Đại Lễ Vu Lan tại chùa Đạo Quang năm 2023
Garland, TX.- Lễ Vu Lan là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của Phật giáo. Thời gian tuy còn hai tuần lễ nữa mới đúng ngày Rằm Tháng Bảy Âm Lịch nhưng Chùa Đạo Quang thành phố Garland đã chuẩn bị trang trí từ trong ra ngoài và chung quanh Chùa với nhiều lá cờ Phật Giáo và những biểu ngữ MỪNG LỄ VU LAN. Và theo như thông báo thư mời của Sư Trụ Trì Thích Chánh Niệm qua các phương tiện truyền thông thì Đại lễ Vu Lan sẽ tổ chức sớm hơn hai tuần như trước đây Sư Phụ là Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Đức đã tổ chức. Trong suy nghĩ đó, chúng tôi tìm hiểu và được biết không chỉ Đại lễ Vu Lan năm nay và cả Đại Lễ Phật Đản cũng đã tổ chức trước hai tuần của ngày lễ chính thức vì không thể cử hành cùng thời gian với Tự Viện Liên Hoa thành phố Irving của Tăng Thống Thích Pháp Nhẫn và Phó Tăng Thống Thích Bửu Đức Chùa Hương Đạo. Điều này cũng dễ hiểu và Phật tử dễ thông cảm…
Đại lễ Vu Lan Chùa Đạo Quang năm nay tuy tổ chức sớm nhưng rất đông đảo Phật tử các nơi về tham dự và đặc biệt có sự hiện diện của Đức Tăng Thống Thích Pháp Nhẫn, Phó Tăng Thống Thích Bửu Đức cùng nhiều quý Chư Tăng Ni vân tập về chứng kiến và họp lời cầu nguyện trong suốt hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
Chiều Thứ Bảy ngày 12 tháng 8 từ lúc 7 giờ chiều nắng chiều chưa dịu hằn xuống lễ cúng Cửu Huyền Thất Tổ, cha mẹ bảy đời đã quá vãng, các Chiến Sĩ Quốc Gia đã bỏ mình vì chính nghĩa, Quân Cán Chính bỏ mình trong các trại tù cùng đồng bào vượt biên, vượt biền.
Bước qua ngày thứ hai cũng là ngày chính lễ Vu Lan bắt đầu từ 10 giờ sáng Chủ nhật ngày 13 tháng 8 năm 2023 (nhằm ngày 27 tháng 6 Âm lịch).
Từ 11 giờ đến 12 giờ trưa là nghi thức trai tăng và Phật tử dùng cơm chay thân mật trước khi cúng vong tại Bảo Tháp nơi các Phật tử từ trần và thân nhân, gia đình gửi hình, tro cốt tại đây…
Buổi lễ chính thức được cử hành tại Chánh điện lúc 12 giờ 25 phút với nghi thức Ba hồi chuông trống Bát Nhã cung thỉnh Chư Tăng Ni của các Phật tử tham dự.
Lần lượt tiếp theo là nghi thức chào mừng Đại lễ với Đoàn Lân, toán dâng hoa tiến vào Chánh điện và chấm dứt phần nghi thức ban nhạc chùa Đạo Quang cử hành bài Phật Giáo Ca cùng với phút mặc niệm…Đặc biệt là hình ảnh các em trong toán dâng hoa đi gắn những chiếc hoa hồng nhỏ xinh xắn lên các Phật tử, một truyền thống không thể thiếu trong ngày Đại lễ Vu Lan…
Cũng như các năm trước, đạo từ của đức Tăng Thống Thích Pháp Nhẫn về ngày Đại lễ Vu Lan là để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, đồng thời khuyến khích mọi người biết trân trọng những gì mình đang có và thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đến cha mẹ. Ngày lễ Vu Lan có nguồn gốc từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu, người đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Từ đó, lễ Vu Lan trở thành ngày lễ để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, đồng thời khuyến khích mỗi người làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ và thể hiện lòng biết ơn đúng nghĩa. Ngày nay, lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần là ngày lễ tôn giáo mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về việc trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" với tổ tiên. Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt. Lễ Vu Lan là cuộc lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Mỗi năm, người ta tổ chức các hoạt động tôn vinh cha mẹ và tổ tiên như cúng dường, dâng hoa, dâng nước, pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu.
Đối với người Việt, Lễ Vu Lan còn đánh dấu một mốc quan trọng trong văn hóa bản sắc dân tộc, thể hiện sự tôn trọng và tri ân đến cha mẹ và tổ tiên. Đây là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam và đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá và tín ngưỡng của người Việt.
Kết thúc chương trình Đại lễ Vu Lan là Chư Tăng Ni Phật Tử tụng kinh Vu Lan vào lúc 2 giờ chiều…
Bên ngoài nắng càng gắt, nhiệt độ cao nhất lúc bấy giờ trong ngày, một số người ở lại thưởng thức chương trình văn nghệ tại nhà Sinh hoạt còn lại thì ra về để trốn nắng và nghỉ ngơi.
Kim Dinh