Quá khứ trở về trong hình ảnh ngày sinh nhật
Thái Hóa Lộc
Chúa Nhật, ngày 7 tháng 5 vợ chồng tôi được cháu Thủy mời qua lời nhắn trên điện thoại: “Andy – Thủy mời Cậu và Mợ dự Sinh Nhật của Andy June 24 lúc 6:30 chiều”. Ngắn gòn nhưng làm tôi vô cùng cảm động vì chỉ có Thủy là đứa con gái Út duy nhất của anh chị Tuyển còn nhớ đến người “Cậu Họ” đến chung vui ngày sinh nhật của cả Thủy và chồng mình!
Qua sự liên hệ dòng họ, bà ngoại của Thủy và má của tôi là hai chỉ em ruột. Bà ngoại của Thủy thứ sáu và má tôi là con gái Út của bà ngoại tôi. Thuở còn cắp sách đến trường vào khoảng 15-16, mà của Thủy và tôi lại cùng ở trọ nhà người Dì, chị của má tôi nhưng lại là em của chị Tuyển. Chị theo học may và tôi theo học trường Cường Để Qui Nhơn. Sau đó hai năm, tôi và chị mỗi người đi một ngã. Chị kết hôn với giáo sư Lê Hữu Tuyển tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Saigon và về phục vụ tại trường Trung Học Nguyễn Huệ Tuy Hòa, Phú Yên. Sau đó, thuyên chuyển về giữ chức vụ Giám học Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn. Trong thời gian này, tôi đi lính phục vụ nhiều nơi và không có cơ hội để tìm lại sự liên hệ bà con mà trước đây một thời gian đã một thời gần gũi thân thiết cho đến biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Tôi vào tù rồi vượt biên và mỗi khi gặp lại người quen bên họ ngoại nhắc lại về gia đình anh chị Tuyển tôi cũng chỉ nhớ lại một vài kỷ niệm cũ lúc còn ở nhà Dì Mười, chị của má tôi. Lúc phía bên ngoại có hãng xe đó Liên Hiệp Việt Cường, phòng ngũ Việt Cường ở đường Gia Long bị Việt Cộng đặt chất nổ “giết 19 người lính Mỹ”…
Bất ngờ không bao lâu, tôi vượt biên và định cư thành phố Rochester, tiểu bang New York được hai năm thì di chuyển về Dallas và tôi được gặp gia đình anh chị tại thành phố này. Cũng như các gia đình khác đến Mỹ trong thập niên 80 như gia đình anh chị Tuyển với 6 người con, hai trai và 4 gái thật vô cùng vất vả..Lúc bấy giờ người Việt tỵ nạn cũng không ồ ạt như khi có chương trình H.O. Gia đình anh chị được được một đồng nghiệp với anh đứng ra bão lãnh và được sự giúp đỡ và tạm trú một thời gian ngắn. Sau đó, gia đình anh chị đã đến thuê và sống tại một chung cư nghèo ờ đường Barnes Ave., Dallas.
Tôi lại vừa đi học và làm bán thời gian ở trọ nhà người chú cũng không giúp được gì cho gia đình anh chị và các cháu. Tôi còn nhớ, một lần đưa anh chị và các cháu đến Cộng đoàn Giáo xứ Thánh Phêrô vì nơi đây có một số quần áo của các nhà bảo trợ giúp cho người nghèo. Cả gia đình vào thử để có quần áo nào vừa người để khỏi phải tốn tiền mua nhưng khi mặc vào, người này nhìn người kia rồi chỉ biết cười vì quần mặc lên đến cổ còn áo thì gần đến gót chân… Cả nhà lại thêm một trận cười khi ra về!
Anh chị không cho các cháu làm bất cứ công việc gì ngoài việc học. Các cháu được sự thông minh di truyền của anh cộng thêm sự hy sinh của cha mẹ, cùng với sự chăm chỉ cá nhân và tinh thần hiếu học. Nhìn thấy cha mẹ vất vả cực nhọc và sự coi thường của những người quen đến trước càng làm cho các cháu càng cố gắng nhiều hơn. Tuy các cháu đến muộn nhưng đã vượt qua các bạn đồng lớp. Ngày cháu Thủy ra trường, là một trong các học sinh giỏi nhất trường. Cháu được danh dự đại diện toàn thể các em lớp 12 tốt nghiệp. Cháu đã kể lại cuộc đời gian nan của cha và chuyến vượt biển nếu không may mắn thì cả gia đình đã vùi sâu dưới đại dương.
Cả hai anh chị bắt đầu dồn mọi nỗ lực lao vào công việc, lúc đó cháu gái lớn của anh chị vào lớp 11 và nối tiếp đến cháu trai út cũng đã vào trường
Anh được hãng 7-11 nhận làm nhân viên, sau một thời gian anh tìm cách đưa chị vô. Là một người có học lại có tâm điều hành hiệu quả, công ty chiếu cố và trở thành quản lý và trong thời gian này tôi cùng làm việc với anh chị gần 5 năm… Tôi hiểu anh chị và gần gũi với anh chị nhiều hơn. Đối với tôi, anh là một người cha hoàn toàn đủ mọi phương diện từ học thức đến đạo đức và tình thương dành cho vợ con thật bao la...
Anh đã ra đi hơn ba mươi năm, trong sự tưng bừng ngày sinh nhật của Andy, người rể Út của anh, hình ảnh bỗng chợt về không phải trong cốc rượu sâm banh vàng ánh mà trong tiếng hát của nam ca sĩ Don Hồ và sự quay cuồng của mọi người. Tôi rất vui nhưng không hòa nhập đám đông có thể vì tôi nghĩ đến anh, một người cha tuyệt vời mà sự vui vẻ có được từ sự hy sinh của anh; một người cha đã xây dựng một gia đình đứa con gái lớn nhất có nhiều trách nhiệm hơn cũng có bằng Master từng làm quản lý một công ty điện tử, con gái kế là Dược sĩ còn hai trai và hai gái còn lại là bác sĩ Y khoa… Nếu kể thêm hai hiền tế cũng là hai bác sĩ…Một gia đình như vậy thật quá thành công trên đất người và nói theo cách riêng của những nhà báo, gia đình chị tôi xứng đáng được vinh danh sự thành công người Việt còn được gọi là Vẻ Vang Dân Việt! Nếu có dịp vui nào đó, hay ngày giỗ sắp tới của anh, các anh chị của cháu Thủy nhắc lại một vài điều về người cha “vĩ đại” này cho con của mình về người ông của chúng như một lời tri ân thì hay biết mấy!
Trong cuộc sống nhân sinh, con người sống không thể thiếu tình thương, song nói đến chữ “tình” thì không có thứ tình cảm nào có thể sánh bằng tình thương của cha mẹ. Đó là một thứ tình yêu thiêng liêng, cao cả, mênh mông sâu xa như biển thẳm không bờ. Một thứ tình thương không đối tượng so sánh, cũng chẳng bút mực, ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn, chỉ có thể tạm ví như ngọn Thái Sơn hay nước trong nguồn chảy ra.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Tuy nhiên, tình thương cha mẹ dành cho các con còn hơn thế nữa. Ngọn Thái Sơn dẫu có uy nghi, hùng vĩ bao nhiêu cũng không thể mãi đứng hiên ngang bất diệt và nước trong nguồn cũng có khi phải cạn. Nhưng tình cha nghĩa mẹ thật khó nghĩ bàn, không vơi đầy thay đổi theo dòng chảy của thời gian. Tình thương cha mẹ đã trở thành suối nguồn bất tận, tích tụ, vun bón từ bao đời và thẩm thấu thành máu xương, gan thịt của người. Chỉ một việc tưới tẩm cuộc đời con, dù các con có ngoảnh mặt hay hân hoan đón nhận thì tình thương kia vẫn canh cánh bên lòng không một chút lãng xao, luôn âm thầm chở che, dìu dắt và dõi theo từng bước chân bé bỏng của con đang chập chững bước vào đời. Tình cha, tình mẹ sẽ mãi mãi là một bản tình ca muôn đời bất diệt của các con. Tình thương ấy nào có khác nhau, xuất phát từ một thể mà được biểu hiện qua hai khía cạnh cuộc đời.
Nói đến tình mẹ thì dường như ai cũng dễ dàng cảm nhận được, bởi đó là thứ tình thương ngọt ngào, gần gũi, thân quen bằng cử chỉ âu yếm, vỗ về, nâng niu, bảo bọc với những ngôn từ nhẹ nhàng, trìu mến v.v… luôn đem đến cho con một cảm giác êm mát, dịu hiền, một suối nguồn hạnh phúc trào dâng. Mẹ lúc nào cũng quấn quýt bên con, luôn chia sẻ với con những vui buồn, được mất, những nỗi niềm tâm sự nhỏ to, đáp ứng mỗi yêu cầu và ước muốn của con. Tình mẹ là thế, còn tình cha thì sao? Cha không thể hiện bằng tình thương ngọt ngào như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau giống mẹ. Tình cha vừa thâm trầm, lắng đọng vừa nghiêm khắc giá băng, nhưng cũng rất dạt dào, dịu ngọt nếu ai đó biết tận hưởng được tấm lòng cha:
“Tấm lòng cha một đời con đâu hiểu
Bởi tình cha luôn lắng dịu ngọt ngào
Tuy giá băng nhưng sâu thẳm dạt dào
Cho mà chẳng mong chút nào đền đáp”.
Tình cha không những lai láng dịu mềm như dòng nước mà nó còn ấm áp, đượm nồng như vầng thái dương, uy nghi sừng sững, oai hùng như núi Thái luôn che chắn bão giông cho con được tắm mình dưới bầu trời quang đãng. Cha âm thầm, lặng lẽ như chiếc bóng theo sát cuộc đời con và che chở con bằng bóng râm mát dịu của đời mình:
“Do tình cha muôn thuở vốn không lời
Trong lặng lẽ, âm thầm như chiếc lá”.
Và: “Bên đời con, cha một bóng âm thầm
Luôn che chở bằng bóng râm mát dịu”.
Đúng vậy, tình cha là như thế đó, thật thâm trầm và sâu thẳm mặn mà, nếu chúng ta không có cái nhìn tinh tế và cảm nhận sâu sắc thì không dễ gì thấy được tấm lòng cha:
“Buồn hay vui cha cũng không để dạ
Khóc hay cười cha để cả trong tim
Như đại dương lòng biển cả lặng im
Trong sâu thẳm tiềm tàng nhiều bí ẩn”.
Nếu ai đó thử trầm mình vào thế giới của cha, thì sẽ khám phá ra một kỳ quan tuyệt hảo nhất là trái tim thương yêu vô bờ bến của cha, một tình thương dạt dào bát ngát như biển trời, chẳng khác nào tình thương của mẹ. Nhưng tình cha hiếm khi biểu lộ ra bên ngoài mà nó biểu lộ bằng sự âm thầm lặng lẽ lại mộc mạc đơn sơ. Chính sự âm thầm lặng lẽ, không lời của cha đôi khi làm cho các con vô tình lãng quên đi sự hiện diện của cha trong cuộc đời mình. Cũng vì thế mà hình tượng người cha hiền kính yêu của chúng ta bị lu mờ bên ánh hào quang rực rỡ của mẹ trong hầu hết các áng văn thơ. Trong kho tàng văn chương của nhân loại, có biết bao áng thơ văn ngợi ca về mẹ với đầy đủ chi tiết hình ảnh, ngôn từ đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất. Đó cũng là niềm kiêu hãnh, là điều diễm phúc của tất cả những người con. Nhưng bên cạnh đó, hình ảnh người cha lại mờ ảo, nhạt nhòa khiến cho cõi lòng một vài người con phải xít xa tê tái. Thử hỏi trong áng văn thơ đã có được bao nhiêu bài nhắc đến tình cha. Có không ít nhà văn, nhà thơ đã viết rất nhiều và rất dạt dào về mẹ, nhưng cả cuộc đời chưa một lần viết để tặng cha. Điều đó phải chăng vì ngôn ngữ thiếu từ hay cha là người hùng hổ, bạt bẽo, thiếu trách nhiệm, thiếu tình thương mà khiến cho hầu hết mọi người đều vô tình lạnh nhạt với một tình yêu cao cả không thể thiếu trong cuộc sống thành nhân.
Vì cuộc sống ấm no trọn vẹn đôi đường tinh thần vật chất của các con, cha hy sinh nào có ngại khổ gì gian nan, cha bươn chải, tảo tần, thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương, dãi dầu mưa gió tìm kế mưu sinh để cho các con theo kịp với người. Mặc dầu bận bịu với tháng ngày lao nhọc, cha vẫn không quên dành thời gian chăm chút, dạy dỗ, hướng dẫn con trong đại học trường đời. Cha nhẹ nhàng dìu bước chân con, nâng con dậy mỗi lần con vấp ngã. Cha rèn luyện cho con ý chí kiên cường và lòng quyết tâm, giúp con ươm xanh những ước mơ và hoài bảo của mình, dẫn dắt con thơ làm quen với sương gió, gian khổ để sau này con dễ hòa nhập và vững bước trên đường đời vạn nẻo khi không còn bóng hình cha bên cạnh.
“Trên bước đường đời lắm bụi rơi
Ngàn mây trong mắt chẳng ngừng trôi
Cha đưa con giữa ngàn sương gió
Là để con thêm hiểu nghĩa đời”.
Vì vậy, dù mai đây trên vạn nẻo đường đời, mong rằng các người con đừng bao giờ lãng quên một điều, cuộc sống của ta có được hôm nay là do sự đắp xây và đánh đổi bằng cả cuộc đời hy sinh thầm lặng của cha, từng nhịp thở, từng bước chân ta luôn có sự hiện diện của cha trong đó. Diễm phúc thay cho những ai còn cha xin hãy cố gắng nâng niu, trân quý, phụng dưỡng, kính thờ để chuỗi ngày dài khỏi hối tiếc ăn năn. Đức Bổn sư Thích-ca từng dạy: “Hạnh hiếu là hạnh Phật”, “Cha mẹ hiện tiền như Phật tại thế” v.v... Tất cả điều ấy cũng chỉ nhằm khuyên nhắc chúng ta đừng quên cái đạo nghĩa làm con và biết trân quý những gì đã và đang thừa hưởng từ cha mẹ. Xót thương thay cho những ai bất hạnh không còn cơ hội phụng dưỡng hiếu với cha, đó là sự thiệt thòi lớn nhất trong cuộc đời con không gì bù đắp được. Nhưng nếu ai biết lưu giữ bóng hình cha bằng sự thể hiện qua lời nói, ý nghĩ, việc làm tốt đẹp, thì người ấy đã giữ được bên mình suối nguồn tươi mát thiêng liêng nhất của tình cha.
Chúng ta là những loài thụ tạo được đặt để trong thời gian. Thời gian qua đi kéo theo những sự thay đổi của tất cả những gì bị nó chi phối. Mới ngày nào còn nhỏ xíu, giờ đây, bỗng nhìn lại, ta đã thấy mình lớn lên lúc nào chẳng hay. Có biết bao điều xảy ra trong quãng thời gian ấy. Cuộc sống của chúng ta hệt như một chấm nhỏ trượt dài trên một sợi dây. Nơi chấm nhỏ ấy hiện diện chính là hiện tại. Nơi nào chấm nhỏ ấy đã trượt qua chính là quá khứ. Và khoảng không phía trước mà chấm nhỏ ấy tiến về được gọi là tương lai. Quá khứ – hiện tại – tương lai là ba thành phần làm nên lịch sử dài của cuộc sống.
Ta sống là sống ở giây phút hiện tại. Chính lúc này và ở đây mới là cuộc sống của ta. Những hoài niệm và mơ ước góp phần làm cho sự hiện hữu của ta thêm phong phú, nhưng nó không làm nên ta vào chính thời điểm này. Thực ra, ta chẳng biết thế nào là “bây giờ”, vì ngay khi ta ý thức nó thì nó đã trở thành quá khứ và cái tương lai phía trước đã trở thành hiện tại của ta. Nhưng ít ra, có một khoảng thời gian ngắn ngủi hiện hữu chung quanh ta, giúp ta thực hiện một hành vi gọi là “sống”. Lúc này đây, ta đang hít thở, đang có tương quan này, đang làm công việc này, đang đối mặt vấn đề kia. Người nào không ý thức đủ và tận dụng thích đáng những gì “đang” có lúc này đây, người ấy không thực sự sống, nhưng chỉ tồn tại như kiểu bị buộc phải hiện hữu mà thôi. Giây phút hiện tại là cái sống động, khơi dậy trong ta tất cả những tiềm năng và sức mạnh ẩn giấu, làm cho ta được thể hiện hết mình và triển nở sung mãn nhất.
Khác với hiện tại, quá khứ là cái gì đã qua đi, cái của hôm qua, của ngày trước. Thời gian lặng lẽ trôi đi làm cho quá khứ của ta càng ngày càng dài thêm. Nghĩ về quá khứ, cái gợi đến trong ta thường là một cảm giác lâng lâng, man mác khó tả đến vô cùng. Người không có chút ấn tượng nào về quá khứ là người đánh mất đi cội rễ của mình. Người ấy sẽ thấy chơi vơi, lạc lõng như con thuyền bị dứt sợi dây neo không biết nơi đâu đỗ bến. Quá khứ là nơi cất giữ tất cả những kỷ niệm của ta: kỷ niệm thời thơ ấu, kỷ niệm thời học sinh, kỷ niệm với biết bao người ta thương mến. Quá khứ lưu giữ những khoảnh khắc thơ ngây, hồn nhiên, những tiếng cười tiếng khóc thật vô tư và trong trẻo. Có thể quá khứ của ta không đẹp và êm đềm như mơ nhưng nó luôn hàm chứa trong đó những bài học quý giá vô cùng. Những lỗi lầm, những đau khổ, những mất mát, những thiệt hại đều trở thành những kinh nghiệm tuyệt vời mà ta không thể tìm thấy được nơi sách vở. Thái độ mà ta nên có khi nhìn về quá khứ là trân trọng hết tất cả những điều ấy, xem nó như là một phần của cuộc đời mình, rồi sử dụng nó như một bệ phóng để ta dựa vào đó mà nhắm đến tương lai, chứ không phải áy náy, buồn rầu, tự ti hay mặc cảm. Lý do là vì chúng ta không thể thay đổi được quá khứ nữa. Chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra rồi. Sẽ tốt hơn nếu ta biết tha thứ cho mình và đưa nó vào kho, rút ra bài học từ nó để làm phong phú hơn cho cuộc sống hiện tại của mình…
Sáng nay, ngày đầu tuần thứ hai vợ chồng tôi ghé nhà cũ và vài ngày nữa chị sẽ di chuyển nhà mới. Chúng tôi thấy cháu Thủy mồ hôi nhuễ nhại dọn đồ dùng cho má, tôi thấy bàn thờ của anh cũng thu dọn và đưa đi theo chị. Tôi vẫn thấy nụ cười của anh giống như xưa, quá khứ của anh và tôi trước đây, những ngày lam lũ khi gia đình định cư tại Dallas trong thời gian đầu. Anh không nghĩ các con của anh ngày nay đã thành công dù ở nào anh cũng lấy làm hãnh diện. Nhưng chính trong đêm sinh nhật của Andy, phu quân của cháu Thủy thì tôi hiểu quá khứ là những gì đã qua thì tương lai là những gì chưa đến. Vì chưa đến, nên nó là một khoảng trời chứa đầy những điều bí ẩn mà ta chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có khi nó đến như những gì ta tính toán. Cũng có khi nó chẳng giống gì với những hoạch định của ta. Sự huyền bí ấy của tương lai giúp làm cho cuộc sống của ta thêm lôi cuốn và hấp dẫn. Tương lại dạy ta bài học về sự phó thác, vì ta đâu biết được mình sẽ ra sao chút nữa. Tương lai nói cho ta biết rằng ta không phải là chủ tế tuyệt đối của chính mình. Tương lại đặt ta vào thế bấp bênh, để ta phải tìm kiếm một bàn tay vững chắc nào đó mà bám lấy. Nhưng khoảng trời rộng chưa thành hình của tương lai cũng là một lối mở cho ta. Nó luôn tạo cho ta cơ hội để làm lại, bắt đầu lại, khi quá khứ của ta có những thất bại hay gục ngã. Tương lai hiện hữu là để cho ta tự mình đắp xây cuộc sống của mình, dựa trên những gì ta đã chắt chiu được từ quá khứ. Bởi thế, nghĩ đến tương lai, ta được mời gọi để có một niềm hy vọng thật lớn, vì cuộc sống không bao giờ chắn lối của ta, cắt đứt hết mọi hướng đi của ta. Vẫn còn đó những điều tuyệt vời đợi chờ ta phía trước, vẫn còn đó những bất ngờ đang chờ ta khám phá ra. Như thế, tương lai biến cuộc sống của ta thành một cuộc phiêu lưu với biết bao điều thú vị.
Tạo Hóa đã khôn khéo khi sắp đặt cho cuộc sống của chúng ta có một quá khứ và một tương lai. Hiện tại là nơi ta sống, ta thi triển hết tất cả những gì làm nên mình. Quá khứ là kho tàng nơi ta cất giữ những bài học và kinh nghiệm quý giá. Tương lai là cơ hội được mở ra cho ta với biết bao điều huyền nhiệm đang chờ ta khai mở. Điều quan trọng là ta phải có một cái nhìn tích cực và đúng đắn về sự sắp xếp tài tình này của Tạo Hóa để không đi ngược với ý muốn tốt lành của Người. Ta không nên nuối tiếc quá khứ, cũng đừng chỉ biết mơ mộng tương lai. Nếu muốn xây dựng một cuộc sống bình an và tốt đẹp, hãy bắt đầu từ giây phút này, ngay chính khoảnh khắc này. Quá khứ và tương lai là trợ lực cho ta, còn hiện tại chính là cuộc sống!