đức Tường Lân

Tôi xin kính chào quý khách và đặc biệt kính chào các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoe có mặt hôm nay.

Đầu tiên tôi xin cảm ơn ban tổ chức cho cho tôi cơ hội nói lên lòng biết ơn sau xa đối với những hy sinh cùa các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa

Tôi tên là Võ Đức Tường Lân, Bố tôi là cựu sinh viên Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Tôi và gia đình định cư tại Mỹ khi tôi còn rất nhỏ nên không biết nhiều cũng không đủ từ ngữ để diễn tả lòng biết ơn đến người lính Việt Nam Cộng Hoà. Nếu có gì sơ sót xin quý vị vui lòng bỏ qua…

Trong suốt 20 đất nước chiến tranh người lính VNCH đã hy sinh tuổi thanh xuân, xông pha nơi trận mạc, nhiều người lính đã nằm xuống. Khi chiến tranh chấm dứt những người lính phải bị đọa đày nơi các trại tù từ Nam ra Bắc. Họ tiếp tục đối mặt với vết thương không những về thể xác mà cả về tinh thần…

Đến nay đã nửa thế kỷ nhưng dư âm của cuộc chiến vẫn còn trong tâm khảm của người lính VNCH.

Võ Đức Tường Lân

Với những hy sinh của người lính khi bàn cờ thế giới thay đổi, và Miền Nam Việt Nam không còn là tiền đồn  chống cộng nữa; những lý tưởng về Tự Do-Dân chủ - Nhân quyền vẫn còn tồn tại và lan tỏa trên toàn thế giới, đặc biệt là những nơi có Cộng Đồng Việt Nam tỵ nạn Cộng sản.

Dù biết đất nước Việt nam Cộng hòa không còn nhưng những người Việt Nam biết yêu quý Tự do-Dân chủ-Nhân quyền vẫn còn đây. Và đó là công lao của các chiến sĩ VNCH đã gìn giữ cho chúng tôi những gì mà không ai cướp mất được.

Thưa quý vị, những lý tưởng này là ngọn đuốc sáng làm nền tảng để xây dựng tương lai cho thế hệ chúng tôi mai sau. Đó cũng là lý do tôi tham gia quân đội Hoa Kỳ, tiếp bước các bậc cha anh đi trước.

Là người lính trong quân đội Hoa Kỳ, tôi luôn tự hào mình là người mỹ gốc Việt, thế hệ thứ hai của những người anh hùng đã tranh đấu trong chiến tranh bảo vệ miền Nam Việt Nam. Và đi đến đâu, đi tập luyện hay ra chiến trường , tôi vẫn giữ trong mình cả hai lá quốc kỳ là lá cờ Hoa Kỳ và lá cờ Việt Nam Cộng Hoà, cờ vàng ba sọc đỏ . Tôi nghĩ đó là cảm xúc chung của rất nhiều người lính Mỹ gốc Việt khác. Chúng tôi đã có lần mang lá cờ vàng ba sọc đỏ với lá cờ Hoa Kỳ tại chiến trường Afghanistan như một biểu tượng tự do đến một nơi không có tự do. Điều này như một thông điệp dù ở bất cứ nơi đâu, tinh thần yêu nước và khát vọng tự do luôn luôn cháy trong tim của người Việt tỵ nạn.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn ban tổ chức cho tôi tham gia buổi lễ đầy ý nghĩa hôm nay. Trong dịp này, cho thế hệ chúng tôi cơ hội ghi ơn người lính VNCH. Nhưng đây cũng là cơ hội cho thế hệ mai sau hiểu biết về nguồn gốc của mình. Hôm nay cũng có hai đứa con của tôi đi cùng, dù hai bé còn rất nhỏ nhưng tôi mong rằng, hai cháu sẽ quen với cờ vàng ba sọc đỏ, và khi lớn lên sẽ hiểu biết những gì mà người lính VNCH đã hy sinh để lá cờ vàng có thể tiếp tục tung bay phất phới khắp thế giới phất phới trên toàn cầu ngày hôm nay !

Previous
Previous

Giải Túc Cầu Dallas-Plano Asian Independence Cup 2024 chính thức ra mắt Ban Tổ Chức

Next
Next

Sau nhiều tháng chuẩn bị nhà hàng Saigon Chill đã chính thức khai trương 16 tháng 4 năm 2024