Buổi tâm tình với linh mục Nguyễn Hữu Lễ

Fort Worth, TX.- Nhân dịp chuyến thăm đất nước Hoa Kỳ “lần cuối” của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ; Tiến sĩ Phan Quang Trọng cơ sở Dallas-Fort Worth thuộc Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải ngoại với sự cộng tác với Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hạt Tarrant, Hội Người Mỹ gốc Việt Bắc Texas, Đài phát thanh Saigon Dallas, Báo Người Việt Dallas, Liên Minh vì Dân Chủ cho Việt Nam và Vận Động cho Đức Tin & Công Lý  đã tổ chức một buổi tâm tình với Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đến từ New Zealand tại Giáo xứ Fatima Fort Worth lúc 6 giờ 30 chiều. Mục đích tâm tình chia sẻ con đường đã đi qua, tiếp theo là đề tặng Bút ký I Must Live – Tôi Phải Sống. Ấn bản tiếng Anh do nhà xuất bản Austin Macauley Publishers phát hành...

Chương trình bắt đầu trễ hơn theo thư mời vì địa điểm cách xa Dallas, những người lớn tuổi lại khó khăn di chuyển về ban đêm trong khi những người trẻ tại địa phương vẫn còn hờ hững những buổi nói chuyện mang âm hưởng chính trị và đặc biệt những “Cowboys Fans” không thể bỏ trận đấu chiều Chủ Nhật giữ Dallas Cowboys với Steelers. Ngoài ra còn thêm một tin rò rỉ từ trong giáo xứ là buổi tổ chức có tính cách chính trị và một số người lo lắng hình ảnh của mình có thể xuất hiện trong buổi nói chuyện làm trở ngại các chuyến đi về Việt Nam sắp tới…

Sau các nghi thức chào quốc kỳ và phút mặc niệm, TS Phan Quang Trọng đại diện Ban tổ chức giới thiệu anh Bùi Đức Thành Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ Fatima ngỏ lời chúc mừng đến Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và ban tổ chức cùng mọi người hiện diện. Tiếp đến là tâm tình của TS Trương Minh Ẩn, Thị trưởng thành phố Haltom City: “Cuộc đời qua mau rất vô thường quan trọng nhất là chúng ta những người còn sống cho đến ngày hôm nay, chúng ta phải làm gì để rồi quá trễ! Hôm nay chúng ta cảm ơn ban tổ chức đã cho chúng ta cơ hội đến gặp một người, cá nhân tôi chỉ nghe tiếng mà chưa được gặp. Quý vị nhớ rằng cuốn sách bằng tiếng Anh và tại sao trong chúng ta mỗi người phải có một cuốn vì chúng ta nói tiếng Việt nhưng đa số các con cái chúng ta nói tiếng Anh. Một ngày nào đó chúng ta về hưu buồn rồi giở sách ra để nhớ lại những ngày chúng ta sống trước năm 1975. Giống như tôi từng đã bị bắn rớt ở Pleiku. Là một sĩ quan trẻ ngoài chiến đấu không biết gì hết. Tôi được sự tín nhiệm của 85% người Mỹ trắng chỉ có 4% người Việt Nam. Làm sao tôi lấy được sự cảm tình từ những người này. Thật sự tôi không bao giờ chán nản. Bởi khi mình bị vấp ngã thì phải đứng lên. Không phải vấp ngã băng vết thương rồi nằm nhà xem phim. Chúng ta ra khỏi nơi đây mỗi người phải có một cuốn sách trong gia đình để cho con cháu chúng ta đọc. Các con cháu đọc mới hiểu được nỗi khổ của cha mẹ dù là con thuyền nhân hay sinh để tại đất nước này. Khổ cha mẹ bồng, đói khổ cha mẹ cho ăn thì không biết nỗi khổ là gì. Nhưng khi đọc cuốn sách này mới biết sự hy sinh của cha mẹ. Trong tuần vừa rồi trên đài phát thanh 1160 trong chương trình “Trong nhà ngoài ngỏ” câu chuyện con gái đưa mẹ ra tòa, một hành động bất hiếu không thể chấp nhận được. Nếu cô con gái đó đọc được cuốn sách của linh mục Nguyễn Hữu Lễ để cảm nhận giai đoạn bà ta bồng con, qua đây ăn không dám ăn, mặc không dám mặc tằng tiện lo cho con đi học nên người. Cuốn sách này sẽ là nguồn cảm hứng cho những người con hiếu thảo, biết yêu thương cha mẹ và yêu thương đất nước Việt nam bên kia bờ Đại dương…”

Tiếp theo bà Thu Nga, Giám đốc Saigon Dallas Radio đã ca tụng Linh mục Nguyễn Hữu Lễ trong đời sống tu trì, một người tù chết đi sống lại đã để lại cho thế hệ mai sau một cuốn sách để đời: Tôi muốn sống – I must live!

Trước khi phần tâm tình của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, TS Phan Quang Trọng giới thiệu Linh mục Bùi Phong đến College Station, cố vấn Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại: “Đối với cộng đồng, với quê hương như những người Việt nam khác Phong Trào Giáo Dân Công Giáo Hải Ngoại làm việc trong mội trường chúng tôi sinh sống không hẳn trong nhà thờ mà bên ngoài nhà thờ nữa. Một người mà chúng quý mến đến từ College Station: Cha Bùi Phong!”

Cha Bùi Phong mở đầu: “Tôi là một người đồng hành trong Phong Trào Gíao Dân Việt Nam Hải Ngoại. Tôi xin giới thiệu một chút. Chúng ta biết rằng những người công giáo chúng tôi đã dấn thân vào lãnh vực xã hội như thế nào? Vai trò của người công giáo cũng là người Việt Nam như Cha Nguyễn Hữu Lễ đã nói. Nếu có người hỏi: Người công giáo có yêu nước không? Chúng tôi rất yêu nước và chúng tôi cũng dấn thân. Trong lịch sử cuộc di cư năm 1954 của những người Bắc công giáo di cư vào miền Nam. Họ đã dấn thân vào quân đội như thế nào? Và cụ Diệm đã đặt những trại di cư làm vòng đai để bảo vệ an ninh cho thành phố. Từ nhóm lúc tôi còn nhỏ đã biết làm an ninh lúc bấy giờ tôi mới vừa lên 5, 6 tuổi mà thôi. Chúng tôi biết làm an ninh để ngăn chận Việt cộng vào làng xóm của chúng tôi. Quý vị đã thấy không một tên Cộng sản nằm vùng trong giáo xứ - Lúc bấy giờ có những giáo xứ trang bị vũ khí để chống lại Cộng sản. Tôi còn nhớ giáo xứ Bình Long đã chống cả một tiểu đoàn tấn công vào chỉ bằng lựu đạn mà thôi. Lúc đầu người công giáo chưa được hiểu biết, các vua chúa dưới triều Nguyễn khi đạo công truyền vào trong nước cho rằng đó là tà đạo ngoại lai theo Pháp đàn áp nên đã có nhiều người công giáo tử vì đạo và đã phong thánh. Điều này rất bất công chúng tôi yêu Chúa và yêu nước. Chúng tôi không bao giờ muốn nước Việt nam chúng tôi bị ngoại xâm. Vì thế Đức Cha Lê Hữu Từ đã lập ra một đội dân quân tự vệ chống lại Cộng sản mặc dù ngài là cố vấn cho Hồ Chí Minh. Phong trào giáo dân này là hậu duệ của tất cả những người công giáo dấn thân bảo vệ quê hương đất nước. Yêu đất nước, yêu Chúa và yêu nhân loại – Yêu Việt nam và yêu Tổ quốc. Chúng tôi là người Việt nam muốn Việt nam Tự do và có nhân quyền không phải nô lệ xích hóa Tàu cộng. Phong Trào Giáo Dân Công Giáo Việt Nam là học thuyết xã hội công giáo. Học thuyết đó không phải là đi làm chính trị nhưng mà sự dấn thân của người công giáo trong mọi lãnh vực của xã hội từ bác ái, kinh tế đến văn hóa, chính trị. Có nhiều cơ sở Phong Trào Giáo Dân Công Giáo được thành lập và cơ sở mới tại Dallas với sự hợp tác của TS Phan Quang Trọng. Chúng tôi hy vọng nhiếu giáo dân ý thức tham gia phong trào này! Nếu chúng ta yêu nước mà không hiểu biết là một điều thật vọng. Hôm nay tôi đến đây để yểm trợ tinh thần Cha Nguyễn Hữu Lễ mà tôi rất cảm phục ngài – Ngài đã từng đi tù 13 năm…”         

“Trước khi làm linh mục, tôi là người Việt Nam”. Đó là lời phát biểu của linh mục Nguyễn Hữu Lễ trong buổi ra mắt Bút ký Tôi Phải Sống bằng tiếng Anh (I Must Live do Austin Macauley Publishers xuất bản) tại Giáo xứ Fatima Fort Worth lúc 6 giờ 30 chiều.

Đây là buổi họp mặt để cùng tâm tình, hàn huyên với một vị Linh mục đến từ phương xa, rất xa, từ Nam Bán Cầu nhưng đã rất quen thuộc gần gũi với hầu hết chúng ta! Ngài đã dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa từ lúc còn son trẻ, nhưng đã khẳng định lập trường bằng câu nói bất hủ “Trước khi làm Linh Mục, tôi là một người Việt Nam”.

Và để thể hiện căn bản cốt lõi “tôi là một người Việt Nam” linh mục Nguyễn Hữu Lễ  đã dồn hết tâm huyết để hoàn thành quyển sách kể lại cuộc đời mình mà nay đã trở thành tác phẩm tạo kỷ lục với hơn 70 nghìn cuốn được ấn hành, một kỷ lục không chỉ ở hải ngoại, mà ngay cả trong nước! Đó là bút ký “Tôi Phải Sống” ra đời năm 2003.

Cha Lễ không phải chỉ nói và viết, mà còn thể hiện lập trường “Tôi là một người Việt Nam” bằng những hành động cụ thể.

Đó là phát động “Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn” năm 2005 với cuốn phim tài liệu “Sự Thật về Hồ Chí Minh” ra đời tháng 7 năm 2009, quảng bá hơn 30 nghìn bản DVD (thời đó chưa có YouTube), và không lâu sau đó đã phổ biến ấn bản tiếng Anh “Ho Chi Minh – The Man and The Myth” gây tiếng vang lớn không chỉ trong và ngoài Việt Nam mà cả trong giới nghiên cứu ngoại quốc.

Và tích cực và trực tiếp hơn nữa, đầu năm 2010, vị khách này cũng đã tham gia hình thành một liên minh chính trị với tên Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, gồm 3 đoàn thể là Phong Trào Sài Gòn, Tập Hợp Đồng Tâm, và Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, cùng một số quý vị Nhân Sĩ đã có quá trình đấu tranh lâu dài và bền bỉ từ ngay sau ngày 30/4/1975!

“Linh mục Nguyễn Hữu Lễ trước kia là chánh xứ họ đạo La Mã, Bến Tre, bị Cộng Sản bắt năm 1976 vì tội chống chế độ và bị đi tù suốt 13 năm, trong đó 11 năm tại các trại tù miền Bắc, trong đó có trại trừng giới Quyết Tiến nằm sát biên giới Trung Quốc, thường được gọi là trại Cổng Trời! Ông xuất bản cuốn bút ký “Tôi Phải Sống” kể lại kinh nghiệm 13 năm trong lao tù CSVN và từ đó rút ra một bài học cho con đường dân tộc phải đi trong tương lai. Cuốn sách này đã được tái bản nhiều lần và trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất (“best seller”) của cộng đồng người Việt hải ngoại”.

Linh mục cho biết số tiền nhận được từ các buổi ra mắt bút ký, một phần ngài sẽ gửi về cho các em bị tật bẩm sinh, một phần ngài dành cho Đài Đáp Lời Sông Núi.

Linh mục từng tuyên bố, “Con người rồi sẽ chết, nhưng đấu tranh cho tự do, nhân quyền của người Việt Nam sẽ phải còn tiếp tục. Trong mấy năm qua, tôi đã nhờ nhiều người, tìm cách chuyển ngữ cuốn sách “Tôi Phải Sống” qua tiếng Anh để phổ biến, tố cáo tội ác vô cùng dã man của bọn cộng sản. Bọn chúng đã biến những người tù thành những con vật; đối xử tàn bạo, độc ác vô chừng. Tôi muốn thế giới phải nhìn thấy điều này.”. Được biết Linh mục Nguyễn Hữu Lễ từng phục vụ tại Giáo phận Auckland, New Zealand trong chức vụ Tuyên Úy Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam và đã nghỉ hưu năm 2020.

Sau khi lời tâm tình của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và trao đổi một vài ý kiến của của người tham dự. Cha Lễ đến bàn ký sách tặng mỗi người và ai cũng có một cuốn sách I Must Live đêm về …Tuy người quan tâm tham dự không đông đảo như California và Houston nhưng có lẽ tấm lòng rộng mở hơn. Theo kết quả ủng hộ từ tấm lòng người dân Dallas-Fort Worth, TS thông báo ngay sau chương trình kết thúc số tiền nhận được là $6,500 USD.

Trong buổi tâm tình của Linh mục mục của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ  được phụ diễn văn nghệ do vũ đoàn Hoàng Linh Linh và các bạn trẻ giáo xứ Đức Mẹ Fatima phụ trách. Ban tổ chức cũng đã mời đồng hương tham dự dùng thức ăn nhẹ và nước giải khác. Buổi tâm tình châm dứt vào lúc 8 giờ 45 tối.

Bảo Trâm

Previous
Previous

Chương trình lễ giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm lần thứ 61

Next
Next

Thành phố Arlington trao bằng tuyêndươngchoanh em họ Lê và chọn ngày 8 tháng 10 là ngày của Luraco