Nhà Thơ, nhà đấu tranh Thi Vũ Võ Văn Ái từ trần tại Paris, Pháp Quốc
Nhà Thơ, nhà đấu tranh Thi Vũ Võ Văn Ái, pháp danh Nguyên Thái, sinh ngày 19 tháng 10 năm 1935 tại Việt Nam từ trần ngày 26 tháng 1 năm 2023 tại Paris, Pháp quốc, hưởng thọ 88 tuổi
Thi Vũ Võ Văn Ái là nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo. Cuối năm 1975 tại Paris, sáng lập và Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và đã là Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Giáo hội bị đàn áp tại Việt Nam.
Từ năm 1964, đại diện cho GHPGVNTN trên thế giới để nói lên quan điểm nhân quyền, dân chủ và hòa-bình- không-Cộng-sản của Phật giáo trong bối cảnh mà phong trào phản chiến khuynh tả quốc tế chỉ ủng hộ cho cuộc nội chiến do Hà Nội lãnh đạo. Thành quả là đã tạo được một phong trào hòa bình thế giới ủng hộ cho nhân dân Miền Nam thay vì chỉ ủng hộ Bắc Việt vả Mặt trận Giải phóng Miền Nam, một công cụ của Đảng bộ cộng sản miền Nam.
Sau năm 1975, ông Võ Văn Ái đóng vai trò tiên phong trên trường quốc tế để nói lên thảm trạng nhân quyền, đàn áp tôn giáo, tù nhân Cải tạo và người Vượt Biển, được báo chí Âu Mỹ đăng tải như những thông tin duy nhất thời bấy giờ. Bức thư ngỏ gửi ông Phạm Văn Đồng tháng tư 1976 đã biến chuyến công du Pháp của ông Đồng thành cuộc tra vấn của báo chí Pháp về Trải Cải tạo. Cuộc họp báo đầu tiên do Quê Mẹ tổ chức tại Paris ngày 28.5.1978 thu hút 60 ký giả, tuyền hình, truyền thanh Âu, Mỹ, Á, chuyển công luận khuynh tả Âu Mỹ ủng hộ Hà Nội thành phong trào mới chống Hà Nội vi phạm nhân quyền. Một bản đồ Việt Nam lần đầu tiên được cơ sở Quê Mẹ công bố ghi rõ địa danh 150 Trại Cải tạo trên toàn quốc với số lượng tám trăm nghìn (800.000) tù nhân gây chấn động lương tri nhân loại.
Ngày 28.11.1978, cơ sở Quê Mẹ xướng xuất chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” trong cuộc họp báo tại Paris đưa tàu Đảo Ánh Sáng ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển làm cho toàn thế giới quan tâm tới thảm trạng Người Vượt Biển và khiến LHQ phải triệu tập Hội nghị về Người Vượt Biển tại Genève, tại đây Phái đoàn Hà Nội do ông Mai Văn Bộ cầm đầu phải đối diện với Phái đoàn Quê Mẹ do ông Võ Văn Ái hướng dẫn. Năm 1985 ông Võ Văn Ái đến trụ sở LHQ ở Nữu Ước khởi tố vụ kiện Hà Nội vi phạm nhân quyền trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, chính trị. Một hồ sơ 500 trang lần đầu tiên được LHQ thụ lý. Vụ kiện gây chấn động thế giới qua các báo Newsweek, Wall Street Journal, Le Monde, Express… cũng như báo chí khắp thế giới, vào lúc Hà Nội tổ chức ăn mừng 10 năm chiến thắng và mời 200 nhà báo quốc tế về Saigon.
Ông Võ Văn Ái là chuyên gia nhân quyền và tôn giáo, từ năm 1986 đến 2021, mỗi năm ông đến LHQ họp Ủy hội Nhân quyền LHQ (nay là Hội đồng Nhân quyền LHQ), phát biểu và cập nhật hồ sơ Nhân quyền LHQ. Hoạt động của ông Võ Văn Ái đã ba lần khiến LHQ phải gửi 3 phái đoàn về điều tra Việt Nam : 1995, Tổ Hành động Chống bắt bớ trái phép do Luật sư Louis Joinet về Việt Nam điều tra các nhà tù và việc băt bớ trái phép từ Bắc đến Nam ; năm 1998, Báo cáo viên LHQ, Đặc nhiệm bất bao dung tôn giáo, Giáo sư Abdelfatta Amor về Việt Nam điều tra đàn áp tôn giáo; 2014, Báo cáo viên LHQ, Đặc nhiệm tự do tôn giáo, Giáo sư Heiner Bielefeldt về Việt Nam điều tra đàn áp tôn giáo. Ông cũng viết nhiều sách về vấn đề tôn giáo và nhân quyền xuất bản tại Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn, Nhật Bản…
Ông Ái thường xuyên đã đến điều trần về tình trạng nhân quyền và tôn giáo tại Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Châu Âu. Ông cũng đóng góp đấu tranh cho tiến trình dân chủ hóa toàn cầu và là Ủy viên Ban Thường vụ Quốc tế Tiến trình Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, và Đồng chủ tịch Diễn Đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu.
Ngoài những bài viết đăng khắp nơi trên thế giới, ông Võ Văn Ái là tác giả của 21 cuốn sách thơ, văn, biên khảo xuất bản tại Saigon, Paris, Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn, Nhật Bản, Ý.
Bà Ỷ Lan, người vừa kết hôn với ông Ái vào năm ngoái, cho biết thêm rằng bà sẽ tiếp tục công cuộc tranh đấu của chồng: “Chúng tôi vẫn có Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và vẫ sẽ lên tiếng trên mạng quốc tế. Dù anh ra đi rất sớm và bất ngờ, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm công việc đó để tưởng niệm anh, để anh thấy tiếng nói của anh vẫn tiếp tục dù anh không còn trên trái đất này nữa, anh vẫn lo lắng cho đất nước Việt Nam và mình phải tiếp tục nhiệm vụ của anh”.