Tôi tin đạo nhưng không tin người có đạo
Phêrô Lộc Thái
Dallas, TX.- Hình ảnh Linh mục Giuse Phạm Quang Minh mặc áo dài dâng lễ vào Mồng Hai Tết Giáp Thìn tại Giáo Xứ Thánh Phêrô trở thành một một hiện tượng lạ đối một số linh mục Việt Nam đặc biệt là linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ trong nước và linh mục Martino Nguyễn Bá Thông linh mục chính xứ giáo xứ Thánh Giuse, thành phố Savannah, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ.
Là một Tân Tòng từ năm 2001 và trở thành giáo dân của Giáo xứ Thánh Phêrô từ ngày ấy và lúc bấy giờ linh mục Phêrô Nguyễn Viết Tân là linh mục Quản Nhiệm Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Phêrô chưa trở thành giáo xứ, tiếp theo là linh mục Phạm Chinh và linh mục Phêrô Nguyễn Viết Tân trở lại lần thứ hai trong cương vị chánh xứ Giáo xứ Thánh Phêrô trước khi bàn giao lại cho linh mục Giuse Phạm Quang Minh…
Trong suốt thời gian vợ chồng chúng tôi gia nhập giáo xứ Phêrô đã hơn hai mươi năm và mỗi khi Tết đến đều có tổ chức mừng Năm Mới. Nhiều năm đều có đốt pháo múa lân và truyền thống linh mục Chánh xứ, linh mục đồng tế và Giám Mục địa phận đều áo dài khăn đóng trong Thánh Lễ đầu năm.
Đối với dân tộc Việt nam, Tết đã mang một ý nghĩa thiêng liêng rất cao siêu, vì là ngày giao cảm giữa Trời-Đất, Thần Thánh và con người, ngày không phân biệt biên giới giữa kẻ sống và người chết.
Từ khi Ánh Sáng của Chúa Cứu Thế chiếu tỏa trên quê hương Việt nam, đúng như lời Ngài dạy:” Ta đến đến để hoàn thiện chứ không phải để phá đổ“(Mat.5,17), Hội Thánh đã tìm cách “thánh hóa” những tập quán tốt, bằng cách thanh lọc các yếu tố dị đoan mê tín, rồi mặc cho chúng một ý nghĩa linh thiêng cao siêu. Ngày nay, Hội Thánh vẫn chủ trương đường lối thích nghi, và tôn trọng giá trị văn hóa, bản sắc các dân tộc :” Hội Thánh Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, HộiThánh xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Hội Thánh duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người..”(Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài-Kitô giáo).
Theo nguyên tắc trên, ta thử suy nghĩ về ý nghĩa linh thiêng, cao siêu của ngày Tết Nguyên Đán, qua các đoạn sau đây: Thiên Chúa là Mùa Xuân bất diệt; Trời mới Đất mới; Chim có tổ, Người có tông.
Mỗi độ Xuân về, người dân Việt không quên cảm tạ Vị Chúa Tể Càn Khôn, vì Ngài là căn nguyên của vũ trụ và là nguồn sống của muôn loài. Ngài là một Mùa Xuân trường cửu, bất diệt. Ngài là “Đấng hằng hữu, hiện hữu, và sẽ đến (Khải Huyền 1,4). Con người và vũ trụ đều phải lệ thuộc hoàn toàn vào Ngài để được ban ơn Phước-Lộc-Thọ.
Từ xa xưa, truyền thống dân tộc Lạc Hồng là luôn luôn nhớ ơn Đấng đã sinh thành, chở che, và nuôi dưỡng mình, qua câu ngạn ngữ “Trời sinh, Trời dưỡng”, “Trời che đất chở” hay: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ” (câu này có thể đã được truyền tụng từ thời Hai Bà Trưng, cưỡi voi đánh quân Tô Định, thời kỳ voi còn là một con vật rất gần gũi, và đông đảo trên giải đất Việt). Theo dã sử, từ đời vua Hùng Vương thứ ba, đã có tập tục dùng gạo nếp nấu thứ bánh, biểu tượng cho ngày Tết, là Bánh Dày và Bánh Chưng. Bánh Dày, hình tròn dày dặn, chỉ vòm trời. Cũng có nơi làm Bánh Tét (do chữ Tết?), hoặc Bánh Tày, Bánh Ống (miền Hà nam, Phủ Lý, có hình tròn và dài như giò lụa). Bánh Chưng, hình vuông, chỉ bốn phương trái đất:” Vuông như bánh chưng tám góc”( Việt Nam Tự Điển). Vuông-Tròn chỉ sự hoàn hảo, trọn vẹn như câu thành ngữ:” Mẹ tròn, con vuông”. Do đó, ý nghĩa cao siêu của bánh Dày, (bánh Tét), bánh Chưng, dùng trong việc cúng tế hay biếu tặng trong ngày Tết, là chỉ sự Hòa Hợp giữa Trời và Đất, giữa Con người và Vị Chúa Tể, như câu:” Thiên Nhân tương dữ”( Trời và Người có liên hệ tương quan với nhau). Trong ngày lễ Tạ Ơn, dân Hoa kỳ có thói quen dâng hoa, hoặc bắp ngô, trái bí đỏ, làm lễ vật để tỏ lòng tri ân đối với Thượng Đế đã ưu đãi họ. Từ xa xưa, người dân Việt đã biết dùng gạo nếp để nấu bánh Chưng, bánh Dày, làm lễ vật đặt trên Bàn Thờ để Tạ Ơn Trời đã cho mưa thuận gió hòa:
“Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cầy,
lấy chén cơm đầy,
lấy khúc cá to“
và “ Uống nước nhớ nguồn”, để tỏ lòng nhớ ơn ông bà cha mẹ đã đổ mồ hôi trên thửa ruộng, nương khoai, làm lụng vất vả để nuôi sống con cháu, như câu ca dao:
“chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”
Trong Thánh Lễ cũng có lời nguyện lúc dâng bánh ruợu, như sau “Chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con bánh này là hoa quả từ ruộng đất và lao công của con người…”. (Xin phân biệt: “lao công” khác nghĩa với “công lao”. “Lao công” (labor) là vất vả khó nhọc làm việc mới có miếng ăn; còn “công lao” (merit) là phần thưởng, công nghiệp).
Bởi vậy, muốn được Trường Sinh Bất Tử, muốn được Phước-Lộc-Thọ, con người phải phụng sự Chúa, Nhân đạo phải phù hợp với Thiên đạo. Giữa Thiên Chúa và nhân loại phải có sự Giao Hòa mật thiết, như lời nguyện của Kinh Lạy Cha “Ý Cha thể hiện dưới Đất cũng như trên Trời”.
Theo tập tục vẫn có từ đời cha Đắc Lộ, để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh đã chỉ định Ngày mồng một Tết Nguyên Đán, là Ngày cầu Hòa Bình cho gia đình, dân nước và thế giới. Ngày mồng hai Tết, cầu nguyện cho Tiên Nhân, cho ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã qua đời, theo tinh thần của Đạo Hiếu. Ngày mồng ba Tết, Ngày Cầu Mùa, để xin Chúa chúc lành cho công việc làm ăn được phát đạt. Hoặc dâng ba ngày Tết để tôn thờ “Mầu Nhiệm “Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi”.
Ngoài ý nghĩa thần thiêng kể trên, Tết Nguyên Đán còn mang nặng một ý nghĩa nhân về sinh cao siêu nữa. Thật vậy, thân phận con người là lệ thuộc vào thời gian, chi phối bởi luật Tuần Hoàn của trời đất. Do đó, nhân ngày Tết, ngày đầu Xuân, ngày ca tụng sự Sống, con nguời tự nhiên xúc cảm, nên tìm về cội nguồn gốc rễ của mình. Đã làm người ai cũng đều có giấy “khai sinh “, và giấy” khai tử” rõ ràng. Nhìn lại năm cũ, ta thấy thời gian bay biến vùn vụt, như tên bay, ngựa phi, hỏa tiễn! Thời gian trôi đi như dòng nước chảy liên tiếp ra biển khơi không bao giờ trở lai, như câu thơ bất hủ: “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi?( Bạn không thấy nước sông Hoàng từ trên cao chảy xuống, nó chảy ra biển, mà không bao giờ trở lại?). Nhân sinh, vạn vật, khí hậu, nóng lạnh, luôn biến đổi, vận chuyển theo luật Tuần Hoàn của trời đất: bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông:”Tre già, măng mọc”,” Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”..
Tết chỉ là khởi điểm của một chu kỳ mới trong thời gian. Vì Nhân Tâm, Nhân Đạo phải thuận theo Thiên Lý, Thiên Đạo, cho nên, sau một mùa đông ảm đạm tiêu điều, khi vạn vật cỏ cây bắt đầu lột xác để sống lại xanh tươi, mới mẻ, thì con người cũng phải “tống cựu nghinh tân”, nghĩa là trút bỏ những cái cũ, để sửa soạn đón nhận những cái mới. Do đó, để đón Xuân mới, người ta dọn dẹp nhà cửa cho mới mẻ, trang hoàng bàn thờ, trưng bày bông hoa, đặc biệt hoa Đào, hay Mai vàng, hoặc chậu Thuỷ tiên, Phong lan..Thỉnh các “Thầy đồ”, văn hay, chữ tốt, viết dùm câu đối trang trí trên cột, trên tường để đọc và ngắm nghía! Thường các câu đối là những vần thơ tán tụng các đức hạnh cao quý, sự nghiệp hiển hách, hoặc ca ngợi cảnh sắc tuyệt vời của quê hương. Mua sắm các tranh Tết phác họa một cách dí dỏm, ngộ nghĩnh nếp sống mộc mạc nơi thôn dã với bầy gia súc: trâu, lợn, gà, mèo, chuột ..Đừng quên tắm rửa sạch sẽ, bận quần áo mới, đầu tóc chải chuốt! Bao nhiêu nợ nần năm cũ phải thanh toán cho hết( Ngày nay thời buổi văn minh, chỉ dám hứa với “Ông Bà chủ nhà Băng”, sẽ xin trả góp mỗi tháng!). Để chuẩn bị tâm hồn với nét mặt vui vẻ, tươi cười, mọi người phải tha thứ, xóa bỏ xích mích, và làm hòa với nhau trong năm mới:” Ăn cơm mới, chớ nói chuyện cũ“! Điều tối ky là nóng giận, chửa rủa, la hét, hay nói những lời cay đắng độc ác! Trong ba ngày Tết, chỉ nên nói toàn lời êm dịu dễ nghe, làm cho người ta mát ruột, mát gan để cầu may! Do đó, nên tìm những lời chúc Tết hay ho, đẹp đẽ nhất và chúc cho thích hợp vói địa vị, tuổi tác, chức nghiệp, và hoàn cảnh của người mình chúc. Ví dụ, đối với Ông Bà, hay những vị cao niên, thì chúc câu “thọ tỉ cao sơn”‘ đối với nhà buôn: “ phát tài sai lộc“; đối với công chức: “thăng quan tiến chức“’ dối với thư sinh: “công thành danh toại”, v, v. Ngày xưa, cách thức chúc Tết hay dùng nhất là chúc: Tam đa( đa thọ, đa nam(con trai!), đa phú quí), hoặc chúc: Ngũ Phúc ( Phú, Quí, Thọ, Khang, Ninh).
Tóm tắt, năm mới, tâm hồn và thể xác con người cũng đổi mới để hòa hợp cùng Thiên Nhiên, như người nghệ sĩ rung cảm trước vẻ nhiệm mầu của Chân-Thiện-Mỹ.
Tết đến giúp ta nhớ lại lời tiên tri của Thánh Gioan trong Sách Khải Huyền,Rev.21,1-3 :” Tôi thấy TRỜI MỚI, ĐẤT MỚI, trời, đất, biển xưa đã biến đi! Tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem mới từ Thiên Chúa xuống, trang điểm lộng lẫy như tân giai nhân đi đón đức lang quân”.
Bất cứ người dân Việt nào, dầu tha phương cầu thực ở đâu, hoặc làm ăn buôn bán xa nhà, dầu thành công hay thất bại, đến ngày Tết, mọi người đều tìm về quê cha đất tổ để đoàn tụ với gia đình, làng nước!
Trước hết, Tết là ngày tưởng niệm đến ông bà tổ tiên đã khuất bóng, nhưng hồn thiêng như vẫn còn lẩn khuất đâu đây, vì “chết không phải là hết”, nhưng “sự tử như sự sinh” ( chết cũng như hãy còn sống) để phù hộ cho con cháu trong năm mới được mạnh khoẻ và làm ăn tấn tới. Không có biên giới giữa người sống và kẻ chết! Nhờ lòng tín ngưỡng vào Hồn thiêng bất tử của Tổ Tiên mà gia đình Việt Nam được nối kết bền chặt qua nhiều thế hệ. Ngày Tết, đoàn con cháu đến chúc tuổi ông bà, cha mẹ, cô bác, bên nội cũng như bên ngoại. “Mồng một chúc Tết mẹ cha(bên nội), Mồng hai Tết vợ (bên ngoại), Mồng ba Tết thày”. Con cháu chúc tuổi ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị; con rể chúc Tết gia đình bên vợ (thường vào mồng hai), và học trò chúc Tết thày ( thường vào mồng ba). Do đó, ngày Tết cũng là ngày mừng Sinh Nhật của mọi người. Việc chúc Tết, chúc tuổi là một cách biểu lộ tình nghĩa, tình hữu nghị đối với các vị ân nhân, cũng như đối với bạn bè, tương tự như việc tặng quà dịp lễ Giáng Sinh. Trong việc chúc tuổi tặng quà thì bậc đàn em con cháu được chú ý hơn cả. Vì mong cho”Tre già, măng mọc”, nên các bậc phụ huynh thường cầu chúc cho con cháu được mau lớn, học giỏi, đậu đạt thành tài. Tiền”lì xì”( do chữ “lợi sự”, đọc theo giọng Quảng đông?) đặt trong bao đỏ, với đôi lời cầu chúc, nhắn nhủ lớp hậu sinh hăng say xây dựng sự nghiệp, làm vẻ vang cho gia đình, và dòng họ. Trong thực tế, đối với con cháu còn nhờ vả cha mẹ để ăn học, tiền “lì xì” mang lại nhiều lợi ích như để dành trong băng, trả tiền học phí, may sắm quần áo, đồ dùng, v, v, .Bởi vậy, ước mong quí vị bậc đàn anh đàn chị mở rộng “hầu bao”, túi tiền “lì xì”, để bọn em út được nhờ, “gọi là ngày Tết, ngày Nhất!”
Ngày Tết cũng là dịp để người dân Việt bộc lộ tình tự dân tộc. Suốt năm, đầu tắt mặt tối làm lụng vất vả, không có ngày nghỉ cuối tuần. Do đó, Tết là ngày hoàn toàn nghỉ ngơi, vui chơi, hội hè đình đám:”Tháng giêng là tháng ăn chơi” Trong nhà ngoài phố, nơi công sở, nhất là nơi đình làng: trẻ già, trai gái, đều dự các trò chơi ngoạn mục thích thú, để mọi người thưởng ngoạn cảnh vui thú, thân tình và bình an, trong những ngày đầu Xuân.
Dầu ở góc biển chân trời nào, ngày đầu Xuân, mỗi người hãy thề hứa sẽ giữ gìn những giá trị cao quí của gia đình Việt Nam, nơi nương tựa cho ta trong cảnh cô đơn, hiu quạnh nơi đất khách quê người. Tết Nguyên Đán cũng là dịp để ta bộc lộ hào khí của dân tộc đã thấm nhuần một nền đạo lý, kỷ cương cao siêu. Ta hãy ước nguyện sẽ bảo toàn truyền thống, tinh hoa của dân tộc, và lưu truyền cho thế hệ tương lai. Nhân ngày đầu Xuân, đặc biệt cầu chúc cho giới trẻ Việt Nam luôn thăng tiến về mọi mặt, để làm rạng rỡ cho giống nòi, xứng đáng là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Vì ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết, từ ngày gia nhập Giáo xứ Thánh Phêrô cho đến nay hơn hai mươi năm. Tết năm nào từ khi Giáo xứ còn là Cộng Đoàn tất cả Giám mục địa phận, các linh mục đồng tế, Thầy Phó Tế đều trong lễ phục dân tộc “áo dài khăn đóng” đồng tế và tiếp theo là hái lộc cùng phát lì xì cho các em nhỏ. Hình ảnh thân yêu đã gắn liền trong tâm khảm và ký ức của tôi. Sự phản ứng muộn màng phát xuất từ linh mục Martinô đã làm cho cá nhân tôi cũng như đa số giáo dân Giáo xứ Thánh Phêrô ngỡ ngàng. Chúng tôi lên tiếng không vì bênh vực cho Cha xứ Giuse Phạm Quang Minh mà cho chính giáo dân Giáo xứ Thánh Phêrô, những vị Giám mục khả tính yêu mến dân tộc Việt Nam đã đồng ý mặc lễ phục cổ truyền Việt Nam “Áo dài – khăn đóng”, chủ tế và đồng tế trong hơn 20 cái Tết Nguyên Đán vừa qua…Nhưng từ đâu “nổi lên cơn gió bụi này” – Tôi muốn nói đến một người tôi đã biết và đã gặp – Linh mục Martinô Nguyễn Bá Thông!
Riêng đối với linh mục Martinô Nguyễn Bá Thông mà tôi đã gặp trong dịp gây quỹ cho tổ chức Body Village Charity Group tại Dallas thích tạo scandal trong quá khứ như đã có những bài giảng gây “nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng giáo dân”. Cụ thể, linh mục Thông đã bị chỉ trích vì những phát ngôn về tình dục, hôn nhân và gia đình. Ông đã nói rằng “tình dục là một nhu cầu tự nhiên của con người”, “hôn nhân đồng giới là bình thường”, và “gia đình không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời con người”. Những phát ngôn này đã đi ngược lại giáo lý của Giáo hội Công giáo, vốn coi hôn nhân là một bí tích thiêng liêng giữa một người đàn ông và một người phụ nữ, và gia đình là một tế bào của xã hội.
Linh mục Ngô Tôn Huấn ở Houston, Texas đã viết về linh mục Martinô như sau:
“Tôi thực kinh ngạc khi đọc thư của một linh mục cho biết về linh mục kia từ bên Mỹ về Việt Nam và giảng tại giáo xứ Tân Sa Châu Saigon với những ngôn ngữ không thể tượng tượng được như sau (trích nguyên văn thư của linh mục gửi cho tôi, dựa trên một video quay lại bài giảng của linh mục kia:
- Đạo Công Giáo không dạy chúng ta phải sống tốt !!!
- Tình dục thì rất sướng !!!
- Tao tát một cái, đập vỡ mặt bây giờ !
- Dốt như con lợn !
- Nhìn mặt thấy bà sơ là không có Chúa !
- Nhìn bà sơ giống con mẹ ế chồng !
- Nhìn mấy ông cha giống như vợ bỏ !...
Nếu thực tế đúng như nguyên văn được trích trên đây, thì tôi không biết linh mục kia có phải là linh mục thực sự của Giáo Hội hay là một kẻ mạo danh linh mục để bêu xấu hàng linh mục của Giáo Hội nói chung và hàng linh mục Việt Nam nói riêng.Thật vậy, nếu thực sự được đào tạo thích đáng, dù ở Việt Nam hay ở ngoại quốc, thì không một linh mục nào lại có thể ăn nói bậy bạ, vô tư cách, thiếu giáo dục như vậy trên tòa giảng !!!
Và nếu là linh mục được đào tạo chân chính, thì không bao giờ có thể giảng dạy sai lầm như vậy, nhất là với ngôn ngữ của bọn “xã hội đen” hay trùm băng đảng.
Thay vì phải là ngôn ngữ đúng đắn, trang nhã của một tư tế, một Thầy dạy giáo lý của Chúa để giúp giáo dân thêm yêu mến Chúa nhờ gương sống nhân chứng của mình. Là linh mục của Chúa mà các Thánh Giáo Phụ (Church Fathers) xưa đã gọi là Đức Kitô thứ hai (Alter Christus) thì phải là hiện thân của Chúa Kitô qua lời giảng dạy nhân cách và ngôn từ của mình trước mặt giáo dân và người đời, để “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy”…(Ga 13:35).
Là môn đệ của Thầy thì phải giảng dạy như Thầy giảng dạy, phải dùng ngôn từ như Thầy đã dùng. Thầy không hề dạy ai rằng Đạo của Thầy không dạy phải sống tốt, Thầy cũng chưa hề mạt sát ai là con heo, chưa từng khinh ai là có bộ mặt không giống Chúa, bộ mặt như đàn bà ế chồng hay đàn ông bị vợ bỏ… như ngôn ngữ của linh mục kia.
Giảng dạy như vậy, phải chăng linh mục kia đã tự hào cho mình là linh mục xứng đáng nhất về trình độ trí thức, giáo lý tinh tuyền và nhân cách phù hợp???
Hay ngược lại, chính vì giảng dạy sai lầm trầm trọng như trên - và với ngôn ngữ thô lỗ, bá láp đó, thì sẽ đẩy giáo dân ra khỏi Giáo Hội và làm cho họ chán ghét, khinh thường linh mục của Chúa.
Trước hết, nếu Đạo Công Giáo không dạy sống tốt, thì dạy cái gì, dạy lừa dối, dạy ăn nói thô lỗ như linh mục kia hay sao ???
Lại nữa, liên quan đến vấn đề tính dục (sexuality) giáo lý của Giáo Hội chỉ nói rõ như sau: “Tính dục quy hướng về tình yêu phu phụ của người nam và người nữ. Trong hôn nhân, sự thân mật thân xác giữa hai vợ chồng trở thành một dấu hiệu và một bảo chứng của sự hiệp thông tinh thần. Nơi các Kitô hữu ¸các dây liên lạc của hôn nhân đã được thánh hóa bằng một bí tích…Tính dục làm cho hai người nam và người hiến thân cho nhau qua những hành vi riêng và độc chiếm của vợ chồng: tính dục không phải là một cái gì thần túy sinh học, nhưng nó liên hệ đến phần sâu xa nhất của nhân vị con người. Nó chỉ được thực hiện cách nhân bản thật sự, khi nó là thành phần cấu tạo của tình yêu làm cho người nam và người nữ trọn vẹn dấn thân đối với nhau cho đến khi chết”. (SGLGCG số 2360- 61)
Ngoài những lời dạy trên đây, tuyệt đối không có lời dạy nào nói rằng “tình dục là rất sướng” như linh mục kia đã nói. Nói như vậy phải chăng linh mục kia đã “nếm mùi đời rồi” nên mới có kinh nghiệm bản thân như vậy??? Nếu không làm sao ông biết rằng “tình dục là rất sướng” ? Và dù có kinh nghiệm bản thân như vậy, thì trên cương vị linh mục, ông cũng không được phép “mô tả tính dục” cách thô lỗ như vậy trong bài giảng hay nói chuyện với giáo dân, vì nghe ông mô tả như vậy, người nghe có cảm tưởng là ông đã từng “nếm mùi vị tính dục” nên mới có kinh nghiệm như vậy. Đúng ra ngôn ngữ trên chỉ để dành cho “giới ăn chơi sa đọa” chứ không phải là ngôn ngữ của linh mục giảng dạy cho giáo dân về “phái tính” dựa trên Giáo Lý của Giáo Hội.
Sau hết, không một linh mục nào được phép khinh chê người này không có Chúa, người kia trông giống gái ế chồng, người nọ giống đàn ông bị vợ bỏ !!! Ngôn ngữ này hoàn toàn không phù hợp với ngôn ngữ giảng dạy của một linh mục chân chính, một thầy dạy đức tin và giáo lý tinh tuyền của Chúa…”
Bài viết và nhận xét của linh mục Ngô Tôn Huấn đã cho chúng ta nhận rõ bản chất thật sự của linh mục Martinô Nguyễn Bá Thông. Như vậy, một linh mục thiếu đạo đức thì dạy đạo đức, tín lý thì giáo dân tân tòng như tôi có thể tin tưởng được. Linh mục này không khác gì linh mục giả Hồ Hữu Hoà mà thời gian trước đã dậy sóng trong giáo hội Việt Nam và hình như tôi không lầm linh mục Martinô đã lên tiếng và ủng hộ! Ngoài ra, linh mục Thông cũng bị chỉ trích vì sử dụng những ngôn từ quá thẳng. Ông đã từng nói rằng: “Giáo hội Công giáo đang đi chệch hướng, những người lãnh đạo Giáo hội đang bảo vệ quyền lợi của bản thân hơn là của giáo dân”. Những phát ngôn này đã khiến Tòa Giám mục Tổng giáo phận Thành phố Saigon lo ngại rằng ông có thể gây chia rẽ trong cộng đồng giáo dân và quyết định không cho phép ông rao giảng trong địa phận.
Hình ảnh các linh mục và giám mục đã mặc áo dài khăn đóng khi tham dự Thánh Lễ đầu năm Tết Nguyên Đán tại Giáo xứ Thánh Phêrô trong hơn 20 năm qua là một nét đẹp văn hóa của dân tộc và là truyền thống của Giáo xứ Thánh Phêrô. Sự cho phép và đồng hành của Giám mục địa phận đã nói lên tinh thần giáo dân Giáo xứ Thánh Phêrô. Chúng tôi yêu cầu các “vị linh mục” và “kitô hữu” không đồng ý nên hiểu rằng “đèn nhà ai nấy sáng”. Chúng tôi quý mến và trân trọng hình ảnh thiêng liêng ấy hơn hai mươi năm qua. Nếu quý vị còn thắc mắc xin trực tiếp thỉnh ý Đức Hồng Y Kevin Joseph Farrell đang giữ chức vụ Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Dân – Gia đình và Sự Sống cũng là Hồng Y Nhiếp Chính; nguyên Giám mục Địa phận Dallas trước đây đã từng mặc áo dài khăn đóng chủ tế Thánh Lễ đầu năm qua thời gian các linh mục Chánh xứ Nguyễn Viết Tân, Phạm Chinh và Phạm Quang Minh…
Lời cuối cho bài góp ý này qua lời tuyên hứa trước đây với Chúa là “Tôi tin đạo và không bao giờ tin người có đạo dù người đó có chức Thánh” như linh mục Martinô Nguyễn Bá Thông cũng như một số linh mục, kitô hữu “đồng hội đồng thuyền” với linh mục Nguyễn Bá Thông.