Lễ Tưởng Niệm Giáo Sư Tiến Sĩ Đàm Trung Pháp

Garland, TX.- Trưa Thứ Bảy ngày 18 tháng 12 năm 2021, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas đã tổ chức Lễ Tưởng Niệm Giáo sư Tiến Sĩ Đàm Trung Pháp cũng là vị chủ tịch đầu tiên được sự tín nhiệm của 37 thành viên sáng lập năm 1985.

Sau nghi thức thường lệ chào quốc kỳ Mỹ-Việt và phút mặc niệm do ông Đặng Hiếu Sinh, cựu Sinh viên Sĩ Quan Trường Chiến Tranh Chính Trị điều hợp đã giới thiệu bà Angie Hồ Quang phối hợp viên cho buổi lễ Tưởng Niệm. Người đầu tiên được bà Angie Hồ Quang giới thiệu để trình bày lý do và nguyên nhân Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Dallas tổ lễ truy điệu dành riêng cho Giáo sư Đàm Trung Pháp. Theo như Chủ tịch Jason Lý sở dĩ có buổi lễ Tưởng Niệm hôm nay là vì Giáo sư Đàm Trung Pháp đã từ trần và tang lễ cử hành tại tiểu bang California, Hội đồng Quản trị và cá nhân của ông Chủ tịch cũng thể tham dự được trong khi đó các vị tiền nhiệm đã mệnh chung trước đây như cựu Chủ tịch Vương Sỹ Ích, bác sĩ Trương Ngọc Tích, Phạm Quang Hậu, bác sĩ Phạm văn Chất đều có đến thăm viếng và chia buồn tang gia. Đó là lý do, theo ông Chủ tịch mới có buổi lễ Tưởng Niệm dành cho Giáo sư Đàm Trung Pháp…tại trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas. Ngay sau đó, bà Angie mời ông Chủ tịch và Ban Quản Trị lên bàn thờ với di ảnh của Giáo sư Đàm Trung Pháp niệm hương.

Phần nghi thức chấm dứt khi bà Angie Hồ Quang giới thiệu ông Thái Hóa Lộc báo Người Việt Dallas đọc qua phần tiểu sử Giáo sư Tiến sĩ Đàm Trung Pháp để mọi người biết Giáo sư Đàm Trung Pháp nhiều hơn. Trong phần trình bày mở đầu, ông Thái Hóa Lộc cũng đã xin lỗi đại diện tang gia là ông bà Đàm Trung Thao, bào huynh của Giáo sư Đàm Trung Pháp về những điều ghi nhận qua phần tóm lược tiểu sử chỉ với tính cách khách quan và tôn trọng sự thật.   

Giáo sư Đàm Trung Pháp sinh ngày 01 tháng 01 năm 1941 tại làng Hương Mặc , Phủ Từ Sơn, Bắc Ninh là thứ nam của nhà giáo Đàm Duy Tạo. Cụ sinh năm Bính Thân 1896. Thi Hương Khóa Nhân Tý (1912) nhưng sau chữ Nho bị hủy bỏ và theo học chữ Pháp và trở thành thầy giáo năm 1920. Tuy dạy học Quốc Ngữ và chữ Pháp nhưng suốt đời trau giồi chữ Nôm và chữ Hán và sống trong phong cách của một nhà nho.  

Gia đình giáo sư Đàm Trung Pháp có 5 anh em trai và một chị gái. Theo lời tự thuật của Giáo Sư Đàm Trung Phán hiện sống tại Canada cho biết:” Chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp lan tràn đến làng quê của gia đình chúng tôi tại Bắc Ninh, và cha tôi phải mang anh chị em chúng tôi chạy loạn trên Thái Nguyên, Lúc tản cư này, chính tay cụ đã viết chữ bằng bút chì và hai anh em chúng tôi là Giáo sư Pháp và giáo sư Phán phải “đồ” (tô) lại bằng bút mực cho đúng nét chữ. Chúng tôi phải viết đâu ra đó, nếu không sẽ bị “thước kẻ đánh vào tay!” Ngoài môn toán đố, cụ còn dậy kèm chúng tôi môn Pháp văn, cụ bắt đọc to và thật rõ từng chữ một. Những năm về sau, khi toàn gia đình chúng tôi đã được đoàn tụ tại Hà Nội, cụ thường đọc dictée cho hai anh em chúng tôi viết…

Anh chị em chúng tôi đã phải mất mẹ từ lâu lắm rồi, khi chúng tôi còn nhỏ dại. Mất mẹ, ba anh em trai nhỏ tuổi nhất trong gia đình chúng tôi sống với bố. Chúng tôi được cụ dậy dỗ trong tinh thần Khổng giáo

Gia đình chúng tôi được thực sự sống quây quần hạnh phúc tại Hà Nội từ 1952 đến 1954. Di cư vào trong Nam, cha mẹ tôi hầu như tay trắng vì tất cả  nhà cửa, ruộng vườn đã để lại ngoài Bắc hết. Năm 1955, thân mẫu của chúng tôi đột ngột qua đời tại Saigon khi mới 50 tuổi.

Chính từ sự giáo dục và tình thương của thân phụ mà Giáo sư Đàm Trung Pháp hấp thụ nhiều đức tính đặc biệt từ thân sinh. Theo như giáo sư Đàm Trung Phán kể lại năm 1952-1954 tại Hà Nội là gia đình sống hạnh phúc nhất. Năm 1954 gia đình di cư vào Saigon, Cụ thân sinh của giáo sư Pháp tiếp tục đi dạy tại trường Trung học Gia Long và đến năm 1957 thì về hưu.

Giáo sư Đàm Trung Pháp thì đã xong học xong bậc tiểu học tại Hà Nội, và tốt nghiệp trung học năm 1959 tại Saigon. Ngay sau đó, ông may mắn được học bổng quốc gia du học Hoa Kỳ chuyên về văn chương và ngữ học. Hồi hương năm 1965, ông được Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa thâu nhận vào ban giảng huấn Anh ngữ khoa học tại Đại học Y khoa Saigon cho đến khi ông nhập ngũ vào cuối năm 1966.

Năm 1968, chuẩn úy Đàm Trung Pháp được biệt phái ngoại ngạch về Bộ Giáo Dục và được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung Tâm Thính Thị Anh Ngữ. Năm 1971, Bộ Giáo Dục cho cải tổ toàn diện cơ sở này với tên mới là Trung Tâm Sinh Ngữ đặt trực thuộc Viện Đại Học Saigon, đồng thời bổ nhiệm Giáo sư Đàm Trung Pháp làm Giám đốc Trung Tâm Sinh Ngữ kiêm nhiệm Giảng sư ngữ học Anh tại Đại Học Sư Phạm Saigon cho đến năm 1975.

Tỵ nạn tại Mỹ, ông từng dạy ngữ học tại Texas A & M University và University of Texas at Dallas, cũng như điều khiển chương trình ngôn ngữ thế giới cho Khu Học Chánh Dallas. Từ 2004 đến 2012, ông là giáo sư thực thụ (tenured full professor) giảng dậy ngữ học tại Texas Woman’s University.  Và từ 2005 đến 2011 ông cũng là chủ biên (series editor) của chuyên san về giáo dục ngôn ngữ dưới sự bảo trợ của Liên Viện Đại Học Bắc Texas.

Giáo sư Đàm Trung Pháp đã về hưu từ mùa hè 2012 và được Texas Woman’s University ân tặng tước vị Giáo Sư Thực thụ vĩnh viễn để ghi nhận 14 năm phục vụ hết lòng của ông tại trường đại học này.

Về nghiên cứu và sáng tác, Giáo sư Đàm Trung Pháp đã là tác giả và chủ biên cho trên 10 tác phẩm và tài liệu giáo khoa bậc đại học trong thời gian 1976-2011.

Giáo sư Đàm Trung Pháp cộng tác trong Ban Giáo Sư Viện Việt-Học và là Cố Vấn Viện Việt-Học.
Giáo sư là Chủ Biên trong 3 Giáo sư thành viên thuộc Ban Chủ Biên Tập San Việt Học kể từ tháng Hai, 2018 cho đến tháng Hai, 2021. Sau 3 năm, vì lý do sức khoẻ, Giáo sư Đàm Trung Pháp là Chủ Biên Danh Dự cho Tập San Việt Học cho đến từ trần.

Kính thưa quý vị,

Ngoài lãnh vực nói trên những ngày sống trên đất Mỹ cả cuộc đời giáo sư Đàm Trung Pháp gắn liền với Dallas, Texas từ những ngày đồng hương người Việt địa phương rời rạc cho đến nằm 1984.

Giáo sư Đàm Trung Pháp là một trong 37 sáng lập viên thành lập Cộng Người Việt Quốc Gia Dallas và các Vùng Phụ Cận – Và ông là vị chủ tịch đầu tiên liên tục mặc dù có vài nhiệm kỳ gây sóng gió nhưng vẫn bền vững đến ngày hôm nay. Ông là một người chống Cộng, ông từng tham gia và giữ chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Yểm Trợ Phong Trào Kháng Chiến của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giài Phóng của tường Hoàng Cơ Minh nhưng bản chất nhà giáo khó thích hợp nên không bao lâu ông từ chức…Ông cũng từng là Thừa Tác Viên Thánh Thể tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp một thời gian – Và một điều không ai có thể phủ nhận là mỗi lẫn có một cuốn sách mới ra mắt tại địa phương, Giáo sư Đàm Trung Pháp là một người được yêu cầu “điểm sách”.

Để kết thúc tiểu sử của Giáo sư Đàm Trung Pháp, tôi xin nhắc câu chuyện của Giáo sư Phán kể lại khi giáo sư Pháp xin thân phụ câu đối để treo trong để treo trong phòng làm việc. Tuy đã gần 90  nhưng Cụ vui vẻ tự mài mực Tầu, cắt hai miếng giấy đỏ dài, miệng lẩm bẩm những lời sắp viết. Tay trái cầm kính “lúp” và tay phải cụ xoay xoay ngọn bút lông ưng ý nhất. Cụ viết chậm lắm và nét bút đã run nhiều. Câu đối lấy từ một bài thơ của Trình Hiệu đời nhà Tống:

Vạn vật tĩnh quan giai tự đắc
Tứ thời giai hứng dữ nhân đồng

Ý nghĩa rất hiền hòa, nhân ái: hãy bình thản quan sát để mà thấy mọi vật đều tự đâu vào đó, và trong khắp bốn mùa hãy tìm hứng thú mà giao hảo với tha nhân. Ðó cũng chính là lối sống trong suốt cuộc đời của  thân phụ giáo sư Pháp: Cụ Đàm Duy Tạo và giáo sư Đàm Trung Pháp: một nhà nho, một nhà giáo can đảm, bình thản đã chấp nhận cuộc đời mà mệnh Trời đã định.

Một sự liên hệ đặc biệt giữa Cụ thân sinh là cụ Đàm Duy Tạo Hương Ngạn Đạo Tử và giáo sư Đàm Trung Pháp là cuốn Vân Kiều Đính Giải – Đó là cuốn Di Cảo 579 trang một công trình văn học sâu sắc để đời. Cụ hoàn tất năm 1986 lúc 90 tuổi. Giáo sư Pháp hiệu đính và phát hành năm 2020… Giáo sư Đàm Trung Pháp đã để lại cho hậu thế gia tài văn học cho cộng đồng Việt nam hải ngoại nói riêng và dân tộc Việt nam nói chung. Sở dĩ cụ thân sinh và cá nhân Giáo sư Đàm Trung Pháp rất quan tâm đến tiếng Việt. Theo học giả Phạm Quỳnh nhận định: “Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn.”Theo cái kiểu “sửa chữa” Truyện Kiều như hiện nay ở quê nhà thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ không còn Truyện Kiều, dẫn đến chuyện không còn tiếng ta nữa, rồi bước kế tiếp là không còn nước ta nữa! Thi hào Nguyễn Du và học giả Phạm Quỳnh nơi cửu tuyền làm sao tránh khỏi nỗi đoạn trường khi biết đến điều đau đớn này? Do đó  Giáo sư Đàm Trung Pháp đã mạnh mẽ lên tiếng trong một bài diễn văn  trong Lễ khai giảng khóa tu nghiệp sư phạm các Trung tâm Việt ngữ Nam California ngày 28/7/2017 tại Little Saigon: “Bằng mọi giá, chúng ta phải biết rõ ranh giới giữa tiếng Việt truyền thống và tiếng Việt “đổi đời” tới mức thoái hóa bên quê nhà. Thứ tiếng Việt tồi tệ ấy không thể có chỗ đứng trong các lớp dạy tiếng Việt truyền thống tại hải ngoại ở mọi trình độ.”

Giáo sư Đàm Trung Pháp đã từ trần ngày 2 tháng12 năm 2021 tại thành phố Laguna Woods California – Hưởng thọ 81 tuổi

Trong phạm vi hữu hạn của thế gian với niềm tin cậy vào Chúa Kitô Phục Sinh xin mọi người trong chúng ta tuy không cùng tôn giáo cầu nguyện cho linh hồn Giáo sư Phêrô Đàm Trung Pháp sớm về cõi phúc.

Xin cám ơn ông Đàm Trung Thao đại diện tang quyến, ban tổ chức cho chúng tôi phép chúng tôi sơ lược về tiểu sử một nhà giáo khả kính, một cựu chủ tịch Cộng Đồng Dallas tiên khởi đã nằm xuống.

Chúng ta cùng ngậm lời tiễn đưa của Giáo sư Đàm Trung Phán với Giáo sư Đàm Trung Pháp:

TIỄN ĐƯA

Tiễn anh về lại Cõi Trời,

Còn em ở lại với đời Trần Gian.

Chúc anh cuộc sống an nhàn,

Gặp cha, thăm mẹ, thênh thang cuộc đời.

Mai kia, em mãn kiếp người,

Gia đình đoàn tụ, tiếng cười trao nhau.

Đàm Trung Phán

Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe

Tiếp theo là phần chia sẻ cảm tưởng của những quan khách thân hữu đã từng sinh hoạt Cộng đồng Dallas hay đã từng quen biết, gần gũi với Giáo sư Đàm trung Pháp. Ông Nguyễn Văn Tường cố vấn Ban Chấp Hành Cộng đồng đương nhiệm, nguyên cựu chủ tịch hai nhiệm kỳ trong giai đoạn tậu mãi Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng đã nói về sự gắn bó giữa Giáo sư Đàm Trung Pháp với Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Dallas:

Kính thưa ông Đàm Trung Thao và gia đình, đại diện cho tang quyến

Kính thưa quí vị,

Tiểu bang Texas đã cấp giấy phép hoạt động ngày 26-10-1984 theo đơn xin thành lập Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas và Các Vùng Phụ Cận của 37 thành viên sáng lập và Giáo sư Đàm Trung Pháp được ủy nhiệm là Chủ tịch Cộng Đồng đầu tiên hoạt động căn cứ theo nội quy do ông Nguyễn Rô chịu trách nhiệm soạn thảo cùng với các thành viên sáng lập khác theo qui chế của một tổ chức vô vị lợi 501©(3). Nhưng mãi đên năm 1995 mới được cụ Hồ Kim Thanh thủ quỷ thời BS Trương Ngọc Tích đã nộp đơn  và được chính thức chấp nhận là một tổ chức vô vị lợi 501@(3).

Nội qui đã được tu chính 3 lần vào năm 1987, 1995 và 2016…

Trong danh sách của 37 vị sách lập, sau thời gian dài đã mãn phần, già cả và di chuyển xa, chỉ còn lại 4 người còn được  nhắc đến nhiêu là ông Đỗ Trang Phúc (Grand Prairie), ông Đàm Trung Thao, ông Đinh văn Mễ (Garland) và một người lại ra đi là Giáo  Đàm  Trung Pháp (California) vị chủ tịch Cộng đồng tiên khởi của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas và các Vùng Phụ Cận.

Kính thưa quý vị,

Suy nghĩ của mỗi người trong chúng ta hiện diện hôm nay và đa số đồng hương không có mặt sẽ có thắc mắc: “Cộng đồng tổ chức lễ truy điệu và vinh danh cho Giáo sư Đàm Trung Pháp mà lại không tổ chức cho những vị cựu chủ tịch đã nằm xuống khác như Bác sĩ Phạm Văn Chất, bác sĩ Trương Ngọc Tích, ông Vương Sỹ Ích, ông Phạm Quang Hậu”… Nghi thức này thực sự cần phải được đưa vào bản tu chính nội quy sắp tới. Bởi vì những người đã đảm nhiệm chức vụ này họ đã hy sinh qúa nhiều và quan tâm nhất tới Cộng đồng. Do đó, nhiệm vụ Hội đồng Quản Trị đương nhiệm cần tổ chức lễ truy điệu và vinh danh khi họ nằm xuống…

Hôm nay, chúng tôi làm lễ truy điệu và vinh danh vị sáng lập cũng là chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Dallas đầu tiên bởi từ nhân cách đạo đức đến tinh thần trách nhiệm cho đến ngày cuối đời. Ông là nhân vật chính hoàn tất tu chính nội qui lần thứ 3 năm 2016 mặc dù ông đã rời Dallas về California nghỉ hưu. Ông được sự kính trọng của mọi người ngay cả những người không hài lòng về ông.

Cá nhân chúng tôi đến sau nhiệm kỳ của Giáo sư Đàm Trung Pháp và với 6 năm làm Phó Chủ tịch và 6 năm Chủ Tịch tôi đã có dịp là làm việc chung với GS Pháp nên chúng tôi đã đồng hành phục vụ Cộng Đồng với nhau một cách chân tình.

nhưng tôi đã nhận ra sự quan tâm của ông về sự phát triển và xây dựng cộng đồng Người Việt Quốc Gia Dallas càng ngày . Ông trở thành vị cố vấn đầu tiên theo tinh thần nội quy dành cho các vị chủ tịch cộng đồng tiền nhiệm.

Thời gian đã thay đổi, thế hệ thứ nhất của Giáo sư Đàm Trung Pháp, cá nhân tôi sẽ đi vào dĩ vãng. Chúng ta phải hãnh diện những gì thế hệ đi trước đã để lại, một ngôi nhà mang tên Việt Nam mà chúng ta có mặt hôm nay để tưởng niệm một người đã có công đóng góp, xây dựng. Truy điệu và vinh danh Giáo sư Đàm Trung Pháp là thể hiện truyền thống của người Việt Nam: “uống nước nhớ nguồn”.

Xin cám ơn ông Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas Jason Lý, Hội đồng Quản Trị, Ban Giám sát và Hội Đổng Cố Vấn đã cho chúng tôi cùng góp phần đóng góp một buổi tổ chức thật ý nghĩa và cảm động hôm nay.

Xin cầu nguyện linh hồn Giáo sư Đàm Trung Pháp sớm được hưởng nhan thánh chúa – Chúng tôi cũng chân thành chia buồn với tang quyến...

Bà Jennifer Nguyễn, bà Angie Hồ Quang, bà Đỗ Như Tuyết, bà Trần Thủy Tiên, bà Nguyễn Thái Thủy, ông Trần Đại Trung, ông Lê Thanh Liêm Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ, ông Huỳnh Kim Hiếu, bà Thu Nga, ông Đặng Hiếu Sinh và người bạn Mỹ lâu năm của Giáo sư Đàm Trung Pháp là ông Ennie Howard. Những kỷ niệm, những tình cảm được bộc lộ thật chân tình. Cùng một nhận định về tính tình cá biệt của Giáo sư Đàm Trung Pháp, bà Angie Hồ Quang nhận xét tất cả mọi người quen với Giáo sư Đàm Trung Pháp đều “dễ thương” (nhưng nói vậy không phải vậy) – Bà Nguyễn Thái Thủy thì bộc trực hơn “Giáo sư Đàm Trung Pháp là người ba phải”-

Theo nhận định riêng của bà Angie Hồ Quang, người làm cộng đồng “ăn cơm nhà vác ngà voi” không phải dễ phải “tránh gai” và “không nên nhổ gai” trong con được phục vụ. Nếu muốn xây dựng cộng đồng trong sự tương nhượng hòa hoãn phải phải “TINH THẦN ĐÀM TRUNG PHÁP”.

Trong chương trình tưởng niệm, đặc biệt cho không khí nhẹ nhàng hơn, cô Đức Hạnh đã trình bày ba ca khúc xen kẽ làm cho tâm hồn người tham dự cảm thấy gần gũi tha thiết hơn, đó là nhạc phẩm Phù Vân Kết thúc phần phát biểu cảm tưởng của thân hữu, cháu trưởng nam ông Đàm Trung Thao là Đàm Hiếu Vinh thay mặt tang gia đọc lời cảm tạ từ bà quả phụ Đàm Trung Pháp và tiếp theo là vài mẫu chuyện ông Đàm Trung Thao kể lại về cuộc đời lúc khởi đầu định cư ở Mỹ của Giáo sư Đàm Trung Pháp.

Chương trình lễ tưởng niệm chấm dứt sau phần niệm hương của các quan khách và thân hữu…lúc 2 giờ chiều với bài hát “Lặng” của cô Đức Hạnh.

Thái Hóa Lộc

Previous
Previous

TT Donald Trump /BLG Bill O’Reilly và “Chuyến Du Thuyết Lịch Sử” 2021

Next
Next

Dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy sẽ không tái tranh cử