Tưởng Niệm 47 Năm Quốc Hận tại Dallas-Fort Worth

May 6, 2022 luongtruong Hải ngoạiTin DFW

Thái Hóa Lộc: DFW.-47 năm tháng Tư lại về, người Việt Nam tị nạn cộng sản thêm một lần đau buồn tưởng nhớ lại những giờ phút tang thương xưa cũ; tuy cùng chịu chung một cơn biến loạn, nhưng mỗi người ở trong một hoàn cảnh khác nhau, với những cảm xúc riêng biệt. Để rồi có người quên, người nhớ… Đối với những người Việt quên cội nguồn, ngày 30 tháng 4 ấy cũng chỉ là một ngày bình thường như mọi ngày, hỏi như thế, những người này sẽ không biết trả lời sao cho đúng.  Nhưng đối với người Việt Nam còn biết đau thương của dân tộc thì không thể nào quên. Vì đó là ngày đã xẩy ra một biến cố lịch sử quan trọng khó ai quên được. Nhưng, nếu hỏi ngày 30 tháng tư là ngày gì, người Việt Nam sẽ không có câu trả lời như nhau.  Và trong cùng ý nghĩa giống nhau nhưng lại khác biệt về cảm xúc dẫn đưa đến nhiều tổ chức Tưởng niệm 47 năm Quốc Hận tại địa phương Dallas-Fort Worth.

Ban tế lễ Hội Người Việt Cao Niên Dallas

Nhiều tổ chức có cùng thời gian tổ chức tuy có khác giờ nhưng địa điểm không thuận tiện di chuyển, đồng hương không thể tham dự đầy đủ các nơi. Bắt đầu 11 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Hội Người Mỹ gốc Việt Bắc Texas tại Trung tâm Thương Mại Bến Thành Plaza thành phố Arlington. Trong khi đó, tại trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas lại bắt đầu lúc 12 giờ 30 trưa, thành phố Garland kết thúc lúc 4 giờ 30 chiều.

Từ Garland chạy ngược về lại Grand Prairie tham dự 47 năm Quốc Hận với chủ đề “Cờ Vàng Trong Tim Em” của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hạt Tarrant, chương trình bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều. Nơi đây cũng chưa phải là nơi cuối cùng. Những ai còn nhớ đến Sư Tịnh Đức, không thể bỏ quên Ngày Quốc Hận hằng năm; dù nắng hay mưa, dù ngày thường hay cuối tuần. Ngày 30 tháng 4 trở thành ngày truyền thống “Quốc hận” của Chùa Đạo Quang. Đặc biệt năm nay là năm đầu tiên vắng Thầy, Sư Chánh Niệm được Sư Tịnh Đức ủy nhiệm tiếp tục gìn giữ Chùa Đạo Quang không thể bỏ quên con đường Thầy mình đã đi qua. Những người đã thương mến cố Hòa Thương Thích Tịnh Đức không thể không đến với Sư Chánh Niệm và Chùa Đạo Quang!

Chúng tôi cũng không thể không nhắc đến một lễ Tưởng niệm 30-4 được tổ chức tại Trung tâm Tuổi Vàng, thành phố Arlington cùng Thứ Bảy, ngày 30 tháng 4 năm 2022 và trưa hôm sau, ngày 1 tháng 5 năm 2022 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, thành phố Arlington…

Người Việt Dallas không có bài tường thuật đầy đủ bất cứ một tổ chức nào đã tham dự mà chỉ xin ghi lại một vài sự kiện nổi bật khác biệt nơi đã tham dự trong chiều hướng tích cực. Do đó, nếu cho rằng tổ chức nào, đông người hơn, thành công hơn tổ chức nào trong ngày lễ Tưởng Niệm qua nhận xét riêng thì hoàn toàn không đúng với nỗi buồn thật sự và ý nghĩa của ngày Quốc Hận 30 tháng 4. Ý nghĩa tổ chức Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 không phải là dịp tạo thêm sự chia rẽ, phân biệt lằn ranh của những tổ chức với nhau…

1.-HỘI NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT BẮC TEXAS:

Theo như sự chia sẻ của ban tổ chức và được bày tỏ qua lá thư mời: “Sự kiện Nga xâm lăng nước láng giềng Ukraine đã và đang làm cho toàn thể thế giới bàng hoàng xúc động và đồng thời cảm phục tinh thần chống giặc ngoại xâm của người dân Ukraine. Hằng ngày, thủ đô và các thành phố lớn của Ukraine phải hứng chịu đủ loại bom đạn, hỏa tiễn hành trình của Nga. Thiệt hại về sinh mạng và của cải thật to lớn. Không biết chừng nào cuộc chiến đấu chống ngoại xâm chấm dứt…”.

Xin vào link dưới đây để xem hình buổi lễ Tưởng Niệm Quốc Hận 30/4 lần thứ 47:

https://photos.google.com/share/AF1QipOokBx51cpO9GnMahmEDDy311Zim5By9_ip3D4zt3w88FSJQb1bMxKfgE86g1JYBA?key=OGRUaXEtSTZVcWREcHNGVm1uSzRlM3VZRFFuNWtR

Với nguyên nhân nói trên, Hội Người Mỹ gốc Việt Bắc Texas tổ chức Tưởng Niệm Quốc Hận năm nay đã thực hiện thêm phần hiệp thông cầu nguyện hòa bình cho Ukraine cùng gây quỹ cứu trợ nạn nhân chiến cuộc tại Ukraine. Ban tổ chức chưa thông báo kết quả chính thức nhưng chúng tôi được biết sự hưởng ứng của đồng hương cũng rất nhiệt tình, con số ước tính khoảng $20,000.00 (hai chục ngàn USD). Trong phần đóng góp văn nghệ cũng thật đặc biệt với sự hiện diện của hai ca sĩ từ Trung tâm Asia là nữ ca sĩ Vina Uyển My và nam ca sĩ Lê Quốc Tuấn. Ca khúc vô cùng cảm động của nhạc sĩ Trúc Hồ viết về Ukraine:”Hello, Lost Eyes” đã được trình bày để chuyển tải sự đồng cảm với những người Ukraine hiện diện. Cùng đồng cảm về tinh thần qua sự diễn tả bài hát, cả hai ca sĩ trẻ này hoàn toàn chia sẻ về vật chất, là không nhận thù lao cho phần trình diễn của họ!

Ban tổ chức đã mời Tòa Tổng Lãnh Sự Ukraine tại Houston, Cộng Đồng Người Mỹ gốc Ukraine tại Texas (Ukrainian American Society of Texas), Hội Văn Hóa Ukraine tại Dallas (Ukrainian Cultural Club of Dallas), Giáo xứ Công giáo Hy Lạp gốc Ukraine (St  ̣Sophia Ukrainian Greek Catholic Church). Chúng tôi ghi nhận có sự hiện diện của Bà chủ tịch CĐ Mỹ gốc Ukraine: Liz Harper, Bà TTK CĐ Mỹ gốc Ukraine: Cathy Teinert, Bà Nataliya Shtanyuk: Hội Trưởng của Hội văn hóa Ukraine, Cô Maryana Bilenka: hội viện hội văn hoá. Trong phần đóng góp văn nghệ có hai Mẹ Con Bà Roma và Viana Giordano (em Viana khoảng 10 tuổi hát Quốc Ca Ukraine rất hay) và nguời nghệ sĩ chơi đàn Bandurist, cổ truyền, Anh Mark Krasij. Ngoài ra còn có khá nhiều nguời Ukraine đến tham dự, họ là những nguời cuối cùng rời địa điểm tổ chức  ̣

2.– CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA DALLAS

Diễn Hành Quốc Hận tại CĐNVQG Dallas

Rước Quốc Quân Kỳ và chào cờ Tưởng Niệm Quốc Hận tại CĐNVQG Dallas

Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Dallas bắt đầu lúc 12 giờ 30 trưa trong cái nắng đã lên cao. Chương trình rước Quốc Quân Kỳ và nghi thức chào cờ đúng 1 giờ. Năm nay cũng như các năm về trước, tưởng niệm Quốc Hận đều có diễn hành được sự bảo trợ an toàn của thành phố Garland, có cảnh sát hộ tống. Ngoài những chương trình thường lệ của các năm trước, một tiết mục khá nổi bật, một sáng kiến mới của Ban Quản Trị Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas. Đó là sự chia sẻ của hai thế hệ trong một chương trình “người thật – việc thật” liên quan đến hoàn cảnh người Việt Nam ở thời điểm 30 tháng 4, và hậu quả của nó.

Chúng tôi ghi lại sự kiện này qua sự trao đổi của cháu Đặng Diễm Hạ (DH) ái nữ của nhà báo Đặng Hiếu Sinh & nhà văn Ngân Bình với bà Angie Hồ Quang (AH), một nhân vật rất quen thuộc với cộng đồng địa phương DFW.

AH: Cô rất vui được biết DH và gia đình từ khi DH còn rất nhỏ. Câu chuyện của gia đình DH mang đậm nét tiêu biểu của Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh cũng như sau khi bị bức tử. Được biết Ba của DH phục vụ trong quân đội VNCH, rồi khi chiến tranh tàn, như bao người trai gãy súng, Ba con đã bị nhốt vào trại tù cải tạo. Thế cho Cô biết lúc đó Ba Mẹ con đã thành hôn chưa?

DH: Thưa chưa, lúc đó ba mẹ con chỉ là bạn trai, bạn gái nhưng đã được ông bà ngoại, bà nội chấp nhận. Sau 30/4/75 ba con bị bắt vào tù. Mẹ kể, khi mẹ đi thăm Ba trong tù, ba nói, mẹ về lấy chồng, vì ba đi tù không có ngày về.

AH: Thế Mẹ con có nghe theo không?

DH: Dạ, lúc đó mẹ buồn lắm vì nghĩ là ba không thương mẹ, nên không liên lạc nữa. Sau đó, chị của ba có đưa cho mẹ một tập thơ của ba làm cho mẹ. Khi đọc mẹ mới biết là ba rất đau khổ khi phải xa mẹ, nên mẹ mới liên lạc lại với ba.

AH: Ba đi tù bao lâu thì được thả về?

DH: Sau 4 năm ba con không được thả, nên ba con đã trốn khỏi trại tù. Ba con sợ bị bắt nên không dám về nhà bà nội. Ba đến tìm mẹ và xin ông bà ngoại cho tá túc.

AH: DH nghĩ gì về việc Ông Bà Ngoại cưu mang một người tù vượt ngục?

DH: Dạ, con nghĩ là ông bà Ngoại thương mẹ và thương người lính Việt Nam Cộng Hòa, nên không sợ nguy hiểm mà đã che chở cho ba con. Một năm sau thì ba mẹ con cưới nhau và sinh ra con ở Sài Gòn.

AH:  Cô được biết rằng sau đó Ba mẹ bế con lên chiếc ghế nhỏ tìm đường vượt biển ở đó tuổi rất nhỏ. Chỉ hơn 1 tháng tuổi con đã rời VN, thế sao con nói tiếng Việt giỏi như vậy?

DH: Dạ, không những nói mà con còn có thể đọc và viết chữ Việt nữa, vì hồi con còn nhỏ, ba mẹ không cho con nói tiếng Mỹ ở nhà, vì con có ông bà ngoại ở chung nên hay xem phim Việt Nam với ông bà ngoại và học thêm Việt ngữ tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

AH: Con có biết tại sao miền Bắc chiếm được miền Nam trong khi quân đội VNCH chiến đấu giỏi không?

*** DH: Dạ theo con biết thì nước Việt Nam bị chia cắt là hai miền. Miền Bắc theo chế độ cộng sản, miền Nam theo chế độ tự do. Miền Bắc gây chiến tranh với miền Nam. Cộng sản miền Bắc được Liên sô và Trung cộng tiếp tế súng đạn đầy đủ. Còn Việt Nam Cộng Hòa thì đến năm 1975, Hoa Kỳ không cung cấp vũ khí để quân đội miền Nam chiến đấu, nên cộng Sản miền Bắc mới chiếm được miền Nam.

AH: Con nghĩ gì về sự giống và khác nhau của chiến tranh Việt Nam hai miền Nam Bắc và chiến tranh hiện nay của Nga Sô và Ukraine?

*** DH: Giống nhau ở chỗ là bên gây chiến theo chế độ cộng sản. Chiến tranh làm người dân chết chóc, đau khổ, đất nước bị tàn phá. Khác nhau là miền Nam Việt Nam không được Hòa Kỳ cung cấp đầy đủ vũ khí. Còn Ukraine hiện đang được các nước Âu Châu và Hoa kỳ ủng hộ, cung cấp vũ khí.

AH: Con có về Việt Nam lần nào chưa? Con biết gì về cuộc sống hiện tại của người dân Việt Nam?

*** DH: Dạ, Con chưa về Việt Nam lần nào, nhưng qua hình ảnh xem được trên internet thì con thấy cuộc sống của người dân rất nghèo nàn, khổ sở. Có nhiều trẻ em không được đi học mà phải đi lượm rác, bán vé số để kiếm tiền, nhiều người bị đói khát thật tội nghiệp. Nhiều nơi, dân chúng bị chính quyền chiếm đoạt tài sản, đất đai. Con mong cho chế độ cộng sản sớm sụp đổ để dân chúng được tự do, tuổi trẻ được học hành và có việc làm tốt như tụi con ở Mỹ.

3.-CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA HẠT TARRANT

Chúng tôi không có thời gian tham dự buổi lễ Tưởng Niệm 47 năm nhưng luôn ghi nhận những nỗ lực của Ban Quản Trị, đặc biệt bà Chủ tịch Nguyễn Hữu Đoàn Trang có nhiều sáng kiến làm khác hơn các tổ chức khác. Năm nay, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia có chương trình Thi Diễn Thuyết dành cho các em với chủ đề “Tại sao em quan tâm đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 và lá cờ vàng di sản”. Đây là một sự tìm kiếm những hạt nhân hậu duệ sau này. Không biết kết quả cuộc thi có bao nhiêu em tham gia nhưng là một chương trình cần được tiếp tục…

4.- CHÙA ĐẠO QUANG GARLAND

Nội dung thư mời Tưởng Niệm Ngày 30 Tháng 4 của Chùa Đạo Quang không khác gì mấy năm trước của Hòa Thượng Thích Tịnh Đức, chỉ khác người ký tên trong thư mời là đệ tử truyền nhân của Thầy, Sư Trụ Trì Tỳ Khưu Chánh Niệm. Tổ chức ngày 30 tháng 4 mỗi năm dù mưa gió bão bùng, không kể ngày thường hay cuối tuần đều tổ chức đúng 7 giờ chiều ngày 30 tháng 4 mỗi năm…

Tưởng Niệm 30 tháng 4 được xem như truyền thống và là di sản của người sáng lập ngôi Chùa Đạo Quang, cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Đức.

Lần đầu tiên nhận lại di sản của Thầy để lại, Sư Chánh Niệm không khỏi bỡ ngỡ trong không khí trang nghiêm với đồng đảo Phật tử và đồng hương cũng như đại diện các tổ chức, hội đoàn. Những nỗi buồn không ai dấu kín được của ngày Quốc Hận năm nay, lần đầu tiên vắng bóng vị ân sư nặng lòng với Tổ quốc và dân tộc.

5.-ỦY BAN BẢO TỒN TƯỢNG ĐÀI CHIỀN SĨ VIỆT MỸ – ARLINGTON

Chương trình còn lại cho ngày Tưởng Niệm 30 tháng do Ủy Ban Bảo Tồn Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ bước qua ngày hôm sau mùng 1 tháng 5 năm 2022. Chương trình bắt đầu với tiết mục RƯỚC CỜ THIÊNG từ phía dưới hướng về Tượng Đài. Gió lộng, cờ thiêng như vùng vẫy đã làm khó khăn cho các chị có nhiệm vụ giữ cờ. Tiếng hát của ca nhạc sĩ Hoàng Tường cũng là tác giả của ca khúc này như chạm vào trái tim của người tham dự.

Bác sĩ Đàng Thiện Hưng cảm xúc về quê hương

Một điều khác biệt ở nhiều nơi khác, những bài diễn văn hùng hồn thì trái lại năm nay, bác sĩ Đàng Thiện Hưng Chủ tịch Ủy Ban bảo Tồn Tượng Đài cũng là trưởng ban tổ chức lại “tâm sự” qua cảm xúc của mình về quê hương. Người nghe có thể có cảm nghĩ không giống nhau nhưng với cá nhân chúng tôi như một thông điệp kêu gọi sự đoàn kết của mọi người có cùng một quê hương, có niềm đau chung về ngày mất nước có nghĩa là mất quên hương… Chúng tôi xin được chuyển đến quý vị một luồng gió mới với ý nghĩa – Quê hương không tách rời ngày đau thương của dân tộc: 30 tháng 4 năm 1975…

“Tôi xin được gởi đến quý vị quan khách lời chào thân mến nhất, và xin cám ơn tất cả quý hội đoàn đoàn thể và thân hữu đã góp công cho buổi lễ hôm nay. (BS Đàng Thiện Hưng)

Kính thưa quý vị, có lần con tôi đã hỏi tại sao cha buồn và thường hay nhớ quê hương mỗi khi tháng tư về, và quê hương mình không phải là America hay sao?  Câu hỏi này đã làm tôi suy nghĩ.  Quê hương là gì mà đã qua bao năm sống đời tha hương sao mình vẫn thương vẫn nhớ. “Quê Hương”, một danh từ trù tượng mà mộc mạc, đơn sơ, giờ đây đã 47 năm rồi mà hai chữ Quê Hương vẫn gây ra trong ta những nhói đau ray rứt và những niềm thương nỗi nhớ tràn đầy của những người xa xứ.  Trong chúng ta, có những người quê hương là những tỉnh làng Miền Bắc xa xôi bỏ lại trong thời thơ ấu đã phai mờ trong ký ức, cả đời người vẫn chưa một lần trở lại.  Có những người quê hương là Cố Đô Huế mộng mơ có chùa Thiên Mụ bên giòng Sông Hương, có những chiếc áo dài trắng tan trường qua Cầu Trường Tiền về Thôn Vĩ Dạ.

Có những người quê hương là những hàng thùy dương nghiêng giáng trên bờ biển cát trắng Miền Trung cùng tiếng sóng rạt rào ru ngủ tuổi thơ.  Có những người quê hương là những vùng cao nguyên có những cây thông già ẩn hiện trong sương mù vi vu theo ngày tháng.  Có những người quê hương là thành phố đã bị mất tên nhưng Sài gòn vẫn còn sống mãi với thời gian.  Có những người quê hương là những xóm làng Miền Tây sông nước có những lũy tre xanh rì rào với hai mùa mưa nắng, có những ruộng đồng thơm mùi lúa trổ đòng đòng và những chú mục đồng chiều chiều dẫn trâu về chuồng, có những chú gà con chiêm chiếp trong sân vườn, có những người cha ra đồng lúc gà vừa gáy, cả đời dầm mưa dãi nắng chân lấm tay bùn vất vả sớm hôm.  Quê hương là bóng mẹ quê lam lũ trong căn nhà và chái bếp đơn sơ, khói lam chiều lững lờ vấn vương quyện quanh những tàng lá dừa nghiêng mình bên ao nước.  Quê hương là những con sông quê bên lỡ bên bồi chở đưa những đám lục bình nổi trôi theo con nước lớn nước ròng, như số phận con người bấp bênh ba chìm bảy nổi trong thời chinh chiến.  Quê hương là tiếng võng kẻo kẹt đưa con cùng lời mẹ ru ầu ơ trong buổi trưa hè.  Quê hương là buổi hoàn hôn khi mặt trời tắt nắng sau những hàng tre, với những đàn chim gọi nhau tìm về tổ ấm, và bên kia sông có tiếng ai ru từ xa vọng lại:

“Chiều chiều chim vịt kêu chiều,

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau,

Chiều chiều ra đứng ngỏ sau,

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”

Quê hương là những kỷ niệm của thời thơ ấu cắp sách đến trường có bạn bè và những bài học vỡ lòng được thầy cô viết trên bảng đen với trọn vẹn thương yêu.  Quê hương là những trang lưu bút học trò viết cho nhau những lời giã từ thơ ngây khi những con ve sầu cất lên những lời ru buồn, da diết gọi hạ trên những hàng phượng vĩ.  Quê hương là những buổi chiều mẹ đi làm về, đã mệt nhọc cả ngày, mà còn phải ghé chợ mua đồ nấu bữa cơm chiều, vị đắng tô canh khổ qua như muốn chia sẻ nổi đắng cay của những người con có cha đi học tập! Nhìn mẹ nhóm lửa nấu cơm, nước mắt con tự dưng chảy dài, không biết vì khói bếp cay hay vì nhớ cha trong lao tù cộng sản, hay vì thương mẹ cực nhọc tảo tần vất vả ngược xuôi nuôi đàn con dại.

Quê hương là không gian bao la, là trùng dương bát ngát, là từng tấc đất ngọn cỏ cành cây từ Sông Bến Hải đến Mũi Cà Mau mà những người trai Miền Nam đã hy sinh tuổi thanh xuân chiến đấu giữ gìn bờ cõi. Và giờ đây những người Thương Phế Binh sống những ngày tàn tật nguyền bên lề xã hội.  Quê hương là những mộ phần ôm ấp thi hài của những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến và trong những lao tù cải tạo, những người đã chết cho chúng ta được sống.  Quê hương là nơi chúng ta đã sinh ra, lớn lên, và bỏ lại vì hai chử Tự Do.  Người Việt tị nạn vì phải tìm Tự Do nên đã sống tha hương trên khắp năm châu.  Nhưng cho dù gần nửa thế kỷ đã trôi qua nơi đất khách quê người, tôi đã trả lời với con rằng quê hương cha mãi mãi vẫn là lá cờ vàng ba sọc đỏ và miền đất hiền hòa được gọi bằng hai chữ Việt Nam.

Trong những giờ phút của ngày tang Tổ Quốc, xin một phút mặc niệm tưởng nhớ đến những vong linh của những anh hùng tử sĩ VNCH, và xin tưởng nhớ đến những người Thương Phế Binh đã hy sinh một phần thân thể.  Xin một phút mặc niệm tưởng nhớ đến những người dân vô tội đã chết trong cuộc chiến và trên đường tìm Tự Do.  Xin cùng cầu nguyện cho quê hương ta sớm được thoát khỏi gông xiềng của chế độ độc tài cộng sản.  Và xin trân quý, gìn giữ tình đồng hương và tình chiến hữu vì chúng ta đã không còn gì khác khi đã mất đất mẹ quê cha.

Kết:

Để kết thúc những điều ghi nhận từ cách nhìn riêng về ngày Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận lần thứ 47; tuy không có cùng một cách nhìn chung để tự nhìn thấy mình trong tấm kính phản diện. Chúng ta cũng không vì bất cứ tác động nào, làm cầu nối cho kẻ thù đưa đến tai họa ngày 30-4.

Xin cùng cầu nguyện đất nước sớm thoát khỏi gông cùm Cộng Sản và dù dất nước bên kia bờ đại dương nhưng mãi trong trái tim lưu vong người Việt luôn gắn liền với hình ảnh quê hương yêu dấu muôn đời của cha ông để lại.

Thái Hóa Lộc

Previous
Previous

Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức, Người Bạn của Truyền Thông – Báo Chí Đã Từ Trần

Next
Next

Một tuần bỏ phiếu sớm của ứng cử viên Phạm Long