Niềm tin từ thế hệ H.O. hậu duệ
Thái Hóa Lộc
Trong bài viết “Vẻ Vang Dân Việt” của cựu Đại tá Vũ Văn Lộc cùng khóa Cương Quyết II năm 1954 là Trung tá nhẩy dù Nguyễn Thế Thứ quê Nam Định khi được hỏi về sự thành đạt những người con, gồm “5 đứa tốt nghiệp, tất cả bằng cấp nào cũng là một nửa của nhà tôi. Tiền bạc và danh vọng ở tuổi mình không còn nghĩa lý gì. Mình cũng chẳng còn gì để khuyên bảo các con. Chúng nó chỉ nhìn mình sẽ ra đi để mà suy ngẫm về cuộc sống.”. Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc đem câu chuyện của ông và bác sĩ Nguyễn Thế Thứ hỏi lại bác sĩ Nguyễn Thế Triều Huy, con trai Út của bác sĩ Nguyễn Thế Thứ: “Ba cháu nói nửa bằng cấp là của mẹ, cháu nghĩ sao?” Bác sĩ Huy trả lời: “Ba con nói không đúng. Tất cả là của mẹ hết. Bằng cấp nào cũng là của mẹ.”. Hiện thời bác sĩ Thế Triều Huy là một bác sĩ giải phẩu nổi tiếng tại San Jose, bắc California. Lời xác nhận phát xuất từ sự yêu thương của bác sĩ Huy dành cho mẹ và công lao gầy dựng anh nên người…
Tôi muốn đem một câu chuyện có thật để viết lại một câu chuyện rất thật của gia đình Cựu Đại Úy Võ Văn Phụng, bị tập trung trong các trại tù cộng sản 10 năm. Người vợ trẻ và bốn đứa trẻ gồm hai trai hai gái, người con gái út chỉ mới mấy tháng tuổi chưa biết và nhận ra người cha của mình. Người vợ tù còn quá trẻ lại có nhan sắc là đối tượng của những kẻ xấu tìm mọi cách để chiếm đoạt nhưng bà đã quyết liệt từ chối mọi sự mời mọc quyến rũ với một lòng tảo tần nuôi con chờ chồng. Nếu như một người yếu lòng, thiếu chung thủy thì ngày nay cựu Đại úy Võ Văn Phụng có được một đại gia đình hạnh phúc, đoàn tụ trên đất nước Hoa Kỳ nếu ông Võ Văn Phụng không có được người vợ thương yêu chồng con, chịu đựng hy sinh vì gia đình. Nói chung là gương chung thủy của người đàn bà Việt Nam trong thời đất nước đắm chìm loạn lạc, phân ly!
Chính ông Võ Văn Phụng cũng xác nhận công lao khó nhọc nuôi dưỡng đàn con của vợ mình từ khi miền Nam sụp đổ và ông phải vào tù . Bà Phụng cho biết là nhờ vào sự tảo tần, thức khuya dậy sớm bán từng ly sữa đậu nành nhưng nhờ trời thương rất thành công, và sau khi chồng đi tù về, niềm vui đoàn tụ lại được có sự góp sức của chồng, cuộc sống đỡ vất vả hơn và mới có đủ tiền lo giấy tờ đi H.O. 7.
Người mẹ đã giữ vai trò rất quan trọng không những đối với gia đình bác sĩ Nguyễn Thế Thứ mà cả gia đình của anh Võ Văn Phụng và nhiều gia đình khác…Luôn luôn các người con đều gần mẹ hơn cha, trong trường hợp anh Võ Văn Phụng lại xa cách con mình hơn 10 năm trong trại tù! Và cũng chính vì thế đối với các con rất thương quý cha nhưng không yêu thương cha bằng mẹ. Nhưng một phần người cha lại có phần nghiêm khác hoàn toàn khác hẳn với tính tình người mẹ hòa đồng, cởi mở bao dung hơn… Đó là sự nhận xét khi chúng tôi có một cuộc phỏng vấn với cháu nội của ông bà Võ Văn Phụng vừa đoạt một giải thưởng đặc biệt của cơ quan bất vụ lợi có tầm vóc quốc gia là Network For Teaching Entrepreneurship ((NFTE). Chúng tôi được ông Võ Văn Phụng đưa đến nhà người con trai lớn của mình là anh Võ Văn Thiên Phương thân sinh cháu Thomas Võ tên gọi ở trường học nhưng ở nhà thường gọi là Võ Gia Bảo (theo anh Võ Văn Thiện Phượng giải thích là “Bảo Vật Của Gia Đình!”. Cả hai gia đình cũng sinh sống thành phố Irving, không xa lắm khoảng hơn 5 phút lái xe.
Cháu Thomas Võ hay còn gọi tên thân mật ở nhà Võ Gia Bảo, con trai thứ và người chị cả, là hai con của vợ chồng anh chị Võ Văn Thiên Phượng – Trần Nguyên Ái Nhã và cháu nội đích tôn của ông bà Võ Văn Phụng. Nếu nói lý do cho buổi gặp gỡ cháu Võ Gia Bảo là từ sự khâm phục, tò mò và một cơ hội muốn vinh danh một nhân tài trẻ tuổi, hậu duệ của một gia đình H.O. Chúng tôi đã biết ông bà Võ Văn Phụng trong các sinh hoạt cộng đồng trước đây và đặc biệt hơn nữa ông bà Võ Văn Phụng là đạo hữu Cao Đài thờ Đức Chí Tôn và lúc còn sinh tiền ông bà nội và ba mẹ tôi từng là người theo đạo Cao Đài! Từ chỗ quen thân trướcđây, ông bà Võ Văn Phụng đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Chúng tôi được biết ông bà Phụng có bốn con gồm hai trai và hai gái, tất cả đều lập gia đình và hiện tại ông bà có 10 cháu nội ngoại. Tất cả đều an cư lạc nghiệp, riêng người con gái Út là Võ Trần Minh Hoàng có điều kiện hơn và xuất sắc hơn các anh chị đã học đến nơi đến chốn, cũng là niềm ao ước của ông bà Phụng. Cháu Võ Trần Minh Hoàng ra trường với bằng Tiến sĩ Dược Khoa năm 2005 và thành hôn người chồng cùng ngành. Riêng với người con trai đầu là Võ Văn Thiên Phượng kết hôn với cháu Trần Nguyên Ái Nhã là con của ông bà Trần Văn Quận cũng là chỗ quen biết với chúng tôi trước đây nhưng hai ông bà đã qui tiên và linh cửu đã đưa về Việt Nam an táng cách nay cũng không lâu…
Câu chuyện dài của những gia đình H.O. gần như giống nhau, khi chân ướt chân ráo đến định cư Hoa Kỳ vất vả làm lụng để nuôi con. Nhiều gia đình hy sinh làm đến hai, ba công việc cùng một lúc để con tiếp tục cặp sách đến trường. Các con đến trường thì cũng khó khăn không kém vì không biết một chữ tiếng Mỹ nào. Nhiều em đã khóc ở lớp học…Trong trường hợp gia đình ông Võ Văn Phụng cũng vậy. Những đứa con lớn phải phụ với cha mẹ, làm việc để nuôi các emăn học như anh Võ Văn Thiên Phượng, chung sống với cha mẹ mặc dù đã lập gia đình. Chị của Võ Gia Bảo là Võ Nhật Vy Tiffany và Võ Gia Bảo đã sống cùng ông bà nội từ khi chào đời. Thấm thoát từ ngôi nhà đầu tiên khi ông bà Võ Văn Phụng đến định cư từ năm 1991 (H.O.7). Ngày nay cháu Võ Nhật Vy Tiffany đang học năm thứ nhất trường Đại Học Y Khoa Texas College of Osteopathic Medicine/HSC Fort Worth…
Cháu Võ Gia Bảo nói tiếng Việt tương đối khá trôi chảy khi chúng tôi phỏng vấn, bên cạnh có ông nội Võ Văn Phụng và thân phụ của mình là cháu Võ Văn Thiên Phượng. Khi được hỏi từ đâu cháu Võ Gia Bảo có thể nói được tiếng Việt lưu loát như ngày nay, cháu trả lời:
-Con sống cùng với ông bà nội, được ông bà nội và cha mẹ dạy và nói tiếng Việt vừa bập bẹ nhưng sau đó khi đến trường học lại được một cô giáo người Việt dạy tiếng Việt nhưng cô giáo này vừa mới qua đời cách nay vài, ba năm trước!
-Cháu Võ Gia Bảo đến trường từ năm 4 tuổi. Đến năm vào Midle School và tiếp đến High School cháu Võ Gia Bảo đều lọt vào danh sách học sinh giỏi Top 10. Hiện nay cháu đang học lớp 12 của trường Nimitz High School thành phố Irving, Texas. Ngoài ra trong hai năm trở lại đây, Võ Gia Bảo là một trong các cầu thủ quần vợt xuất sắc đại diện trường và đã thắng nhiều giải thưởng.
Vì năm cuối trung học, trước khi vào Đại học hầu như các học sinh ra trường đều chọn cho mình một hướng đi, tức là ngành nghề sau này. Chúng tôi hỏi rằng:
-Trong truyền thống gia đình qua người cô Út Võ Trần Minh Hoàng theo ngành Dược ra trường với cấp bằng Tiến Sĩ Dược Khoa, chị của cháu là Võ Nhật Vy Tiffany đang theo học Y Khoa, vậy cháu đã tự chọn cho mình con đường nào?
- Con không học giỏi như cố Út và chị Hai của con. Con thích làm việc ở ngoài đường hơn như công trình xây cất…
-Như vậy con có thấy tương lai của con có thể bấp bênh không nhất định như chị Hai và cô Út của con?
-Con biết, nhưng con hiểu rõ khả năng của con, con không giỏi như cô Út và chị Hai con. Con vẫn thích theo ngành nghề phù hợp theo năng khiếu của mình.
-Con nghĩ như thế nào, trước đây thế hệ của ông nội và có thể còn sót lại ở thế hệ ba con hầu hết đều mong muốn con, cháu mình theo học các ngành như bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, luật sư…v.v.. Điều này có lỗi thời theo suy nghĩ của con không?
-Theo con, cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt nhất cho con mình. Như trong trường hợp trong nhà hai chị em con. Chị Hai con đang theo ngành y khoa, con biết không thể theo bước chân chị để vào y khoa vì con biết không theo đến cuối mà có thể bỏ dỡ giữa đường. Do đó, con không muốn mạo hiểm! Con học những gì con thích và những gì con học được.
-Mục đích hôm nay, ông gặp con qua sự cho phép của ông nội con. Ông nội con cho biết là sau thời gian chuẩn bị, thời gian dành cho cuộc thi con rất bận để hoàn tất bài vở ở trường học. Con cho ông một cuộc “phỏng vấn ngắn” liên quan đến cuộc thi của con trên New York, con có thấy bất tiện gì cho con không? Ông xin nói rõ, ông là người đã có ít nhiều liên hệ với các cựu tù nhân chính trị (H.O). Ông là một trong số anh em thành lập Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Dallas-Fort Worth. Thành tích mà con đã đạt thật đáng vinh danh, một vinh dự cho gia đình Tù Nhân Chính Trị, trực tiếp là ông bà nội và ba mẹ con. Như trường hợp gia đình của ông bà Lê Văn Thiệu, sau khi đi tù về, ông làm nghề thợ mộc nuôi con, cho mãi đến năm 1995, gia đình mới sang Mỹ theo một chương trình H.O. khá muộn màng: H.31. Sau 5 năm định cư tại Hoa Kỳ, năm 2000 con đầu là Lê Thành học xong bằng Master về ngành điện tử tại đại học UTA (University of Texas at Arlington). Năm 2004 con trai thứ ba, Lê Ðức Hiếu tốt nghiệp Master Computer science. Năm 2005, Lê Huy, con trai thứ nhì lấy bằng tiến sĩ cũng ngành điện tử. Năm 2010 con trai út Lê Ðức Hiển, ra đời năm 1982 sau khi ông Thiệu từ trại tù trở về, cũng đã tốt nghiệp y khoa. Vào năm 2005, nhân ngày lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập hội H.O. Dallas-Fort Worth, gia đình ông Lê Văn Thiệu đã được vinh danh là một gia đình đến Mỹ muộn màng nhưng đã sớm thành công trên đất người. Năm 2006, ba anh em nhà họ Lê thành lập công ty “Luraco technologies, Inc.” sử dụng kỹ thuật cao (high-tech) chuyên về nghiên cứu và chế tạo sản phẩm cho quốc phòng Mỹ…
-Bây giờ con có thể kể lại cuộc thi tài của con vừa rồi để độc giả đồng hương biết giải thưởng đó là giải thưởng gì và khó khăn nào con đã trải qua?
-Thưa ông, cuộc thi đó tiếng Mỹ gọi là Entreprenneurship là tạo cơ hội những người có công ty, trong trường hợp con sản phẩm do con tạo ra gọi là REHEATS tức là “Bao Tay Điện” cho những người làm các công trình ngoài đường sử dụng. Găng tay có một cái nút, bấm lần thứ nhất sẽ là màu đỏ từ 100-110 độ, bấm một lần nữa là màu xanh da trời 90-100, xong rồi bấm một lần nữa xanh – đỏ từ 80-90 độ và găng tay để ở nhiệt độ lạnh hay trong nước cũng ông ảnh hưởng gì đến người mang. Pin trong bao tay sử dụng được 12 tiếng. Dự án này con đã thực hiện thời gian một năm. Sáng kiến này được thành hình khi con phụ ba con sửa nhà.
Nói đến đây thì anh Võ Văn Thiên Phượng tiếp lời:
-Khi sử nhà cả roof nữa, khi con làm lúc nào con cũng kêu con của con phụ. Con muốn con của hiểu những gì con đang làm để cháu hiểu công việc khó khăn như thế nào và khi lớn lên tự biết khi cần.
-Như vậy, anh có nghĩ những gì cháu sẽ làm sau này là ảnh hưởng những điều anh hướng dẫn cho cháu Võ Gia Bảo?
-Con nghĩ như vậy, qua cuộc sống của các gia đình như cha đang cắt cỏ nhưng con ngồi trong nhà chơi game, nhiều khi có người lớn tới chẳng biết chào hỏi là gì. Với gia đình cháu điều này không thể xảy ra; tuy nhiên không phải những gì của Việt Nam đều hay, Mỹ là không tốt. Con muốn dạy con những cái tốt của Việt Nam, Mỹ và khuyên bỏ những cái xấu mà con biết được. 12 tuổi là cháu Võ Gia Bảo đã đi cắt cỏ rồi, nhiều khi vợ con thương con không muốn cháu làm. Nhưng sau đó vợ con hiểu được. Gia đình con rất hạnh phúc, hai đứa con của con là cháu Võ Nhật Vy Tiffany và Võ Gia Bảo là “bảo vật” vợ chồng con. Những gì các cháu đã làm được con biết ba mẹ con là ông nội của các cháu rất hãnh diện. Chú biết vợ chồng con đi theo cháu trong cuộc thi vừa qua, vợ chồng cùng nhau vừa quay phim và chụp hình nhưng trong lòng hồi hộp, mong con của mình về nhất. Nhưng kết quả thắng lợi vừa qua của cháu Võ Gia Bảo đối với vợ chồng con thật sung sướng và hãnh diện…Riêng đối với cháu, điều cháu Bảo đem lại là một phần thưởng con chưa bao giờ mơ tưởng tới.
Xin được nói thêm về tổ chức Network For Teaching Entrepreneurship ((NFTE) mang tên “National Youth Entrepreneurship Challenge” tại thành phố New York vào ngày 13 tháng 10 năm 2022. Chương trình thi đấu trong vòng 3 ngày từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 10 năm 2022. NFTE, là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Giảng dạy Khởi nghiệp, còn được gọi là chương trình giáo dục và đào tạo về khởi nghiệp cho học sinh trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thong dành cho các học sinh, sinh viên đại học và người lớn. Người dự thi có được giải thưởng tiền mặt cho các ý tưởng sáng tạo để bảo đảm một tương lai vừa công bằng vừa vững chắc lẫn tiến bộ với mục đích là Đổi mới Thế giới hiện tại!
Công ty thành lập do:
Giám đốc tài chính: Mary Radford
Năm thành lập: 1987
Trụ sở: Thành phố New York, Tiểu bang New York
Hành trình dự thi của cháu nội anh Võ Văn Phụng là cháu Thomas Võ rất dài và vô cùng gay go. Đề tài dự thi của Thomas Võ là sáng chế lấy tên là REHEATS hay bao tay nhiệt độ.
Để bắt đầu cho cuộc thi cháu Thomas Võ cùng với 37,000 ứng viên từ khắp nơi và chia theo từng khu vực. Qua cuộc tranh tài lần thứ nhất, số ứng viên còn lại một nửa lúc ban đầu là 18,500. Từ 18,500 lại chia theo từng vùng Đông, Tây, Nam, Bắc. Số còn lại của đợt thi này là 4,625 thí sinh, rồi tiếp tục còn lại 100, rồi 20. Kết thúc cho các vùng, mỗi vùng chọn được 8 người, tổng cộng là 32 xuất sắc còn lại, gọi là thi cấp Quốc Gia sẽ tập trung tại thành phố New York trong 3 ngày như đã kể trên để vào sơ kết. Từ sơ kết qua bán kết là 12 ứng viên. Cuối cùng 3 thí sinh xuất sắc nhất vào chung kết trong đó có Thomas Võ. Cháu Thomas Võ về nhì đồng hạng với một em người Ấn Độ. Người về nhất là em học sinh, ba mẹ là người Mỹ chính thống...
Cảm ơn ông bà Võ Văn Phụng, anh chị Võ Văn Thiên Phượng-Trần Nguyên Ái Nhã và đặc biệt cháu Võ Gia Bảo cho tôi một cơ hội chia sẻ vinh dự chung của đại gia đình Tù Nhân Chính Trị (H.O). Con đường của cháu Võ Gia Bảo thênh thang, tương lai sáng lạn đang chờ đợi cháu, một người con, cháu hiếu đạo xứng đáng là gương sáng và niềm tin của thế hệ H.O hậu duệ.