Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn Nguyên Giám Mục Qui Nhơn Từ Trần

Ngày 3 tháng 6 năm 1999, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Phêrô Nguyễn Soạn làm Tân giám mục chính tòa, kế vị Giám mục Phaolô Huỳnh Đông Các về hưu, cùng thông báo bổ nhiệm đợt này có Tân Giám mục Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng Giuse Ngô Quang Kiệt - người đến năm 2005 trở thành Tổng giám mục Hà Nội và Tân Giám mục Phó Giáo phận Long Xuyên Giuse Trần Xuân Tiếu. Với việc bổ nhiệm này, Giám mục Nguyễn Soạn là giám mục chính tòa thứ tư của giáo phận Qui Nhơn kể từ khi Qui Nhơn được nâng cấp thành giáo phận năm 1960.

Lễ tấn phong cho Tân giám mục Nguyễn Soạn được cử hành sau đó vào ngày 12 tháng 8 cùng năm, với phần nghi thức chính yếu được cử hành cách trọng thể bởi Chủ phong là Tổng Giám mục đô thành Tổng giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể và hai vị phụ phong là Giám mục Phaolô Huỳnh Đông Các, nguyên Giám mục Qui Nhơn và Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nho, giám mục Phó Giáo phận Nha Trang. Tân giám mục chọn cho mình khẩu hiêu: Thầy biết con yêu Thầy (Ga 21, 17).

Nhân dịp Anrê Phú Yên được giáo hội Công giáo tôn phong chân phước, và là vị tử đạo đầu tiên của giáo hội Công giáo Việt Nam. Hội trại Giảng viên, giáo lý viên giáo phận Qui Nhơn lần đầu được tổ chức tại quê hương Mằng Lăng của tân chân phước vào ngày lễ kính chân phước, 26 tháng 7 năm 2000. Giám mục Nguyễn Soạn đã cử hành lễ đồng tế tại giáo xứ này.[ Năm 2001, Hội đồng Giám mục Việt Nam bầu chọn giám mục Nguyễn Soạn giữ chức Tổng Thư ký nhiệm kỳ 2001 đến năm 2004. Ông tái đắc cử chức vụ này và nắm vai trò Tổng Thư ký đến năm 2007. Ông tham dự Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ X vào tháng 10 năm 2001, và được bầu chọn làm thành viên Uỷ ban Bầu cử Hậu Thượng Hội đồng Giám mục. Cùng với Tổng giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Giám mục Nguyễn Soạn có bài tham luận ngắn bằng tiếng Pháp trong khuôn khổ Thượng Hội đồng Giám mục vào ngày 3 tháng 10 năm 2001.

Giám mục Nguyễn Soạn được ghi nhận là người đã ra sức đào tạo nhân sự cũng như phát triển cơ sở hạ tầng cho giáo phận Qui Nhơn. Dưới thời Giám mục Nguyễn Soạn, cơ sở Chủng viện Làng Sông của Qui Nhơn đã được cho trùng tu cách sơ khởi vào năm 2011. Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương được thiết lập và được cho tạm cư trú để chăm sóc cơ sở này. Trong 13 năm đảm nhận chức vụ Giám mục Qui Nhơn, dưới thời giám mục Soạn có 39 tân linh mục, 10 giáo xứ tân/tái lập, nhiều cơ sở Công giáo được xây dựng, bao gồm 24 nhà thờ (giáo xứ hoặc giáo họ) và số chủng sinh, nữ tu gia tăng hàng năm. Dưới thời Giám mục Nguyễn Soạn, số giáo dân đạt mức 70.000.

Đức Giám Mục Phê rô Nguyễn Soạn (người thứ 2 từ phải sang trái)

Vì sức khỏe Giám mục Nguyễn Soạn suy yếu cách trầm trọng, ngày 31 tháng 12 năm 2009, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Mátthêu Nguyễn Văn Khôi làm giám mục phó giáo phận Qui Nhơn. Ngày 30 tháng 6 năm 2012, Giáo hoàng Biển Đức XVI chấp nhận đơn từ nhiệm của Giám mục Nguyễn Soạn. Với việc chấp thuận này, Giám mục Phó Nguyễn Văn Khôi đương nhiên kế vị ông trở thành Giám mục Chính tòa. Từ đây, ông nghỉ hưu tại tòa Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, Việt Nam.

Ngày 24 tháng 11 năm 2018, Bộ Truyền giáo gửi điện thư chúc mừng 50 năm thụ phong linh mục của Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn. Chưa đầy một tuần sau đó, ngày 30 tháng 11, Giáo hoàng Phanxicô cũng gửi điện thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm này. Lễ đồng tế kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục của Giám mục Soạn được tổ chức vào chiều ngày 21 tháng 12 năm 2018. Vào thời điểm năm 2017, sức khỏe của Giám mục Soạn rất yếu, cần có người dìu mỗi khi di chuyển.

Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn đã từng qua Hoa Kỳ đến giáo xứ Thánh Phêrô thăm đồng hương của mình lúc cụ Trần Lộc còn sống.

Đức Phêrô Nguyễn Soạn – Ông cựu Dân Biểu Trần Lộc và ông Lê Văn Tường

Giám mục Nguyễn Soạn qua đời vào lúc 7 giờ 8 phút ngày 8 tháng 7 năm 2024 tại Nhà hưu dưỡng Giáo phận Qui Nhơn. Theo thông tin từ cáo phó, nghi thức tẫn liệm dự kiến diễn ra vào ngày 10 tháng 7, trong khi lễ an táng dự kiến tổ chức vào ngày 11 tháng 7 năm 2024 tại Nhà thờ chính tòa Qui Nhơn.

Khi nghe tin Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn qua đời, tại Roma linh mục Nguyễn Văn Khải lên tiếng: “VỊ GIÁM MỤC TRUYỀN CHỨC CHO TÔI QUA ĐỜI”. Sau khi phát biểu và phổ biến trên Facebook nhưng bị xóa qua lời sau đây:

(Status này vừa đưa lên được khoảng 2 tiếng thì bị thế lực sự dữ- những kẻ sợ sự thật- report và bài bị FB cho biến mất. Tôi post lại lần nữa ở đây. Bạn nào muốn cứ copy tự nhiên kẻo có thể FB sẽ lại cho biến mất lần nữa).

Linh mục Nguyễn Văn Khải Dòng Chúa Cứu Thế

Tôi vừa nghe tin Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn qua đời vào khoảng 7 giờ sáng nay, giờ Việt Nam.

Tôi chỉ gặp ngài vài lần khi ngài đến DCCT Sài Gòn và tôi phải liên lạc và tiếp đón ngài trong vai trò là Chánh-Văn phòng-Thư ký Hội đồng Quản trị Tỉnh Dòng.

Tôi cũng đến thăm ngài một lần tại Toà Giám Mục Qui Nhơn vào mùa hè năm 2002 khi tôi ở đó nghỉ hè và tĩnh tâm riêng mấy ngày.  Khi tôi ra Hà Nội phục vụ, tôi cũng có dịp gặp ngài một vài lần tại Toà Giám Mục Hà Nội và một số nơi vào các dịp khác nhau.

Ngài luôn hỏi thăm sức khoẻ và công việc tôi, và sau khi vụ Thái Hà-Toà Khâm Sứ xảy ra thì ngài luôn nói với "Tôi thông cảm và cầu nguyện cho các cha và cho mọi người ở đây!"

Từ hơn 20 năm nay, kể từ khi tôi xuất hiện lần đầu trong phẩm phục linh mục ở nhà thờ Thái Hà, nhiều người hỏi tôi: “Cha được truyền chức khi nào và ai truyền chức cho cha?”

Tôi luôn nói tôi đã hứa với vị giám mục đã truyền chức bí mật cho tôi rằng tôi chỉ nói khi nào ngài qua đời!

Một số người cố đoán, nhưng chưa có ai đoán trúng: Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Qui Nhơn, là người truyền chức linh mục cho tôi.

Chúa quan phòng khiến tôi có duyên được đón nhận thiên chức linh mục từ ngài là thế này:

Năm 2001, sau mấy lần tôi bị nhà nước từ chối không cho thụ phong linh mục, Cha Giám tỉnh Giuse Cao Đình Trị nói tôi nên chịu chức "chui" và bảo tôi tĩnh tâm rồi chờ đợi.

Ngày giờ và nơi chốn truyền chức không ai không biết. Ngài nói tôi cứ sẵn sàng, khi nào tìm được giám mục và sắp đặt được địa điểm và thời gian thích hợp thì ngài sẽ nói.

Sau mấy tháng chờ đợi, một ngày nọ, Cha Giám Tỉnh nói với tôi "Cậu sẵn sàng nhé! Đêm mai sẽ có Đức Cha truyền chức cho cậu".

Đến điểm hẹn và khi bắt đầu lễ truyền chức tôi mới biết đó là Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn. Tại sao lại là ngài?

Vào những thập niên cuối của thế kỷ trước và thập niên đầu của thế kỷ này, mỗi lần vào Sài Gòn ngài thường ở nhà người thân tại Thanh Đa-Bình Quới và buổi sáng ngài thường vào dâng lễ với cha các thầy Dòng Chúa Cứu Thế trong tu viện Mai Thôn.

Vì thế ngài khá thân với các cha các thầy ở đây, đặc biệt, ngài rất thân thiết với cha bề trên của tu viện này khi ấy mà sau này cũng làm bề trên giám tỉnh là Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, một trong số các linh mục “chui” đầu tiên của DCCT sau 1975.

Thế là Cha Giám Tỉnh Giuse Cao Đình Trị đề nghị với Cha Phạm Trung Thành liên lạc với Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn để xin ngài bí mật đặt tay truyền chức cho tôi.

Đức Cha nhận lời ngay và mấy hôm sau, vào lúc 2 giờ đêm ngài đã lặn lội đến "điểm hẹn" để thi hành sứ vụ.  Thánh Lễ diễn ra rất thiêng liêng và xúc động với sự chứng kiến của cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành. Mọi sự xong xuôi vào khoảng 3:15 sáng.

Tôi về lại tu viện và đi đọc kinh sáng với anh em vào lúc 5:00 sáng mà các cha các thầy không ai biết tôi đã là linh mục, trừ Cha Bề Trên Giám Tỉnh.

Ngoài tôi ra, Đức Cha cũng truyền chức cho một số các anh em DCCT khác nữa vào các lần khác nhau mà chỉ Cha Giám Tỉnh, cha chứng nhân và các anh em ấy biết.

Lễ xong, ngài nói với tôi rằng chỉ khi nào ngài qua đời thì mới cho mọi người biết ngài là người truyền chức cho tôi.

Tôi biết thời điểm năm 2001, phải can đảm lắm ngài mới dám làm vậy. Vì cho đến năm 2010, khi việc truyền chức linh mục đã trở nên khá dễ dàng, mà vẫn có một hai vị hoặc là đứng về phía nhà nước để ngăn cản lễ truyền chức của DCCT, hoặc là huỷ bỏ việc nhận lời trước đó, chỉ vì nghe nói trong số 10 ứng viên có 2 anh em "không được nhà nước đồng ý".

Năm 2007-2008 tôi có viết luận văn cao học tại Đại học Quốc gia Hà Nội về mối quan hệ giữa Hội đồng Giám mục Việt Nam và Chính phủ Việt Nam và vì thế tôi có được đọc các văn bản của hai bên gửi cho nhau do các cha ở Paris và Roma xuất bản.

Tôi thấy trong số các văn bản đã được công bố của Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ năm 1975 đến thời điểm 2005, thì các văn bản do ngài viết và ký tên gửi cho nhà nước Việt Nam, với tư cách là Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục, là hay nhất.

Các văn bản ấy ngắn gọn, đầy đủ, súc tích, kín kẽ, thể hiện rõ lập trường quan điểm của Giáo Hội chứ không mập mờ, vuốt ve, tìm cách lấy lòng nhà nước. Phân tích trong bối cảnh văn bản ra đời trong từng sự việc liên quan thì thấy ngài viết rất khôn ngoan.

Tôi biết ơn ngài không chỉ vì ngài truyền chức linh mục cho tôi, mà còn vì ngài đã chia sẻ vui buồn với anh em DCCT chúng tôi.

Ngài đã thương yêu, đón nhận và nâng đỡ nâng đỡ người anh em của chúng tôi là cha Anrê Đinh Duy Toàn, DCCT khi cha còn làm thầy và làm cha xứ ở Phù Cát và Phù Mỹ, Qui Nhơn, suốt từ cuối thập niên 70 cho đến khi ngài về hưu hơn chục năm trước đây.

Trong vụ Thái Hà-Toà Khâm Sứ, Hội đồng Giám mục Việt Nam có ra một bản quan điểm, gián tiếp trả lời nhà nước, đồng thời gián tiếp bảo vệ Thái Hà-Toà Khâm Sứ.

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh cho biết bản quan điểm ấy ra đời cũng không dễ dàng và Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn là một trong những tiếng nói quan trọng để bản quan điểm ấy ra đời.

Xin Chúa đón nhận người tôi trung của Chúa về hưởng phúc thiên đàng cùng các thánh.

Roma 08 tháng 7 năm 2024

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT,

Xin mọi người đã từng gặp Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn cùng hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Phêrô sớm về hưởng nhan thánh Chúa.

Kim Dinh

Previous
Previous

Lễ Húy Nhật Lần Thứ XIV Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống GHVNTN Tại Tu Viện Long Thọ Thiền Tông Thành Phố Arlington, Tx.

Next
Next

Giải Túc Cầu Dallas-Plano Asian Independence Cup 2024