Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas kỷ niệm Hai Bà Trưng và Giỗ Tổ Hùng Vương
Garland, TX.- Năm nay, hai ngày lễ quan trọng rơi vào đúng ngày chánh lễ, ngày 30 tháng 4 đúng vào ngày cuối tuần Thứ Bảy, nhiều tổ chức gồm Cộng đồng và Hội đoàn không hẹn nhau nhưng lại tổ chức cùng một ngày như trong bản tin tuần trước Người Việt Dallas đã phổ biến.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp nơi truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Không ngoài sự đặc biệt, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay đúng vào cuối tuần, Chủ Nhật ngày Mồng Mười Tháng Ba Âm Lịch năm Nhâm Dần. Ngoài ban tổ chức là Ban Quản Trị Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas, chúng tôi ghi nhận có nhiều đại diện Hội đoàn, tổ chức tại địa phương Dallas-Fort Worth và đồng hương tham dự. Trong những vị được đại diện ban tổ chức xướng danh giới thiệu, một người chúng tôi nghĩ là không quên nhưng bỏ sót là bà quả phụ cố Chủ tịch Cộng Đồng Dallas Phạm Quang Hậu, ngồi bên cạnh ông bà Tô Quân, hơn hai năm chúng tôi mới gặp lại…
Ban tế lễ năm nay vẫn hùng hậu cả bên Giỗ Tổ và Tưởng Niệm Hai Bà cũng đầy đủ nghi thức; tuy nhiên theo lời ông Các, người hướng dẫn nghi thức lễ Giỗ trước đây cho biết khi tình cờ gặp anh Jason Lý, Chủ tịch Cộng Đồng. Ông cho biết anh chị em đã hết sức cố gắng nhưng không tránh sự sai sót. Ông kết luận: “Tam sao thất bổn rồi!”.Ông tâm sự: “Các em trẻ không muốn thời gian tập dợt quá lâu, mất nhiều giờ cho các em. Các em chưa hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của nghi thức lễ cổ truyền từ tiếng chiêng trống đến giai điệu nhạc đệm phù hợp”. Ngay cả vị chánh tế năm nay cũng đọc không chính xác hai câu đối trên bàn thờ Quốc Tổ. Hai câu đối này ông đã chờ một ngày mua ở Chợ Lớn – Saigon. Ông nghĩ có lẽ chữ tròn làm cho mọi người khó đọc! Sức khỏe của ông Các cũng không còn như ngày xưa. Ông cầu nguyện Tổ Hùng Vương cho ông sức khỏe để sang năm, ông cố gắng giúp các em tập dợt lại. Chúng tôi cũng đề nghị, ngoài sự chỉ dẫn trực tiếp ông nên ghi lại bằng bảng viết thì dễ dàng đối chiếu khi tập dợt đúng cách hơn.
Sự đóng góp nhiều nhất cho Ngày Lễ Giỗ Tổ và Tưởng Niệm Hai Bà Trưng là Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhận trụ sở Cộng Đồng Dallas cùng chung một mái nhà.
Ngày này, con dân đất Việt ở khắp mọi nơi, đều hướng lòng về Quốc Tổ Hùng Vương, nhất là về đất Tổ Phú Thọ, nơi có đền thờ và bia tưởng niệm các vua Hùng. Để nhớ về nguồn cội, cảm tạ các Tiền Nhân đã có công lập quốc, giữ nước, thành một dân tộc Việt, với những trang sử oai hùng chống ngoại xâm, để lại cho con cháu một dải giang sơn gấm vóc, trường tồn trên 4 ngàn năm! Không một tấc đất nào về tay ngoại bang!
(Càng tự hào truyền thống Cha Ông bao nhiêu, càng căm thù CSVN bấy nhiêu, hết nhường đất biên giới, biển đảo, đặc khu…còn nuôi âm mưu bán nước cho Tầu Cộng, chỉ cần đạt mục đích “còn đảng còn mình!” Mà CS làm gì có Tổ! chúng đã công nhận tổ của chúng từ Nga, từ Tầu!)
Thời VNCH, trước 75, đây là Ngày Lễ Quốc Gia! ăn mừng rất lớn. Hành động VNCH giữ nước dũng cảm, với trận chiến “Hoàng Sa, Trường Sa!” Thà chết, chứ không để một tấc đất nào lọt vào tay giặc!
Ra hải ngoại, cộng đồng người Việt khắp nơi, cũng giữ được truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tốt đẹp này, nên luôn luôn có những sinh hoạt, để nhớ về Tổ Tiên dòng giống Lạc Hồng.
Nhắc lại một chút Lịch Sử Đời Hùng
Theo truyền thuyết, triều đại Hùng Vương có 18 đời vua. Hùng Vương thứ nhất lên ngôi vào năm 2879 trước Công nguyên, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, truyền đời đến năm 258 trước Công nguyên, thì mất ngôi vào tay Thục Phán An Dương Vương.
Như vậy, triều Hùng trải qua trong khoảng 2.600 năm, nếu chia trung bình cho 18 đời vua thì mỗi đời vua xấp xỉ 150 năm.
Giải thích điều hơi khó hiểu này, một số học giả cho rằng thực chất 18 đời vua Hùng không phải là 18 cá nhân cụ thể, mà là 18 chi, mỗi chi này có nhiều vị vua, thay phiên nhau trị vì, và dùng chung vương hiệu. Ngay cả con số 18 cũng chỉ mang tính tượng trưng, ước lệ, vì 18 cộng lại là 9, con số thiêng đối với người Việt. Như vậy, theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Dưới thời Thục Phán An Dương Vương. Bằng chứng đã tìm thấy cột đá thề, được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương. Xin hứa đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Quốc Tổ trao lại. Nếu thất hẹn, sai lời thề, sẽ bị gió giăng, búa dập, tan thây!".
Các đời vua khác sau này cũng luôn ghi nhớ, khẳng định vai trò các vua Hùng trong việc xây dựng giang sơn Đất Việt. Chính vì thế mà hàng năm, người Việt dành riêng một ngày để mừng, tưởng nhớ những người đã lập và xây dựng nên đất nước. Trong tinh thần nhớ về Cội Nguồn “Cây có gốc, chim có tổ, người có tông!”
Cũng bởi sự tích này mà về sau, người Việt Nam chúng ta đều là con cháu vua Hùng. Đều từ một bọc trứng mà sinh ra, Cùng gọi nhau là “Đồng Bào!” (từ một bào thai) và đến bây giờ, hơn 4 ngàn năm, vẫn tự hào mình là Con Rồng Cháu Tiên!
Sau phần nghi lễ là phần dâng hương ở bàn thờ Quốc Tổ.Cuối cùng là phần hưởng lộc và thưởng thức chương trình văn nghệ. Chương trình ngày Lễ Giỗ Tổ và Tưởng Niệm Hai Bà Trưng kết thúc vào khoảng 2 giờ chiều trong ngày.
Thái Hóa Lộc