Tâm sự với nhà viết sử: Tiến Sĩ Lê Đình Cai

Cũng từ tùy duyên, trong một thời gian thật ngắn để tâm sự chia sẻ nhưng tôi đã nhận ra tinh thần tiết trực uyên bác của nhà viết sử Lê Đình Cai. Như trong lời giới thiệu nhà văn Võ Hương An về cuốn sách lịch sử: “Chiến tranh Quốc Cộng Tại Việt Nam (1954-1975)”- Một Sử phẩm đáng tin cậy để nhìn lại quá khứ đầy đau thương và mất mát của đất nước Việt Nam-

Anh chị Lê Đình Cai và chúng tôi (Thái Hóa Lộc)

Chính tôi khi trò chuyện liên quan về sự ra đời cuốn Chiến Tranh Quốc Cộng Việt Nam (1954-1975) đã thắc mắc là tại sao tác giả dự trù hai tập với hai chu kỳ khác nhau. Tâp I bắt đầu từ năm 1930-1954 và tập II từ năm 1954-1975 nhưng lại ra mắt tập II trước. Nhưng theo lời tác giả Tiến sĩ Lê Đình Cai cho biết hai hai tập cần phải được hiệu đính lại nhiều lần vì có nhiều chi tiết chưa rõ ràng. Sự cẩn trọng của một nhà viết sử, ông cần phải cố gắng viết đi viết lại khi sự kiện được hiệu đính chính xác như trường hợp cái chết của Tướng Trịnh Minh Thế bị giết ở cầu chữ Y. Ai là thủ phạm cũng như cái chết của Đại tá Phạm Văn Phúc tỉnh trưởng Long Khánh tháng 4 năm 1975 hay là Trung tá Tiểu khu phó?

Trong tình trạng người tỵ nạn cộng sản của người viết sử Lê Đình Cai không phải là bên thắng cuộc để viết sử mà: “Lịch sử luôn được viết bởi người chiến thắng…”quan điểm này đã được chứng minh qua lịch sử các triều đại đất nước ta.

Khi nói về tư cách người viết sử trong Cương mục, Tự Đức đã có lần phê bình những sử thần của chúa Trịnh như sau đây: “Sử cũ soạn hồi cuối Lê đều ra từ những Khuyển, Ưng của họ Trịnh, cố nhiên là có nhiều điều kiêng kị đối với họ Trịnh. Đó thật là những trang sử nhơ bẩn không thể tin được”. Ý muốn nói rằng sử chép thời Lê-Trịnh không tốt vì sử thần lúc đó là tay chân của chúa Trịnh, nịnh hót chúa Trịnh.

Vậy thì nhà chép sử phải có tư cách nào? Phải làm sao? Nhà vua chỉ dụ: phải tinh tường và xác đáng, nghiêm chỉnh và công bằng, “ghi chép thành một bộ tín sử lưu truyền vĩnh viễn”. Về tư cách người làm sử, Cương mục có chép một chuyện có ý nghĩa, chuyện Lê Thánh Tông hạ lệnh cho sử quan Lê Nghĩa dâng nhật lịnh: Nhà vua muốn xem quốc sử, sai trung quan đến viện Hàn lâm dụ bảo sử quan Lê Nghĩa rằng: “Ngày xưa Phòng Huyền Linh giữ chức sử quan, Đường Thái Tông muốn xem Thực lục, Huyền Linh không cho xem. Nay nhà ngươi so sánh với Huyền Linh, ai hơn?”.

Lê Nghĩa trả lời: “Sự biến xảy ra ở cửa Huyền Vũ (nơi ba anh em Lý Thế Dân giết nhau để tranh ngôi vua) người Huyền Linh không chép thẳng vì có lệnh vua Đường Thái Tông, rồi sau đó mới chép. Như thế, e rằng Huyền Linh chưa chắc đã giỏi”. Sau đó nhà vua sai quan dụ bảo hai ba lần nữa. Rốt cùng Nghĩa nói: “Nếu thánh thượng thực lòng biết đổi lỗi, ấy là hạnh phúc vô cùng cho xã tắc, thì dù việc dâng nhật lịch này không phải đã là can ngăn mà chính là can ngăn đấy”. Bèn dâng nhật lịch.

Cương mục có hai lời phê về việc này: một là lòng hiếu danh của Lê Thánh Tông cũng giống với Đường Thái Tông, nên mới đòi xem quốc sử, hai là Lê Nghĩa giữ đạo lý sử gia không vững.

Chúng ta ngày nay không phải bàn cãi lại những phong tục thể lệ thời phong kiến hơi kỳ lạ đối với ta. Chỉ biết rằng từ xưa đã có sự đòi hỏi sử quan phải vô tư, khách quan, khảng khái, không biến dở thành hay để nịnh nọt, không uốn ngòi bút theo ý vua chúa. Ngày xưa, ở Bắc phương, sử quan mà nổi tiếng có tư cách ngay thẳng thì có Nam Sử Thị nước Tề, Đổng Hồ nước Tấn. Còn như Huyền Linh ở thời Đường, Lê Nghĩa ở thời Lê, đều là những sử quan không giữ vững “đạo lý” của nhà làm sử. Các nhà Nho, các nhà biên sử đều hiểu như thế.

Đọc đến Thực lục, Liệt truyện, Thống nhất chí… thấy chứa đựng không biết bao nhiêu bằng chứng chứng tỏ rằng mục đích lớn nhất của sử thần, nhiệm vụ được đặt cọc, là đưa nhà Nguyễn lên tận mây xanh, dìm tất cả những ai chống nhà Nguyễn xuống bùn đen, việc lớn như trời mà không lợi cho triều đình Nguyễn thì không nói tới, chuyện nhỏ như hạt cát, nhẹ như cọng rơm mà không lợi cho triều đình Nguyễn thì ghi vào, tán ra, thổi lên, lại còn bày chuyện để bôi nhọ nhân vật Tây Sơn và lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa khác. Hàng chục quyển sách không đủ để kể hết. Bịa? – Như bịa nhiều sự kiện, lời nói xung quanh cái chết của Vũ Văn Nhậm cốt để làm cho người ta tưởng lầm rằng Nguyễn Huệ là người giảo quyệt, giả nhường ngựa nhường lọng cho người để hôm nay ru ngủ và ngày mai giết đi, và giết đi chỉ vì kẻ kia có tài hơn mình mà thôi!

Ngoài vòng cương tỏa trực tiếp của triều đình, nhà làm sử dễ khách quan hơn, dễ trông bằng mắt mình, dễ cảm bằng tim mình. Đó là trường hợp của các tác giả sách Hoàng Lê nhất thống chí của các nhà Nho riêng lẻ làm những cuốn biên khảo về Việt sử, hoặc chép sử hàng tỉnh. Số này khá đông, Hoàng Lê nhất thống chí tiêu biểu nhất, nó ghi chép một cách hết sức sinh động những sự việc xảy ra trong thời gian hơn hai mươi năm cuối thế kỷ 18 và mấy năm đầu thế kỷ 19. Tác phẩm lịch sử đến trình độ cao thì thành tác phẩm văn nghệ, tác phẩm văn nghệ cao thì cho phép độc giả biết đúng tinh túy của trạng thái xã hội một thời. Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm như thế đó. Các tác giả có lưu luyến với nhà Lê thật, nhưng không dùng ngòi bút của mình để chống đỡ cho nhà Lê đang sụp đổ, mà nêu lên rõ sự bế tắc về trí tuệ, sự sa đọa về đạo đức của xã hội phong kiến triều Lê. Các tác giả không phải là bề tôi của Tây Sơn nhưng họ khách quan ghi chép nhiều hành động của Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn khiến người đọc có thể nhập thân vào phong trào quần chúng, vào sự nghiệp cứu quốc và thống nhất đất nước của vị anh hùng áo vải. Đọc Thực lục, Cương mục không thấy dân ở đâu hết, chỉ thấy vua, quan, tướng, thần, trời, còn trong Hoàng Lê nhất thống chí thì thấy xuất hiện quần chúng nhân dân, tất nhiên chưa đến mức cao của thực tế, nhưng họ có mặt với cảnh khổ, kỳ vọng vào tính chiến đấu, tính yêu nước mãnh liệt. Tư tưởng của bản thân các tác giả là tôn trọng họ Lê, song nhiều trang tuyệt bút đã nêu bật tài năng, đạo đức, mưu trí, công lao của Nguyễn Huệ, tinh thần chiến đấu cực kỳ anh dũng của quân Tây Sơn…

Thời gian thật ngắn qua ý tưởng của nhà viết sử Tiến sĩ Lê Đình Cai qua con người trách nhiệm của một nhà viết sử trung thực dù ở phe thắng cuộc hay thua cuộc. Điều này giúp cho chúng tôi thêm kiến thức đánh giá một số cuốn hồi ký được xuất bản tại hải ngoại đã thiếu trung thực phần lớn đề cao về cá nhân, tổ chức của mình. Chúng tôi cũng nhớ lại bài viết của nhà văn Trần Doãn Nho nói về nhận định cố sử gia Tạ Chí Đại Trường giữa lịch sử và văn học,theo ông, “Nổi bật trong văn chương là tính chất nghệ thuật, còn ở sử học là tính chất hệ thống hóa của nó. Tuy nhiên có một điểm khó tách rời văn chương và sử học: Cả hai đều phải xuất hiện qua hình thức chữ nghĩa, và nói lên điều thiết thân của con người, một nói về quá khứ và một cứ tưởng của muôn đời mà thật ra cũng chỉ là giai đoạn […]. Như vậy văn chương không chỉ nối dài lịch sử bằng hình thức của mình mà còn có tác động đẩy đưa lịch sử theo hướng mình mở ra nữa. Có vẻ như sử học bị bó trong khuôn khổ đã không làm hết nhiệm vụ.”.

Cảm ơn nhà nhà sử gia Tiến Sĩ Lê Đình Cai đã giúp cho tôi thêm ý thức về nhận định thế nào là giá trị của một nhà viết sử đúng nghĩa. Theo Tiến sĩ Lê Đình Cai cho biết thêm trong thời gian ông làm luận án trước đây còn thiếu rất nhiều tài liệu. Với cuốn “Chiến Tranh Quốc Cộng tại Việt Nam” (toàn tập) sẽ giúp ích rất nhiều về tài liệu thực hiện luận án tiến sĩ trong tương lai cho các sinh viên đi ngành sử học.

Thái Hóa Lộc

Previous
Previous

Tình đồng nghiệp

Next
Next

Kết quả bầu cử Hội Cựu SVSQ/TB Thủ Đức-Đồng Đế DFW