Giúp đỡ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa
“Vì đời mà đi” là tựa đề bài viết của nhà văn Tưởng Năng Tiến viết về Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà với những đau thương sau khi Miền Nam lọt vào tay Cộng sản phương Bắc. Tất cả những người Thương Phế Binh VNCH nay đã già. Người trẻ nhất mà theo ông biết rõ (vì cùng đơn vị) là Hạ Sĩ Nguyễn Văn X. Ông sinh năm năm 1956, nhập ngũ năm 1974 (bị thương cùng năm) vừa lìa trần tuần. Phần lớn những người lính đều trên tuổi đó và lắm kẻ (cho đến khi nhắm mắt) vẫn chưa bao giờ nhìn thấy một món quà nào – từ bất cứ ai – dù Đại Nhạc Hội Cảm Ơn Anh Thương Phế Binh đã được tổ chức (rất thành công) khá nhiều lần, từ mấy thập niên qua!
Những chiến hữu nhìn hình ảnh đồng đội của mình đang ngồi trên xe lăn, hay nằm thoi thóp trong một gian nhà tồi tàn nào đó – lắm lúc –chúng ta không khỏi băn khoăn tự hỏi: “Liệu có còn ai nhớ đến những kẻ đã từng vì đời mà đi không vậy?
Tuổi già hạt lệ như sương mà lần nào nghe lại bài hát cũ không khỏi ứa nước mắt. Bạn đi luôn thì tất nhiên là buồn lắm nhưng nếu trở lại trên đôi nạng gỗ thì còn buồn hơn nữa:
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân … (Linh Phương & Phạm Duy – “Kỷ Vật Cho Em”)
Đôi khi, còn cảm thấy cay đắng hơn nữa:
Mây mù che núi cao
Rừng sương che lối vào
Đồng ruộng mông mênh nước
Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù
Áo nhà binh thương lính, lính thương quê
Vì đời mà đi… (Trúc Phương – “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật”).
Thật sự những điều nhà văn Tưởng Năng Tiến nói không sai là “lắm kẻ cho đến khi nhắm mắt vẫn chưa bao giờ nhìn thấy một món quà nào – từ bất cứ ai”. Nhưng ngược lại có Thương Phế Binh biết cách kêu gọi lòng thương xót lại nhận rất nhiều quà. Ví dụ điển hình là Thương Phế Binh Chuẩn Úy Nguyễn Đình Thịnh. Cá nhân chúng tôi vừa mới gửi quà về ông qua trương mục của người còn. Ngay khi đọc báo, một ân nhân trước đây sinh sống tại Dallas đã nhờ chúng tôi chuyển thêm $100USD với yêu cầu được ẩn danh. Chúng tôi cũng thấy tên chiến hữu Thương Phế Binh Nguyễn Đình Thịnh xuất hiện ở Báo Trẻ như nhà văn Tưởng Năng Tiến đã nhắc đến nhưng còn xuất hiện ở Hội Truyền Thông Bắc Cali của Không Quân Lê Văn Hải…
Thương phế binh Nguyễn Đình Thịnh
Ngoài ra sau khi số báo 1609 của Người Việt Dallas phát hành ngày 29 tháng 11 năm 2024 chiến hữu Hội trưởng Nha Kỹ Thuật Dallas-Fort Worth Nguyễn Đức Lâm phản hồi cho biết Hội Nha Kỹ Thuật DFW đã gửi về hai lần ít nhất trên $3,000.00USD và mới tuần trước chiến hữu NKT Bình Mai cũng đã gửi về cho chiến hữu Thương Phế Binh Nha Kỷ Thuật Nguyễn Đình Thịnh $100.00USD.
Hội trưởng Nha Kỹ Thuật Nguyễn Đức Lâm DFW
Ngày Đại Hội Nha Kỹ Thuật
Vấn đề được đặt ra như nhà văn Tưởng Năng Tiến chia sẻ có những Thương Phế Binh cho đến khi nhắm mắt vẫn chưa nhận bất cứ “một món quà nào”. Còn trường hợp Thương Phế Binh Nguyễn Đình Thịnh thì ngược lại. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc các mạnh thường quân, những tổ chức bảo trợ Thương Phế Binh cần phối hợp với các binh chủng, các đơn vị để gửi quà đúng người, tránh tình trạng người nhận nhiều quà và người đến khi nhắm mắt vẫn chưa nhìn thấy món quà nào từ các chiến hữu của mình.
Thân phận người Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà cần phải được tôn trọng không thể là đề tài phiến diện cho người khác xem thường đặc biệt đối với người Cộng sản như một người có học là giáo sư Mạc Văn Trang, một nhà bình luận xã hội nổi tiếng và cựu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã khiến nhiều người phẫn nộ sau bài đăng trên Facebook cá nhân ngày 2-12. Trong bài viết, ông Trang kể lại câu chuyện gặp một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại trung tâm Sài Gòn, nhưng cách diễn đạt của ông, đặc biệt cụm từ “ăn mày dĩ vãng,” đã bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ.
Ông Mạc Vân Trang và vợ
Trong bài viết, ông Trang kể rằng ông đã gặp một người đàn ông lớn tuổi, mặc áo rằn ri, chống nạng và tự giới thiệu là thương phế binh VNCH. Ông Trang đáp lại người đàn ông bằng câu nói nửa đùa nửa thật: “Tôi Việt Cộng!” Ông miêu tả hình ảnh người đàn ông ấy khiến ông và vợ ám ảnh, nhưng lại nhận xét rằng người thương phế binh này “vẫn tâm lý ‘ăn mày dĩ vãng’.”
Bài viết này nhanh chóng thu hút sự chú ý và vấp phải làn sóng chỉ trích từ nhiều người đọc.
Nhiều người cho rằng cách dùng từ của ông Trang đã xúc phạm đến nỗi đau của những người lính VNCH, những người đã hy sinh hoặc chịu mất mát lớn trong chiến tranh. Một số ý kiến chỉ ra rằng việc tự xưng là thương phế binh VNCH không phải là “ăn mày dĩ vãng,” mà là cách để người đàn ông ấy thể hiện sự tự trọng, thành thật về thân phận của mình.
Dĩ vãng của ông Mạc Vân Trang hoàn toàn khác hẳn với người Thương Phế Binh VNCH mà ông đã gặp. Nhà thơ Nguyễn Duy Ân, cựu tù nhân chính trị Việt Nam đã có bài thơ cảm tác:
Ai ăn mày?
Khen thay cái Bác Mạc Văn Trang
Cứ tưởng hay tài! Tưởng vẻ vang?
Hạ bút đề cao bên thắng cuộc!
Vênh mày bỉ thử phía thua hàng!
Xin ăn góc phố vài thương phế!
Hành khất năm châu một Đảng sang!
Giữ nước trung kiên đành thất thế!
Nên phường "mãi quốc” mới huênh hoang!!!
Ndân
Thời gian không còn nhiều đối với các Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà. Chúng ta phải ghi ơn và trả lại sự công bằng và danh dự cho họ đặc biệt là những người từng là chiến hữu, cùng đơn vị, binh chủng với mình…
Thái Hóa Lộc