Cây Giáng sinh nhà tôi
Kim Dinh
Tôi không nhớ rõ nhà tôi có cây giáng sinh từ năm nào nhưng tôi biết đã lâu lắm từ khi chúng tôi ở chung cư đường Beltline dọn về căn nhà thành phố Sachse. Năm đó, vào năm 2003 thành phố Sachse đã được thành lập từ năm 1845 nhưng lúc bấy giờ cũng còn nghèo nàn không phát triên như hôm nay. Những con đường vào thành phố ban đêm không có đèn. Con đường chính Pleasant Valley nối liên thành phố Garland – Sachse chưa có cây cầu bắt ngang và mỗi khi có trận mưa lớn nước ngập làm cản trở lưu thông. Một kỷ niệm khó quên tôi còn nhớ là một cảnh sát tuần tra bị nước lên bất thình lình đã phải kêu cứu khẩn cấp trực thăng cứu nạn treo lơ lửng trên cao.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm thành phố Sachse hoàn toàn thay đổi từ khi con đường siêu xa lộ Goerge W. Bush. Tòa thị chánh thành phố, bệnh viện và đầm lầy trũng nước vào mùa mưa ngày nào đã thay thế các chung cư sang trọng và các cơ sở thương mại mọc lên… Và thị trường nhà đất tăng theo, bảo hiểm đã tăng gấp 4 lần trước đây khi chúng tôi mới về nhà này!
Sự thay đổi bên ngoài cũng đã thay đổi cây giáng sinh trong nhà tôi mặc dù người thiết trí cây giáng sinh chỉ có một người duy nhất là anh cả trong nhà tôi. Phần tôi chỉ chịu trách nhiệm trang trí bên ngoài góp nhặt cái đẹp các nơi khác về làm đẹp cho nhà mình còn chồng tôi chỉ thích ngồi trên computer nhiều hơn. Anh cả tôi vẫn có cái uy riêng từ ngày còn trong nước mà các em đều kính nể, anh sống cuộc đời độc thân và tuổi đời cũng sắp bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”. Anh ấy hiểu được ý nghĩa và óc thẩm mỹ về cây giáng sinh. Hằng năm cây giáng sinh nhà tôi là hoàn toàn là sáng tác của anh cả tôi, anh độc quyền không cần ai thêm thắt, góp ý!
Thật sự ý nghĩa cây giáng sinh không đơn giản nhưng nhiều nhà đều có cây giáng sinh. Dù là gia đình công giáo hay không phải là kitô hữu mỗi mùa giáng sinh về mà trong nhà không có cây giáng sinh sẽ còn ý nghĩa nữa. Ăn uống, tiệc tùng chỉ là bên ngoài, người có đạo hay người ngoại đạo cũng sẽ cảm thấy tâm hồn lạc lỏng khi nghe lại bản nhạc giáng sinh năm xưa hay kỷ niệm cũ trong quá khứ!
Một truyền thuyết cho rằng, vào một đêm Noel đã rất lâu có một người tiều phu nghèo khổ đang trên đường trở về nhà thì gặp một đứa trẻ bị lạc và lả đi vì đói. Mặc dù nghèo khó nhưng người tiều phu đã dành lại cho đứa trẻ chút thức ăn ít ỏi của mình và che chở cho nó yên giấc qua đêm. Vào buổi sáng khi thức dậy, ông nhìn thấy một cái cây đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Hoá ra đứa trẻ đói khát tối hôm trước chính là Chúa cải trang. Chúa đã tạo ra cây hia1ng sinh để thưởng cho lòng nhân đức của người tiều phu tốt bụng.
Cây Giáng sinh lần đầu tiên được dân chúng ở Hoa Kỳ biết đến là vào những năm 1830. Khi hầu hết người dân Mỹ đều coi cây Giáng sinh là một điều kỳ cục thì những người Đức nhập cư ở Pennsylvania thường mang cây Giáng sinh vào các buổi biểu diễn nhằm tăng tiền quyên góp cho nhà thờ. Năm 1900, cứ 5 gia đình ở Bắc Mỹ thì có một gia đình có cây Giáng sinh, và 20 năm sau phong tục này trở nên khá phổ biến. Vào những năm đầu thế kỷ 20, người dân Bắc Mỹ thường trang trí cây thông bằng vật trang trí do chính tay họ làm ra.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ ngày càng có khuynh hướng dùng cây nhân tạo (thường là cây thông bằng nhựa nhập khẩu từ Trung Cộng hoặc Thái Lan) thay thế cây tự nhiên. Như năm 1990, tại Hoa Kỳ, khoảng 35 triệu hộ gia đình Mỹ trưng bày cây Giáng sinh tự nhiên trong lúc 36,3 triệu gia đình đã lựa chọn cây nhân tạo cùng năm đó. Năm 2000, 50,6 triệu hộ gia đình sử dụng cây nhân tạo, trong khi 32 triệu chọn cây Giáng sinh tự nhiên và đến năm 2003 doanh số bán hàng của các cây tự nhiên đạt 23,4 triệu.
Thông thường, một cây thông Giáng sinh được dựng lên vào đầu mùa Vọng. Một số gia đình ở Mỹ và Canada dựng cây Giáng sinh một tuần trước Lễ Tạ Ơn của Mỹ (ngày thứ Năm thứ tư của tháng 11), và các mặt hàng trang trí Giáng sinh có thể xuất hiện sớm hơn trong các cửa hàng bán lẻ, thường là sau Halloween (31 tháng 10). Ở Ý và Argentina, cùng với nhiều quốc gia ở châu Mỹ Latin, cây Giáng sinh được dựng lên ngày 8 tháng 12 (ngày Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội) và giữ cho đến ngày 6 tháng 1.
Theo truyền thống, thường là cây Giáng sinh được giữ cho đến ngày Lễ Hiển Linh (6 tháng 1). Một số gia đình Công giáo còn giữ cho đến khi Lễ Dâng Chúa trong đền thánh (ngày 2 tháng 2).
Cây Giáng Sinh nhà tôi
Cây giáng sinh nhà tôi được dựng lên không có thời gian nào nhất định mỗi năm nhưng tùy thuộc vào quyết định của anh cả tôi. Tôi còn nhớ có năm vào dịp Lễ Tạ Ơn và thông thường vào đầu tháng 12. Những năm trước cây giáng sinh nhỏ được giữ lại từ ngày ở chung cư nhưng những năm gần đây đều là “cây nhà lá vườn” từ sáng kiến của anh tôi, ngoài các tượng trong máng cỏ đều là cũ từ các năm trước.
Thật vậy, một vài người quen thân ghé thăm đều khen nét sáng tạo của tác giả “Cây Giáng Sinh Nhà Tôi”. Từ mái tranh che máng có là cỏ tranh sau vườn, cây mía, chậu nghệ, chậu cây chanh, dây trầu leo trên màn cỏ đều từ vườn sau nhà được đưa vào trang trí cũng vừa bào quản cho các cây được sống qua mùa đông giá lạnh của Texas!
Các Tượng trong hang đá
Cây giáng sinh nhà tôi thể hiện tình yêu thương vô bờ mà Thiên Chúa dành cho loài người nói chung và gia đình tôi nói riêng. Màu xanh của lá cây trong vườn của cây giáng sinh đại diện cho sự kết thúc một năm đủ đầy và chào đón một năm mới tràn đầy hi vọng, tràn đầy năng lượng. Cây thông giáng sinh cũng là biểu tượng cho sự sống vĩnh hằng, bền bỉ, luôn biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Theo truyền thống, cả gia đình tôi đã có buổi họp mặt đại gia đình gồm các anh chị tôi từ xa về, mang lại cảm xúc ấm áp và tràn đầy yêu thương để khép lại một năm đã qua. Cây giáng sinh được xem là cây phục sinh, biểu tượng cho sự sống mạnh mẽ, vượt qua mọi trở ngại, xua đuổi ganh tỵ, mang lại cuộc sống hạnh phúc trong tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa anh em…
Nhà tôi không năm nào thiếu cây giáng sinh kể từ ngày tôi bước chân theo chồng từ 7 tháng 12-năm 2002…. Thời gian thật sự đã đi qua hơn 22 năm qua rồi!