Lễ bế Giảng Trường Việt Ngữ Long Thọ niên khóa 2023-2024

Arlington, TX.- Sáng Chủ nhật ngày 16 tháng 06 năm 2024, chúng tôi có dịp trở lại Tu viện Long Thọ Thiền Tông thành phố Arlington tham dự buổi lễ bế giảng Trường Việt ngữ Long Thọ niên khóa 2023-2024. Thời gian qua mau, mới ngày nào chúng tôi được Thượng tọa mời tham dự buổi lễ khai giảng đầu tiên tại đây. Từ một cơ sở khiêm tốn nhưng nhờ vào nỗ lực phi thường của Thượng tọa viện chủ cùng với những Phật tử phụ huynh do đó chạy kịp theo thời gian để  khai giảng niên học mới.

Trong khi chờ đợi buổi lễ bắt đầu, chúng tôi đi thăm cảnh vật chung quanh và nhận ra sự đổi khác khang trang hơn trước đây nhiều từ các lớp học đến hồ sen bên ngoài. Khung cảnh chuẩn bị buổi lễ bế giảng hôm nay cũng giống như lúc chúng tôi tham dự buổi lễ khai giảng; tuy rất đơn sơ nhưng rất dễ thương.

Chương trình chính thức khai mạc đúng 9 giờ theo thư mời của Thượng Tọa Viện Chủ Thích Chánh Quả. Sau khi mọi người ngồi vào vị trí và ban tổ chức cung nghinh Thượng Tọa chủ trì lễ bế giảng. Nghi thức chào quốc kỳ Mỹ-Việt và phút mặc niệm tiếp theo là phần trình bày thành quả học tập về các em, sự tận tâm dạy dỗ của Thầy – Cô Giáo từ lớp I đến lớp 4 của Thầy Sơn Trần, Hiệu trưởng Trường Việt ngữ Long Thọ trong suốt niên học qua.

Thầy Hiệu trưởng Trần Sơn phát biểu bên cạnh các giáo viên phụ trách

Nhưng có lẽ lời phát biểu của Thượng tọa Viện chủ là một bài học đáng suy gẫm của một người từng thao thức tiếng Việt bị mai một trong một tương lai rất gần của một số người quan niệm tại sao trẻ em Việt nam cần học tiếng Việt? Câu hỏi ấy không những chỉ nảy sinh ra từ các em học sinh mà còn từ chính các bậc phụ huynh, tức những người thuộc thế hệ thứ nhất, sinh ở Việt Nam và chỉ ra sống ở nước ngoài khi đã trưởng thành hẳn.

Chính các em người Việt Nam không thích học tiếng Việt cũng như một số phụ huynh không quan tâm tiếng Việt thường lý luận: tiếng Anh lại là ngôn ngữ quốc tế; ở đâu cũng sử dụng được. Tại sao phải học thêm tiếng Việt làm gì nữa? Ngay cả khi biết tiếng Việt thì cũng chỉ để giao tiếp với người thân, chủ yếu với ông bà, thôi. Chứ làm được gì? Những kiểu lý luận như vậy rất phổ biến. Chúng tôi xin chuyển đến quý vị quan tâm tiếng Việt trong cộng đồng Việt Nam lời tâm huyết của Thượng Tọa Thích Chánh Quả chia sẻ cùng quan khách, phụ huynh và học sinh trong ngày bế giảng Trường Việt ngữ Long Thọ niện khóa 2023-2024:

Viện chủ Long Thọ Thiền Tông Thượng Tọa Thích Chánh Quả ban đạo từ.

“Sự hiện diện quan khách, quý Thầy Cô giáo và các em học sinh trong ngày hôm nay là một sự kiện đầy ý nghĩa cho cộng đồng người việt của chúng ta ở hải ngoại.

Thật sự mục đích việc thành lập ngôi trường Việt ngữ là để duy trì tiếng nói của người Việt mình. Sự duy trì ngôn ngữ, duy trì văn hóa của người Việt trên đất Mỹ xa xôi nơi đất khách quê người. Chúng ta là những người tha hương phải cố gắng gìn giữ được cái nguồn gốc của tổ tông, gìn giữ được cái nề nếp của Tổ quốc Việt nam. Đó là một điều mong ước mà tôi ấp ủ để cho tất cả mọi người cùng hướng về. Một cái nhân duyên rất là đặc biệt ngôi trường Việt ngữ Long Thọ mới thành tựu và cũng nhờ cái tâm của tất cả mọi người mà có được hàng ngũ giáo viên và các con em đến trường để tham gia học tập, rèn luyện.

Tôi ghi nhận công đức của tất cả quý vị Phật tử cũng như sự quan tâm giúp đỡ của các bậc phụ huynh, những người đã đóng góp để thành tựu được ngôi trường Việt ngữ và thành tựu được thành tích học tập của các con em chúng ta hôm nay.

Tôi cũng xin nhắc lại ngôi trường Việt ngữ Long Thọ là một ngôi trường đào tạo dạy dỗ cho các con đúng thực chất, rèn luyện cho các con nên người. Các con luôn luôn ý thức để trở thành một người con ngoan trong gia đình, một học sinh tài giỏi trong học tập và một người bạn tốt đối với bạn bè và những người thân yêu của mình. Mục tiêu của trường Việt ngữ Long Thọ chỉ mong làm sao đạt được 3 mục đích trên mà thôi!

Bây giờ sau một năm, chúng ta đã làm tốt chưa? Thì theo tôi thì chúng ta vẫn chưa làm tốt đủ bởi là vì là năm đầu tiên cho nên vẫn còn bở ngở. Mặc dù các con học tập rất tốt nhưng các con vẫn còn rất thụ động. Các con chưa hòa nhập được theo nề nếp sinh hoạt của nhà trường cũng như của gia đình Phật tử. Trở ngại lớn nhất của các con là ngôn ngữ bởi vì Thầy Cô nói tuy nhiên các con cũng chưa hiểu. Thầy Thượng Tọa nói các con cũng không hiểu mà nguyên nhân này cũng xuất phát từ sự kết hợp yếu kém của gia đình và của nhà trường. Bởi vì, mình là người Việt dù là chúng ta ở trên đất Mỹ nhưng cũng là người Việt. Các bậc phụ huynh chú ý làm sao để cho các con em của mình nói và hiểu được tiếng Việt, từ đó mới hấp thu được nền tinh hoa Phật Giáo cũng như văn hóa của người Việt mình.

Trong lời chia sẻ vừa rồi của Thầy Hiệu trưởng đề nghị các phụ huynh nói chuyện với con em mình bằng tiếng Việt. Bởi vì ngoài thời gian học trên trường thì mặt giao tiếp về ngôn ngữ cũng rất quan trọng. Có thể mình không học nhưng nhờ giao tiếp hằng ngày chúng ta có thể nghe và hiểu mặc dù chúng ta viết không được. Đó là điểm yếu thứ nhất mà tôi muốn nói ra.

Điểm yếu thứ hai là mức độ mức độ quan tâm của phụ huynh về việc học tập và rèn luyện của các con cũng còn rất là yếu. Tôi có thể đơn cử những tổ chức các hoạt động ngoại khóa như các khóa trại dành cho học sinh hầu như phụ huynh không mấy mặn mà tha thiết. Nhưng tôi xin nhấn mạnh những điều đó rất quan trọng đối với các con em học sinh; bởi vì rèn luyện cho các con tính năng động, sáng tạo nhạy bén hiểu biết trong cuộc sống mà không có ở nhà trường. Nhà trường chỉ dạy các con về mặt chữ nghĩa mà thôi không thể hỗ trợ về mặt đạo đức, khả năng độc lập phải nhờ đến các hoạt động ngoại khóa đó!

Vừa rồi có tổ chức trại Anoma, rồi Tuyết Sơn tuy Thầy Cô thông báo cho các con rất lâu, trước cả mấy tháng nhưng đến ngày lên đường thì không có ai đi hết, không có phụ huynh nào quan tâm. Theo tôi nghĩ là các con, chúng ta đã bỏ đi một cơ hội rất tốt, cơ hội hiếm. Tôi đã đến nơi và thấy được việc tổ chức rất tốt từ phương tiện ăn uống, ngủ nghỉ đến sinh hoạt, vui chơi các con học tập nhưng chúng ta đã bỏ mất một cơ hội để cho các con rèn luyện bản thân của mình. Đó là vấn đề kết hợp, bổn phận của phụ huynh đối với con em mình. Thật sự con em chính là tương lai của mình. Nếu mình nuôi dạy tốt thì sau này sẽ thấy thành quả tốt. Ngược lại nếu nuôi dạy không tốt sau này chính mình chịu trách nhiệm những gì xảy ra của nó trong tương lai.

Tiện đây tôi xin nhắc nhở các vị phu huynh cũng như các Thầy Cô giáo phải có một sự kết hợp chặt chẽ giữa phụ huynh cũng như nhà trường để tạo điều kiện cho các con học tập và rèn luyện. Ở đây tôi muốn nói đến hai mặt là học tập và rèn luyện. Cả hai đều quan trọng như nhau chứ không hằn là học tập không đâu. Bởi vì các con còn non nớt, các con cần phải học hỏi và rèn luyện rất nhiều mặt. Tôi mong rằng năm học sắp tới chúng ta sẽ rút kinh nghiệm và chúng ta sẽ có sự kết hợp chặt chẽ hơn trong việc giáo dục các con…

Hy vọng qua năm học mới chúng ta sẽ có chuyển biến mới chẳng hạn như nhà trường gửi thư mời phụ huynh đến họp nghĩa là có vấn đề mới tổ chức họp cần các phụ huynh để chỉnh đốn vấn đề kịp lúc. Tôi mong rằng khi phụ huynh nhận thư mời xin nhiệt tình đến cùng nhau chung tay góp sức giáo dục, dạy dỗ các con, rèn luyện các con để các con nên người. Chốc nữa Ban Giám hiệu sẽ thông báo lịch trình năm học mới cho các con và tạo điều kiện cho các con hoạt động nhiều hơn. Trong mùa hè nhà trường không tạo áp lực kiểm tra bài tập về nhưng vẫn hướng dẫn các con những bài học mang tính cách đạo đức trong cuộc sống hàng ngày và tạo những hoạt động cho các con vui chơi thoải mái thay vì ở nhà chơi games và những việc không tốt khác.

Nhà trường sẽ tổ chức các nhóm như hoạt động thể thao, nhóm âm nhạc, nhóm múa lân cho các con sinh hoạt một cách thoải mái không ràng buột và gò phó gì cho các con hết để các con có cơ hội hòa nhập, giao tiếp và hoạt động trong thời gian nghỉ hè. Đó là những phát họa của tôi để tạo điều kiện ban giám hiệu tổ chức hoạt động cho các con.

Cuối cùng tôi xin cảm ơn quý vị quan khách đến tham dự để chia sẻ những niềm vui của các con hôm nay cũng như ban tổ chức đặc biệt là ban xây dựng của Tu Viện bởi vì những thành tựu mà chúng ta đang ngồi đây là dựa trên cơ sở mà ban xây dựng đã lo cho các con. Tôi nói như vậy để các con hiểu rằng chúng ta “uống nước nhớ nguồn – ăn quả nhớ người trồng cây”. Ngày nay, chúng ta có cơ sở học tập môi trường thuận lợi như vậy là chúng ta phải biết ơn những người tạo dựng ra nó. Tôi cũng xin cảm ơn ban giám hiệu, cảm ơn các giáo viên vì tất cả những người đến đây đều tự nguyện với cái tâm vì thương yêu các con. Đó là cái Đạo mà Tu viện mang đến cho mọi người. cảm ơn quý phụ huynh quan tâm giúp đỡ nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho các con học tập. Cuối cùng Thầy cảm ơn các con đã nỗ lực suốt một năm qua và hôm nay là thành tựu của các con được đúc kết với thành quả đáng vui mừng và Thầy cũng tin tưởng kết quả học tập của các con có được là thực chất không phải là hình thức giúp cho các con vốn liếng của người Việt khi các con bước vào đời…”

Các em học sinh Trường Việt ngữ Long Thọ tham dự lễ bế giảng

Vì phải rời buổi lễ sớm cũng là điều đáng tiếc như đã thưa trước với Thượng Tọa Trú trì Tu viện Long Thọ Thiền Tông cho kịp thời gian dự lễ chào quốc kỳ Mỹ-Việt tại Tượng Đài Chiến Sĩ Arlington. Theo như chị Quảng Ngọc phụ trách lớp 1 nguyên là phu nhân của cố Hội trưởng Hội Không Quân Dallas-Fort Worth Lý Chỉnh cho biết. Tổng cộng học sinh lúc đầy đủ là 75 em nhưng gần cuối hè thì số học sinh vắng hơn…

Chúng tôi xin cầu chúc Thượng Tọa Trú trì, cũng là cố vấn tối cao và linh hồn của lớp Việt ngữ Long Thọ cùng với Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên sẽ phát huy tinh thần của trường Việt ngữ Long Thọ là thực chất không phải là hình thức như đạo từ trong ngày bế giảng của Thượng Tọa Thích Chánh Quả, Viện chủ Long Thọ Thiền Tông.

Thái Hóa Lộc       

Previous
Previous

Kỷ niệm Ngày Quân Lực lần thứ 59 tại Dallas – Fort Worth

Next
Next

Cha Phó Phêrô Đinh Tuyến Viễn của Giáo Xứ Kitô Vua Ft. Worth vừa thoát tai nạn trong ngày Lễ Cha