“Rượu Đế Việt trong Casino Mỹ”

Durant Oklahoma.- Có lẽ gần 50 năm kể từ biến cố 30 tháng 4 năm 1975, người Việt trên đất Mỹ đã quá nhiều thay đổi, Sự hòa nhập giữa người tỵ nạn và người bản xứ không còn nhiều khoảng cách ngay cả phong tục. Ngày nay người dân bản xứ càng ngày càng gần gũi hơn cộng đồng người Việt; đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán mà trước đây đa số cứ nghĩ Tết Nguyên Đán là Tết Tàu nhưng ngày nay đã trở thành ngày Tết chung của người Á Đông và gọi chung là Lunar New Year. Nếu là người Việt nam đã tham dự Đêm Ca Nhạc và thấy tràn ngập người Việt Nam tại Choctaw Casino vào tối Thứ Sáu, ngày 2 tháng 2 năm 2024, không phải là dịp nghỉ lễ cuối tuần mới hiểu tại sao có sự đông đảo như vậy. Vì hương vị Tết đã đến gần. Hôm nay cũng là một ngày đặc biệt “Ngày Đưa Ông Táo Về Trời – 23 Tháng Chạp Âm Lịch”.

Trong khi chờ đợi chương trình khai mạc đêm Ca Nhạc tối Thứ Sáu, hầu hết đều ghé đến xem một số hình ảnh nghệ thuật độc đáo của người nghệ sĩ Đan Lam và chắc chắn cũng để thử  hương vị Rượu Đế Ông Già Việt Nam được pha chế của các người chuyên nghiệp pha chế theo khẩu vị Mỹ tại phòng Red Bud tại Choctaw Casino & Resort – Durant.

Nghệ thuật Đan Lam trình bày

Tết mà không có một tí rượu là một điều thiếu sót và mùa xuân sẽ không trọn vẹn. Cũng chính nơi căn phòng Red Bud được trang bày một cách mỹ thuật, chúng tôi đã gặp nhiều người quen từ nhiều thành phố. Ian Bùi, một đồng nghiệp đã từng nghiên cứu và viết về Rượu Ông Già. Chúng tôi được gặp cô Tiffiny Khưu, người đã hai lần mời chúng tôi đến của công ty InterTrend đến Choctaw Casino & Resort tham dự ngày Hội Trung Thu và Thưởng thức “Dragon’s Lounge” nhân dịp Tết Con Rồng! Trong dịp này, chúng tôi đã gặp anh Đinh Trọng Súy, một trong hai người đã sản xuất Rượu Đế Ông Già Việt Nam. Một cuộc trò chuyện thật lý thú về nguồn cơn sự ra đời Rượu Đế Ông Già Việt Nam được giới thiệu một cách trang trọng trong dịp Tết Giáp Thìn tại Choctaw Casino & Resort – Durant.

Cô Tiffany Khưa và khách.

“Tên rượu đế Ông Già Suti là tên được ghép từ hai người Đinh Trọng Súy và Ngô Thời Tiến bắt đầu mở hãng từ năm 2016. Mua đất và xây cơ sở vào cuối năm 2020. Ý niệm đầu tiên khi Đinh Trọng Súy lúc bấy giờ mới 40 tuổi đi chơi với những người lớn tuổi hơn khoảng 60 tuổi, những người từng đi lính và hỏi Súy mua rượu đế ở đâu? Tình cờ có một người quê ở Cần Thơ hỏi Súy có muốn nấu rượu đế không thì anh ấy sẽ chỉ cho. Và Đinh Trọng Súy nấu thử nhưng lại không biết uống vì chưa bao giờ uống!  Nhưng khi đưa cho mấy ông anh uống thử thì khen ngon. Sau này thỉnh thoảng có đem theo cho những ai muốn thử…

Anh Tiến là người đi du lịch nhiều và đặc biệt khi về Việt Nam đem về những loại rượu đế ngon như Bầu Đá, Gò Đen. Nhưng ở Hoa Kỳ việc sản xuất rượu rất khó khăn về luật lệ phải qua tiểu bang, liên bang và tổng thống ký. Thật sự việc nấu rượu phải có đam mê mới theo đuổi được…”

Theo lời của Ian Bùi kể lại khi phỏng vấn vợ của anh Súy nghe thật lạ qua giấc mơ: “Trang-Anh kể rằng một hôm cô có một giấc mơ lạ. Trong mơ, cô gặp một cậu bé nói với cô rằng cậu ta là đệ tử của Thánh St. Martin de Tours. Thức giấc, cô bèn lên internet tìm hiểu thì phát hiện St. Martin là vị thánh tổ của nghề làm rượu. Cho rằng đây là thiên ý, cô bèn thuyết phục Súy hãy vững tâm tiến hành việc hợp tác với Tiến mở lò rượu. Nhưng là một người cẩn trọng, Súy vẫn còn lưỡng lự. Trong khi đó, anh Tiến cũng cần có sự đồng thuận của Mỹ-Hoàng, vợ mình. Chị Mỹ-Hoàng kể rằng thật ra chị đã ủng hộ ý tưởng kinh doanh này ngay từ đầu. Chị tin họ sẽ thành công vì thấy cách làm việc nghiêm túc của Súy, lúc nào cũng muốn làm sao cho ra được chai rượu ngon nhất. Điều khiến chị yên tâm là Súy không bao giờ nghĩ đến việc đi tắt đón đầu, không hề nghĩ đến việc hạ thấp phẩm chất để bán cho được nhiều.

Phải gọi đây thật sự là một cuộc phiêu lưu đầy tính rủi ro bởi vì một khi hai bên bắt tay vào việc, cô y tá Mỹ-Hoàng đã phải rút tiền từ quỹ hưu trí 401K để hùn vốn cho chồng làm ăn (và dĩ nhiên phải đóng thuế khá cao). Nhưng Hoàng nói thà vậy còn hơn là đi mượn đầu này đầu kia từ gia đình hay bè bạn. Mặc dù không góp tay trực tiếp vào công việc của chồng nhưng sự ủng hộ về mặt tài chánh cũng như tinh thần của Hoàng đã giúp rất nhiều cho những bước đầu của công ty SuTi – ghép từ hai chữ “Súy” và “Tiến”.

Phần mình, cô Trang-Anh cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Để được cấp bằng hành nghề, SuTi cần một địa điểm. Ban đầu Súy đề nghị mướn chỗ để “làm thử”, nếu không thành thì thoái bộ rút lui cũng dễ. Nhưng Trang-Anh, với kinh nghiệm lăn lộn trong nghề địa ốc, cuối cùng đã thuyết phục mọi người nên mua đất xây lò, vì tính ra không mắc hơn mướn bao nhiêu. Lý do dễ hiểu là dù mướn chỗ nào chăng nữa thì cũng tốn rất nhiều tiền để làm hệ thống điện, nước, cống v.v. theo đúng tiêu chuẩn và qui định. Rồi nếu phải rời chỗ mướn thì coi như mất hết vốn.

Trang-Anh nghĩ, rủi như lò rượu không thành công, tiền dành dụm bấy lâu có bay mất hết thì cũng chả sao. Nhà đã trả xong. Con đã lớn. Cùng lắm thì làm lại từ đầu, vẫn còn hơn lúc mới qua Mỹ chỉ có hai bàn tay trắng, không bằng cấp, không nghề nghiệp, không có gì cả. So với bây giờ thì có chi mà phải sợ. Không những vậy, cô cho rằng giấc mộng gặp đệ tử thánh St. Martin là điềm lành. Cô tin mình được quới nhơn phù trợ.”

Chúng tôi miên man câu chuyện của hai anh Nguyễn Trọng Súy và Ngô Thời Tiến không còn nhớ gì những ca khúc của ca sĩ Quang Lê, Đan Trường, Lâm Nhật Tiến… Đối với tôi Rượu Đế Ông Già và giấc mơ của cô Trang Anh, phu nhân của anh Nguyễn Trọng Súy là món quà lớn năm Tết Con Rồng…

Anh Đình Trọng Súy và Ngô Thời Tiến tại Hãng Rượu Ông Già.

Thái Hóa Lộc

Previous
Previous

Thánh Lễ Minh Niên và tiệc Mừng Xuân Giáp Thìn tại Giáo Xứ Thánh St. Elizabeth Ann Seton

Next
Next

Lớp Việt Ngữ Chùa Đạo Quang vui Lễ Tất Niên