Mừng sinh nhật lần thứ 95 của nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh với tập thơ mới nhất “Hoa Tình Yêu Vẫn Nở”

Thái Hóa Lộc

Bẵng đi một thời gian khá dài từ ngày giã từ Hội Người Việt Cao Niên Dallas với nhiều nhiễu nhương; nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh hoàn toàn sống với gia đình con cháu không xuất hiện trong các sinh hoạt cộng đồng và văn đàn hải ngoại…

Ngày tháng qua mọi người quen biết thân tình với ông cũng không biết cuộc sống của ông như thế nào! Cách đây hơn một tháng, tình cờ tôi nhận điện thoại từ xa của một bạn của ông, bà tự giới thiệu là Phạm Lê, bạn của nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh muốn tìm để biết tình trạng sức khỏe, đời sống hiện tại của ông. Tôi thành thật xin lỗi là cũng như bà, đã từ lâu tôi không có dịp gặp lại nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh, sau hơn 5 năm về trước khi ông giã từ chức vụ Hội trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas. Tuy nhiên tôi hứa sẽ tìm mọi cách để liên lạc gia đình hoặc người thân quen thăm hỏi tình trạng sức khỏe nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh. Tôi đã trực tiếp liên lạc với bà Trần Thủy Tiên, Hội trưởng kế nhiệm ông Lê Quang Sinh và đương nhiệm Hội Người Việt Cao Niên Dallas. Thời gian chờ đợi chưa có kết quả thì tôi nhận được điện thoại của cô Trang là ái nữ nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh xin địa chỉ của vợ chồng tôi mời tham dự mừng sinh nhật lần thứ 95 của thân phụ và cũng là dịp giới thiệu tập thơ mới của nhà thơ mang tên “ Hoa Tình Yêu Vẫn Nở” được tổ chức tại nhà hàng Golden Joy, chủ nhật ngày 24 tháng 9 năm 2023…

Tôi vô cùng xúc động nhìn lại ông qua cái nắm tay và ánh mắt nhưng không nghe chính ông nói một lời nào trên chiếc xe lăn được người nhà đưa vào trong chiếc bàn dành cho gia đình thân quyến…Nhiều người đến hỏi thăm, tôi cố gắng quan sát và theo dõi “nhất cử nhất động” của ông nhưng hình như tôi chưa nghe bất cứ một sự nào mở lời ngoại trừ nụ cười dấu kín trên khuôn mặt ông! Sự năng động và hoạt bát trong đám đông ngày nào của ông không còn nữa. Thời gian và tuổi tác đã đánh mất tất cả, một con người quá nhiều thăng trầm trong cuộc sống như ông. Tuy nhiên, trong không khí của ngày mừng sinh nhật qua ánh mắt và nụ cười mọi người đều vui với sự tiếp đón nồng hậu của ái nữ của ông cô Thu Trang và phu quân cũng như gia đình thân quyến từ các nơi xa về.

Dù là tiệc sinh nhật có tính cách riêng tư nhưng bản chất là người lính, gia đình và cá nhân ông không thể nào quê lá cờ tổ quốc – cờ vàng ba sọc đỏ - lá cờ Mỹ quốc đất nước cưu mang ông và những người đồng đội đã hy sinh vì đất nước; ban tổ chức đã không quên nghi thức chào quốc kỳ Mỹ - Việt và phút mặc niệm. Tôi biết ông muốn đứng dậy nghiêm trang với mọi người trong buổi tiệc như mọi người nhưng tuổi tác và sức khỏe không cho phép ông như ngày nào! Ông được các con cháu lên sân khấu chung quanh là những người thân để mọi người mửng sinh nhật lần thứ 95, và thủ tục cuối cùng là cắt bánh sinh nhật trước khi được con cháu đẩy chiếc xe lăn ra cửa. Ông không để lại một lời từ biệt, tôi ngậm ngùi nhìn theo qua bờ vai nhỏ hẹp của ông cho đến khi hình bóng khuất sau khung cửa..

Các cháu tặng hoa mừng sinh nhật ông

Nhìn ông thật kỹ để nhớ lại một thời của Lê Quang Sinh ngày xưa không thể không chua xót khi nghĩ về một Lê Quang Sinh qua nhà thơ Túy Hà trong lời tựa tập thơ “Hoa Tình Yêu Vẫn Nở”: “Người thơ Như Hoa Lê quang Sinh trước hết là một người lính đã chạm mặt gai góc một thời binh lửa cho đến giờ thứ 25 bi uất vẫn theo anh trên những dặm đời. Vẫn còn nguyên dũng khí của người trai thời tao loạn. Chiến chinh là nỗi ám ảnh canh cánh bên lòng nhưng không rời xa thực tế. Người thơ không ngừng nuôi dưỡng tâm cao chí cả của mình cho dù là lời tự thán thì vẫn nồng nàn son sắt, chân chất tận tình luôn trung thành với lý tưởng bất kể hoàn cảnh nào:

Vàng đá một phen thử thách đời

Sinh kỳ tử định mệnh trời thôi

Trang hào kiệt đến hồi suy vận

Tuấn khí hùng anh vút tận trời

Chiếc Bánh sinh nhật thứ 95

Buổi tiệc mừng sinh nhật nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh hoàn toàn khác những buổi tiệc sinh nhật khác – Vui – Buồn lẫn lộn với nhân tình thế thái. Nhìn những khuôn mặt tham dự hôm nay ngoài thân nhân và gia đình. Những người khách mời “đặc biệt” ngoài các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, truyền thông như Dương Thượng Trúc, Hà Linh Bảo, Như Phong, Mỹ Nhung, Mộng Tuyền, Thu Nga, Liên Bích…Thái hóa Lộc, ngoài ra có một số khách mời là thành viên hội Người Việt Cao Niên Dallas trước đây với nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh. Đặc biệt hơn có sự hiện diện của Thầy Thích Mật Hạnh đến từ Houston và ông Trần Thái tân Liên Hội Trưởng LH.CSVNCH/DEW. Những người từ xa như nhà thơ Dương Thượng Trúc, Hà Linh Bảo, Mộng Tuyền, Mỹ Nhung, Hoàng Lan, Lê Sơn đã đóng góp nhiều trong việc tổ chức ngày sinh nhật được gia đình tặng hoa cảm ơn…

Nhà thơ Hà Linh Bảo lược qua tiểu sử, nhà thơ Dương Thượng Trúc nhắc lại hoạt động và kỷ niệm về nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh. Còn nhà thơ Mỹ Nhung cũng có đôi dòng cảm nghĩ về nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh: “Đây là lần thứ hai sau năm năm tôi được vinh dự mừng sinh nhật chín mươi năm của nhà thơ Như Hoa.

Thật lòng mà nói dưới cái nóng hơn trăm độ của xứ Houston này không ai muốn ra khỏi nhà và không muốn làm điều gì cả. Nhưng khi nghe Thu Trang  - con gái của nhà thơ gọi, Trang nói: Cô ơi cô viết ít dòng mừng sinh nhật 95 của Ba cháu.

Nghe thế, lòng tôi còn nóng hơn tia nắng hè. Dù chưa biết viết gì nhưng lòng quý mến và sự cảm phục đối với nhà thơ đã hằng ấp ủ trong tim tôi từ khi biết ông qua Cụm Hoa Tình Yêu. Nên tôi không ngần ngại viết vài dòng tâm tình với Bác.. Tôi hỏi thăm nghe Thu Trang nói B1c còn khỏe và minh mẫn lắm, đó cũng là ước nguyện của riêng tôi cũng như bao nhiêu người yêu mến Bác.

Tôi thiển nghĩ mình không đủ chữ nghĩa viết về nhà thơ cổ thụ tài hoa này. Nhưng có một câu hỏi làm tôi luôn suy tư. Có phải hồn thơ và sự kết nối các nhà thơ trên thế giới lại với nhau là phương thuốc trường sinh kỳ diệu cho sức khỏe và tuổi đời của Bác. Tôi tự hỏi và cũng tự trả lời rồi.

Hôm nay nhân sinh nhật thứ chin mươi lăm của Nhà thơ, xin mạo muội gửi chút tâm tình mộc mạc thay lời chúc thọ Hoa Tình Yêu Vẫn Nở với đời.

Em muốn tôi viết đôi dòng tặng Bố

Trả lời em tôi biết viết gì đây Tôi vẫn biết hoa tình yêu vẫn nở

Tỏa sắc hương ngào ngạt khắp Đông Tây

Tôi muốn viết những vần thơ diễm tuyệt

Để kính dâng người Thi Sĩ Tài Hoa

Nằng gió thời gian không hề phai nhạt

Cụm Hoa Tình hương sắc vẫn bay xa…

Mỹ Nhung      

Khi nói về nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh đã được nhiều người nhắc đến về con người tài hoa có thể nói là văn võ song toàn. Trong số những người đó, ngày nay không còn nữa như Giáo sư Đàm Trung Pháp, người đã giới thiệu cuốn sách “Trai Thời Chiến” 10 năm về trước.

Giáo sư Đàm Trung Pháp đã ví tinh thần của nhà thơ Lê Quang Sinh như lời Thống tướng 5 sao Douglas MacArthur đã hãnh diện tuyên bố trong bài diễn văn giã từ vũ khí sau 52 năm quân vụ, trước lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ năm 1951: “Những chiến sĩ già không bao giờ chết cả; họ chỉ mờ dần đi mà thôi” (Old soldiers never die; they only fade away). Câu nói để đời đó của vị danh tướng Hoa Kỳ cũng thấy đã được thể hiện trong cuộc đời người cựu chiến sĩ nay vừa tròn 85 tuổi Lê Quang Sinh của chúng ta. Từ 20 năm nay, nơi đất khách anh đã ấp ủ và thực hiện nguyện ước đóng góp tích cực vào lý tưởng bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa quê mẹ bằng phương tiện thi ca. Tôi thấy anh đã đi được một chặng đường rất dài, anh đã thành công, anh có quyền hãnh diện…”.

Với nhà văn T. Vấn, người bạn tù Vĩnh Quang thuộc tỉnh Vĩnh Phú, vùng trung du nổi tiếng với những đồi trà bát ngát và dãy núi Tam đảo. Ông ở đội 14 Nông nghiệp gồm phần lớn các sĩ quan cấp tá. Tôi ở đội 8 Nông nghiệp kiêm Văn nghệ gồm phần lớn sĩ quan cấp uý. Năm ấy, ông ở vào khoảng tuổi “tri thiên mệnh“. Nay ông đã “thất thập cổ lai hy“. Năm ấy, tôi vẫn còn “nhi lập“, mà nay đã là “tri thiên mệnh“. Thời gian như bóng câu. Thấm thoát đã hơn 20 năm. Dài hơn cả quãng đời 15 năm lưu lạc của nàng Kiều. Thế mà đã 20 năm rồi ư? Tôi ngậm ngùi tự hỏi khi cầm tập thơ “Chuyện ngày xưa” ông gởi tặng. Tôi có một thói quen. Khi cầm một quyển sách hoặc tờ tạp chí, tôi chỉ thoáng lướt qua tờ bìa hoặc trang nhất, rồi lật ngay qua bìa sau hoặc trang cuối. Đoạn trích bài tựa in ở bìa sau tập thơ làm tôi bùi ngùi: “Cuộc đời phù du dâu bể, vật chất phù vân sớm về tối đi, phải chăng chỉ còn lại chút tình cho người, cho ta. . .“. Tôi nhắm mắt lại. Thoáng trong trí tôi một câu văn đọc đâu đó. Đại ý về những ngày xa xưa thật xưa. Người viết muốn được ai đó cầm bút ghi lại. Kẻo mai này … trí nhớ tiêu hao.

Kẻo mai này trí nhớ tiêu hao. Ôi kiếp người còm cõi. Suốt đời là một kiếp tha hương. Bao nhiêu năm lưu đầy quê nhà và còn bao nhiêu năm nữa lưu đầy quê người. Có vui chăng chỉ là một chút tình cho người … cho ta … để:

” Mơ thấy dáng em tuổi dậy thì

Gío xuân tha thướt tà áo Việt

E lòng còn nặng cánh chia ly.”

( Tết Ca Li – Như Hoa )

Ông viết bài thơ này vào tháng 4 năm 1974 tại Monterey. Ông không biết rằng, chỉ đúng một năm sau thôi, là chiến tranh sẽ chấm dứt (một cách tức tưởi). Và ông sẽ bị ném vào trại cải tạo. Và chân ông sẽ bước thấp bước cao, không phải ở “cuối đường Fremont chạy dài ra bể “, mà là trên khắp các nẻo đường quê hương, với:

Mùa đông gió rít lạnh

Nắng hè cháy thịt da

Đất cày lên sỏi đá

Khoai sắn chẳng no lòng”

(Mảnh đất tình quê – Như Hoa)

Tôi chợt nhớ những đồi trà mênh mông dưới chân rặng Tam Đảo. Tôi chợt nhớ những đồi khoai mì bát ngát bao bọc lấy khu trại Vĩnh Quang. Những buổi chiều cuốc đất trên đồi vời trông về một miền cố hương xa tít. Thèm một bữa ăn no. Thèm một chén trà nóng. Thèm một đôi bàn tay mềm mại. Chỉ cầm thôi để nghe mềm nhũn cả châu thân. Trời cuối tháng mười se se lạnh. Thỉnh thoảng những cơn mưa nhẹ chỉ đủ làm ướt áo. Tấm áo vá của muôn ngàn nỗi đau. Ôi mùa thu đất Bắc. Đẹp biết bao trong văn thơ hoài cổ nhưng cũng ảm đạm biết bao cho những thân phận lưu đầy. Nhưng ở ông, những điều tưởng chừng như sẽ để lại vết hằn rất sâu trong tâm hồn nhậy cảm của ông, lại được hóa giải một cách rất nhẹ nhàng, như nụ cười ông, như giọng nói ông:

” Vận nước nổi trôi

Chí trai không tròn

Tôi đi tù

Mẹ gìa không nơi nương tựa. “

(Mẹ tôi – Như Hoa)

Thời gian tôi gần gủi ông cũng vài năm. Nhưng trong trí nhớ còm cõi của tôi, tôi không moi ra được cái hình dung về khuôn mặt ông lúc giận dữ. Dù rằng, tôi biết ông có nhiều điều để giận dữ. Tôi chỉ còn nhớ được nụ cười hiền và nét đăm chiêu.

Tuy ông là người lúc nào cũng cười, dù trong những năm tháng đáng khóc nhất, nhưng ông lại ngạc nhiên khi thấy người con gái yêu của mình lúc nào cũng … cười:

“Đói khổ và bất hạnh

Cớ sao cô lại cười

Nào ai trả lời đặng

Riêng chỉ nàng biết thôi.”

(Nụ cười – Như Hoa)

Đọc lại thư mời của ái nữ nhà thơ: “Trân trọng kính mời tham dự sinh nhật của ông Như Hoa Lê Quang Sinh. Cũng nhân dịp này, nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh sẽ giới thiệu tập thơ mới nhất của ông, mang tựa đề: “Hoa Tình Yêu Vẫn Nở”. Thật sự đây không phải là tập thơ với những sáng tác mới nhất mà đã được xuất bản trước đây của nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh. Nhưng đó là những gì của Tình Yêu Thương người con tên Thu Trang đối với người cha Lê Quang Sinh. Tình thương vẫn nở mặc dù bây giờ vợ chồng cô ở xa từ xứ lạnh MN và đến ngày 4 tháng 10 trở về mái ấm gia đình của chính cô…Chữ Hiếu của cô Thu Trang và muốn tạo điều kiện cho người Cha thân yêu được nhìn thấy tuyển tập thơ cuối cùng làm sống lại cuộc đời yêu thơ – yêu chữ nghĩa và tình yêu ấy bất diệt – Chữ Hiếu của Thu Trang không thay đổi như Hoa Tình Yêu Vẫn Nở nơi nhà người Cha của cô: “Thi tập này là lửa đam mê, tình hy vọng trong suốt bốn năm qua của một người đã thủy chung với thi ca chữ nghĩa.

Long-Thu Trang, hai người chính tổ chức ngày sinh nhật cho thân phụ và nhạc phụ

Là Thân phụ tôi Như Hoa Lê Quang Sinh – Với tất cả tâm thành tri ân, các con cháu gôm thơ kết thành Hoa Tình Yêu dâng tặng Thân phụ nhân ngày sinh nhật 95 năm Hoa nở với đời. Để không phụ lòng người đã dốc tròn tâm huyết thực hiện mơ ước cuối cùng này như một chút gì gửi lại cho đời sau.

Sách, chữ và tuổi thọ của người đồng hành dài lâu cùng còn cháu.

Long -Trang Lê cẩn bút”

Đặc biệt hơn nữa tham dự tiệc sinh nhật 95 của nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh ngoài sự tiếp đón thân tình nồng ấm mặc dù rất ít người thân quen – Mỗi khách mời được tặng tuyển tập thơ “Hoa Tình Yêu Vẫn Nở” và người nhà không nhận bất cứ món quà nào của khách tham dự…

Buổi tiệc chuẩn bị bắt đầu, bên ngoài đang nắng bỗng nhiên cơn mưa đá kéo đến, một số người ra ngoài trong lòng mọi người đều lo lắng cho những chiếc xe mới có thể bị ảnh hưởng. Nhưng đâu có ai biết được thời tiết – nắng mưa – mới đó đã thay đổi như cuộc đời của mỗi con người… Như nhà thơ Lê Quang Sinh ngày xưa và ngày nay hình hài đã đổi khác…   

 “Cuộc đời phù du dâu bể, vật chất phù vân sớm về tối đi … ” Hay nói một cách khác, cuộc đời vốn bấp bênh. Mới đó mà đã mất tăm. Mới đó mà đã biền biệt. Còn chút tình nào cho nhau, xin hãy cho ngay hôm nay. Đừng nấn ná chờ đợi. Kẻo đến một lúc nào đó … qúa muộn. Tuổi ông đang mấp mé bên bờ tử biệt. Mà hình như tôi cũng vậy. Nào ai biết được, khi buổi sáng thức dậy không còn biết trước hiên nhà có vuông nắng ngọt ngào, nhìn thấy mà thèm sống đến muốn … chết được. Hay một buổi sáng không còn thức dậy được nữa. Mà đã lặng lẽ một mình về cõi quạnh hiu. Cái bến bờ hiu quạnh ấy ai cũng sẽ một lần qua, nhưng bởi không biết bao giờ nên cuộc đời này vẫn còn được chút niềm vui…

(T.Vấn)

Thầy Thích Mật Hạnh và Báo Người Việt Dallas

Lời cuối xin chân thành cảm ơn vợ chồng Long- Thu Trang đã cho chúng tôi tham dự một ngày vui đặc biệt nhân ngày sinh nhật phụ thân – Nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh. Kính chúc ông sống vui và hạnh phúc trong những ngày còn lại…

Cùng hát trước khi chia tay

Previous
Previous

Lễ Húy Nhật Đức Phật Thầy Tây An năm thứ 167  

Next
Next

Lễ tết trung thu tại Asia Times Suare