Lễ Phủ Cờ Cố Trung Úy VNCH Lê Ngọc Khanh
Richardson, TX.- Trong những năm tháng gần đây, chúng tôi đã tham dự rất nhiều tang lễ của các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều gia đình yêu cầu hội đoàn liên hệ với người ra đi tổ chức nghi thức phủ cờ và nhiều gia đình cũng không quan tâm. Những gia đình ủng hộ việc phủ cờ như là một hình thức để vinh danh những người đã khuất, gây một tác động tâm lý cho tang quyến mà còn là vinh danh và lưu giữ hình ảnh lá Quốc Kỳ mãi mãi sống trong cộng đồng người Việt tị nạn. Ngoài ra chúng ta có thể phủ lên quan tài người quá cố lá Quốc Kỳ như để xác minh lý lịch VNCH của họ. Nhưng nếu quý hội đoàn quân đội vì tình chiến hữu, vì lòng mến thương kính trọng người quá cố mà quyết định phủ cờ; chúng tôi xin đề nghị quý vị tìm hiểu thật kỹ các nghi thức cho đúng, và toán danh dự phải tự chăm sóc quân phục và chịu khó bỏ thì giờ tập cho thuần thục để buổi lễ diễn ra nghiêm trang.
Chính điều này, trong nghi thức phủ cờ của Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Đại Học Chính Trị đã thể hiện tinh thần ấy dành cho đồng môn chiến hữu của mình là cố Trung Úy Lê Ngọc Khanh. Ngoài ra chúng tôi cũng ghi nhận tình huynh đệ chi binh với sự hiện diện đông đủ các Quân Binh Chủng của các Hội Đoàn Cựu Quân Nhân tại địa phương như Liên Hội Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa mặc dù Hội Cựu SVSQ/Trường SQCTCT không nằm trong hệ thống Liên Hội CSVNCH/DFW…
Trước khi phủ cờ, CSVSQ Khóa III Trường Đại Học Chiến Chính Trị, cựu Tổng Hội Trưởng Tổng Hội đọc tiểu sử cố Trung úy Lê Ngọc Khanh:
“Cố Trung úy Lê Ngọc Khanh sinh ngày 07 tháng 05 năm 1947 tại làng Quá Giáng, xã Hoe Phước, quận Hoe Vang, tỉnh Quảng Nam. Học sinh trường Kỹ Thuật và Sao Mai Đà Nẵng. Tốt nghiệp năm 1967 và tiếp tục theo học Đại học Huế.
Năm 1968 gia nhập khóa II Cựu SVSQ trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, tốt nghiệp ra trường với câp bậc Thiếu úy hiện dịch phục vụ tại Trung đoàn 47 Sư Đoàn 2 Bộ Binh đồn trú tại Pleiku.
Đầu năm 1973 thăng cấp Trung úy Hiện dịch và thuyển chuyển về Tiểu đoàn 147 Địa Phương Quân tỉnh Quảng Nam giữ chức vụ Đại Đội Trưởng trong Tiểu đoàn này. Tham gia hầu hết các cuộc hành quân ở Tiều khu Quảng Nam ở các quận Quê Sơn, Đức Dục, Duy Xuyên, đã bẻ gãy các cuộc tấn công đặc biệt tại kho xăng Shell dưới đào Hải Vân thu được nhiều chiến lợi phẩm và vũ khí của địch quân.
Sau năm 1975, cũng như tất cả các Sĩ quan Quân Lực VNCH, Trung úy Lê Ngọc Khanh bị Việt Cộng lưu đày từ Nam ra Bắc qua các trại tù khắc nghiệt Yên Báy, Phong Quang, Lào Cay, Vinh Quang, Vĩnh Phú.
Lê Ngọc Khanh kết hôn tháng 5 năm 1975 trước khi vào tù CS. Năm 1990 cố SVSQ Lê Ngọc Khanh định cư tại Mỹ theo diện HO và sống tại thành phố Garland
Cố SVSQ Lê Ngọc Khanh có 2 gái và 1 trai, tất cả đều đã lập gia đình và đủ cháu nội ngoại…” Cố Trung úy Lê Ngọc Khanh ra đi vào lúc 5 giờ chiều ngày 16 tháng 10 năm 2023 đã để lại bao tiếc thương cho gia đình và bạn hữu.
Tiếp theo là Tổng Hội Phó Cựu SVSQ/ĐH/ CTCT đặc trách vùng Tây Nam Hoa Kỳ, Ông Phạm Phú Hoan tuyên đọc lý do phủ cờ cho cố Trung úy Lê Ngọc Khanh.
Vì thời gian dành cho nghi thức tiễn đưa giới hạn, một số phát biểu đã không thực hiện ngoài những đại diện liên hệ trực tiếp như Liên Hội trưởng Trần Văn Ngãi, đại diện vùng Dallas-Houston, đại diện khóa II là khóa của cố Trung úy Lê Ngọc Khanh là cựu SVSQ Trần Đại Hữu…
Rời khỏi nhà quàn Sparkman, vẳng vẳng tôi còn nghe tiếng khóc của chị Lê Ngọc Khanh và nghe bài thơ tiễn biệt của người bạn đồng khóa Nguyễn Bá Thuận tức nhà văn Thảo Nguyên tiễn đưa Nguyễn Trãi 2 Lê Ngọc Khanh do Tổng Hội phó Phạm Phú Hoan đọc lúc cử hành tang lễ:
…Sáu năm chung cuộc đời tù tội
Giờ giã từ nhau ở cuối đường
Dẫu vẫn coi thường cuộc tử sinh
Mà sao ly biết vẫn không đành
Trần gian đêm tối muôn sao sáng
Thêm một vì sao Lê Ngọc Khanh
Kẻ trước người sau cũng tới ngày
….
Trăm năm một giấc Kinh Kha đó
Vẫn để trong tim vẫn nhớ rằng
Tạm biết nhau đây ở cuối đường
Kiếp mai gặp lại giữa quê hương
Muôn dân còn sống đời nô lệ
Chiến sĩ ta đâu ngại gió sương…
Một lần nữa xin chia buồn anh Lê Công Nhạc và chị Lê Ngọc Khanh cùng tang quyến. Nguyện cầu Hương linh người quá cố sớm siêu anh nơi cảnh giới an lạc.
Thái Hóa Lộc