Giáo Xứ Thánh Phêrô Thánh Lễ Mồng Hai Tết

Dallas, TX.-Cứ vào dịp đầu năm, dù vui hay buồn như một truyền thống từ ngàn xưa, dù ở quê hương hay xứ người – Người Việt Nam nói riêng và người Á Đông có chung ngày Tết Âm Lịch khi gặp nhau đều chúc những điều vui vẻ và tốt lành! Một điều báo hiệu năm Con Rồng năm nay đối với cá nhân tôi trước mắt cả hai ngày Mồng Một và Mồng Hai Tết trời mưa suốt ngày và các ngày trước Tết và sau Tết đều đến nhà quàn tiễn đưa người quen thân ra đi…

Giáo xứ Thánh Phêrô năm nay cử hành Thánh Lễ đầu năm không đúng vào ngày Mồng Một Tết Thứ Bảy nhưng lại gôm chung Thánh Lễ Chủ Nhật và Thánh Lễ đầu năm Giáp Thìn thành một Thánh Lễ duy nhất để tất cả giáo dân về sum hợp đông đảo hơn.

Trước giờ cử hành Thánh Lễ Mồng Hai Tết tại Giáo xứ Thánh Phêrô

Mặc dù dưới cơn mưa lạnh không phải là Mưa Xuân như ở quê nhà, không có sự hiện diện của Đức Giám Mục địa phận như các năm trước, không có các linh mục đồng tế, không có Thầy phụ lễ. Một mình Cha Chánh xứ Giuse Phạm Quang Minh tất bật quên cả chuyện đội mũ ngược cũng như lời chúc cuối “tiền vào nhỏ giọt -tiền ra như nước” thay vì ngược lại…”.

Cha Chánh xứ đội khăn đóng ngược

Nhưng bài giảng của Cha Chánh xứ khi nói về “hạnh phúc đầu năm” thì đậm đà tình nghĩa và sâu sắc vô cùng. Cũng có thể hơn một năm “mất mẹ”, người con hiếu thảo nhớ đến người Mẹ hiền tần tảo nuôi đàn con khi người Cha không còn nữa…”tiền bạc không phải là Hạnh phúc duy nhất”- Câu chuyện người cùi trong bài Phúc hôm nay và câu chuyện “chiếc gáo dừa” trong câu chuyện ngụ ngôn năm trước: “Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già tay bị run, thường hay làm bể cái chén kiểu đắt tiền khi ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt mang về một chiếc gáo dừa rồi gọt dũa làm thành một cái chén gáo dừa cho bố anh ta dùng. Đứa con trai thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh ta trả lời con rằng: Để ông nội con dùng khỏi bị bể nếu ăn cơm có bị run tay làm rơi xuống đất.

Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này bố già dùng nếu bố có bị run tay giống như ông nội bây giờ!”. Điều này cũng ứng nghiệm với câu nói người xưa: “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”.

Nhưng xúc động nhất trong ngày Thánh Lễ đầu năm Mồng Hai Tết tại Giáo xứ Thánh Phêrô là sự hiện diện rất đông đảo, những khuôn mặt các vị cao niên xưa cũ như ông bà Tư ngồi sau lưng tôi, sự cố gắng của anh Việt sau thời gian bị bệnh hiểm nghèo đã được chị Quyên, vợ của anh đưa đến tham dự Thánh Lễ. Tất cả hình ảnh đó, nếu mọi người nhận ra và nhắc đến thì đúng là một Hạnh phúc của Giáo xứ Thánh Phêrô – Ngày Đoàn Tụ Gia Đình Giáo Xứ Thánh Phêrô, hoàn toàn khác với các giáo xứ khác.

Anh Việt và Chị Quyên - Áo xanh và áo vàng trong Thánh Đường

Một điều không thể không nhắc đến là sự đóng góp ba tiết mục văn nghệ của các em Trường Việt Ngữ Văn lang của Thầy Đức và Cô Dung. Các Thầy Cô Văn Lang ngoài việc dạy Việt Ngữ còn hướng các em về nguồn cội đất nước mà ông bà cha mẹ phải bỏ quê hương xứ sở ra đi…

Ba em của Trường Việt ngữ Văn Lang trình diễn trong dịp Tết Giáp Thìn tại Giáo xứ Thánh Phêrô.

Giáo xứ Thánh Phêrô là một giáo xứ được thành lập đầu tiên của người tỵ nạn khi đến định cư tại Dallas-Fort Worth. Ngày nay đối với các giáo xứ khác lại là một giáo xứ nghèo, ít giáo dân nhưng tình người thì không thiếu…

Kim Dinh  

Previous
Previous

Nhà thơ Lê Quang Sinh, Cựu Hội Trưởng Hội Cao Niên Dallas đã vĩnh viễn ra đi.

Next
Next

Thành phố Garland vinh danh Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas tà Tổ Chức VN United FC.