Giáo Hội PGVNTN – Văn Phòng II Viện Hóa Đạo tổ chức Lễ Húy Nhật Cố Đại Lão Hòa Thượng Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ.

Arlington, TX.- Sáng Chủ Nhật ngày 26 tháng 02 năm 2023, Văn phòng II Viện Hóa Đạo thuộc Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất đã tổ chức Lễ Húy Nhật Cố Đại Lão Hòa Thượng Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Tu Viện Long Thọ Thiền Tông, thành phố Arlington, Texas – Hoa Kỳ.

Giáo Hội đã tổ chức trước Lễ Húy Nhật một ngày tu học, vào Thứ Bảy 25 tháng 2 để hồi hướng công đức lên Đức Đệ Ngũ Tăng Thống.

Khắp cả đất nước Hoa Kỳ, tiểu bang Texas và riêng tại thành phố Dallas-Fort Worth đã hơn 10 ngôi Chùa, Tu Viện Long Thọ Thiền Tông được Hòa Thượng Thích Huyền Việt, Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Văn Phòng II Viện Hóa Đạo tại Hoa Kỳ ủy nhiệm vị Trú trì của một ngôi chùa xây dựng chưa tròn 3 năm nhận lãnh trách nhiệm trọng đại và ý nghĩa thiêng liêng này. Đối với Văn phòng II Viện Hóa Đạo và đặc biệt là Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Văn Phòng II Viện Hóa Đạo Hòa Thượng Thích Huyền Việt, Trú trì chùa Liên Hoa, thành phố Houston, Texas đã tin tưởng Thượng Tọa Trú trì Tu viện Long Thọ Thiền Tông, Thượng Tọa Thích Chánh Quả đã và sẽ hoàn thành trách nhiệm tổ chức một cách tốt đẹp. Và đây cũng là lần thứ hai, tu viện Long Thọ Thiền Tông nhận được sự ủy thác tổ chức Đại lễ Húy Nhật Cố Đại Lão Hòa Thượng Đức Đệ Ngũ Tăng Thích Quảng Độ mà chúng tôi đã tham dự.

Tu viện Long Thọ Thiền Tông là một ngôi chùa nhỏ nhưng rất tươm tất gọn gàng, chúng tôi được tiếp đón rất ân cần từ ly cà phê và sửa đậu nành nóng trong khí hậu se se lạnh làm cho chúng tôi thật ấm lòng. Không ai nói ra nhưng suy nghĩ của mỗi người đều có cảm giác nhè nhẹ, lâng lâng. Chúng tôi cảm thấy Tu Viện Long Thọ Thiền Tông bổng như bề thế hơn, quan trọng hơn vì được vinh dự tổ chức ngày Tưởng Niệm lần thứ ba ngày viên tịch của Đức cố Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ. Sau khi quý Chư Tôn Đức Tăng Ni thọ trai và chương trình lễ Tưởng Niệm Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống bắt đầu qua phần giới thiệu của ban tổ chức. Lễ húy nhật lần thứ ba năm nay, thiếu vắng đi nhiều Chư Tôn Đức Tăng Ni và quan khách trong năm vừa qua như Hòa thượng Thích Huyền Giác, Hòa thượng Thích Minh Ẩn, Thượng tọa Thích Minh Nguyện, Sư Thích Bửu Tân, bác sĩ Trần Quốc Hưng, Thị trưởng Haltom City Trương Minh Ẩn…Nhưng có sự hiện diện của Thượng Tọa Thích Trí Tịnh, Phó Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Văn Phòng II Viện Hóa Đạo Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, bà Trần Thủy Tiên Hội trưởng Hội Cao Niên Người Việt Dallas và TS Trần Văn Thành tức nhà văn Trần Thu Miên, nguyên Giáo sư Đại học UTA, từng theo học Dòng Châu Sơn, một tín đồ Đạo Thiên Chúa Giáo…

Hòa Thượng Thích Huyền Việt và Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Chương trình Lễ Húy Nhật lần thứ ba của Đức Cố Đại Lão Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng chính thức bắt đầu lúc 11:00 giờ với nghi thứ chào cờ Mỹ-Việt-Phật Giáo Ca và phút Từ Bi Quán. Tiếp theo,  một tiết mục ngâm một bài thơ tù của tác giả là Đức Đệ Ngũ Tăng Thống sáng tác trong thời gian trong tù.

Trai tăng trước khi cử hành Lễ Húy Nhật Cố Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ

Kế tiếp chương trình là phần đọc tiểu sử Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ được Thượng Tọa Thích Trí Tịnh tuyên đọc cùng với phần phát lại cuộc phỏng vấn của nhà báo ngoại quốc về cuộc đời tranh đấu cho Đạo Pháp và Dân tộc của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Kết thúc phần một chương trình là thời kinh Tưởng Niệm và hướng nguyện về người quá cố.

Trong đạo từ của Hòa Thượng Thích Huyền Việt như nhắc lại một quá trình qua các đời Tăng Thống qua đến Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ và hiện tại Giáo Hội Phật Giáo đã có Đệ Lục Tăng Thống Thích Chí Viên. Chúng ta phải có cách nhìn vai trò lãnh đạo tôn giáo hoàn toàn khác với thế thường bên ngoài và thái độ chính trị của người tu hành. Bài đạo từ rất sâu sắc khi Hòa Thượng Thích Huyền Việt dựa vào câu Kinh Pháp Cú để chúng ta hiểu tại sao phải kế thừa di sản của các đời Tăng Thống đối với Đạo Pháp dân Tộc để lại “hận thù không thể dập tắt bởi hận thù chỉ có từ bi mới dập tắt được hận thù – Từ bi hay Tình thương mới dập tắt hận thù”. Đó là định luật thiên thu từ xưa có nghĩa là chuyện đó đúng trong quá khứ với hiện tại và cả về tương lai. Chúng ta sinh ra đời làm người Phật tử Việt Nam, Tăng, Ni và Thiện Nam Tín Nữ, đoàn sinh và gia đình Phật tử. Chúng ta đã nghe những câu trả lời với phóng viên ngoại quốc của Hòa Thượng Tăng Thống Thích Quảng Độ khi được hỏi có hận thù Cộng Sản không?  Ngài Tăng Thống đã trả lời không. Khi người phóng viên hỏi tiếp: “Như vậy tại sao ông lại đấu tranh?”. Và Ngài không ngập ngừng và trả lời ngay: “Vì tôi thấy dân tôi khổ, tôi phải tiếp tục đấu tranh!” Trong khi trả lời Ngài luôn có nụ cười không hề tỏ ra tức giận hay hận thù! Câu Kinh đó, hận thù không dập tắt hận thù đúng hoàn toàn. Nhưng chúng ta nhớ rằng trong Tứ Diệu Đế, Khổ lúc nào có mặt và Khổ lúc nào chấm dứt. Chúng ta biết Chánh Tư Duy và Chánh Kiến. Chánh Tư Duy là Suy Nghĩ Đúng! Chánh Kiến là quan niệm đánh giá đúng! Con người chúng ta sinh ra khác biệt vô cùng từ màu da, sắc tộc, có nhiều tôn giáo khác nhau. Chúng ta phải đứng thẳng để bày tỏ ý nguyện, niềm tin của chúng ta. Như đã nói trên chỉ có thể lấy tình thương dập tắt hận thù và không bao giờ lấy hận thù để dập tắt hận thù! Đó là tư tưởng của bậc giác ngộ.Ngài Thích Quảng Độ không hận thù. Đất nước của chúng tôi năm 1945 ở Miền Bắc và 1975 ở Miền Nam Chế Độ Cộng sản độc đảng toàn trị và quyền của người dân trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai là quyền của đất nước không thuộc về cá nhân, thuộc về đảng phái mà thuộc về toàn dân. Quyền được sống và quyền lựa chọn ước muốn của mình. Như vậy, đất nước Việt Nam bao lâu ở trong tay của lũ người hắc ám là Đảng Cộng Sản với hơn 4 triệu đảng viên lại tác yêu tác quái trên 100 triệu dân Việt Nam…

Nhân ngày Lễ Húy Nhật của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống chúng ta phải xét lại với chính mình từ Tăng Ni, Cư Sĩ, Huynh Trưởng xét lại mình có đồng hành với Giáo Hội để đi với sự lựa chọn khó khăn. Khi đất nước thanh bình chúng ta trở về thiền môn câu kinh niệm Phật. Chúng ta không xen vào chính quyền và chính quyền cũng không được xen vào tôn giáo của mình để tạo sự tự do bác ái lành mạnh để cùng thăng tiến. Hôm nay Lễ Đại Thường của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống chúng ta hãy chiêm nghiệm khẳng định, có thật lòng mà chúng ta phải hiểu cái thiện và cái ác, cái chánh tư duy, chính kiến – Chúng ta phải chọn cái giá trị đích thực của kiếp nhân sinh và đặc biệt của người Phật Tử. Chúng ta phải hiểu rằng nếu không làm gì hết là không làm chính trị. Hành động chúng ta đứng hay ngồi, đi bỏ phiếu hay không bỏ phiếu là một thái độ chính trị. Chúng ta không làm chính trị nhưng luôn luôn phải có ý thức và thái độ chính trị. Mình không thể ngồi yên khi họ làm vợ mình khổ, cha mẹ, con cái mình khổ; chúng ta có thể ngồi yên không? Câu hỏi đó đã tự có câu trả lời. Câu tục ngữ chúng ta thường nghe là chân cứng đá mềm và trong đạo Phật gọi là Tinh Tấn – kính chúc quý vị an lạc!

Qua phần cảm tưởng của Thượng Tọa Thích Trí Tịnh, Phó Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành cũng đã vắn tắt ca ngợi công tác tổ chức Đại lễ Húy Nhật của Tu Viện Long Thọ thiền Tông nói chúng và Thượng Tọa Trú trì Thích Chánh Quả nói riêng. Trong phần phát biểu đặc biệt không phải là Phật tử, nhà báo Thái Hóa Lộc. Ông giời thiệu vài người khách do ông mời đến là bà Trần Thủy Tiên Hội trưởng Cao Niên Người Việt Dallas, và Tiến sĩ Trần Văn Thành tức là nhà văn Trần Thu Miên, một người đã vào chùng viện Châu Sơn từ nhỏ nhưng vẫn còn “ Bơi Lội trong Dòng Tâm Linh”. Cá nhân chúng tôi lời phát biểu của mình phải hết sức tế nhị vì không phải là một Phật tử thuận thành. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống Cao Đài, một thời gian sống trong Chùa và khi lập gia đình trở thành Ky tô Hữu. Tôi tin là đời sống của tôi có duyên và nghiệp của Phật Giáo. Duyên tôi đến Tu Viện Thiền Tông vì tro bụi của người bạn thân đã vĩnh viễn nằm tại Long Thọ Thiền Tông, anh Cao Thành Tòng. Tôi đã biết Thượng Tọa Trú trì Thích Chánh Quả trong ngày lễ tang và tôi gắn liền với Long Thọ Thiền Tông bởi cơ duyên này.

Tôi hiểu niêm tin và Đức tin hoàn toàn khác nhau. Từ đó tôi cho rằng tôn giáo không có biên giới. Nói đến niềm tin thì chẳng có ai là xa lạ với nó, vì nó có nơi mọi người, trong mọi khía cạnh, mọi lãnh vực của cuộc sống con người. Niềm tin vào cuộc đời, vào con người với nhau, vào tổ chức, vào tương lai, nhất là niềm tin trong tâm linh, trong tín ngưỡng, tôn giáo. Ai cũng dễ hiểu rằng niềm tin là sự tin tưởng, hy vọng vào một chủ thuyết, một vấn đề tâm linh hay sự kiện, một lẽ sống, một đối tượng, trong hiện tại cũng như trong tương lai, để mong đạt được một mục đích cao đẹp nào đó. Bởi vậy ai không có niềm tin thì không còn sức sống và không còn muốn sống nữa. Niềm tin là một động cơ để sống và làm việc, để có lý do tồn tại và là điều kiện cốt yếu để có được hạnh phúc, ngay cả trong lúccon người gặp đau khổ nhất.

Niềm tin này nó được hình thành ngay từ trong căn tính của con người, nghĩa là được phú bẩm qua di truyền, rồi qua giáo dục, qua văn hóa, qua môi trường sống, và thăng trầm qua những biến cố của đời sống. Con người có được đời sống tinh thần phong phú chính là nhờ vào những niềm tin chân chính đã được phú bẩm, cũng như do văn hóa và giáo dục mang lại, chứ không phải ở những yếu tố bên ngoài. Như vậy người ta cũng có thể căn cứ vào những niềm tin chân chính để làm thước đo ý nghĩa và giá trị của đời sống con người cũng như hạnh phúc của họ.

Vì vậy niềm tin là một lẽ hết sức tự nhiên, hoặc gọi là đức tính hoàn toàn tự nhiên của con người, có khác nhau là do những yếu tố thuộc về văn hóa và giáo dục mà thôi. Vì là lẽ tự nhiên, nên niềm tin được tồn tại và phát triển tùy thuộc vào mỗi cá nhân, mổi gia đình và xã hội, hoặc qua tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng vì lẽ tự nhiên, nên niềm tin lệ thuộc vào sự nhận thức, nhất là lệ thuộc vào tình cảm, vào cảm xúc, vào trí tưởng tượng, vào những quan năng hoạt động của thần kinh (ngũ quan). Nhưng khi nói về Đức tin, người Kitô Hữu ai cũng được nghe, được bàn đến, hầu như nó bị sáo mòn và sơ cứng lúc nào không biết. Dù sao, không còn cách gì hơn là mỗi người muốn sống đạo vẫn phải tiếp xúc với từ ngữ này trong mọi tình cảnh của đời sống tâm linh, nhưng trong thực hành, con người gặp những vấn nạn không phải dễ dàng vượt qua. Cũng thực tế cho thấy, con người dễ dàng nhầm tưởng rằng minh đã hiểu, đã am tường về đức tin, nhưng khi đụng cham đến lại thấy nó mơ mơ hồ hồ như màn sương mù bao phủ cả bầu trời trước mắt. Đạo Công giáo cũng được gọi là đạo của đức tin, nghĩa là chủ yếu phải tin vào một chuỗi những điều mà lý trí con người không thể hiểu thấu, được gọi là những mầu nhiệm trong đạo. Tin mà không hiểu, không hiểu mà lại tin. Đó là một quá trình, một vòng xoáy khiến tâm trí con người không dễ dàng dung nạp. Từ mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi đến mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể và Cứu Chuộc, tiếp đến là một chuỗi những mầu nhiệm về Thiên Chúa, về Đức Mẹ, về Giáo hội, về bí tích, về ân sủng và tâm linh v.v… Với ba nhân đức đối thần, con người phải chạm trán với một nhân đức cơ bản tiên khởi là đức tin. Tin là khởi đầu, đồng thời mới có và sẽ có mọi sự. Trong Tin Mừng, mỗi lần Đức Giêsu chữa bệnh, Người đều nói: “Lòng tin của con đã chữa con”. Thời gian hiện tại, người Công Giáo đang bước bào tuần lễ thứ hai Mùa Chay.

Mọi vấn nạn cần được đào xới để tìm ra manh mối những trở ngại đang vướng mắc trong đời sống đức tin của con người. Sự vướng mắc này là do chính con người khi thực hành việc tâm linh đã đặt cơ sở của đức tin sai chỗ đứng, mặc dù vẫn hướng về đối tượng là Thiên Chúa. Điều này phát xuất do ý niệm về Thiên Chúa, gán những thuộc tính của con người cho một Thiên Chúa, dùng những cảm xúc, cảm giác, tình cảm, tâm tư, ước muốn của con người cho việc thờ phượng, việc cầu nguyện, việc thực hành tâm linh và việc sống đạo trong đời thường. Nhất là con người thường dùng những yếu tố thuộc về cảm giác và cảm xúc diễn ra trong tâm lý con người để hiểu, để đo lường, để đánh giá, dùng làm “kim chỉ nam” cho việc thực hành đức tin. Trong khi đức tin chân chính lại khác hẳn, như Giáo hội đã định nghĩa đó là một nhân đức “hoàn toàn siêu nhiên”, chứ không hoàn toàn tự nhiên như con người thường cảm nhận như vậy. Mấu chốt cần phải gỡ bỏ chính là ở chỗ này chứ không đâu khác.

Đức tin thuộc về siêu nhiên, nghĩa là lấy siêu nhiên làm gốc, làm cơ sở để căn cứ, chứ không phải dựa trên giác quan, mặc dù đức tin vẫn không loại trừ cảm xúc và cảm giác. Nhân đức siêu nhiên này được Thiên Chúa ban cho con người không điều kiện nếu con người khao khát, chứ không lệ thuộc vào tâm lý (giác quan) của con người, nó khác rõ ràng với niềm tin, là cái hoàn toàn lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên và diễn ra nơi tinh thần và tâm lý con người…

Cuối cùng là phần cảm tạ của Thượng Tọa Trú trì Tu Viện Long Thọ Thiền Tông về sự tín nhiệm của Văn phòng II Viện Hóa Đạo và đặc biệt là Hòa Thượng Chủ tịch Hội Đồng Điều hành Hòa Thượng Thích Huyền Việt cùng quý Chư Tôn Đức Tăng Ni và quan khách, Phật tử.

Lễ Húy Nhật lần thứ III của Đức Đệ Ngũ tăng Thống kết thúc lúc 2 giờ chiều Chủa Nhật, ngày 26 tháng 2 năm 2023.

Previous
Previous

Chuyện buồn của tổng hộ CTNCT và khu hội Nam Cali

Next
Next

Dư âm buổi tổ chức “Bát Phở Tình Thương” của nhóm thiện nguyện Hoàng Lan.