Nhà văn Huy Phương đã lên chuyến tàu cuối của sân ga cuộc đời
Bản tin Nhà văn Huy Phương từ trần, chúng tôi đã viết vào tối Thứ năm ngày 28 tháng 10 năm 2021 khi được tin từ Bà Khúc Minh Thơ nguyên Chủ tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt nam từ Falls Church, Virginia báo tin. Nguồn tin này sau khi kiểm chứng với chị Phan Thị Điệp là hiền thê của anh Huy Phương thì không đúng sự thật vì nhà văn Huy Phương vẫn còn sống. Và chính chị Điệp cũng nói đùa với chúng tôi sau khi biết chuyện này. Chị cười “anh cứ giữ lại đó để khi anh Huy Phương qua đời thì đem ra sử dụng, khỏi cần viết lại cho khỏi bỏ công!”. Chúng chỉ biết cười và xin lỗi. Đúng là “tai nạn nghề nghiệp”. Nếu bản tin được gửi đi ngày hôm ấy, chị Khúc Minh Thơ và chúng tôi không biết ăn nói làm sao khi những người thân của anh chị Huy Phương gọi hỏi thăm và chia buồn với gia đình!
Chị Khúc Minh Thơ vẫn thường liên lạc thường xuyên với chị Huy Phương và biết thời gian còn lại anh Huy Chương không còn được bao lâu. Và tình trạng sức khỏe của chị Khúc Minh Thơ cũng không còn nghĩ đến những chuyến đi xa nữa! Nhân dịp tham dự Đại Nhạc Hội Cám Ơn lần Thứ 14 cũng có thể là chuyến đi cuối cùng đối với chị Khúc Minh Thơ. Chúng tôi đã có dịp ghé thăm anh Huy Phương lần cuối. Chúng tôi biết thời gian của những ngày còn lại của anh không tính bằng tháng mà đếm từng ngày. Khi nghe tin anh ra đi dù không thật nhưng không làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Tuy nhiên, sự xúc động lại đến từ những kỷ niệm vui buồn của những ngày quen biết. Kỷ niệm một đêm mưa gió trong dịp ghé Dallas ra mắt tác phẩm “Chân Dung HO”, một trong các tuyển tập mà ông hãnh diện và ưng ý nhất. Một đêm ngủ căn nhà nhỏ, trên sàn gỗ, “không giừơng không chiếu” nhưng đậm đà tình nghĩa…
Hôm nay bản tin này đến tay độc giả và thân hữu là anh Huy Phương ra đi là thật!
Nhà văn Huy Phương tên thật là Lê Nghiêm Kính, sinh năm 1937 tại Huế, cựu học sinh Khải Định, Huế. Tốt nghiệp Quốc Gia Sư Phạm Saigon, Giáo Sư tại trường Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Tốt nghiệp Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí tại Hoa Kỳ. Nguyên Biên Tập Viên Báo Chí và Đài Phát Thanh Quân đội. Định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1990 sau 7 năm tù dưới chế độ Việt Cộng. Anh là một người đối xử với bạn bè rất có tình có nghĩa.
Anh nguyên là Sĩ Quan Thông Tin & Báo Chí VNCH và bị tù trong các trại tập trung của CS bảy năm sau 1975. Ông qua Mỹ từ năm 1990.
Huy Phương là người viết rất sớm, năm 15 tuổi (1952), Anh đã có thơ và tuỳ bút đăng trên Tuần Báo Ðời Mới tại Saigon do Ông Trần Văn Ân chủ trương.
Ông đã cộng tác với báo Người Việt, Hệ Thống Saigon Nhỏ và Báo Trẻ, Thời Báo (Canada), đài Phát thanh Việt Nam (Oklahoma) và đài truyền hình SBTN tại Hoa Kỳ. Ông sở trường với thể loại tạp ghi, viết về sinh hoạt và tâm tình của người Việt trên đất Mỹ…
Chúng tôi xin trích lại một đoạn trong bài “Nhà văn Huy Phương, tác giả ‘Ga Cuối Đường Tàu,’ đã ra đi” của Nhật Báo Người Việt Cali: “Trong những ngày cuối đời, phóng viên nhật báo Người Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Huy Phương. Ông vói tay lấy tập thơ “Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già” của chính mình, lật ra bài “Chúc Thư,” chỉ vào đoạn: “Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp/ Có vui chi nhìn người lính chết già/ Hổ thẹn đã không tròn ơn nước/ Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa/ Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc…”
Chỉ thẳng vào câu “Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi…” ông nói bằng giọng cứng cỏi: “Tôi kịch liệt đả phá chuyện phủ quốc kỳ vì tôi không chết ở sa trường mà chết trong vòng tay thương yêu của vợ con. Chỉ những người hy sinh trên chiến trận mới xứng đáng được phủ cờ mà thôi.”
“Tôi đã căn dặn gia đình rất rõ ràng là tôi chỉ là người lính chết già, tôi không muốn được phủ cờ,” ông dứt khoát. “Bao nhiêu người lính xứng đáng hơn tôi mà một đám tang, thậm chí một nén nhang còn không có thì tại sao tôi lại được phủ cờ?”
Vẫn với mái tóc rậm rì rì, bạc phau phau, nhà văn Huy Phương lộ nét mệt mỏi sau gần hai năm ròng rã chống chọi căn bệnh ung thư thực quản quái ác. Mệt mỏi, nhưng ở ông vẫn toát ra một thái độ an nhiên tự tại, sẵn sàng đón nhận tất cả.
Nói về chuyến đi đến “ga cuối đường tàu” của đời mình, ông rất bình thản: “Hồi Tháng Tám, 2020, một hôm đang ăn, tôi bị nghẹn cổ và khó chịu trong người rồi bỗng dưng ói mửa thốc tháo. Đi soi bao tử, không thấy gì. Sau đó thì người ta phát giác là tôi bị ung thư thực quản thời kỳ cuối.”
Từ cuối Tháng Ba, 2021, ông được chuyển sang quy chế “hospice tại gia” và được rời bệnh viện để về tĩnh dưỡng cuối đời tại nhà người con gái út ở Anaheim.
Ông thở nhẹ: “Chừ tôi chỉ uống sữa bằng đường bao tử, mỗi ngày ba, bốn lần thôi.”
Nhìn mông lung vào khoảng không tĩnh lặng vài giây, ông tiếp: “Có muốn ăn miếng bún bò cũng không được nữa rồi.”
Ông nói về thời gian cuối mình bằng giọng ôn tồn và điềm tĩnh, như đang nói về người xa lạ nào đó. Đôi mắt ông có mệt mỏi nhưng vẫn lấp lánh nét tinh anh của một người quen làm việc đầu óc.
Với một nụ cười không tròn trịa, ông nói: “Tôi không có bất cứ điều gì để hối tiếc cả. Những gì làm được, tôi đã làm. Và làm nhiều lần rồi.”
“Tôi sang Mỹ với hai niềm hãnh diện, một là cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và hai là cựu tù nhân chính trị,” ông nói. “Niềm vui của tôi ở Mỹ là được viết báo và làm chương trình truyền hình để kết nối cộng đồng lại với nhau.”
Ông nhấn mạnh: “Tôi xin cám ơn nhật báo Người Việt và đài truyền hình SBTN là hai cơ quan truyền thông có chính nghĩa nhất và giữ lập trường chống Cộng ở đây. Hai cơ quan này đã đăng tải bài tôi viết từ năm 1990, và phát hình chương trình ‘Huynh Đệ Chi Binh’ của tôi trong hơn 10 năm qua.”
Ngoài ra, ông còn làm việc với những cơ sở khác. Ông nói: “Tôi cũng từng cộng tác với báo Saigon Nhỏ, báo Trẻ, Thời Báo (Canada) và đài phát thanh Việt Nam (Oklahoma).”
“Về đóng góp xã hội, tôi cũng rất vui đã có thời gian dài được làm việc với chị Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, sáng lập viên Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa,” ông thêm. Ôn lại những nỗi vui lớn trong đời, ông nói: “Trong lúc làm chương trình ‘Huynh Đệ Chi Binh,’ tình cờ tôi liên lạc được những người có thông tin về hai ngôi mộ tập thể có nhiều cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Việt Nam; một ở Bình Dương, một ở Sài Gòn và một ở Thuận An, Huế. Nhờ đó, tôi giúp được nhiều gia đình, để vợ tìm được chồng, để mẹ tìm được con. Đó là một hạnh phúc đối với tôi.”
Ông lưu vong tại Mỹ từ năm 1990.
Ông cũng vẫn có những trăn trở cho thế hệ tương lai.
Điều ông muốn dặn dò là thế hệ trẻ gốc Việt là phải cố giữ gìn ngôn ngữ Việt. “Phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là nhiệm vụ của chúng ta, những người Việt hải ngoại, vì tiếng Việt trong nước đã trở thành một ‘cái gì’ rất dị hợm rồi,” ông nói. “Mất tiếng Việt là mất văn hóa Việt.”
Cuốn sách mới nhất của ông tựa đề “Tuyển Tập Huy Phương,” xuất bản năm 2020 là một bộ tổng hợp gồm 12 tuyển tập tạp ghi của ông, viết từ ngày ông sang Mỹ năm 1990 đến năm 2020 và cũng là cuốn sách cuối cùng của đời ông.
Chúng tôi luôn nhớ lời chị Điệp tâm sự, “từ ngày qua Mỹ anh đi mô cũng cho Điệp theo cùng.” Bây giờ tàu đã đến đưa anh đi “tất nhiên người ở lại là buồn rồi!”. Tuy nhiên anh chị cũng mãn nguyện, vẫn còn có nhau kỷ niệm 60 năm (17-9-2021). “Sống với nhau làm sao không có khi vui lúc buồn, nên coi như gia vị cuộc đời, khó ai tránh khỏi. Anh ra đi, mặc dù đã biết trước nhưng sẽ để lại cho chị những lúc buồn vui trong 60 năm qua! “Anh đã mua một vé tàu cho anh. Thật buồn, buồn lắm…”.
Anh Huy Phương đã quy y Tam Bảo lúc 8:30 sáng (Ấn Độ), giờ Cali là 7 giờ. Anh đã quy y trực tuyến dưới sự chứng minh của Thầy Thiện Phổ (Ấn Độ). Pháp danh của anh là Thiện Bảo.
Xin Mười Phương Chư Phật độ trì cho anh Lê Nghiêm Kính, bút hiệu Huy Phương, Pháp danh Thiên Bảo Siêu Sanh Tịnh Độ bình an nơi cõi Vĩnh Hằng.
Thái Hóa Lộc