Tiễn biệt chiến hữu Phan Văn Dục nhớ quân trường Thủ Đức
Arlington, TX.- Tôi không nhớ đã gặp anh Phan Văn Dục lần nào, từ khi anh đến định cư thanh phố Fort Worth theo diện H.O. vào đầu thập niên 1990? Cũng có thể theo lời chị Dục cho biết tuy không gặp nhưng được biết tôi qua truyền thông báo chí. Và đây cũng là lần gặp đầu tiên và cuối cùng khi tôi đến nhà quàn Moore Funeral Home tiễn biệt anh và chia buồn với tang quyến! Không có lời chia buồn nào thể xoa dịu nỗi đau xót mất mát người thân…
Tôi chưa một lần tiếp xúc, trò chuyện với anh nhưng khi nhìn lên màn ảnh ghi lại cuộc đời anh. Tôi nhận ra anh trong bộ quân phục Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, có lẽ khóa đàn anh của tôi. Bổng dưng tôi nhớ lại quân trường cùng với nhiều người bạn cùng khóa không biết bây giờ còn hay mất. Chúng tôi đến từ Trung tâm Tuyển mộ nhập ngũ số III, cùng với nhạc sĩ Lê Hữu Hà, nhạc sĩ Trường Kỳ. Tôi thuộc quân số thặng dư khóa 3/69. Trong khi chờ đợi được cho về phục vụ Bộ Cựu Chiến Binh, chuẩn bị vào Quang Trung giai đoạn I của khóa 4/69, mặc dù lúc bấy giờ tôi nặng vừa đủ 35 ký…
“… Ta đang nhớ về Thủ Đức như những người cùng cảnh ngộ đang nhớ. Có phải đêm qua gió quá dữ để bãi bắn rụng đầy lá cao su. Và quân trường những cơn mưa lá ngâu đã rụng xuống doanh trại. Gió lộng như từ tứ phương tụ hội về đồi. Gió mang suốt ngày khắp nơi vang vang lời ca “Đường trường xa…” và nhịp đếm Một Hai Ba Bốn. Ô hay, ta gầy còm, dưới 40 ký, thế mà cũng chịu đựng được sao. Quân trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu. Kinh nhật tụng cho giai đoạn một. Tay ta trói gà không chặt mà đòi đánh một hai. Hai chân ta đôi khi luống cuống, bước không đúng nhịp mà đòi đi diễn hành cuối khoá. Ta tập quay trái, quay phải, quay đằng sau. Chân trái phải xê dịch như thế nào, chân phải phải quay ra làm sao. 90 độ. Phải ráng tập trung trí óc. Chụm chân lại. Rồi quay 90 độ. Phải ráng nghĩ trong đầu. Khi đi phải bắt đầu bằng chân trái. Ráng mà nhớ.
Ta chẳng khác một tên học trò lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái roi mây của thầy. Ngày nhỏ, ta tập lính bước một hai, khẩu súng là cuống chuối hay khúc gỗ mang lên vai. Bây giờ, ta cũng vậy. Vẫn là một trò chơi bất tận. Nhưng thời nhỏ dại ấy lại quá dễ dàng, cớ sao bây giờ lại quá khó. Bằng chứng là ta bị phạt liên miên.
Bây giờ, quá xa, quá lâu để mà nhớ về những ngày tháng cũ, nhưng hình như bên tai ta vẫn còn văng vẳng tiếng hát vang lừng từ một góc trời Tăng Nhơn Phú.
Cám ơn nó, bởi vì nó khiến lòng ta ấm lại giữa lúc tiếng gọi đò chiều đã giục. Không biết tới chuyến nào sẽ chở đời ta qua bên sông cô tịch. May mà tiếng hát nào như gió bão đánh bạt cái ý nghĩ đen tối bi quan. Ta đã dứng dậy đến bên khung cửa. Dưới ánh điện đường trong một đêm về sáng, ta thấy lại một vũ đình trường, với những ống đạn pháo binh sơn trắng bao quanh, ta thấy lại những đại đội đang xuôi ngược diễn hành. Có khi hai đại đội cùng di chuyển đối đầu nhau, và một bên dậm chân tại chỗ, chờ bên kia vượt qua. Không ai bận tâm lấy ai. Phải nhìn thẳng. Phải ca phải hát. Lính phải hùng. Gió làm lời ca bay bổng trên chín cổng, vang khắp bãi đồi.
Khi hai chân ta bước nhịp, hai tay ta đánh theo, miệng ta cất lời, thì bạn ta cũng vậy. Tất cả sẽ tạo nên một tập thể đồng nhất, tiến về phía trước. Trời ơi, cả một rừng cờ sắc áo như thế, khoá này tiếp đến khoá khác, biết bao nhiêu bước chân tập tành để chuẩn bị cho một cuộc lên đường, để rồi, vũ đình trường giờ đây chỉ còn lại một bãi mồ hoang phế. Tiếng ca hùng tráng ngày ấy đâu rồi. Tiếng hát đã một lần lồng lộng cùng lá cờ giữa sân ngôi trường lính ngày ấy đâu rồi. Cổ họng ta đã một thời gào to cùng tiếng ca lời hát, thế mà bây giờ nó nuốt vào đến nghẹn những bài hát kỳ lạ, lạ kỳ. Những bài hát của kẻ thắng trận. Hãy quên. Hãy quên. Làm sao ta có thể quên được. Họ vẫn cho ta ăn dù khẩu phần còn thua một con chó. Họ vẫn cho ta làm, họ vẫn cho ta hát ca… Bão nổi lên rồi. Chỉ nhớ bốn chữ. Kẻ thua trận hát về trận bão cuốn lốc đời hắn, bắt hắn phải bị đày đọa mất nhà mất cửa, xa vợ xa con. Kẻ thua trận gân cổ ca Giải phóng miền Nam… Chỉ nhớ nổi 4 chữ. Hãy quên. Người ta cấm ta hát ta ca, nên ta mới không bao giờ quên những lời ca tiếng hát đã dạy ta khôn lớn. Như vậy ta làm sao quên được.
Trong một đêm về sáng, ta nghe tiếng động bên ngoài. Có lẽ trời đã nổi gió. Xứ người. Ta đang ở xứ người. Ta không có gì để mơ ước nữa. Nhưng rõ ràng tại sao hồn ta lại trôi giạt về một phương nào. Về một nơi đã dạy ta, trui rèn ta, ít ra, sức mạnh về sự tự tin, để ta còn dùng nó trong những ngày đen tối nhất.
Bởi vì, ta biết ta sẽ làm được, như đã từng mang khẩu garant nặng nề, như đã từng bò hỏa lực, leo dây tử thần, hay di chuyển bộ hàng bao cây số trong khi thân ta chỉ là ngọn cỏ ngọn lau. Ta có thể làm được, bởi mưa và nắng Tăng Nhơn Phú đã làm da ta đen và dày dạn hơn, để ta làm quen với mưa và nắng của kiếp đời lính tráng và tù tội…
… Nhớ về một ngôi trường lính, dù chỉ là chín tháng, nhưng nỗi nhớ mang theo nỗi ngậm ngùi. Bây giờ trường đã mất. Những con ngựa hôm nào bây giờ đã lạc bầy tan tác hay đã rời bỏ đồng cỏ để về một cõi nào. Cả một thời tuổi trẻ đã hy sinh và chấp nhận vào cổng trường với niềm mong mỏi duy nhất là dâng hiến đời mình cho đất nước, quê hương bây giờ trở thành mây khói. Tự nhìn lại là mình có làm trái với bổn phận không, cái bổn phận khiêm nhường của một người lính, mình thấy lòng an ổn lạ lùng.”.
Tôi chuẩn bị từ giả ra về thì anh Hội trưởng và các anh trong Hội cựu SVSQ Trừ bị Thủ Đức đến viếng. Anh Phan Văn Dục là hội viên của hội. Tôi có đưa ra thắc mắc tại sao chiến hữu Phan Văn Dục lại không có nghi thức phủ cờ như các hội viên khác. Tôi được anh Hội trưởng cho biết, hội có trách nhiệm phủ cờ cho tất cả cựu Sinh viên Sĩ Quan Thủ Đức nằm xuống nếu được gia đình yêu cầu không phân biệt là hội viên hay không hội viên. Tuy nhiên, dù là hội viên nhưng gia đình hay người thân của gia đình không yêu cầu thì hội không thể tự động đứng ra thực hiện nghĩa vụ ấy. Qua sự tìm hiểu và sự giải thích của anh Hội trưởng Nguyễn Ngọc Sơn sẽ giúp cho gia đình các cựu SVSQ/TB Thủ Đức giải tỏa thắc mắc khi hữu sự.
Rồi một ngày không xa với tuổi tác của các anh em chúng tôi còn lại, thế nào cũng sẽ gặp anh chắc chắn không ở Quân trường Thủ Đức ngày xưa mà có lẽ ở một nơi nào xa xôi nhưng thanh bình hơn trần gian này anh Anrê Phan Văn Dục nhé!
Thái Hóa Lộc