“Dòng Chuyển Âm Thanh” tại Allen – Dallas
Dòng chuyển âm thanh là một chủ đề lạ đối với tôi về một buổi tổ chức âm nhạc khi anh chị Nghĩa-Tú trong ban tổ chức giới thiệu chương trình sắp tới. Rất nhiều người trẻ sẽ không hiểu ý nghĩa thâm thúy của chủ đề này. Đó là lý do, trước ngày trình diễn dù rất bận bịu cho ngày phát hành báo nhưng tôi cũng dành thời gian tham dự buổi họp báo do những người chủ xướng tổ chức và tiện dịp xem một phần tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa. Chúng tôi đã có mặt đúng 10 giờ sáng tại địa điểm họp báo, thứ sáu ngày 5 tháng 4 năm 2024!
Tôi theo chân bác Lê Văn Khoa để được nghe giải thích ý nghĩa bố cục của bức tranh trắng đen lẫn màu. Năm nay đã ngoài 90 tuổi, bước đi hơi khó khăn nhưng còn rất minh mẫn và hoạt bát. Một điều làm cho tôi vô cùng xúc động là trên chiếc cà vạt của ông có mang lá cờ vàng ba xọc đỏ của Miền Nam thân yêu! Gần nửa thế kỷ và tuổi đời sống gần một thế kỷ ông vẫn chưa quên mình là người dân Việt Nam Cộng Hoà. Và có tham dự trong đêm nhạc giao hưởng “Dòng Chuyển Âm Thanh” tôi mới hiểu được nỗi lòng của ông. Ông là một người dân của miền Nam, vì vậy ông thấy cần phải ghi lại phần lịch sử mà mình đã sống qua. Vì biết sẽ có nhiều người ghi lại biến cố này bằng văn viết, ông quyết định ghi lại bằng âm nhạc với nhiều thể loại, nhạc cho piano độc tấu, cho đơn ca với dàn nhạc giao hưởng, cho hợp ca với dàn nhạc giao hưởng. Nhưng để đưa câu chuyện của người Miền Nam Việt Nam đi xa hơn vùng ảnh hưởng của tiếng Việt…Nhưng điều quan trọng hơn, tôi thấy ở ông là ông dùng âm nhạc khéo léo viết lên để dàn nhạc lột được ý mà diễn tả một người lẻ loi suy tư trong đêm vắng, hòa trong sự kinh hoàng của chiến tranh với màu sắc thật sôi động qua âm thanh. Nó có giá trị không những về mặt nghệ thuật mà còn có giá trị sâu xa trong tâm lý. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã thành công trong việc để lại cho ông, để lại cho quê hương, để lại cho người nghe một tấu khúc lịch sử viết về chính cuộc đời họ; và trong một sự kết hợp may mắn giữa “Đông và Tây” trong “Dòng Chuyển Âm Thanh”.
Theo lời Ban Tổ Chức, "Dòng Chuyển Của Âm Thanh" là sự kết hợp Đông-Tây độc đáo, mang những thang âm mới mẻ, chưa từng được công diễn bất cứ nơi nào qua những tiếng đàn bầu, đàn kìm, đàn tranh, đàn T'rưng hoà quyện cùng dàn nhạc giao hưởng và ban hợp xướng Tây phương. Từ vọng cổ Cao Văn Lầu cho đến opera, từ nhạc sĩ Lê Văn Khoa cùng các nhạc sĩ qua nhiều thế hệ như Lê Thương, Phạm Duy, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn… Từ những tài danh Việt- Mỹ từng đoạt giải thưởng âm nhạc Grammy danh giá cho đến các nhà soạn nhạc trẻ tài năng gốc Việt đang tạo tiếng vang tại hải ngoại, chương trình là câu chuyện kể về chiến tranh và ước vọng hoà bình, về những mất mát trong hành trình tìm tự do…
Một thính phòng gần một ngàn khán giả mà lần đầu tiên nhưng tôi nhận ra một không khí dễ chịu khác thường ở những buổi trình diễn khác mà tôi đã tham dự. Mỗi chương trình hàng loạt tiếng vỗ tay vang dội. Nhiều người đã bày tỏ sự xúc động của mình trong giờ giải lao hay lúc ra về. Thời gian 3 giờ đồng hồ của đối với họ đi quá nhanh. Âm thanh cho thấy họ đi từ dòng sông nhỏ, ngoằn ngoèo, khi ra đến cửa biển, nhạc bùng sáng với cảnh rộng mênh mông. Họ đi trên mặt biển dưới ánh nắng chói chang, mệt mỏi, bơ phờ, chán chường. Nhưng mây đen thình lình kéo tới với gió bão, sấm chớp vang động, nhưng con người cố thu hồi sinh lực và ý chí chiến đấu để chống trả để dành phần sống.
"Dòng Chuyển Của Âm Thanh" đến Dallas như một cuộc hội ngộ văn hóa hiếm hoi tại Mỹ, không chỉ giới thiệu nhạc Việt và những tài năng trình diễn và sáng tác nhạc cổ điển gốc Việt đến các khán giả Mỹ mà còn mang đến cho khán giả Việt một hành trình âm nhạc Việt Nam, những hoài niệm về lễ hội trăng rằm, những ngày quê hương thanh bình, cùng niềm tự hào và hy vọng về một thế hệ trẻ gốc Việt đang bước vào lãnh vực nghệ thuật chưa mấy được phổ biến trong cộng đồng.
Đêm trình diễn “Dòng Chuyển Âm Thanh” cũng là đêm thành phố Allen tưởng niệm một năm cuộc xả súng tại thành phố này. Một ca khúc rất cảm động “Đừng Đứng Bên Mộ Tôi Mà Khóc” của thi sĩ Clare Harner, được nhạc sĩ Patrick Vũ soạn nhạc và ban hợp xướng Dallas Chamber Choir trình diễn dưới sự điều khiển của nhạc trưởng gốc Việt Jon Lê Culpepper để nhớ lại thời khắc đau buồn của người dân thành phố Allen!
Để kết luận cho bản tin này, chúng tôi xin ghi lại lời chia sẻ của Nhạc sĩ Lê Văn Khoa về buổi tổ chức “Dòng chuyển Âm Thanh”: - Ông rất vui là làm được vài việc hòa đồng với xã hội Mỹ và thứ hai là người Mỹ chấp nhận trình diễn nhạc Việt Nam. Chúng ta thử tưởng tượng một ban họp ca hoàn toàn người Mỹ hát tiếng Việt. Điều đó rất hiếm. Mình đã thành công trong đêm “Dòng Chuyển Âm Thanh”. Ông hy vọng buổi trình diễn này sẽ trở thành vết dầu loang để Việt Nam mình được lưu lại cái gì đó trên đất nước tạm dung này trong khi mình đã thật sự xa quê hương! Còn đối với thế hệ trẻ tương lai kế tiếp và thế hệ sau nữa; các em, các cháu sẽ hòa đồng với xã hội Mỹ nhiều hơn nữa nhưng vẫn không quên nguồn gốc của mình. Mình muốn thế hệ tương lai phải làm tốt hơn thế hệ trước nghĩa là hòa nhập một cách mạnh mẽ hơn là điều đáng mừng. Qua “dòng Chuyển Âm Thanh” tại thành phố Allen hôm nay, mọi người sẽ thấy sự thành công của một số người trẻ Việt Nam. Họ đã đoạt một số giải thưởng về âm nhạc. Họ được tài trợ để viết nhạc và đặc biệt chúng ta đã có một người trẻ trong ban quản trị dòng nhạc giao hưởng của Mỹ!
Thái Hóa Lộc