Đại Lễ Khánh Thành Bảo Tháp và Đại Tường Cố Phó Tăng Thống Thích Tịnh Đức Viện Chủ Chùa Đạo Quang
Garland, TX.- Môn đồ Pháp quyến Chùa Đạo Quang Garland và Phật tử Vùng Dallas-Fort Worth cùng với hơn 120 Chư Tôn Đức Tăng Ni khắp nơi đã vân tập về Chùa Đạo Quang cùng tham dự hai ngày Đại Lễ để ghi ơn và tưởng nhớ Cố Phó Tăng Thống Thích Tịnh Đức Viện Chủ Chùa Đạo Quang, một bông hoa hiếm trong thế giới ta bà tại thành phố Garland, tiểu bang Texas – Hoa Kỳ:
Hương hoa ở thế gian này
Không bay ngược gió dù thơm thế nào
Hương người đức hạnh thanh cao
Ngát xông ba cõi nơi nào cũng thơm
Kinh Pháp Cú
Cố Hoà Thượng Thích Tịnh Đức chính là một loài hoa ở thế gian này! Sự ra đi của Viện Chủ Hòa Thượng Thích Tịnh Đức là một sự mất mát mát lớn đối với Môn Đồ Pháp Quyến và đặc biệt là hai đệ tử gần gũi với Thầy trong suốt thời gian dài là Sư Trú Trì Thích Chánh Niệm và Sư Cô Thích Nữ Từ Thành. Quyết định xây dựng Bảo Tháp ngay sau khi Viện Chủ Tịnh Đức Viên Tịch để ghi nhớ công đức ân sư và cũng là người sáng lập Chùa Đạo Quang sẽ là một di tích lịch sử về tôn giáo của người Việt Quốc Gia tỵ nạn lưu vong tại thành phố Garland trên đất nước Hoa Kỳ…
Quyết định để thực hiện dự án xây dựng Bảo Tháp tưởng niệm Ân sư không phải là một điều dễ dàng; Sư Trú Trì Thích Cánh Niệm và Sư Cô Thích Nữ Từ Thành cũng đã phải cầu nguyện cùng sám hối với Sư phụ của mình vì biết Ân sư là người đạo đức, khiêm tốn không muốn một công trình lớn lao, tốn nhiều công sức của nhiều người. Nhưng chính những gì Ân sư đã để lại quá lớn, rộng rãi bao la quá nên cuối cùng thúc đẩy bởi lòng báo ân cũng sự thao thức của mọi người - Bảo Tháp Cố Phó Tăng Thống Thích Tịnh Đức đã hình thành và chính thức được khánh thành vào buổi sáng Thứ Bảy ngày 06 tháng 01 năm 2024 một cách trang trọng. Nhiều giới chức dân cử và thành phố đã đến tham dự. Cũng vì lý do quan trọng này, buổi điều trần ngân sách thành phố đã được hoãn lại để Thị trưởng thành phố Garland Scott LeMay hiện diện cùng 7 vị Cao tăng cắt băng khánh thành Bảo Tháp theo như chương trình đã ấn định. Chúng tôi ghi nhận ngoài Thị trưởng Scott LeMay có Dân biểu Tiểu bang Texas Khu vực 112 Angie Chen Button, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục thành phố bà Linda Griffin, Thẩm phán Margaret O’Brien, Nghị viên thành phố Garland Vùng 2 bà Deborah Snyder Morris, Vùng 5 Mararet Lutch, Vùng 6 Carissa Dutton và thành phố Dallas có -Chief James Spencer-Lt. Ajit Natt -Lt. Mark Nessman.
Qua phần tác bạch duyên sự của Sư Chánh Niệm Trú Trì thì ngôi Bảo Tháp đã được khởi công ngay sau khi Ân sư viên tịch và việc thực hiện là tưởng niệm, ghi công đức Ân Sư Thích Tịnh Đức. Chúng tôi cũng nghi nhận phần công bố tài chánh của Sư Cô Thích Nữ Từ Thành và Cô Nguyễn Phương Thanh thuộc Ban Thư Ký của Chùa cho biết Phật tử bắt đầu cúng dường xây dựng Bảo Tháp ngày 19 tháng 01 năm 2022 cho đến ngày 5 tháng 01 năm 2024 là $144,077 USD. Ngân khoảng chi phí xây cất Bảo Tháp cao hơn 400 ngàn USD một chút. Trong danh sách có nhiều người địa phương cũng như đồng hương ở các phương xa không phân biệt tôn giáo. Phương danh đầu tiên của danh sách được nghe là tên bà Khúc Minh Thơ nguyên Chủ tịch Gia đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam ở Falls Church, Virginia, người đã được cố Hoà Thượng Thích Tịnh Đức lúc còn sinh tiền đã yểm trợ cho ngày Tù Nhân Chính Trị tổ chức tại Dallas vào tháng 10 năm 2008…
Nhân dịp này qua lời pháp nhũ của Đức Tăng Thống Thích Pháp Nhẫn đã nhắc lại kỷ niệm lúc cố Hoà Thượng Thích Tịnh Đức còn sinh tiền. Những kỷ niệm khó quên trong tình huynh đệ với Phó Tăng Thống Chơn Trí. Hoà Thượng Tịnh Đức và Hoà Thượng Chơn Trí đã cùng lập Chùa Pháp Vân năm 1978 khi từ Pháp định cư Hoa Kỳ. Đây là ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam (Theravàda) đầu tiên tại Hoa Kỳ.
Nhưng rất tiếc là hai ngày Đại Lễ quan trọng của Đại Sư huynh Thích Tịnh Đức lại thiếu vắng Hoà Thượng Thích Chơn Trí, vị sư đệ luôn gắn liền với cuộc đời tu hành, bôn ba của Cố Phó Tăng Thống Hoà Thượng Thích Tịnh Đức cho đến giờ phút cuối cùng sau khi Ban tổ chức đã sắp xếp trong chương trình cho hai ngày đại lễ. Một số người đã từng gần gũi hỏi thăm về sự thiếu vắng của Hoà Thượng Chơn Trí lý do không về tham dự hai buổi lễ nhiều ý nghĩa này để gợi lại kỷ niệm, tình thân với vị Sư huynh đã từng thao thức trên con đường “Theo dấu chân Phật”. Và đây cũng là một sự mất mát và nỗi buồn còn ghi dấu tình thân giữa hai vị huynh đệ này!
Tâm đại dụng là tâm vô hạn giới
Khi chính mình dứt bản ngã tư duy
Và lúc đó ta với người là một
Hoà lẫn vào một chân lý từ bi
Tịnh Đức (Tuyển Tập Thơ Văn)
Chương trình Đại Lễ Khánh Thành tiếp theo là cúng dường Trai Tăng lúc 11 giờ và 02 giờ Tụng kinh tại Bảo Tháp.
Buổi chiều và tối là Thiền Rải Tâm Từ đốt đèn cúng dường và cuối cùng là chương trình Văn nghệ Thơ Ca Tưởng Niệm Cố Hoà Thượng Thích Tịnh Đức cho đến 10 giờ đêm thì hoàn mãn.
LỄ ĐẠI TƯỜNG CỐ PHÓ TĂNG THỐNG THÍCH TỊNH ĐỨC
Bước sang hôm sau, ngày Chủ nhật, Lễ Đại Tường của Cố Phó Tăng Thống Hoà Thượng Thích Tịnh Đức bầu trời ít ảm đạm và khí hậu bên ngoài ấm áp hơn. Gần 9 giờ sáng chúng tôi cũng đã có mặt tại Chánh Điện và có dịp tiếp xúc với Sư Tuệ Nhân người điều hợp chương trình kỷ niệm hai năm ngày Cố Phó Tăng Thống Hoà Thượng Thích Tịnh Đức viên tịch còn được gọi là Lễ Đại Tường. Mọi người có vẻ thong thả hơn nên Sư Tuệ Nhân thỉnh thoảng lại phải nhắc nhở yêu cầu mọi người bên ngoài Chánh Điện vào bên trong để chuẩn bị cung nghinh Chư Tôn Đức Tăng Ni cho buổi lễ được cử hành theo chương trình đã được phổ biến. Trong lúc chờ đợi giờ khai mạc, chúng tôi đi về cuối Chánh Điện tình cờ gặp người bạn quen cùng quê lại cùng trường Cường Để ngày xưa cũng là ân nhân Cố Hoà Thượng Thích Tịnh Đức đến từ San Jose. Anh Trần Minh Lợi, người đã bảo trợ Sư Tịnh Đức từ Pháp sang Hoa Kỳ năm 1977 và năm sau đó lại giúp đỡ để cùng Sư Đệ là Sư Chơn Trí xây dựng Chùa Pháp Vân ở Panoma, California. Anh Trần Minh Lợi đến Dallas vừa tham dự Lễ Đại Tường của Cố Phó Tăng Thống Hoà Thượng Thích Tịnh Đức cũng nhân dịp chia buồn khi được tin hiền thê của bạn mình là anh Hứa Chấn Minh vừa mới từ trần vào hai tuần trước và di cốt đang ở Chùa Đạo Quang...Mỗi người khi nhắc đến Sư Tịnh Đức khi đến tham dự Lễ Đại Tường đều có một suy nghĩ giống nhau về sự ra đi của Ngài… “Mới đó mà đã hai năm… Thời gian đi qua nhanh thật…” Nhất là sau khi Sư Thích Chánh Niệm đọc lại tiểu sử Ân sư của mình:
“Cố trưởng lão Tịnh Đức thế danh Tôn Thất Toản, sinh ngày 01/08/1944 tuổi Giáp Thân tại Hương Trà, Thừa Thiên Huế.
Gia đình dòng tộc Hoàng gia, thuộc Đệ bát hệ, Đệ nhị phòng, dòng dõi Chúa Nguyễn Phúc Thụ (Túc Tông Hiếu Đinh Hoàng Đế).
Thân phụ là ông Tôn Thất Nhường, sinh năm 1897, mất năm 1982, thọ 85 tuổi. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Bàng, sinh năm 1903, mất năm 1963, thọ 61 tuổi.
Gia đình có 5 anh em, Ngài là người con út. Xưa, gia đình ngụ tại Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Sau vào ở tại phường Thạc Gián, Đà nẵng.
Gia đình Ngài là 1 gia đình nhiều đời tín Phật, hiền lương, tựa nương Tam Bảo. Cậu thanh niên Toản từ trẻ lớn lên tài giỏi, thông minh học tại trường trung học Phan Chu Trinh, Đà nẵng. Năm 1964, học hết phổ thông, lấy xong tú tài 2, tuổi chẳn 20, rồi thi đậu vào trường đại học Y Khoa Huế. Theo học được 1 năm, thấy không hợp duyên đời, cậu thanh niên Toản bỏ ngang không học nữa. Lúc trai trẻ thanh niên Toản tính vốn khác tục, coi thường y phục ngoại hình, không màng hình thức mà chú trọng phần cốt lõi tâm linh nhiều hơn.
Thế là một ngày đẹp trời, cậu thanh niên Toản đến chùa Tam Bảo, Đà nẵng. Duyên lành gặp Ngài trụ trì Pháp Nhẫn, nhìn qua dáng vẻ và cốt cách của người thanh niên Toản này, Ngài đã tự tay thế phát cạo đầu và khuyên thanh niên Toản hãy xả bỏ uế trược bụi trần mà đi theo con đường thoát tục.
Ngày 15/7/1965, giới tử Tôn Thất Toản chính thức thọ giới Sa-Di với Ngài Trưởng lão Giới Nghiêm làm thầy tế độ tại Kỳ Viên Tự, Saigon. Bổn sư đặt pháp danh là Tịnh Đức-Visuddhiguna. Vì nghiệp tu vốn dày sâu, kinh luật đọc qua là thuộc làu, nên dể dàng vâng nghiêm huấn tập trong ngoài phận sự của người Sa-di.
Năm 1967 vừa tròn 23 tuổi, Sa-di Tịnh Đức về Phật Bảo Tự tại Phú Thọ Hoà Gia Định, theo gót chân Thầy bổn sư về chùa tổ, cùng với huynh đệ đồng môn, đồng lữ, hằng ngày tu tập, thời khoá công phu, lao tác, dần dà quen thuộc với nếp sống thiền môn.
Hai năm sau, năm 1969 Trưởng lão Giới Nghiêm cho Sa-di Tịnh Đức xuất dương du học Thái lan tại ngôi chùa Paknam, Bangkok là nơi chư vị trưởng lão tiền bối đã đến đây cầu Pháp, là nơi đèn sách cho nhiều thế hệ tăng sinh Vietnam. Thế là vào lúc 16h30 ngày 5/7/1970 Sa-di Tịnh Đức chánh thức được thọ Đại giới. Thầy tế độ là Ngài Punnavaro Maha Thero, Yết-ma, giáo thọ là 2 Ngài Vijjo Ma-ha Thero và Pannavirato Ma-ha Thero tại Paknam Bhasicharoin, Bangkok, Thailan. Ty khưu Tịnh Đức từ đây mọi gian khổ chẳng từ nan, học rộng và sâu hơn về luật về kinh. Học thêm Pali, A-tỳ-đàm và trau dồi ngôn ngữ Thái suốt 5 năm miệt mài không trể nãi.
Đồng thời nhóm đệ huynh du học Thái Lan lại kể đến Đại đức Chơn Trí thọ giới cùng Thầy là Trưởng lão Giới Nghiêm. Cả hai vị này cùng chí nguyện tầm cầu nam Phạn Pali Nguyên Thuỷ, đã không nề hà khó khăn gian khổ chữ nghĩa kinh văn đốt cháy mái đầu xanh.
Ba năm sau, ngày 16/5/1975 Đại Đức Tịnh Đức lần đầu tiên đặt chân lên Pháp quốc, thành lập chùa Kỳ Viên. Lúc đầu chỉ là căn nhà nhỏ đơn sơ để có chỗ nương thân và tụng kinh lễ bái. Đại đức Tịnh Đức được xem như là vị khai sơn mang hạt giống Phật giáo Nguyên thuỷ Vietnam đến Paris nói riêng và Châu Âu nói chung.
Tiếp theo đó Đại đức Chơn Trí và Đại đức Đức Minh cùng nhau đến Paris Pháp quốc hổ trợ với Đại đức Tịnh Đức mong lan truyền Phật giáo Nguyên thuỷ Vietnam đến vùng đất hoa lệ này. Do nhân duyên chưa hội đủ, Phật tử chưa đủ chánh tín với ngôi Tam bảo, ngôn ngữ bất đồng, văn hoá dị biệt, thế là sau 2 năm gắng gượng, tháng 11/1977 cả 2 vị đã đặt chân định cư đến Pomona, California Mỹ quốc.
Nhờ cư sĩ Trần Minh Lợi nhiệt tình giúp đỡ mua lại ngôi nhà nhỏ xây nên Tổ đình Pháp Vân vào năm 1978. Vậy là Thầy Tịnh Đức không những chỉ là khai sơn cho Tổ đình Pháp Vân, California Mỹ quốc, mà còn là vị khai sơn cho Phật giáo Nguyên thủy Vietnam tại Bắc Mỹ.
Đằng đẵng 10 năm xây dựng và phát triển, huynh đệ đồng cam cộng khổ đã biến ngôi tổ đình Pháp Vân thành 1 đạo tràng hưng thịnh. Thiện nam tín nữ, gia đình Phật tử sóc vọng đông vui, nên vóc nên hình.
Đến đây thì Đại đức Tịnh Đức lại tính chuyện ra đi. Ngài giao lại chùa Pháp Vân cho Pháp đệ Chơn Trí tiếp tục trông coi và phát triển.
Đại đức Tịnh Đức rong ruổi sang Houston, Texas vào rừng cất cốc đặt tên là Phù Vân Am. Ngài ở đó 10 năm tịnh tu, độc cư thiền định như 1 vị ẩn sĩ thâm lâm.
Trong thời gian này do tu tập miên mật đã động tâm đến Ngài Pháp Nhẫn hay tin, mời thỉnh Đại đức Tịnh Đức về ở tự viện Liên Hoa, thế là Đại đức Tịnh Đức bèn neo trạm ở đây.
Rời Tự viện Liên Hoa khi mới về Garland, Đại Đức Tịnh Đức lập Chùa Đạo Quang, là một ngôi nhà nhỏ (ngày nay là Thánh Thất Cao Đài tại địa chỉ 1851 đường Apollo Road (cạnh Giáo xứ Đức Mẹ hằng Cứu Giúp). Năm 1997Đại Đức Tịnh Đức di chuyển Chùa Đạo Quang về một mảnh đất 10 mẫu có rừng cảnh, có hồ nước rất quy mô, rất bề thế tức Chùa Đạo Quang ngày nay. Sau 1 thời gian phát triển và xây dựng với lầu Đông, lầu Tây, chánh điện, Thiền đường, Ngài còn mua thêm mảnh đất kế bên 5 mẫu. Thế là từ đây chùa Đạo Quang toạ lạc trên mảnh đất 15 mẫu. Hằng năm lễ hội đông vui, Phật tử thập phương không phân biệt Nam tông, Bắc phái quy tụ về đây để gieo trồng thiện pháp.
Ngày 16 tháng 11 năm 2021 do duyên bệnh Hoà Thượng phải nhập viện để giải phẩu, ca mổ thành công nhưng cũng từ đó, sau khi xuất viện về chùa tịnh dưỡng ngài không chịu ăn mà chỉ uống nước! Cơ thể suy nhược dần dần từ đấy! Chư Tăng Ni và Phật tử khắp nơi về đảnh lễ viếng thăm, vấn an, ngài đều cho tiền xe, tiền lệ phí máy bay, thật là cảm động. Không ăn hơn một tháng mà Hoà thượng vẫn an nhiên dạy dỗ môn đồ, đọc thơ khuyến tu sách tấn chư tăng ni và Phật tử gần xa như những lời đi huấn tối hậu của ngài trước khi giã từ huyễn mộng, xả bỏ báo thân mà về với Phật.
Và thế là đúng 8g27’ tối ngày 07 tháng 01 năm 2022 nhằm ngày mồng 05 tháng Chạp năm Tân Sửu, ngài đã an nhiên thâu thần thị tịch tại bổn tự Đạo Quang. Hưởng thọ 78 tuổi Hạ Lạp 51 năm…”
Đã hai Mùa Đông qua, nhân dịp kỷ niệm hai năm vắng bóng, mọi người đều nhận ra vị trí qua lớn của Cố Hoà Thượng không những hàng Phật tử Chùa Đạo Quang mà cả Chư Tôn Đức Tăng Ni, các bậc Cao Tăng khắp nơi hải ngoại cũng như quê hương Việt Nam. Qua ba lời Pháp nhũ của Đức Tăng Thống Trưởng Lão Thích Pháp Nhẫn Viện Chủ Tự Viện Liên Hoa, Hoà Thượng Nguyên Hạnh Viện Chủ Chùa Việt nam Houston, Texas và Ngài Trưởng Lão Pháp Tông Viện Chủ Chùa Huyền Không Huế từ trong nước. Ngoài Đức Tăng Thống Pháp Nhẫn khuyên đệ tử Cố Hoà Thượng Thích Tịnh Đức ngoài việc báo ân xây dựng Bảo Tháp cần phải noi gương chăm chỉ, hiếu học của Sư phụ đón nhận các Chư Tôn Đức các nơi đặc biệt là Ấn Độ, Thái Lan để vun bồi cho Đạo Quang. Khác với Đức Tăng Thống Pháp Nhẫn Hoà Thượng Nguyên Hạnh và Trưởng Lão Chùa Huyền Không đã có hai bài giảng sâu sắc nói về đặc tính khác biệt tuyệt vời về con đường tu của Cố Phó Tăng Thống Hoà Thượng Thích Tịnh Đức và chính trong cuốn tập Thi Văn của Ngài nhắc đến:
Dã hoa mọc ở vệ đàng
Người khéo tay nhặt, kết tràng hoa xinh
Người trần trong cõi vô minh
Khéo tu có thể liễu sinh Niết Bàn
Kính Pháp Cú
Đại Lễ Đại Tường Cố Phó Tăng Thống Hoà Thượng Thích Tịnh Đức viên mãn khi các Môn Đồ Pháp Quyến đọc lời cảm tạ cùng với lễ bái Tam Bảo, chúc phúc hồi hướng…
Thái Hóa Lộc