Ngày sinh nhật dễ thương
Kim Dinh
Tôi không nhớ biết cô Mễ từ lúc nào nhưng trong cuốn album ngày cưới của vợ chồng tôi có tầm hình kỷ niệm cô chú còn lưu lại. Tính đi tính lại lúc bấy giờ cô Mễ gần đến tuổi “thất thập” nhưng còn rất “duyên dáng của cô gái đất Thần Kinh”. Thời gian thấm thoát gần hai mười hai năm rồi còn gì! Tôi đã bước vào tuổi sáu mươi cũng thuộc vào hạng cao niên huống chi cô Mễ bước vào tuổi 90…Tôi thử nhẩm lại, tìm về quá khứ những sự liên hệ bắt nguồn từ đâu mà giữa tôi và cô Mễ có được sự gần gũi như một người thân trong gia đình để lọt vào danh sách được 5 người con gia đình chọn tham dự ngày Sinh Nhật thứ 90 bất ngờ và dễ thương của cô…
Tôi chắc chắn một điều, sự quen biết vợ chồng tôi với vợ chồng cô chú Mễ từ chồng tôi; anh ấy sinh hoạt cộng đồng và cũng là người làm truyền thông thì sự quen biết với nhiều người không có gì lạ. Nhưng một điều đặc biệt mà tôi muốn nói là tại sao sự liên hệ trở thành gần gũi và mật thiết? Tôi được chồng tôi kể lại rằng: “Ngay tại quê chồng tôi thuộc thôn Phụ Ngọc, xã Nhơn Phúc, Quận An Nhơn tỉnh Bình Định có một người ở sát cạnh nhà tên Nguyễn Văn Ngãi. Anh này hoàn toàn không biết chữ nhưng rất khỏe mạnh như một đô vật. Anh Ngãi tới tuổi phải đi quân dịch. Sau khi rời quân trường ra đơn vị và làm cận vệ cho chú Đinh Văn Mễ. Những ngày rã ngũ tan hàng, anh Ngãi vẫn còn theo làm cận vệ cho Trung tá Mễ. Khi anh thấy một số sĩ quan cao cấp rời đơn vị tìm tàu vượt biên, anh Ngãi đã báo ngay cho chú Mễ biết. Chính vì vậy, gia đình chú Mễ đã đến Mỹ năm 1975. Còn riêng anh Ngãi từ chối theo gia đình chú Mễ vì anh còn vợ con ở Bình Định Sau khi gia đình chú Mễ ra đi, anh Ngãi mới từ Long An trở về quê hương Bình Định của mình …”. Chú Mễ quá nhiều gắn bó với quê hương Bình Định của chồng tôi, nhất là thời gian giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Bình Định cũng như người cận vệ cùng sống chết với mình. Sau khi chồng tôi cho cô chú Mễ biết sự liên của gia đình chồng tôi với anh Ngãi, cô chú Mễ đều gửi tiền về Việt Nam giúp cho gia đình anh Ngãi. Từ nghĩa cử này, vợ chồng tôi càng quý cô chú Mễ hơn…
Thời gian qua đi và tuổi đời chồng chất. Bệnh tật đến với chú Mễ sớm hơn, từng ngày chú càng yếu dần và cũng từ đó vợ chồng tôi vẫn thường đến thăm cô chú nhiều hơn nhân tiện gửi tờ báo chú đọc cuối tuần cho khuây khỏa. Thời gian ban đầu mỗi khi ghé thăm, tôi thấy chú Mễ phụ giúp chút đỉnh nhưng về sau này chỉ thấy chú nhìn cô Mễ làm việc nhưng tôi biết trong lòng chú không vui. Bởi chú thương cô nhiều và không muốn cô làm lụng vất vả nhưng ngược lại đối với cô công việc là giúp cô vui với việc làm và cho đến tuổi 90 cô vẫn tiếp tục không ngưng nghỉ…Tôi bổng nhớ những lần trước đây, tôi chưa quen thân nhiều với cô chú Mễ. Nhiều người hỏi thăm tôi có biết bà Mễ chuyên nhận làm thức ăn cho các buổi tiệc trong gia đình, tôi cứ tưởng bà Mễ là bà người Mễ Tây Cơ không ngờ cô Mễ nhỏ nhắn dễ thương nhưng lại có sự chịu khó suốt đời tận tụy cho chồng con và các cháu…Hình ảnh cô Mễ ám ảnh trong tâm trí tôi nhất là những lúc sau này. Nỗi vui vui mừng và xúc động mỗi khi tôi ghé thăm. Từ ngày chú mất, nỗi buồn càng chồng chất, và sự cô đơn như quanh quẩn trong căn nhà quá nhiều kỷ niệm với người chồng đầu ấp tay gối của mình. Tôi đã tìm thấy những giọt lệ vô tình khi vòng tay của tôi ôm lấy cô. Một sự ấm áp như một người mẹ như thấm vào da thịt tôi để mơ hồ tôi biết thế nào tình mẹ mà mẹ tôi mất đi khi vừa chập chững biết đi. Cả vợ chồng tôi đều mất mẹ từ nhỏ nên chúng tôi rất yêu thương những người mẹ suốt đời vì chồng và con.
Có thể nói trong suốt cuộc đời tôi, lần đầu tiên tham dự một ngày sinh nhật 90 rất dễ thương của cô Mễ vào chiều Thứ Bảy tuần qua. Tình yêu thương mẹ của 5 người con gồm 2 trai và 3 gái. Một sự bỡ ngỡ và bất ngờ của một bà cụ 90 không khác gì một cô nữ học sinh Đồng Khánh ngơ ngác trong buổi học đầu tiên. Hình ảnh ấy tôi lại bắt gặp trong một đoạn ngắn ghi lại lúc cô Mễ về thăm lại trường cũ. Một cụ già gần 90 nhìn vào phòng học cũ cũng e ấp thẹn thùng sợ người khác bắt gặp. Tôi biết lúc bấy giờ cảm giác của cô như trở về quá khứ của hơn 70 năm về trước. Ngày ấy chắc chắn chưa biết yêu là gì cho đến ngày gặp người Sinh viên Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt tại Saigon; cô Mễ cũng chỉ gần đôi mươi!
Tôi không thích tham dự những buổi tiệc sinh nhật và cá nhân tôi cũng chưa tổ chức sinh nhật cho mình lần nào. Nhưng khi tham dự ngày lễ sinh nhật Thượng Thọ 90 của cô Mễ tôi cảm thấy như đã xem một phim cổ tích về người Mẹ và tình thương của những người con dành cho Mẹ. Những câu đố vui “có thưởng” gợi nhớ về người Mẹ của mình không do chính các người con mà chính những người thương yêu Mẹ mình ghi lại! Những cảm xúc dạt dào làm cho tôi liên tưởng đến nhiều câu chuyện về người Mẹ mà tôi đã đọc qua: “Dưới mái tranh nghèo, đêm đêm Mẹ thức khâu cho con chiếc áo, truyền cho con hơi ấm tình yêu thương. Lời ru của mẹ văng vẳng bên tai, cánh võng đung đưa, tiếng ru à ơi cho con giấc ngủ say. Mẹ nào nghĩ đến hạnh phúc của của riêng mình, mẹ chỉ mong cho con của mẹ được say giấc nồng là mẹ đã vui lắm rồi. Áo mẹ đã sờn nhưng mẹ chỉ may áo mới cho con. Mẹ vui biết mấy khi môi con mỉm cười..
“Đêm thức thâu đêm, mẹ may chiếc áo cho con
Áo nào sờn vai, lời ru theo tháng năm dài
Từng lời ngọt ngào à ơi bên mái tranh đầy yêu thương
Chúm chím môi cười, mẹ vui biết mấy con ơi”
Lòng Mẹ thương con như biển hồ lai láng. Mai khôn lớn, biết đến bao giờ con mới đền đáp hết công ơn bao la của Mẹ?
Mẹ nuôi con bằng những bữa cơm giản dị, đó chỉ là những ngọn rau dền, những đọt mồng tơi cùng mắm muối dưa cà, nhưng chứa chan trong đó là biết bao tình yêu thương của Mẹ. Tuy cơ hàn, vất vả nhưng Mẹ thấy vui vì con lúc nào cũng có con ở bên Mẹ. Và khi con lớn khôn lại bỏ sau lưng người Mẹ hiền một đời vất vả vì con. Tháng ngày quạnh hiu Mẹ mong gặp lại đứa con yêu dấu. Mẹ lại muốn nghe tiếng con khóc lúc ban sơ để mẹ được ầu ơ câu hát, được lúc lắc chiếc nôi, được nhìn thấy con ngủ ngoan trong chiếc chăn ấm cúng. Mẹ chờ đợi trong bao hi vọng được thấy mặt đứa con xa quê mà mẹ đã chắt chiu từng giọt sữa, từng giọt mồ hôi để nuôi con khôn lớn mà thôi. Ước mơ ấy đâu quá cao xa, nhưng sao con vẫn chưa về. Phải chăng vì đã khôn lớn mà không còn nhớ Mẹ?
Nắng mưa sương gió đã thay màu tóc Mẹ, giờ chỉ mình mẹ quạnh hiu bên mái tranh nghèo, Mẹ chỉ biết nhờ bầu trời xanh nhắn giùm cho Mẹ với đứa con. Nỗi buồn của Mẹ dường như quá lớn. Con chim trên cành đã thôi không hót nữa, nó đau lòng vì thấu hiểu nỗi buồn của Mẹ. Nếu đứa con xa quê thấy được cảnh tình này chắc cũng sẽ dừng bước lãng du mà quay về bên Mẹ…”.
Trong cuộc sống đời thường, tôi đã thấy và chứng kiến người Mẹ 12 người con nhưng chết một mình cô đơn lạnh lẽo! Tôi chạnh lòng nghĩ đến Mẹ tôi, người Mẹ mà chưa hình dung được vì lúc người ra đi tôi chưa biết gọi được tiếng Mẹ ơi!
Tôi biết trong không khí ấm áp tràn ngập tình thương của các cô Mễ dành cho cô nhưng cũng còn nhiều...Người mẹ tóc bạc, mang nhiều bệnh tật đôi khi lại rơi nước mắt nghĩ đến thân phận mình, ngồi một mình một bóng nghe tiếng mưa, nghe lời ru tha thiết như tiếng lòng của chính mình như trong ca dao: “Ầu ơ..., ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời”
Còn rất nhiều người Mẹ chẳng còn đủ thời gian để dắt các con đi qua muôn vàn chiếc cầu tre lắc lẻo trong cuộc sống này ..
Tiếc thay, không hiểu vì lý do gì, bây giờ rất hiếm khi nghe được lời ru con từ các bà mẹ trẻ, nếu có, thì cũng là những bài hát ru được tải trên mạng xuống rồi phát qua điện thoại cho con mình nghe.
Cảm ơn Lâm, Quy, Anne, Trinh và Sơn cùng gia đình đã cho vợ chồng chị tham dự một buổi lễ Sinh Nhật Thượng Thọ 90 nhiều ý nghĩa của thân mẫu và xin chúc Cô Mễ luôn luôn sức khỏe-bình an bên các con cháu yêu thương của mình!
Kim Dinh