Đại Lễ Phật Đản PL. 2568 tại Chùa Đạo Quang Garland

Garland, TX.- Trưa Chủ nhật ngày 12 tháng 05 năm 2024 nhằm ngày Mùng 5 tháng 4 năm Giáp Thìn; Chùa Đạo Quang thành phố Garland, Texas đã tổ chức trọng thể Đại lễ Mừng Phật Đản Phật lịch 2568 từ 11 giờ sáng đến 7 giờ chiều với nhiều chương trình khác nhau.

Chương trình bắt đầu từ 11 giờ sáng là Lễ Trai Tăng và Phật tử dùng Cơm Chay thân mật, tiếp theo Chư Tăng cúng Chư Hương Linh tại Linh Đài Bảo Tháp. Đại Lễ Phật Đản chính thức bắt đầu lúc 1 giờ trưa với ba hồi Chuông Trống Bát Nhã – Múa Lân – Dâng hoa cúng Tam Bảo!

Trai Tăng trong Ngày Đại Lễ Phật Đản

Nghi thức và truyền thống quan trọng trong ngày Đại Lễ Phật Đản là Chư Tăng và Phật Tử tụng kinh Khánh Đản là Đạo Từ của Đức Tăng Thống Thích Pháp Nhẫn. Lịch sử ngày Rằm tháng Tư cách đây 2658 năm, tại vườn Lumbini, về phía Đông Bắc Ấn Độ, Đức Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni Đản Sanh được Đức Tăng Thống nhắc lại: “Ngài sinh ngày rằm tháng tư năm 624 trước Công nguyên khi mẹ Ngài là hoàng hậu Maya đi ngang qua khu vườn Lumbini trên đường từ kinh thành Kapilavastu về Devadaha. Ngài là thái tử, tên Siddhārtha, con vua Suddhodana, thuộc dòng tộc Gotama, nước Sakiya.

Từ nhỏ Ngài đã biểu hiện một trí tuệ phi thường và lòng từ bi bao la. Ngài là bậc văn võ song toàn, am hiểu nhiều lĩnh vực triết lý, giáo lý và cuối cùng trăn trở về mục tiêu đi tìm sự giác ngộ giải thoát tuyệt đối cho chúng sinh.

Để ràng buộc Ngài, vua cha đã cưới công nương Yasodharā cho Ngài vào năm 16 tuổi. Năm 29 tuổi, vừa có con là Rahulà, Ngài đã bỏ kinh thành đi xuất gia trong đêm vào ngày mùng 8 tháng 2.

Sau sáu năm vừa tầm sư, vừa tự mình tu học theo lối khổ hạnh luyện thân mà không thành công, Ngài đã chọn con đường thiền định, với 49 ngày đêm ngồi bất động dưới cội cây Assatha (Bồ Đề) ở Gaya, làng Uruvela, Ngài chứng thành Phật quả, có đủ Tam minh, Lục thông, Trí tuệ phi thường biết tất cả mọi điều trong vũ trụ, Lòng từ bi vô biên yêu thương tất cả chúng sinh. Năm đó Ngài 35 tuổi.

Từ đó Ngài đã đi nhiều nơi giảng dạy giáo lý giác ngộ giải thoát cao siêu này cho nhân loại và chư Thiên. Rất nhiều vua chúa, quan tướng, giáo sĩ Bà la môn, thương gia, kể cả người cùng đinh đã theo làm đệ tử tại gia hay xuất gia của Ngài. Rất nhiều đệ tử của Ngài cũng đạt được sự đắc đạo phi thường.

Ngày rằm tháng 2 năm 544 trước Công nguyên, Đức Phật 80 tuổi, Ngài nhập Niết bàn. Sau khi trà tỳ, rất nhiều xá lợi của Ngài còn để lại và được xây tháp thờ cúng lâu dài, có xá lợi còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Các Thánh Tăng, đệ tử của Ngài, đã kết tập các lời dạy của Ngài thành ba tạng Kinh điển lưu truyền mãi mãi.

Ngày hôm nay, sau nhiều khổ đau, tang tóc, chiến tranh, bạo lực, Liên Hiệp Quốc đã công nhận Phật giáo là tôn giáo hòa bình và chọn ngày sinh của Đức Phật là ngày tiêu biểu cho Tôn giáo và Văn hóa Thế giới. Liên Hiệp Quốc đã tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật gọi là lễ hội Vesak, một cách long trọng tại trụ sở Liên Hiệp Quốc vào năm 2000. Nhiều nhà trí thức tiếng tăm trên thế giới đã tin theo đạo Phật.

Các đệ tử của Đức Phật đều cố gắng giữ gìn lòng tôn kính tuyệt đối vô hạn lên Đức Phật, và xem lòng tôn kính đó là tài sản quý giá nhất để mang theo qua nhiều kiếp sau. Cũng nhờ lòng tôn kính tuyệt đối lên Đức Phật mà chúng sinh có nhiều phước báo để tu hành giác ngộ. Mỗi ngày được quỳ xuống lễ Phật là niềm hạnh phúc vô bờ của chúng sinh…”

Đối với Phật tử hiện diện, Đức Tăng Thống Thích Pháp Nhẫn ân cần khuyên nhũ: ‘ Thời gian và cuộc đời con người đi qua thật nhanh, năm nay Thầy đã 85 tuổi. Đối với những người còn trẻ, cò công danh sự nghiệp nên tĩnh tâm tu hành để lại phúc đức cho mai sau. Khi sống cũng vui vẻ và khi chết cũng vui vẻ! Chúng ta sẽ quên đi hết mọi sợ hãi. Sống cho chân lý thì khi chết cũng cho chân lý. Như Đức Phật đã nói: “Ta là Đức Phật đã thành – Các con là Phật sẽ thành”.

“Hôm nay Thầy rất hoan hỷ với Sư Trú Trì Thích Chánh Niệm và Phật tử Chùa Đạo Quang đã tổ chức ngày Đại Lễ Phật Đản trọng thể với sự vân tập của 59 vị Tăng tham dự. Nhân đây, chúng ta cũng biết là tại sao các chùa luân phiên tổ chức vì tổ chức cùng một lúc thì chỉ có một mà thôi! Và đây cũng là công đức lớn. Chúng ta còn nhớ hai câu:

Công Đức trước đã thành

Chơn Chánh hướng từ tâm

Tức là phúc lành cao thượng!

Các Phật tử nên nhớ rằng những gì Sư Chánh Niệm, Phật tử Chùa Đạo Quang đã làm trong ngày Đại Lễ Phật Đản hôm nay là hồi hướng Giác Linh cố Hoà Thượng Thích Tịnh Đức viện chủ sáng lập Chùa Đạo Quang. Tuy Ngài đã đi rồi nhưng các đệ tử vẫn tiếp tục theo bước chân Sư phụ mình “nối tiếp đường xưa lối cũ của Thầy mình.”  Rồi chúng ta cùng hồi hướng công đức này đến các bậc sinh thành đã quá vãng sớm siêu thoát hoặc còn hiện tiền tại đất nước này hay còn trong nước được tai nạn tiêu trừ, bình an và tu hành tinh tấn…”

Quang cảnh tổng quát trong chánh điện Ngày Lễ Phật Đản

Sau phần Đạo từ của Đức Tăng Thống Thích Pháp Nhẫn là nghi thức Lễ Mộc Dục (Tắm Phật) – Chiêm Bái Xá Lợi và kết thúc với chương trình văn nghệ Mừng Khánh Đản do Ban nhạc Hoàng Lan, ca sĩ Thái Tài, Tuyết Loan và các ca sĩ địa phương trình diễn. Chương trình Đại lễ Chùa Đạo Quang kết thúc lúc 7 giờ chiều cùng ngày.

Ban nhạc Hoàng Lan

NVDL  

Previous
Previous

Tân Nghị Viên Arlington Cựu Đại Tá Phạm Long tuyên thệ nhiệm kỳ II.

Next
Next

Hội chợ Triển lãm hay gây hoang mang chia rẽ