Hội Đồng Hương Bình Định DFW tổ chức kỷ niệm chiến thắng Đống Đa lần thứ 235 và Mừng Xuân Giáp Thìn 2024

Garland. TX.- Sự ra đi vào dịp cuối năm một cách bất ngờ của Hội trưởng Hồ Văn Toại và Phu nhân cố vấn Nguyễn Ngọc Thủy không những tang gia bối rối mà cả ban Chấp Hành như rắn mất đầu cũng bối rối không kém. Một mặt dưới “hình thức chạy tang” họp bầu tín nhiệm người kế nhiệm tạm thời chuần bị cho ngày tổ chức Đại lễ Đống Đa mỗi năm đã được cố Hội trưởng Hồ Văn Toại thông báo trước ngày quá vãng…

Đại Lễ Kỷ Niệm Chiến Thắng Đống Đa lần 235 của Hội Đồng Hương Bình Định được tổ chức vào lúc 4 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 17 tháng 02 năm 2024 (nhằm ngày Mồng Tám Tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Trung tâm Sinh hoạt Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas được nhiều quan khách và đồng hương Bình Định tham dự đông đảo mặc dù trong những ngày thời tiết vẫn còn lạnh của Hoa Kỳ.

Lực lượng Bình Định

Ngay từ buổi tối hôm trước ngày tổ chức Cô Hội Trưởng Võ Thu Hương cùng một số anh chị em trẻ trong hội đã đến chuẩn bị trang trí bàn thờ và bàn ghế nên mọi việc đã ổn định. Một số quan khách và đồng hương đã đến rất sớm trong khi các anh chị em trong ban tổ chức tập dượt lễ tế. Đúng 4 giờ theo chương trình chính thức khai mạc. Nghi thức rước di ảnh Đại đế Quang Trung đặt trên bàn thờ trước khi chào Quốc kỳ và cảnh phút mặc niệm.

Toán rước di ảnh

Khác với các tổ chức khác, trong phần nghi thức chào Quốc Kỳ Ban tổ chức luôn cử hành Quốc Ca Việt Nam Cộng Hoà trước Quốc ca Hoa Kỳ, tiếp theo là phút mặc niệm và tưởng niệm về sự ra đi vị Hội trưởng và phu nhân cố vấn hội trong ngày cận Tết thật cảm động…

Tân Hội trưởng cũng là Trưởng ban tổ chức Võ Thu Hương mở đầu lời chào mừng quan khách đồng hương: “Kính thưa quí quan khách quý Cộng đồng, quý hội đoàn, đoàn thể quý kính thưa quý cơ quan truyền thông báo chí.

Kính thưa quý đồng hương và thân hữu,

Thật vinh hạnh cho chúng tôi được đón tiếp quý vị trong buổi lễ kỷ niệm chiến thắng Đống Đa và tưởng niệm Đại đế Quang Trung lần thứ 235 năm, 

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của quý vị về lịch sử oai hùng của tổ tiên chúng ta và vận mệnh của đất nước dân tộc Việt Nam trong suốt gần nữa thế kỳ qua, sự hiện diện của quý vị là một niềm khích lệ lớn lao đối với chúng tôi và toàn thể hội viên của hội ái hữu Bình Định vùng Dallas FW…

Kính chúc quý vị có một năm mới thật là an khang thịnh vượng, tràn đầy niềm vui và dồi dào sức khỏe.

Thưa quý vị chúng ta đã trải qua gần nửa thế kỷ, 49 năm rồi xa quê hương kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 -  49 mùa xuân trôi qua biết bao nhiêu cảm xúc vui buồn của những người Việt tha hương trong những ngày đầu xuân nhớ về quê hương đất nước, trong đó có quê hương Bình Định của chúng tôi - Hằng năm vào mùng 5 Tết Nguyên Đán,  tất cả cư dân Việt Nam khắp nơi đều hướng lòng về đất võ Tây Sơn Bình Định để cùng nhớ về chiến thắng Đống đa oai hùng và tưởng niệm người anh hùng áo vải cờ đào Tây Sơn Nguyễn Huệ. - Mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789 với sự chỉ huy kiệt xuất của Đại đế Quang Trung, đoàn quân thiện chiến của Tây Sơn đã mở cuộc hành quân thần tốc ra kinh thành Thăng Long để tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh bảo vệ nền độc lập cho đất nước Đại Việt.

Chiến thắng oai hùng của vua Quang Trung người anh hùng áo vải cờ đào mãi mãi là một niềm tự hào của mọi người con dân Việt Nam của chúng ta. Noi gương Hoàng đế Quang Trung, chúng ta dù xa quê hương nhưng luôn giữ vững lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và luôn có tư tưởng đấu tranh chống giặc phương Bắc luôn lăm le xâm lược nước ta.

Ngày hôm nay nhân ngày tưởng niệm  Quang Trung Đại Đế, cầu xin  vua Quang Trung và các đấng anh hùng của dân tộc VN   phù hộ cho non sông đất nước Việt Nam của chúng ta luôn được trường tồn và đời sống người dân Việt Nam sẽ hạnh phúc hơn, độc lập tự do hơn.

Nhân dịp đây, chúng tôi là Hội trưởng hội ái Hữu Bình Định Dallas FW,  xin cảm ơn các cô, chú, anh, chị trong Ban tổ chức, các thành viên của hội Bình Định đã giúp một tay, cùng tổ chức buổi lễ thật chu đáo cho ngày Đại Lễ hôm nay.

Xin Cảm ơn quý mạnh Thường Quân đã yểm trợ cho hội Bình Định,  đặc biệt cảm ơn cô Cindy Ngọc Anh công ty New York Backery and restaurant và ông Trần Quang Hồng  đã bảo trợ 1000 đồng cho Hội BĐ - Cảm ơn bác sĩ Đàng Thiện Hưng, mặc dù không đến dự được nhưng cũng đã bảo trợ 1000 đô la cho hội BĐ Xin cảm ơn quý cộng đồng, quý hội đoàn , cảm ơn các cá nhân các thân hữu, và đồng hương đã yểm trợ cho hội ái hữu Bình Định trong mỗi dịp đại lễ kỷ niệm. Chúng tôi  sẽ vinh danh từng cá nhân khi có phần danh sách cập.

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của tất cả quý vị có mặt trong buổi Đại lễ kỷ niệm 235 năm ngày đại đế Quang Trung chiến thắng Đống đa và tiệc Mừng Xuân của Hội ái hữu Bình Định DFW. Kính chúc quý vị có một buổi lễ thật ý nghĩa, thật vui vẻ trong tình đồng hương trong mùa Xuân mới Giáp Thìn...”

Hội trưởng Thu Hương vinh danh Võ Ngọc Anh

Trần Quang Hồng và Ngọc Anh Hội Bình Định

Ban tổ chức và Hội Đồng hương Bình Định Dallas-Fort Worth thật hân hạnh được đón tiếp quý khách và đồng hương chiến thắng Đống Đa Đại Đế Quang Trung chiến thắng lần thứ 235 và đồng thời là Xuân Giáp Thìn của Hội Ái Hữu Đồng Hương Bình Định. Thành thật cảm ơn sự quan tâm của quý vị về lịch sử oai hùng của tổ tiên chúng ta vận mệnh đất nước của chúng ta. Sự hiện diện của quý vị là một niềm khích lệ lớn lao cho chúng tôi và cho từng thành viên của Hội Ái hữu Đồng hương Bình Định Dallas-Fort Worth. Xin kính chúc quý vị một năm mới, năm Giáp Thìn thật là nhiều sức khỏe, gia đình an khang thịnh vượng…”

Tiếp theo phần diễn đọc tiểu sử là phần nhàm chán nhưng không thể thiếu mà ban tổ chức giao trách nhiệm cho cá nhân tôi ít nhất là hai năm trở lại đây.

“Mỗi năm cứ mỗi lần tổ chức Kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, chúng ta thường nhắc lại đến tiểu sử Đại đế Quang Trung và giai đoạn lịch sử trong thời gian này. Theo thiển ý cá nhân sự lập đi lập lại mỗi năm đối với quý vị cao niên trở nên nhàm chán nhưng với tuổi trẻ thì rất cần thiết; Vì đó là lịch sử mà người không hiểu lịch sử thì không thể yêu thương đất nước được. Do đó, ban tổ chức không thể làm khác hơn được. Xin quý vị thông cảm…

Kính thưa Quý vị,

Hoàng đế Quang Trung là nhân vật vĩ đại trong lịch sử dân tộc cuối thế kỷ thứ 18, nhưng ông không thể biến những ước vọng cá nhân thành hiện thực; bởi lịch sử chỉ sản sinh một "Quang Trung đại đế", mà không thể tạo nên "thời đại Quang Trung" đúng nghĩa. Tuổi học trò vào năm 1969, khi nhà văn Duyên Anh cho ra đời cuốn sách “Mơ thành người Quang Trung” cho thấy bất cứ thời đại nào nhất là tuổi trẻ Việt Nam đều mơ mình sẽ trở thành người hùng Quang Trung! Triều đại Quang Trung đã lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử giữ nước của dân tộc, đập tan ý đồ xâm lược của vua Xiêm và nhà Mãn Thanh, bảo vệ vẹn toàn nền độc lập của đất nước cuối thế kỷ thứ 18. Đặc biệt, Vua Quang Trung thống nhất đất nước, lấp bằng "hận sông Gianh" đã chia cắt hai miền ngót hai thế kỷ giữa họ Trịnh – Nguyễn.

Những thành tựu tốt đẹp trong cả đối nội và đối ngoại, cộng với chính sách cải cách tiến bộ dưới triều Quang Trung, hứa hẹn sự phát triển thuận lợi cho đất nước. Thế nhưng, cái chết đột ngột của vua Quang Trung năm 1792 đã đẩy nhà Tây Sơn vào sự suy yếu nghiêm trọng, để rồi chấm dứt luôn sự nghiệp của triều đại vào 10 năm sau đó. Nhà Tây Sơn sụp đổ là một nỗi đau của lịch sử dân tộc, rất khó biện giải. Nhưng những điều xảy ra trong lịch sử vốn dĩ đều có căn nguyên; vì vậy, sự sụp đổ của nhà Tây Sơn cũng bắt nguồn từ những lý do của lịch sử, hay nói khác đi là những định mệnh lịch sử.

Nếu chúng ta so sánh từ cổ chí kim – Những danh tướng được nhắc đến của lịch sử thế giới ở Pháp có Nã Phá Luân và ở Mỹ có Washington thì người anh hùng Nguyễn Huệ vượt trội. Ông là một vị tướng chưa bao giờ thua từ trận nhỏ đến trận lớn. Trận chiến thắng Đống Đa vua Quang Trung đánh tan hơn 20 vạn quân xâm lăng là trận đánh đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử mà hôm nay đúng 235 năm tính đến Tết Giáp Thìn năm 2024.

Đống Đa là chiến thắng quân sự tiêu biểu, thể hiện tài năng cầm quân của hoàng đế Quang Trung nhà Tây Sơn. Quân Thanh có quân số đông hơn 2-3 lần, có cả ưu thế về địa hình lại cộng thêm cả quân Lê Chiêu Thống hỗ trợ. Nhưng bất chấp những khó khăn đó, vua Quang Trung đã hành quân thần tốc và đánh tan lực lượng quân Thanh và Lê Chiêu Thống, chiếm lại được kinh đô Thăng Long chỉ trong vòng 5 ngày. Chiến thắng này đã giữ vững sự tồn tại của nước Đại Việt trước họa xâm lược, chấm dứt kế hoạch xâm chiếm của nhà Thanh.

Lịch sử đất nước chúng ta cũng có điều bất ngờ ngay trong giai đoạn lịch sử chuyển tiếp từ  Đại đế Quang Trung đến Gia Long. Một sự khám phá lịch sử có thể trong quý vị ở đây chưa biết đó là Vua Quang Trung và Vua Gia Long là hai kẻ thù không đội trời chung lại xui khiến “cột chèo với nhau”- Công chúa triều Lê, hoàng hậu nhà Tây Sơn đã trở thành phi tần của Gia Long nhà Nguyễn .Trong số 21 người vợ của vua Gia Long, Lê Ngọc Bình được xếp thứ 3 sau Thừa Thiên cao Hoàng hậu (Tống Thị Lan, mẹ đẻ Hoàng tử Cảnh) và Thuận Thiên cao Hoàng hậu (Trần Thị Đang, mẹ đẻ Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng), như vậy đủ thấy Gia Long rất yêu quý bà. Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc xuất bản (Nxb Thuận Hóa - Huế, 1995) cho biết: Năm Nhâm Tuất (1802) bà vào hầu Thế Tổ (tức Gia Long) và được phong là Tả Cung tần. Bà sinh với vua Gia Long hai hoàng tử là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân, Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự; 2 công chúa là Nguyễn Phúc Ngọc Khuê và Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn. Bà mất năm Canh Ngọ, tức mới 26 tuổi (ta), được tặng Đức Phi và ban tên thụy là Cung Thận.

 Do đó, thời bấy giờ có câu ca dao:“Số đâu có số lạ lùng/ Con vua lại lấy hai chồng làm vua”, đó là những câu ca của dân gian truyền tụng về số phận kỳ lạ của một nàng công chúa nhà Lê nhưng cuối cùng lại trở thành hoàng hậu của nhà Tây Sơn và phi tần của nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn (Tây Sơn) và nhà Nguyễn (Gia Miêu) là hai triều đại đối nghịch nhau kịch liệt trong lịch sử. Thế nhưng qua chuyện tình đầy éo le ấy, Gia Long và Nguyễn Huệ lại là anh em cọc chèo, quả là một sự sắp đặt trớ trêu của lịch sử…

Nói tóm lại, những đóng góp của triều Tây Sơn đối với dân tộc vô cùng lớn lao, không ai có thể phủ nhận. Nhưng vì sự thiếu đoàn kết và lãnh đạo chỉ hùng mạnh trong 4 năm trị vì của Đại đế Quang Trung và kéo dài thêm đến 10 năm thì kết thúc.

Đoàn kết là ý thức quan trọng bất cứ một tổ chức nào từ nhỏ đến lớn.  Vì thế, dẫu kết thúc vai trò trong sự bi thảm bởi những định mệnh oan khiên của lịch sử, thì tên tuổi của Hoàng đế Quang Trung và nhà Tây Sơn vẫn sáng mãi trong trường thiên lịch sử của dân tộc Việt Nam…”,

Và để phụ họa phần nhắc lại lịch sử, một bản hợp ca” Vua Quang Trung Đại phá Quân Thanh được trình bày bởi Ban Hợp ca Bình Định trước khi phần tế lễ cổ truyền có nội dung như sau:

Thương ôi!
Tây Sơn non cảnh trời xanh thẳm
Sông Côn nước biếc người mong đợi 
Bóng dáng Anh Hùng thân áo vải
Cờ điều chính nghĩa cứu non sông…..

Hôm nay Mùng 8 thánh Giêng năm Giáp Thìn. Tại Thành Phố Garland tiểu bang Texas Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. 

Chúng con là những người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản. Kính cẩn nghiêng mình trước Linh Đài Đại Đế 

Làm Lễ Tưởng Niệm chiến thắng Đống Đa lần thứ 235 năm lịch sử. …

Nhớ Linh xưa,
Áo vải xuất thân, khởi binh dẹp giặc;
Nam trừ quân Xiêm, Bắc diệt giặc Thanh xâm lược.
Đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh cứu  nguy xã tắc…..

Mỗi đợt tiến quân kẻ thù tan tác
Trống Ngọc Hồi thay tiếng pháo mừng Xuân. 
Tướng sĩ một lòng 
Trên dưới quyết tâm
Như vũ bão san bằng thành Khương Thượng…..

Sầm Nghi Đống cùng đường tự vẫn
Hứa Thế Hanh bỏ mình trong đám loạn quân
Dòng Nhị Hà nghẽn xác lũ giặc Thanh
Tôn Sĩ Nghị vắt chân lên đầu trốn chạy
Gò Đống Đa xác thù rơi chật bãi
Cờ Quang Trung phấp phới khắp Thăng Long…..

Triệu, triệu tấm lòng mở hội hoa đăng
Mừng chiến thắng, tổ quốc qua cơn tai ách!….

Trang sử mới của giống nòi Hồng Lạc
Viết vinh danh chiến tích Bắc Bình Vương. 

Ngàn đời hậu thế ghi ơn… 

Nhưng hôm nay,
Cả non sông đang dậy sóng căm hờn!
Giặc Hồ Cộng rước Hán quân cũng từ  phương Bắc
Tiếp tay giặc xâm lăng nước nhà từng  bước….

Tội ác này Chiêu Thống xét thua xa
Bản Giốc, Nam Quan, Hoàng Sa-Trường Sa Giang sơn tổ quốc
Chúng biến thành thuộc địa Hán gian!
Nước mất, muôn dân rên xiết bỡi lũ thái thú tham tàn….

Toàn dân Việt vô cùng phẫn uất,
Quyết noi theo tinh thần Đại Đế Quang Trung
Diệt Cộng tham tàn, cứu nguy dân tộc….

Chúng con là con dân nước Việt lưu vong. 

Kính cẩn nghiêng mình trước Linh Đài Đại Đế…..

Kính xin Ngài hãy 
Phù trợ chúng con theo chí tiền nhân
Lập lại chiến thắng Đống Đa giữa Thăng Long ngày trước. 
Giải cứu giống nòi thoát khỏi cảnh lầm  than. 

Xây dựng lại Việt Nam thắm tình Xuân Dân tộc 
Xin Đức Đại Đế Quang Trung độ trì, chứng giám! 

Cung Duy. Thượng Hưởng!

Tiếp theo quan khách, ban tổ chức, đồng hương lần lượt niệm hương trước linh đài Đức Quang Trung Đại đế.

Sau phần niệm hương là tiễn đưa di ảnh về nơi thờ tự…

Phần cuối của chương trình tổ chức là bài phát biểu về triều đại Quang Trung của Tiến sĩ Phan Quang Trọng Chủ tịch Hội Đồng Đại Diện Tổ Chức Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ. Nguyên văn bài phát biểu như sau:

Trong lời chia sẻ mở đầu của nhà báo Thái Hóa Lộc về vua Quang Trung, ông đã nhắc đến tựa sách “Mơ Thành Người Quang Trung” của nhà văn Duyên Anh. Đó không chỉ là giấc mơ của tuổi trẻ mà cũng là giấc mơ của các nhà nghiên cứu lịch sử khi ôn lại thời đại của vua Quang Trung, một thời đại huy hoàng của lịch sử Việt. Nếu vua Quang Trung không mất sớm ở tuổi 40, có lẽ nước Việt chúng ta không mất vào tay thực dân Pháp và không phải mang họa cộng sản như ngày nay. Nước ta còn có thể hơn cả Nam Hàn, Nhật Bản và Singapore bây giờ. Tiếc thay vận nước chúng ta không có được cơ may đó.

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một bậc anh hùng, dũng mãnh, giữa lúc nước nhà loạn ly đã xông pha trận mạt. Năm lần vào Nam, ba lần ra Bắc, đều ẩn hiện xuất quỷ nhập thần. Tiêu diệt hai thế lực mạnh nhất lúc đó tại VN là Chúa Trịnh và Nhà Nguyễn, đánh đuổi giặc ngoại xâm Xiêm La và nhà Mãn Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Hoa. Trên chiến trường, Vua Quang Trung bách chiến bách thắng, Từ khi bắt đầu làm tướng lúc 18 tuổi đến khi ngày mất vừa tròn 40 tuổi chưa hề biết chiến bại là gì. Chiến thắng quân sự, giúp ngài thống nhất đất nước. Trong hòa bình, ngài đã đưa ra những cải tổ thiết thực và đi trước thời đại.

Chính sách cầu hiền của vua Quang Trung được sự hưởng ứng của nhiều sĩ phu yêu nước có tư tưởng tích cực trong xã hội đương thời. Dựng nước bằng võ công, giữ nước bằng văn trị, chỉ trong 4 năm trị vì (1788-1792), vua Quang Trung đã có một loạt chính sách tuyển chọn nhân tài, ban bố 4 chiếu quan trọng: Chiếu cầu hiền, Chiếu Chiêu Dụ các quan văn võ triều LÊ, Chiếu lập học bắt đầu từ cấp xã trở lên, Và Chiếu cải tổ và mở các khoa thi để kén chọn hiền tài. Cả 4 chiếu đều hướng đến việc lựa chọn người  làm nền tảng của triều Tây Sơn thời bấy giờ.

Một trong những thay đổi quan trọng về văn hóa là việc dùng Chữ Nôm thay Chữ Hán. Các triều đại trước đều dùng chữ Hán trong các văn bản chính thức. Đến thời Vua Quang Trung, chữ Nôm mới trở thành chữ viết của quốc gia. Một tinh thần độc lập từ phương Bắc rất khai phóng và triệt để. Tất cả chiếu chỉ mệnh lệnh, cho đến cả văn tế... cũng đều dùng chữ Nôm. Nhà vua lập Sùng Chính Viện (Viện Hàn Lâm hay Đại Học), thỉnh La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Trong 4 năm đã dịch nhiều sách vở giá trị như Tứ Thư, Tiểu Học, và đang bắt đầu dịch các bộ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch thi vua mất. Các nho sĩ Bắc Hà nhiều kẻ sĩ có thực tài đã được Nguyễn Huệ trọng dụng. Trong đó, Ngô Thì Nhậm, là một trong những quân sư quan trọng. Chính Ngô Thì Nhậm đã dùng kế rút quân về Tam Điệp làm bàn đạp đưa đến Chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu -1789.

Thành quả quân sự, chiến thắng ngoại xâm, thống nhất đất nước, và Công đức của vua Quang Trung trong 4 nam cầm quyền ngắn ngủi nhưng để lại nhiều kỳ tích đã được nhà báo Thái Hóa Lộc nhắc lại. Chúng tôi xin ôn lại một chút về chính sách ngoại giao của nhà Tây Sơn, là một trong những bài học ngoại giá trị cho hiện tại:

Sau khi Quang Trung đại phá quân Thanh, vua Càn Long nhà Thanh đã ra lệnh động binh chín tỉnh, trù tính xâm lược VN để báo thù, nhưng Nhà Thanh không thể không e ngại sức mạnh của nhà Tây Sơn. Theo "Bang Giao Hảo Thọai" của Ngô Thời Nhậm, Vua Quang Trung biết được tâm lý đó và để dập tắt ngọn lửa binh đao, Vua Quang Trung bắn tiếng khẳng định với Nhà Thanh việc ngài đại phá quân Thanh là không có gì đắc tội với "thiên triều" .

Mục tiêu ngoại giao của Tây Sơn là buộc nhà Thanh để không chỉ nuốt nhục công nhận nhà Tây Sơn về mặt ngoại giao mà còn phong vương cho vua Quang Trung, và đặc biệt huỷ bỏ lệ "cống người vàng" do "thiên triều" áp đặt (bắt đầu từ thế kỷ XV) mỗi khi thay đổi triều đại. Càn Long, vị vua kiêu dũng của nhà Thanh, không những phải quyết định đình chỉ việc động binh trả thù, tiếp nhận sứ thần của Việt Nam còn buộc phải ra lệnh bãi bỏ lệ cống người vàng.
Đọc lại "Bang Giao Hảo Thoại" do Ngô Thì Nhậm viết chúng ta thấy tư tưởng tiến công trong ngoại giao rấtt dũng cảm vì nhò có một quân đội mạnh và chính sách ngoại giao mềm mỏng, nhưng cương quyết:
-Chủ động ngoại giao trước đối phương: Mục đích giảng hoà, ngăn chặn ngọn lửa binh đao. Ngô Thì Nhậm viết Binh đao là điều trái với đức hiếu sinh của thượng đế, chắc thánh tâm cũng không nỡ thế. Nhưng "vạn nhất việc binh cứ kéo dài mãi không thôi, thì làm gì còn nước nhỏ mà thờ nước lớn nữa".
- Dùng chính nghĩa và sức mạnh quân sự để chinh phục đối phương: "Nay quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông, binh lính quý ở chỗ tinh nhuệ không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng ở chỗ vô cùng mềm dẻo, chứ không phải ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít". Mục đích của kế sách này là bãi bỏ chiến tranh và đòi hỏi nhà Thanh phong vương (một công nhận về ngoại giao) cho vua Quang Trung.
- Chiến lược ngoại giao táo bạo và sáng tạo: Sau khi Nguyễn Huệ được phong vương, Ngô Thì Nhậm còn chủ trương đưa vua "Quang Trung giả" sang Yên Kinh triều cận vua Càn Long, một chuyến đi mà "dọc đường người Thanh phải phục dịch chuyển vận rất khó nhọc. Trong ngoài ai cũng biết là giả dối, mà không ai dám nói". Theo lời Phan Huy Ích, một thành viên trong phái đoàn đi sứ đầu năm 1790 kể lại, thì "từ trước đến giờ, người mình đi sứ Trung Quốc chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như thế". Đây là một đường lối ngoại giao sáng tạo, vừa xoa di5i được nỗi quốc nhục Nhà Thành, vừa thực hiện được mục đích..
Vua Càn Long nhà Thanh sau khi đọc tờ biểu do Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm thảo, đã tỏ ra rất kính nể, có lời đồn vua Càn Long còn chấp nhận lời cầu hôn và thuận gả con gái cho vua Quang Trung và nhiều tài liệu còn cho là Vua Càn Long dự định lấy tỉnh Quảng Tây làm của hồi môn. Văn tự do vua Thanh viết ra tỏ ý trọng thị nước ta, không phải một lần mà là đến mấy lần. Thật là điều kỳ diệu trong lịch sử ngoại giao với các vương triều Trung Hoa của nước ta. Theo "Cao Tông Thực Lục" của Nhà Thanh quyển 1342, trg 1196-1197, Càn Long viết: "Nay viên Quốc vương đã được phong tước là thần tử của Thiên triều, khác với bọn bồi thần. Năm sau đến kinh đô Chiêm cận, các Tổng đốc, Tuần phủ gặp gỡ nên theo lễ tân chủ đãi nhau. Các nghi thức tiếp kiến nay giao cho Đại học sĩ cùng bộ Lễ bàn bạc kỹ, tâu lên rồi ban cho nước này tuân hành, lại thưởng bài thơ luật để tỏ lòng trẫm ngoại lệ ưu đãi nước văn hiến".

Thành tựu của triều Tây Sơn là đã thống nhất được đất nước sau nhiều thế kỷ bị chia cắt thành hai khu vực Đàng Trong, Đàng Ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên sự thống nhất được thực hiện trên phạm vi rộng lớn tương đương với nước Việt Nam ngày nay và cũng là lần đầu tiên toàn bộ VN thuộc về quyền kiểm soát của nước Việt Nam. Xưa nay chúng ta đã rõ về thiên tài quân sự của Quang Trung - Nguyễn Huệ, nay chúng ta biết thêm về tài ngoại giao của ông, với thành phần ngoại giao hùng hậu, tài giỏi: Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tuấn, Nguyễn Nễ, Ngô Văn Sở, Vũ Văn Dũng... Ngoại giao thời Tây Sơn đã buộc nhà Đại Thanh phải thừa nhận Quốc vương An Nam, phải thừa nhận nước Nam là nước Văn Hiến ngang hàng với Trung Hoa và chấm dứt vĩnh viễn họa xâm lăng của triều đình Mãn Thanh với Việt Nam.

Tiếc thay vua Quang Trung mất quá sớm chưa kịp thực hiện những thay đổi quan trọng để giữ vững triều đại non trẻ. Nay chúng tôi hậu sinh xin nhắc lại đề nhớ đến công đức của  Vua Quang Trung, như tiếng khóc của Ngọc Hân Công Chúa trong “Ai Tư Vãn” về ngài trong tinh thần cảm khái, biết ơn và hối tiếc. Vua Quang Trung băng hà, để lại một sự nghiệp hiển hách với bao hoài bão to lớn chưa kịp thực hiện.”.

Nhân dịp này, ban tổ chức giới thiệu tân Ban Chấp Hành, Ban Cố Vấn Hội Đồng Hương Bình Định Dallas-Fort Worth và Vùng Phụ Cận như sau:

-Hội trưởng: Cô Võ Thu Hương

-Phó Nội Vụ: Ông Thái Hóa Tố

-Phó Ngoại Vụ: Cô Thái Thủy

-Tổng Thư Ký: Ông Châu Văn Đẳng

-Thủ Quỷ: Cô Nguyễn Thục Vy

-Ban Báo Chí & Xã Hội: Ông Thái Hóa Lộc

-Ban Kỹ Thuật: Ông Lê Kỳ Khoa

-Ban Kế Hoạch: Anh Võ Hoàng

-Ban Lễ Tân: Anh Nguyễn Ngọc Danh

-Ban Cố Vấn: Ông Nguyễn Ngọc Thủy – Ông Trần Quang Hồng – Ông Nguyễn Đại Hùng – Ông Đào Lào.

Kết thúc cho chương trình Kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa - Mừng Xuân Giáp Thìn là mọi người cùng chia sẻ bữa ăn đậm đà hương vị Bình Định cũng như thưởng thức chương trình văn nghệ  với sự đóng góp của Nhóm Sân Khấu Nhỏ và các ca sĩ địa phương. Ban tổ chức cũng không quên vinh danh các anh chị đóng góp nhiệt tình và dài lâu như chị Phước Mai, anh chị Trần Quang Hồng, anh Đặng Tổng năm nào cũng từ Houston lặn lội đến Dallas đóng góp. Ngoài ra Hội cũng trao tặng mừng tuổi thọ đến người lớn tuổi Bình Định.

Tiệc tàn thì bên ngoài màn đêm đã phủ xuống khá lạnh nhưng anh em ban tổ chức cảm thấy lòng mình ấm lại vì đã  một ngày thật ý nghĩa!  

Previous
Previous

Họp mặt đồng hương Tam Kỳ đầu năm Giáp Thìn

Next
Next

Cộng đồng người Việt Quốc Gia hạt Tarrant đã tổ chức mừng xuân và tưởng niệm năm mươi năm (1974-2024) cuộc Hải chiến hoàng Sa