Tạp ghi

Thái Hóa Lộc

Nhân dịp tưởng niệm 100 ngày người mẹ qua đời, Trần Thu Miên có nhắn và muốn vợ chống chúng tôi chia sẻ một vài kỷ niệm về “Mẹ Tôi”. Tôi thật sự muốn nhắc một lần về “Mẹ Tôi” ở tuổi đời của một ông lão trên tám mươi nhưng niềm đau mất mẹ càng ngày càng lắng sâu hơn trong tiềm thức dù mồ côi ở bất cứ tuổi nào -  “Mồ côi ở tuổi nào cũng là mồ côi!”.

Tôi biết Trần Thu Miên còn một mẹ già đã hơn 102 tuổi, cách nay không lâu khi nghe tin mẹ trở bệnh nặng nên đã về Việt Nam nhưng khi gặp lại con mình bà như khỏe lại. Ở lại chơi với mẹ ít lâu, anh trở về  lại Mỹ vì nhiều công việc cần phải làm. Nhưng thời gian cũng không dài sự cầu mong của gia đình và của anh. Lần này bà cụ lại không thể kéo dài cuộc sống hơn và bà đã ra đi, Trần Thu Miên và vợ là Uyên Sa phải về cư tang mẹ. Ngày 10 tháng 11 năm 2024 là ngày Tưởng niệm 100 ngày của thân mẫu Trần Thu Miên, cụ bà Anna Trần Thị Đào…

Khi được Trần Thu Miên yêu cầu chia sẻ kỷ niệm về mẹ, tôi phài hồi tưởng lại hơn 70 năm về trước khi tôi là một thằng bé học lớp nhất (lớp 5) bây giờ. Ba tôi là hiệu trưởng trường tiểu học Nhơn Phúc và cũng là thầy giáo của tôi. Cuộc sống tuổi thơ của tôi hoàn toàn khác với nhiều đứa trẻ khác giàu có hoặc nghèo khó trong vùng.

Mẹ tôi là con gái út của ông Thất Tân Đức, một người nổi tiếng trong vùng và cha tôi là con trưởng của ông Nghè Thái (Tú Thái). Ba mẹ tôi lấy nhau không vì tình yêu bình thường của đôi trái gái mà mẹ tôi về làm dâu trưởng tộc họ Thái vì môn đăng hộ đối. Cuộc đời của tôi cũng long đong theo vận mệnh này. Tôi sinh ra ở quê ngoại và bà ngoại nuôi dưỡng từ khi tôi mới ra đời, tôi ở với bà ngoại và nhờ sữa của Dì Tám là người chị ruột của mẹ tôi. Bà ngoại thương mẹ tôi ít nhưng thương tôi nhiều hơn nhưng chằng may tôi chưa kịp thôi nôi thì bà ngoại tôi qua đời! Tôi được phía bên ngoại trả về phía nội thay vì tôi được về sống với mẹ tôi. Lúc bấy giờ, mẹ tôi cũng vừa hạ sanh một đứa em trai sau tôi một năm. Mẹ tôi vô cùng vất vả vừa chăm sóc cho em tôi và vừa chạy ngược chạy xuôi trong trách nhiệm của người con dâu cả. Bà nội tôi theo lời kể lại của cô út tôi rất khó và nghiêm khắc với các nàng dâu. Còn tôi thì hoàn toàn vô tư được bà nội cưng chìu hết mực vì là cháu đích tôn nối dõi dòng họ. Đúng ra tôi có thể che chở cho mẹ tôi mỗi khi bị bà nội quở trách nhưng tuổi trẻ ngây thơ nào biết gì? Thật tội nghiệp cho mẹ tôi nhiều khi mẹ tôi muốn làm bất cứ thứ gì cũng sợ bà nội!

Tôi nhớ không lầm dù thời gian lâu lắm, khoảng vào năm 1952-1953, nhà cầm quyền cộng sản địa phương đưa ông bà nội ra đấu tố vì thuộc giai cấp địa chủ- cường hào ác bá! Nhà Từ Đường bị phá dỡ, ruộng đất bị tích thu, ông nội bị sỉ nhục trước đám đông… Bà nội lâm trọng bệnh qua đời trong năm đó. Bà nội không còn nữa, tôi trở về với mẹ và sống với ba người em. Không còn là con dâu địa chủ cường hào ác bá, mẹ tôi bương chải và bắt đầu tập dệt vài suốt ngày lẫn đêm đem ra chợ phiên bán phụ với ba tôi đang đi dạy học xa với đồng lương ít ỏi để nuôi bốn anh em chúng tôi còn nhỏ dại…

Sự đau đớn lại đến với mẹ tôi khi đứa em gái út của tôi lên 5 tuổi rất dễ thương đột ngột ra đi vì bệnh thương hàn nhưng lúc bấy giờ mẹ tôi chỉ nghĩ là bệnh cảm sốt bình thường. Tôi còn nhớ mẹ và tôi chứng kiến giờ cuối cùng của em lúc 5 giờ sáng. Mẹ tôi ôm tôi vào lòng với tiếng nấc: “con ơi!”. Tôi nghe rồi bật khóc một cách ngon lành vì tôi đã hứa với em là em mau lành bệnh sẽ hái mận đầu ngỏ cho em loại trái cây em thích trong vườn của ông bà nội. Cũng kể từ ngày đó, tôi là nguồn an ủi của mẹ và đỡ đần cho em lo cho hai em đứa lên 8 và đứa lên 6. Tôi đã 9 tuổi rồi còn gì…

Thời gian khó khăn về vật chất nhưng gia đình tôi rất ấm cúng với mẹ tôi như một gà mẹ ấp ủ con lo lắng cho ba đứa con bé bỏng của mẹ. Cuộc sống ềm đềm trong gia đình nhỏ bé lại nổi cơn sóng gió, mẹ tôi qua đời vì sanh khó trong điều kiện y tế nghèo nàn ở thôn quê lúc bấy giờ. Mẹ tôi bỏ ba an hem lúc người mới 31 tuổi. Tôi trở thành đứa trẻ mồ côi lúc 11 tuổi…

Tôi mồ côi mẹ lúc tôi 11 tuổi còn Trần Thu Miên mồ côi mẹ đã trên 70. Mẹ trần Thu Miên mất đã ngoài 102 tuổi, tuổi đại thọ. Nhưng người ta mồ côi, thì dù năm bao nhiêu tuổi vẫn bất hạnh vô cùng. Mất mát ấy không gì so sánh được, nhất là khi người đã khuất có sức ảnh hưởng lớn đối với người con. Mồ côi, dù ở độ tuổi nào, cũng đều là một trải nghiệm đau đớn.

Nhiều đêm bần thần nhớ, bần thần nghĩ... tôi vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng vì cảm giác cô đơn, lạc lõng với bao niềm hối tiếc khi nhớ đến cha mình. Tôi cũng mồ côi cha đã ba năm khi cha không còn trẻ, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác bơ vơ trơ trọi như đứa trẻ lạc đứng bên đường, vuột mất một bàn tay yêu thương, mất phương hướng và đáng thương vô cùng dù tôi bước qua tuổi 80.

Trái tim con người chỉ nhỏ bằng cái nắm tay, thế mà đáng thương thay phải chịu bao thử thách. Dẫu biết rằng cái chết là một phần tất yếu của sự sống, người ta vẫn phải đi tiếp, nhưng không sao tránh khỏi những chênh vênh lơ lửng mỗi năm đến ngày giỗ kỵ. Mỗi lần đến ngày tưởng niệm mẹ tôi vào cuối năm 26 tháng Chạp và ba tôi vào đầu năm ngày 14 tháng Giêng. Tôi không thể quên ngày buồn thảm mà bốn cha con tôi ra thăm mộ mẹ đốt trấu mỗi chiều. Nào mứt,  bánh trái, bánh chưng bánh tét, dưa món mà mẹ tôi đã chuẩn bị cho ngày Tết để lại cho cha con tôi như một cái Tết buồn muôn thuở trong đời tôi…

Chữ mồ côi hình như một định mệnh đối với tôi. Khi lập gia đình với vợ tôi, cũng như ba mẹ tôi; tôi là con trưởng và vợ tôi cũng là con út. Vợ tôi còn kém may mắn hơn tôi là mồ côi mẹ khi mới lên hai, vừa chập chững biết đi. Vợ tôi chưa có thể hình dung rõ ràng mẹ mình và chưa nói cũng như hiểu được tiếng gọi “mẹ ơi” một cách đầy đủ nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Mỗi lần đến ngày giỗ của mẹ và ba tôi cũng như ông bà nội, vợ tôi thường thấy những giọt nước mắt của tôi… “Em đọc xong bài này sẽ hiểu bởi vì anh là đứa trẻ mồ côi… Mồ côi mẹ, mồ côi cha, mồ côi ông bà nôi và cũng có thể thời gian không bao lâu nữa sẽ mô côi người cô, người đã từng gần gũi tôi từ nhỏ, lo lắng cho tôi lúc tôi lớn đặc biệt gần 3 năm trong trại tù cộng sản…”

Trong mùa lễ Tạ Ơn, tôi xin cảm ơn mẹ, cảm ơn ba, cảm ơn ông bà nội, bà ngoại và tất cả những người đã yêu thương tôi dù đã mất hay còn sống…

Thái Hóa Lộc   

Previous
Previous

Bà Deborah Morris chạy đua thị trưởng thành phố Garland

Next
Next

Người Mỹ gốc Việt kỳ vọng gì vào nhiệm kỳ mới của ông Trump?