Tạp ghi: Thầy tôi

Thái hóa Lộc

Tôi bàng hoàng nhận được tin của chị Huỳnh Thị Kim Oanh từ thành phố Houston cho biết Thầy Nguyễn Đăng Liên cựu giáo sư Trường Cường Để Qui Nhơn đã qua đời vào ngày 19 tháng 11 năm 2023. Ngay sau đó, Đào Lào bạn cùng lớp đã hỏi thăm tin tức liên quan về sự ra đi của Thầy. Tôi cố gắng liên lạc và thăm hỏi nhiều nơi như văn phòng chung cư của Thầy, các nhà quàn vùng Dallas đều không có một chi tiết liên quan về việc tang lễ của Thầy.

Thầy Nguyễn Đăng Liên (ngồi) và anh Đặng Đức Bích cả hai đã ra đi

Hôm nay, ngồi viết lại những dòng chữ không đầu không đuôi suy nghĩ về Thầy như một nén hương lòng tưởng nhớ đến người Thầy đáng kính đã có một thời gian dài nhiều kỷ niệm từ ngày tôi bước chân vào mái trường Cường Để Qui Nhơn niên khóa 1957-1958. Thầy Nguyễn Đăng Liên sinh năm 1934 tại Phong Điền, Thừa Thiên – Huế. Thầy lớn hơn tôi đúng 10 tuổi và bắt đầu dạy tại trường Cường Để từ những năm đầu tiên khi Việt Nam Cộng Hòa được thành lập. Thầy phụ trách hai môn của lớp tôi là Việt Văn và Công Dân Giáo Dục. Hiện tại tôi còn giữ lại học bạ Đệ Nhất Cấp với bút phê của Thầy vào mỗi kỳ thi Đệ Nhất và Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt.

Đến năm 1962, Thầy Nguyễn Đăng Liên động viên nhập ngũ khóa 14 Sinh viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và cấp bậc cuối cùng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 là Thiếu Tá. Cũng như các sĩ quan QLVNCH Thầy phải vào các trại tù Cộng sản và đến Hoa Kỳ với diện H.O., Thầy định cư tại Dallas cho đến ngày vĩnh viễn ra đi. Tôi và một số anh chị em cựu học sinh trường Cường Để tại Dallas như Phan Thành Tri, Nguyễn Hưng, Đào Lào, Tôn Nữ Bảo Khanh, Nguyễn Thanh Sơn, Tô Hưng Thạnh…Những cựu học sinh vào trường sau năm 1962 hầu như không biết Thầy Liên.

Nhưng từ khi có “Tiếng Gọi Đàn” của nhóm tổ chức Cường Để Qui Nhơn 1998 tại Houston, nhiều cựu học sinh Cường Để đã từ khắp nơi về họp mặt và tôi có cơ hội đưa Thầy Nguyễn Đăng Liên về Houston gặp lại cựu đồng nghiệp như Thầy Hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc, Thầy Trác, Thầy Hiền và học trò cũ của mình như bác sĩ Nguyễn Trác Hiếu, Dược sĩ Lê Thị Bạch Yến, Nguyễn Cửu Phi Long, Nguyễn Văn Gia Phong... Cũng từ đó, tôi và Thầy Tôi càng ngày càng gần gũi thân thiết hơn. Thỉnh thoảng Thầy có vài bài thơ mới gửi cho tôi để đăng vào báo Người Việt Dallas tại địa phương do tôi chủ trương. Nhưng có những lúc Thầy cũng ngại vì thơ rất ít xuất hiện trên báo Người Việt Dallas; hơn nữa thơ của Thầy sáng tác theo thể thơ mới tự nhiên và sâu sắc như bài thơ “Quê Hương” hơn nữa cá nhân tôi cũng không yêu chuộng theo thể thơ nay. Dưới đây là một bài tượng trưng:

Ngày ra đi, bước chân vô định

Tìm cuộc sống tạm dung

Tôi không tìm

Một quê hương đích thực

Bởi lẽ

Đã có một quê hương

Đắng cay, đằm thắm

Nơi ông cha nằm xuống

Và người thân

Sau giọt mồ hôi

Bên luống cày

Nấm mộ cỏ xanh

Thiếu một tấm bia ghi dấu

Quê Hương

Chưa có ngày hòa bình – trong chiến tranh

Chia sẻ với bạn bè xương máu

Thời bé bỏng , cợm độn sắn khoai

Cấp sách đến trường

Để lớn khôn

Khói lửa, lao tù, và lưu lạc

Đất trời này xa lạ

Ngắn cách tận đáy lòng

Bên phương trời bạn bè còn lại

Đọa đày khổ ải

Giọt lệ ngóng trông

Một lòng tin, ngày nào sẽ tới

Niềm mong đợi hắt hiu

Năm tháng trải dài

Quê hương mòn mỏi

Nguyễn Đăng Liên

Tôi chưa đọc một bài viết nào của Thầy.

Thầy Nguyễn Đăng Liên thỉnh thoảng làm thơ dưới tên thật là Nguyễn Đăng Liên hoặc bút hiệu Phong Đăng. Tôi hiểu được một phần suy nghĩ của Thầy thơ là trời cho, là năng khiếu, bởi vậy nên có ngôn ngữ riêng mang sắc thái cá nhân nhưng vẫn trong ngôn ngữ chung” và thơ không đơn giản là cảm xúc cho nên trước hết nó là tấm lòng, sau nữa là nhịp điệu, âm thanh, hình ảnh...

Trước ngày anh Phan Thành Tri mất, anh Tri là người gần gũi với Thầy nhất. Từ nhà anh Tri có thể đi bộ đến khu chung cư Thầy cư ngụ. Với tôi tuy không xa Thầy lắm nhưng lại có vài chuyện riêng tư với Thầy. Tờ báo Người Việt Dallas với sự cộng tác của Thầy hai năm khi Thầy bị layoff không đủ 40 tín chỉ hưu trí. Tôi cũng có duyên đi cuộc sống riêng của Thầy khi nhờ vợ chồng chúng tôi nhận bảo trợ hồ sơ kết hôn với người hiền phụ bên Việt Nam mà Thầy quen biết đã lâu. Qua mấy năm chờ đợi rồi hai người cũng được đoàn tụ. Thầy Cô đã mời một số anh em cựu học sinh Cường Để “ra mắt”. Cô trông còn rất trẻ nhưng gầy yếu. Nếu không biết từ trước không thể nhận ra đó là hai vợ chồng. Cô lúc nào cũng khép nép sợ sệt và Thầy lại tỏ lắm quyền uy! Ai cũng bảo Thầy rất hiền nhưng lại rất nghiêm nghị ngay cả người vợ đầu ấp tay gối của mình Cuộc sống của Thầy Cô cũng khép kín từ đó, cô đi làm cho một hãng may và Thầy thường xuyên quanh quẩn ở nhà. Từ ngày Thầy tục hôn, Thầy cũng không còn theo chúng tôi tham dự những lần họp mặt cựu học sinh Cường Để và Nữ Trung học tại Houston lần nào nữa…

Bẵng đi một thời gian, vào một buổi sáng sớm tôi nhớ hình như vào khoảng 9 giờ sáng; Thầy báo tin vợ Thầy mất và sắp hòa táng. May là nhà hỏa táng cùng thành phố nhà tôi. Vợ chồng tôi vừa kịp đến nơi thì nhà quàn đưa Cô vào lò hỏa táng. Vợ tôi khóc nhiều khi nhìn tư thế của Cô lúc đưa vào lò hỏa táng. Cảnh tiễn đưa thật buồn ngoài Thầy, người con trai của Cô từ Canada về đưa mẹ lần cuối cùng vợ chồng chúng tôi. Lúc đưa thân xác của Cô vào bên trong khi cánh cửa khép lại. Chúng tôi đi quanh quẩn tìm Thầy nhưng không thấy đâu. Mãi lúc sau khi ra hẳn bên ngoài, tôi thấy Thầy nhìn lên cột khói của nhà quàn. Khi hỏi Thầy đang làm gì ở đây, chúng tôi chỉ nghĩ Thầy không muốn tránh cảnh đau lòng nhìn cảnh đưa thân xác vợ mình vào lò thiêu nên bỏ ra ngoài… Nhưng câu trả lời của Thầy thật lạ:

“-Tôi muốn nhìn cột khói ở đây ra khói trắng hay khói đen.”

Điều này làm cho chúng tôi chợt nhớ đến hiện tượng bầu tân Giáo Hoàng ở Tòa Thánh La Mã.  

Không hiểu tôi có nợ với Thầy từ lúc còn học Đệ Thất, Đệ Lục trường Cường Để Qui Nhơn qua môn Công Dân Giáo Dục, Việt Văn.  Nhưng Thầy có nợ tôi không như Thầy thường nói làm cho tôi bị ám ảnh như hôm nay viết về Thầy. Những gói trà rất quý Thầy tặng cho tôi vẫn còn trong ngăn tù trà của tôi đến ngày hôm nay. Mỗi lần có người quen gửi quà cho Thầy từ Việt Nam, Thầy đều chia sẻ với vợ chồng tôi.  Nhưng tôi biết tôi còn nợ Thầy hai năm dạy dỗ ở Cường Để. Những bài Công Dân Giáo Dục thì tôi đã quên nhưng những bài giảng về Lục Súc Tranh Công, Nhị Thập Tứ Hiếu thì tôi vẫn còn nhớ! Tôi nợ Thầy đã mở cánh cửa cuộc đời làm báo cho tôi bước mà tôi phải mang cho đến hết như giấc mơ hình như quá dài.

Tôi không phải là người trời sinh thích làm báo. Những bài viết dù ngắn hay dài đều làm cho tôi sung sướng. bất cứ là việc gì, dù tầm thường đến đâu, nếu để tình cảm bước vào, tự dưng sẽ thú vị. Suy nghĩ để ghi lại cái hay cái đẹp nhưng xa vời như trăng ở trên cao. Trăng đẹp hay ánh trăng đẹp? Trăng của của người, trăng của tôi, khác nhau vô cùng. Trong khi sáng tạo trong khoa học thì như con voi. Cho dù mù vẫn rờ được. Cho dù nói sai vẫn là cái chổi, cái ống, cái quạt....Thử hỏi những người mù làm sao luận ánh trăng?

Thầy Nguyễn Đăng Liên đã ra đi hơn một tuần. Tôi đã cố gắng liên lạc nhiều nơi để biết Thầy đang nằm ờ nhà quàn nào? Hỏa táng hay được các người con Thầy chon cất ở nghĩa trang nào trong vùng Dallas-Fort Worth. Tôi muốn tiễn đưa Thầy lần cuối cùng và thắp cho Thầy một nén hương cảm ơn công ơn dạy dỗ của Thầy.

Nguyện ước không thành, không biết tìm Thầy nơi đâu. Xin cầu nguyện Hương Linh Thầy Nguyễn Đăng Liên sớm siêu thoát nơi cảnh giới an lạc.

Nam Mô A Di Đà Phật

Previous
Previous

Garland cuối năm buồn hơn vui

Next
Next

Buổi ăn trưa ngắn – tâm tình dài trong Chương Trình Tiếp Cận Cộng Đồng với các giới chức thành phố Garland